1 vấn đề nhưng dưới góc nhìn của người lớn và trẻ con khác nhau ntn?

  1. Xã hội

  2. Tâm lý học

Khi một đứa trẻ cảm thấy cuộc sống thật của nó không còn là nơi an toàn của nó nữa thì nó sẽ phải tìm một thế giới khác để giải toả, giải thoát. Có thể những vấn đề trong cuộc sống của nó không tới nỗi nghiêm trọng đến mức như thế, nhưng đừng quên rằng, nó là một “đứa trẻ”. Đối với một đứa trẻ thì sân trường tiểu học rộng mênh mông, đủ chạy nhảy đá bóng mệt nghỉ cả ngày. Nhưng khi nó lớn lên thì “không hiểu sao sân trường bé hơn so với ký ức” của mình. Bởi vì đối với 1 đứa trẻ con thì những vấn đề của người lớn đều được nhân lên gấp trăm ngàn lần. Một người lớn ngã sứt chân có thể không thấy quá đau và không kêu ca, nhưng bạn đã bao giờ nghe tiếng thét xé trời xanh của một đứa bé bị ngã sứt chân chưa?

Với những chấn thương tinh thần cũng vậy thôi. Không phải chỉ vì mình đã vượt qua được những trải nghiệm đau đớn về tâm lý lúc còn nhỏ để lớn lên, không có nghĩa là con mình cũng có cùng cái ngưỡng chịu đựng giống như mình. Những điều mà người lớn cho là “làm gì đến nỗi”, “cứ làm quá, nói quá lên”, thì đối với đứa trẻ, rất có thể đó là giới hạn của sự chịu đựng. Với đứa trẻ bình thường đã thế, với đứa trẻ có dấu hiệu của trầm cảm (depression), thì lại càng nhạy cảm hơn, và nguy cơ “đứt dây đàn” càng cao hơn. (Trầm cảm - depression ko nhất thiết là cứ phải buồn rầu im lặng, những người có vẻ ngoài vui vẻ, hài hước, hướng ngoại cũng có thể được chẩn đoán trầm cảm).

Khi đứa trẻ đã dành thời gian viết ra một bức thư, và bảo bố mình đọc nó, là bởi vì nó đã dành ra cái khoản thời gian viết lách đó để giãi bày nó ra thành lời, để nó đẩy lùi cái quyết định đó lại, để nó tự thay đổi suy nghĩ của bản thân mình. Vì chẳng có ai muốn chết cả, nhất là khi đó là quyết định của chính bản thân mình. Thế có nghĩa là đó không phải quyết định “bồng bột”, “nhất thời” của một đứa trẻ thiếu suy nghĩ. Nó đã nghĩ đủ nhiều về chuyện đó rồi, nó chỉ chưa làm thôi. Tâm lý của nó đã đến cái giai đoạn nhạy cảm nhất, căng nhất rồi và hoàn toàn có thể đứt bất cứ lúc nào rồi. Và chỉ cần 1 từ thôi, 1 lời nói tưởng chừng vô hại, vô tâm thôi, “làm gì đến nỗi”, cũng đủ để làm giọt nước tràn ly. Vì nó như một sự khẳng định, ít nhất trong cái tâm hồn đã đủ tổn thương của nó, rằng cái thế giới thật mà nó đang sống không còn gì để níu kéo nữa. Rằng người ta không thực sự “quan tâm” đến nó. Ở đây không nói “quan tâm” theo nghĩa đen bề nổi, mà là “quan tâm” đến suy nghĩ của nó, cảm xúc của nó, trải nghiệm của nó. Người ta chỉ quan tâm đến nó như một chủ thể vật lý tồn tại trên đời chứ không như một con người có đầy đủ những sự phức tạp và rối rắm trong tâm hồn.

Đúng, “bố mẹ nào mà chẳng thương con”, đây là sự thật khách quan không thể chối cãi. Không có bố mẹ nào cố tình tra tấn tinh thần con mình bằng lời lẽ độc ác vì muốn làm cho con mình cảm thấy khốn nạn và khổ sở cả. Nhưng nếu cái sự “thương” đó không được thể hiện bằng hành động, bằng lời nói, bằng sự quan tâm (đến tâm hồn của con), mà lại bằng quát mắng chửi bới, trì chiết, đay nghiến, thì nó vô nghĩa. Bởi vì tình yêu mà chỉ tồn tại trong suy nghĩ thì không có tác dụng gì cả, vì không có ai đọc được suy nghĩ của người khác hết, nhưng lời nói thì trực tiếp tạo thành sang chấn tâm lý không bao giờ lành lại được. Có thể chúng ta đã vượt qua được một cái ngưỡng nhất định để có thể lớn lên, lành lặn và nhìn lại để nhận ra rằng bố mẹ vẫn luôn yêu mình, nhưng bộ não của chúng ta không giống nhau. Ngưỡng của bạn chưa chắc đã giống ngưỡng của tôi. Bạn chịu được đến năm bạn 30 tuổi, nhưng có những đứa trẻ chỉ chịu được đến 15 là đã hết giới hạn rồi. Người lớn thì đã từng là trẻ con, nhưng trẻ con đã bao giờ làm người lớn đâu mà “hiểu cho bố cho mẹ”?

Với một đứa trẻ thì để thoát khỏi thế giới này, nó tìm đếm thế giới bên kia, vì trong khả năng tâm lý của nó chỉ có thể xoa dịu được những chấn thương của nó bằng lựa chọn duy nhất đó. Nhưng những đứa trẻ khác, chúng có thể đã chọn thế giới ở trong tiểu thuyết, trong game, trong truyện tranh, hoạt hình, phim ảnh, sách vở, thể thao, âm nhạc, vân vân. Hoặc tệ hơn, thế giới của ma tuý, của băng đảng, của nổi loạn. Vì ở những thế giới đó chúng cảm thấy hạnh phúc, được giải thoát, được tự do, được nuôi dưỡng, hoặc chỉ đơn giản là nó không phải là thế giới này, để chúng đủ sức mạnh tinh thần để chống chọi với thế giới này.

Nói đến đây thì mình lại nhớ lại phim Inside Out của Pixar, thực sự là một bộ phim diễn đạt một cách chính xác, tinh tế nhất những điều lộn xộn, phức tạp và hoang mang của một đứa trẻ đang lớn và cách nó tiếp nhận những điều tưởng như “vớ vẩn” trong cuộc sống rồi khuếch đại nó lên hàng trăm lần như thế nào.

CRE: Hà Huy Hoàng trong album Viết Linh Tinh (facebook)

1 bài viết đã nói lên nỗi lòng của những đứa trẻ vô tình bị chạm tới sự giới hạn chưa từng lên tiếng...

Từ khóa: 

xã hội

,

tâm lý học

Hay quá, ban đầu tôi tưởng bạn có vấn đề cần giải đáp, đọc xong mới giống dạng bài viết, sao bạn không thử tạo bài viết trên đây, tôi chắc rằng điều đó sẽ khiến thông tin của bạn dễ nổi bật hơn câu hỏi.

Trả lời

Hay quá, ban đầu tôi tưởng bạn có vấn đề cần giải đáp, đọc xong mới giống dạng bài viết, sao bạn không thử tạo bài viết trên đây, tôi chắc rằng điều đó sẽ khiến thông tin của bạn dễ nổi bật hơn câu hỏi.

Đúng là tùy đối tượng mà sẽ có những cách nhìn khác nhau về vấn đề. Trẻ con thường có xu hướng nhìn nhận sự việc theo hướng đơn giản hơn, nhưng người lớn lại thường hay khiến vấn đề trở nên phức tạp, hỗn loạn.

Đôi khi cũng vì môi trường sống và áp lực mà mỗi người phải chọn khác nhau. Có những đứa trẻ mặc dù còn rất nhỏ nhưng vì phải theo cha mẹ mưu sinh, kiếm sống từ bé nên đã phải trải đời sớm hơn, cũng mất đi sự ngây thơ, vô tư vốn có.

Và cũng có những người lớn vì được sống an nhàn quá lâu mà luôn cảm thấy mọi vấn đề là đơn giản, dễ giải quyết.

Bài viết hay, cảm ơn bạn đã chia sẻ. Nó khiến mỗi người chúng ta phải nhìn lại và vỡ ra nhiều thứ^^