12 Angry Men (1957) và nghệ thuật của sự tối giản

  1. Nghệ thuật

  2. Phim ảnh

  3. Luật pháp

Nhân dịp xem lại 12 Angry Men (1957) lần thứ bao nhiêu tôi cũng không nhớ rõ, tôi đăng lại một bài viết về phim trên blog cá nhân

Lena et Films
từ lâu.

Ở thế kỷ mà người ta luôn đặt sự nghe và nhìn phải song hành phải với nhau, sự mãn nhãn luôn là yếu tố đầu tiên hút người xem đến rạp, công thức là điều kiện tiên quyết để ăn tiền khán giả, và dường như mọi người đều quá mất kiên nhẫn để nói chuyện với nhau, thì tôi lại càng thấy cần phải tìm về những thứ nguyên bản nhiều hơn, để cân bằng thôi chứ không phải để làm mình khác biệt gì. Khi xem quá nhiều phim siêu anh hùng hay phim hành động, lãng mạn hiện đại, thì những bộ phim từ thuở điện ảnh sơ khởi lại là thứ cân bằng hoàn hảo cho chính mình.

Tính đến giờ, tôi xem 12 Angry Men (1957) trên dưới hai chục lần, và lần nào cũng thấy sung sướng và xúc động trước tính nguyên bản của nó và sức mạnh của sự đối thoại trong phim. Với tôi, 12 Angry Men (1957) luôn là đỉnh cao của sự tối giản, không đạo cụ, không kỹ xảo, tất cả diễn viên từ chính đến phụ đều tập hợp trong một căn phòng, thế nhưng, chính sự tối giản về không gian đó lại làm nổi bật lên biểu cảm và sự sắc sảo trong tư duy của chính nhân vật. Và có ba điều ở 12 Angry Men (1957) khiến cho tôi cảm nhận sâu sắc về vẻ đẹp của sự tối giản ấy.

https://cdn.noron.vn/2021/12/14/2072243-1639493150.jpg

Thứ nhất, cốt truyện. 12 Angry Men (1957) không tập trung vào xây dựng độ rộng của cốt truyện với nhiều tuyến nhân vật và sự kiện chồng chéo nhau, mà lại lựa chọn đi sâu vào câu chuyện. 12 vị bồi thẩm trong 12 Angry Men (1957) được tập hợp lại với nhau để cùng ra quyết định về bản án cho chàng trai trẻ đang đối mặt với cáo buộc giết cha. 12 người đàn ông cần ngồi lại để trả lời một câu hỏi duy nhất “Có tội hay không có tội?” sau khi đã ngồi dự phiên tòa và nghe cũng như thấy tất cả bằng chứng. 11 người biểu quyết có tội, 1 người còn lại biểu quyết vô tội, quyết định của vị bồi thẩm số 8 khiến cho 11 vị bồi thẩm còn lại không thể tin và không thể hiểu được. Ai mà nghĩ được là từ một câu hỏi như vậy, Sidney Lumet lại có thể làm nên một xuất phẩm khiến cho người xem nhớ mãi về trách nhiệm, lương tâm, tính chính trực, và tinh thần dân chủ. Nếu đóng vai là một vị bồi thẩm, khi nghe xong tất cả các bằng chứng có vẻ thuyết phục trước tòa, thì có vẻ như sẽ rất dễ để ra quyết định “có tội” hay “không có tội”. Nhưng vị bồi thẩm số 8 lại ngưng lại trước quyết định của mình, bởi vì sự nghi ngờ còn vướng bận trong lòng không có phép anh ra một quyết định thiếu trách nhiệm, về nguyên tắc, khi anh còn nghi ngờ khả năng phạm tội của bị cáo thì anh không thể nào cho rằng bị cáo có tội. Một lá phiếu của anh khi này không còn là câu chuyện đơn giản là anh viết “có” hay “không” vào tờ giấy đó, mà là việc anh đang quyết định sinh mạng của một con người. Như khi vị bồi thẩm số 3 nói rằng:

“Anh đang nói đến từng giây! Không ai có thể chính xác đến mức ấy”.

Và vị bồi thẩm số 8 đáp trả:

“Tôi cho rằng lời làm chứng có thể đưa một cậu bé lên ghế điện thì nhất thiết phải chính xác đến mức đó”.

Đó không chỉ đơn thuần là lương tâm, mà là trách nhiệm của một người đang thực hiện phận sự của mình hết lòng và bất vụ lợi. Cốt truyện của 12 Angry Men (1957) được xây dựng dựa trên câu hỏi nối tiếp câu hỏi, những chất vấn mang tính lật đi lật lại vấn đề và xuyên thấu đến từng ngóc ngách của vấn đề khiến người ta phải giật mình trước cả những niềm tin và suy nghĩ của chính mình. Chiều sâu của cốt truyện trong 12 Angry Men (1957) khiến cho người xem có cảm giác như mình không đơn giản là đang xem sự chất vấn qua lại của 12 vị bồi thẩm mà còn là sự chất vấn của chính nhà làm phim với mỗi khán giả, cũng thấy sự chất vấn của chính mình với chính mình.

https://cdn.noron.vn/2021/12/14/585acb076829a4c17e4c4c64663cb2ba-1639493226.jpg

Thứ hai, sự tối giản của không gian. Việc tối giản hết mức không gian và các đạo cụ khiến cho quay phim dễ dàng phô diễn các góc máy của họ hơn, khiến cho mỗi góc máy phải thật sắc sảo và tập trung cao độ vào cảm xúc nhân vật, sự kết nối của mỗi nhân vật với nhau, ngoài ra cũng tạo không gian cho việc đối thoại hơn là phần hình ảnh.

https://cdn.noron.vn/2021/12/14/maxresdefault-1639493256.jpg

Thứ ba, các góc máy không đa dạng nhưng đầy tính biểu đạt. Góc máy thấp ở đoạn đầu phim trong phòng xử án cho thấy sự nghiêm cẩn của tòa án và hình ảnh của một tòa án kiểu mẫu trong hệ thống dân chủ, cũng cho thấy sự ngột ngạt của một phiên tòa đang xét xử một vụ giết người.

https://cdn.noron.vn/2021/12/14/12-angry-men-13-1639493277.jpg

Góc máy chuyển sang góc cao khi bồi thẩm đoàn vào phòng nghị án, cho thấy độ rộng của căn phòng, tuy nhiên, ở phần đầu phim cũng đã nói rằng đó là một ngày cực kỳ nóng bức mà góc máy trên cao khi lia toàn bộ căn phòng thì sẽ thấy căn phòng không có điều hòa và chỉ có chiếc quạt máy chạy uể oải. Bầu không khí cũng vì thế mà trở nên ức chế và khó chịu hơn, báo hiệu cuộc tranh luận sắp tới sẽ chẳng hề nhanh gọn và dễ chịu chút nào. Ngoài ra, góc máy bao quát khắp phòng cũng bao quát toàn bộ 12 vị bồi thẩm, mỗi người đều ngồi vị trí theo số thứ tự của mình, riêng vị bồi thẩm thứ 8 là mặc vest sáng màu trong khi các vị bồi thẩm còn lại mặc đồ tối màu, sự khác biệt từ mặt hình thức hóa ra chính là để ám chỉ rằng vị bồi thẩm số 8 là người duy nhất bỏ lá phiếu “vô tội” cho chàng trai ngoài kia.

https://cdn.noron.vn/2021/12/14/current1534073medium-1639493296.jpg

12 Angry Men (1957) sử dụng một lượng kha khá các góc cận để bắt được từng biểu cảm và tâm lý của nhân vật, từ không thuyết phục đến khi bị thuyết phục.

https://cdn.noron.vn/2021/12/14/cobb-e1488575977310-1639493308.jpghttps://cdn.noron.vn/2021/12/14/12angrymenjuror8-1639493313.jpghttps://cdn.noron.vn/2021/12/14/unnamed-1639493321.jpg

Cảnh phim cuối cùng cũng là góc toàn cảnh duy nhất trong phim là sau khi cả 12 vị bồi thẩm đã thống nhất “vô tội”, vị bồi thẩm số 8 bước ra khỏi tòa và lần đầu tiên khán giả được biết tên 2 trong số 12 vị bồi thẩm, khi vị số 8 và số 9 giới thiệu với nhau rằng tên của họ là Davis và McCardle. Ngoài các cảnh cận trong phim thì tôi thích cảnh này nhất, góc máy rộng cho thấy bầu trời và không khí sau cơn mưa rào trong một ngày nắng nóng nực nội, thật là dễ chịu và mát mẻ, giống như tâm trạng của vị bồi thẩm sau phiên tranh luận đầy áp lực vừa rồi. Đồng thời, góc máy rộng nhưng lùi về sau và hình ảnh của vị bồi thẩm càng lúc càng nhỏ bé khiến cho ta không khỏi liên tưởng đến chính bản thân mình trong đời sống này, giữa cuộc đời mênh mang của chúng ta, thực sự ta có cần phải là một ai đó, trở thành một ai đó để làm được những điều phi thường hay không, hay khi làm được những điều khiến lương tâm ta yên ổn, liệu ta có cần chỉ mặt xưng tên với người hay không. Giữa cuộc đời rộng lớn này, thực sự chẳng phải ai cũng có cơ hội để làm được một điều vĩ đại hay ghi tên vào sử sách, nhưng điều đó không thể ngăn cản ta sống tốt với lương tâm trong sạch, với việc làm tốt nhất trong phận sự của mình, để rồi lại có thể thanh thản mà quay trở về với cuộc đời nhỏ bé của mình và tiếp tục sống thật tử tế, thật trong sạch.

Từ khóa: 

điện ảnh

,

chính kịch

,

phim kinh điển

,

nghệ thuật

,

phim ảnh

,

luật pháp

Kiệt tác xem tới lần thứ 4 rồi vẫn muốn xem tiếp. Bác thẩm phán già nhất cuối phim có mấy câu nói nghe thấm thực sự.
Trả lời
Kiệt tác xem tới lần thứ 4 rồi vẫn muốn xem tiếp. Bác thẩm phán già nhất cuối phim có mấy câu nói nghe thấm thực sự.

Chỉ trong một căn phòng mà thể hiện được nhiều góc độ của tâm lý con người, vấn đề xã hội và nền tư pháp của Mỹ lúc đó. Phim rất rất hay. Một bộ phim khác cũng gói gọn trong 1 căn phòng cũng hay không kém là The Man From Earth, mng nên xem thử

Hay đỉnh cao luôn ấy, mình là một đứa không thích phim ảnh lắm mà xem bộ này không thể rời mắt luôn