Amour - Đơn giản là tình yêu

  1. Phim ảnh

Mỗi ngày, mình đều tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu đến một ngày nào đó, mình bỗng dưng già đi, cỡ 80 tuổi chẳng hạn, và không có ai bên cạnh. Và rồi mình đã bất chợt rùng mình, sợ hãi, nỗi sợ còn mạnh hơn cả nỗi sợ về cái chết. Trước đây mình vốn rất sợ chết, và cho đến bây giờ nỗi sợ ấy vẫn còn nguyên, nhưng trước khi chết, mình cảm thấy rằng nên sợ tuổi già thì hơn, và có vẻ thực tế hơn, nhất là khi mình “còn cơ hội” được già đi.

Cho đến khi mình xem Amour – Đơn giản là tình yêu, thì nỗi sợ hãi tuổi già và bệnh tật càng trở nên rõ rệt, nhất là cảm giác vừa muốn có ai đó bên cạnh, lại vừa không. Không muốn vì một lý do đơn giản, ấy là “Tại sao phải khiến chính bản thân mình và người bên cạnh mình chịu đựng hình phạt ấy? Nhất là khi cả hai cùng già như nhau, và (có thể) không khỏe mạnh như nhau?”.



Amour – Đơn giản là tình yêu cho mình biết được rằng đôi khi tưởng tượng và thực tế rất ít khi có điểm chung. Trước đó mình có thể tưởng tượng ra bao nhiêu là thứ, rằng đến khi có bất cứ một chuyện gì đó xảy ra thì mình sẽ làm gì, đối mặt như thế nào, và mình vui vẻ chấp nhận ra sao… nhưng khi nó thực sự diễn ra, thì lúc đó mọi việc bỗng trở nên… hoàn toàn khác, theo kiểu không giống như mình tưởng tượng.



Và Amour cũng cho mình biết, đôi khi một con quỷ lại tốt bụng đến nhường nào. 

Ấy là khi về già, người vợ mới cho ông chồng già của mình biết suy nghĩ của bà về ông, rằng hình tượng của ông trong mắt bà chẳng khác nào một “con quỷ”, nhưng là một con quỷ tốt bụng đến vô cùng.



Và ai bảo rằng già thì lú lẫn (mặc dù đôi lúc có như thế thật) và không hài hước (mặc dù có thể đấy là cái hài hước buồn ơi là sầu)?

Cảm giác muốn biết đám tang của mình sẽ diễn ra như thế nào thật khiến con người ta bồn chồn và đứng ngồi không yên, mặc dù rằng lúc nào trong đầu cũng suy nghĩ “mình không dễ dàng chết đến vậy đâu”, hay “mình không chết ngay đâu mà lo”… Hay như mặc dù có những lúc mình biết rất rõ, rằng chỉ khi ta trẻ ta mới nhìn nhận mọi việc trông có vẻ khủng khiếp, chứ đến khi ta già thì lại rất bình thường (trong khi sự thật không bình thường một chút nào).

Một người già mà bị bệnh, thậm chí là bệnh sắp chết, và biết rằng mình rồi sẽ chết không sớm thì muộn (hoặc theo kiểu thà chết còn hơn), thường sẽ ngày càng trở nên giống như một đứa trẻ bơ vơ. Mọi chuyện rồi sẽ vẫn xảy ra như nó phải thế, chỉ có điều là nó ngày càng tồi tệ hơn, cho đến một ngày nào đó, nó sẽ kết thúc. Chỉ có điều là khi kết thúc, người chết đi rồi thì sẽ mãi mãi không có cách nào để biết được đám tang của mình diễn ra như thế nào, dù thực tế đó là một đám tang đầy hương thơm hoa cỏ (theo cách nghĩ đơn giản nhất) đi chăng nữa…



Ước gì khi về già, khi không còn khả năng đọc sách hay đọc bất cứ một cái gì khác, cũng như không còn biết được chuyện gì đang vẫn tiếp tục diễn ra ngoài kia, có một người nào đó sẵn sàng ngồi kể chuyện cho mình nghe hàng giờ, cho đến khi mình “ngủ” thì thôi. Thậm chí là khi mình đã “ngủ” rồi, vẫn viết thư cho mình “đọc” hàng ngày. Một người nào đó đó, và nếu là người tồn tại trong suy nghĩ của mình thì càng tốt.

Từ khóa: 

amour

,

phim kinh điển

,

tình yêu

,

phim ảnh