8 nguyên tắc bạn cần ghi nhớ khi đi lễ chùa đầu năm

  1. Văn hóa

Một năm mới lại bắt đầu, và người người nhà nhà đã và đang đổ xô đi lễ chùa cầu may cầu duyên đầu năm. Nhưng bạn có biết rằng, bản thân việc đi lễ chùa cũng có những nguyên tắc nhất định mà bạn cần tuân theo? Sau đây là 8 nguyên tắc quan trọng mình đã tổng hợp lại mà người đi lễ chùa, bất kể là vào dịp nào, cũng nên tuân theo:

di-chua-dau-nam

(Nguồn: huonganvien.vn).

Trước khi hành lễ

1) Tiếng tăm của ngôi chùa là không quan trọng

Có lẽ bước đầu tiên của việc đi lễ chùa chính là lựa chọn địa điểm một ngôi chùa nào đó mà chúng ta thực sự muốn đi. Điều này nghe sẽ có vẻ khó hiểu, nhưng chúng ta không nên lựa chọn chùa theo tiêu chí 'có linh thiêng' hay không. Bởi lẽ theo các sư thầy, thì linh thiêng hay không tùy thuộc vào tâm chân thành của người cầu nguyện.

chua-chien

(Không quan trọng chùa lớn hay nhỏ, quan trọng là tâm của người đi chùa. Nguồn: m.baomoi.com).

2) Trang phục chỉnh tề, trang trọng

Đền, chùa là chốn trang nghiêm. Vì thế, người đi lễ chùa cần phải biết cách thể hiện sự tôn trọng của mình với các bậc thánh thần, trước hết là qua trang phục. Khi đi lễ chùa, tốt nhất là chúng ta nên tránh các trang phục như áo sát nách, quần lửng cùng các loại hình 'thời trang mát mẻ' khác. Những trang phục có màu sắc quá sặc sỡ (đỏ, cam, xanh chuối...) chúng ta cũng nên tránh. Các loại trang phục quá trang nghiêm như sơ mi, áo vest...cũng không cần thiết. Chỉ cần lịch sự là được.

3) Sắm sửa lễ vật: ưu tiên đồ chay

Người đi chùa nên chuẩn bị các loại lễ vật chay như hương (nhang), hoa quả, bánh oản (bánh in - gần giống một loại bánh nếp, bánh đậu xanh), xôi, chè...Chốn chùa linh thiêng, chúng ta cần hạn chế sử dụng đồ mặn làm lễ, nhằm tránh mang theo oán niệm từ các sinh linh động vật bị giết hại.

di-le-chua

(Nên cúng đồ chay, tránh đồ mặn. Nguồn: dienmayxanh.com).

Trong khi hành lễ

1) Đi qua tam quan đúng thứ tự

Đối với các ngôi chùa có cửa tam quan (3 cửa xếp cạnh nhau, với ô cửa lớn nhất ở giữa), thì chúng ta nên bước vào qua cửa Giả Quan (tức cửa bên phải) và bước ra qua cửa Không Quan (tức cửa bên trái). Cửa Trung Quan (ở giữa) chỉ dành cho các bậc cao tăng, khoa bảng, Thiên tử; người bình thường nên tránh bước qua cửa này.

tho-cung-tin-nguong

(Cửa tam quan trong một ngôi chùa. Nguồn: giacngo.vn).

2) Lễ ban phải đúng thứ tự

Sau khi bước qua cửa chùa, chúng ta nên hành lễ theo thứ tự từ gian bên trái của chùa trước tiên, sau đó đến các gian ở giữa rồi đến các gian bên phải, đúng một vòng chùa. Thứ tự này tượng trưng cho đạo lý thuận lẽ tự nhiên (chiều kim đồng hồ) trong Phật Giáo.

Ngoài ra, rất nhiều các ngôi chùa tại Việt Nam không chỉ thờ Phật, mà còn thờ các vị nhân thần khác, ví dụ như các vị thánh trong đạo Mẫu. Khi lễ ban ở các ngôi chùa như vậy, chúng ta nên hành lễ trước các bức tượng Phật tổ và Tam bảo ('3 ngôi báu': tức Phật - bậc giác ngộ, Phật pháp và tăng lữ - người đồng tu) trước, sau đó mới hành lễ trước các vị thánh của các tín ngưỡng khác.

tam-bao

(Tượng Tam bảo trong chùa. Nguồn: 'Vườn hoa phật giáo').

3) Vị trí đứng khi hành lễ

Trong khi hành lễ, thắp hương, chúng ta cần lưu ý không đứng ngay chính giữa điện, ngay trước tượng Phật hoặc Tam bảo, mà nên đứng chếch sang một bên. Việc này cũng thể hiện sự tôn kính của người hành lễ đối với Phật tổ và các vị thánh thần.

4) Tâm từ bi, vì mọi người, không vì bản thân

Đây là một trong những điều mà ít ai lưu ý thực hiện. Khi thắp hương cầu nguyện, tốt nhất là chúng ta nên cầu bình an cho toàn bộ chúng sinh, không chỉ cho riêng bản thân hoặc gia đình mình. Bởi lẽ Phật Giáo luôn đề cao tâm từ bi của người học, nên không chỉ khi đến hành lễ trong chùa mà ngay cả trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cũng cần phải thực hành nó, ngay cả trong tư tưởng, suy nghĩ.

le-chua-dau-nam

(Nguồn: dichvudocung.vn).

Sau khi hành lễ

Cuối cùng, sau khi hành lễ, chúng ta cần lưu ý bỏ tiền và lễ vật tại khu vực hòm công đức (tiền bỏ vào trong hòm). Cần tránh bỏ tiền tại hương án ở chính điện, khiến cho cảnh quan trong chùa trở nên bừa bộn và dung tục.


Nguồn tham khảo:

'Những nguyên tắc vàng cần biết khi đi lễ chùa đầu năm' - toquoc.vn (2017).

'6 nguyên tắc "vàng" phải nằm lòng khi đi lễ chùa' - Lịch Như Ý blog (2017).

'Những nguyên tắc cơ bản khi đi lễ chùa' - vietnamnet.vn (2015).

Từ khóa: 

đi lễ chùa

,

đi chùa đầu năm

,

lễ chùa đầu năm

,

thờ cúng tín ngưỡng

,

tam bảo

,

văn hóa