Bạn đã nghe hiểu đúng cách chưa? - Phát triển phản xạ trong Listening

  1. Ngoại ngữ

Nếu bạn đã từng cố gắng nghe rất nhiều những video âm nhạc, phim với mong muốn cải thiện kí năng nghe Tiếng Anh của mình nhưng chưa thấy hiệu quả. Các bạn có thể thử và học phương pháp mà mình giới thiệu sau đây nhé!

Trước tiên mình muốn nhấn mạnh đó là phương pháp này mình đã áp dụng và có hiệu quả trong việc NGHE HIỂU, và mình phát hiện ra “Nguyên lý” của nó mà hầu như chúng ta ai ai đã từng đi học đều đã nghe qua.

Trong cuốn sinh học lớp 8, có một bài nói về Phản xạ có điều kiện và phản xạ không điều kiện. Phản xạ không điều kiện như là chạm tay vào nước nóng, rụt tay ngay lại hay trời nắng nóng thì cơ thể toát mồ hôi. Đây là những phản xạ bản năng, có thể nói đó một phần di truyền, có sẵn.

Phản xạ thứ 2 mà mình muốn áp dụng ở đây đó là phản xạ có điều kiện tức là liên quan đến nhận thức, thông qua HỌC TẬP mà có được.

Có phải bạn đang thắc mắc vậy tại sao mình lại nhắc tới phản xạ có điều khiện và không điều kiện trong việc luyện nghe hiểu đúng không! Mình sẽ lấy ví dụ trong 1 bài thi IELTS, những người giỏi Reading và Writing cần sự tỉ mỉ, chắc chắn, trong khi những bạn giỏi Listening và Speaking đòi hỏi bạn phải có sự PHẢN XẠ nhanh.

Không giống như đọc hiểu (Reading) chúng ta có thể tra cứu lại các câu hỏi nếu bị bỏ lỡ, nhưng khi nghe hiểu (Listening) chúng ta chỉ được nghe 1 lần duy nhất, tức là nghe theo thời gian THỰC, không được tua lại. Và điều này bản chất đang kiểm tra khả năng PHẢN XẠ của người học ngoại ngữ. Khi nói cũng vậy, không ai giao tiếp hay mà lại phải mất vài giây sau khi người đối diện nói mới đáp lại cả, hay nói cách khác đó là chúng ta cần phải vừa suy nghĩ nghe hiểu người ta nói gì, vừa phải nghĩ cách chúng ta trả lời câu hỏi đó.

Qua đây, mình đã nêu được bản chất của nghe hiểu và nói tốt đó chính là chúng ta phải có sự phản xạ tốt. Và ở đây đó chính là việc phát triển PHẢN XẠ CÓ ĐIỀU KIỆN thông qua học tập, rèn luyện.

https://cdn.noron.vn/2022/05/08/8466062333491629-1652019399.jpg

Mình sẽ không nói quá nhiều về định nghĩa cũng như độ tin cậy của nó. Bạn có thể nghiên cứu trên các trang báo hoặc SGK Sinh học 8. Trong bài viết này mình sẽ chỉ tóm tắt lại những đặc điểm nổi bật của loại phản xạ này từ đó ứng dụng trong việc luyện nghe ngoại ngữ của chúng ta.

Trong hình ảnh trên đó là con chó được trải qua 4 giai đoạn: Từ lúc bật đèn, nhưng không tiết nước bọt cho đến khi trải qua quá trình hình thành phản xạ, tuyến nước bọt tiết ra mặc dù không được cho ăn.

Con chó cũng là một động vật bậc cao, giống con người chúng ta. Và đây là một ví dụ tương tự như cách chúng ta hình thành phản xạ trong việc tăng khả năng nghe hiểu.

Từ hình ảnh minh họa, mình sẽ thay như sau để cho mọi người dễ hiểu hơn:

Cái đèn = Nguồn nghe Tiếng Anh ( video, âm nhạc, file luyện nghe)

Thức ăn = Những câu hỏi test khả năng nghe trong các đề của kì thi

Tuyến nước bọt = Khả năng phản xạ trong việc luyện nghe của chúng ta

Phản xạ có điều kiện dễ mất đi nếu không được củng cố thường xuyên.
Trình độ nghe hiểu của bạn có thể dễ mất đi nếu không nghe thường xuyên

Phản xạ có điều kiện là loại phản xạ không có cung phản xạ cố định vĩnh viễn, muốn gây được phản xạ phải có những điều kiện nhất định.

Muốn luyện nghe cần phải có những điều kiện nhất định như là môi trường (như phim, bài hát, file nghe) và sự chăm chỉ của bạn

Điều kiện thứ nhất: Chọn kích thích, phải có sự phối hợp giữa kích thích trung tính và kích thích không điều kiện.

Điều kiện 1: Chọn những băng nghe phù hợp với trình độ của bạn, theo các nhà nghiên cứu, nên chọn những nội dung mà bạn có thể nghe hiểu được 80% trở lên. Và đó là sự phối hợp giữa việc nghe thụ động và cả nghe chủ động.

Điều kiện thứ hai: Tác động của kích thích có điều kiện phải xảy ra trước kích thích không điều kiện, trong ví dụ trên ánh sáng phải xảy ra trước sau đó mới cho vật thí nghiệm ăn. Thời gian giữa hai kích thích phải hợp lý.

Điều kiện 2: Bạn phải xác định mình đang nghe cái gì hay mục tiêu là tăng khả năng nghe chứ không phải để giải trí cho vui.

Điều kiện thứ ba: Là cơ thể phải ở trong tình trạng tỉnh táo, các trung tâm tương ứng của phản xạ phải có tính hưng phấn cao. Trạng thái hoạt động của vỏ não là điều kiện quan trọng để xây dựng các phản xạ có điều kiện ở con người, kể cả việc tập luyện các kỹ năng kỷ xảo và các động tác thể thao.

Việc tập trung trong luyện nghe có chủ đích rất quan trọng. Nên nhớ các bài kiểm tra nghe hầu như chỉ được nghe băng chạy 1 lần mà thôi!

Điều kiện thứ tư: Là tránh kích thích không cần thiết để có thể gây những phản xạ không được dự định, các kích thích gây nhiễu như nói chuyện, tiếng ồn, nóng, lạnh… ảnh hưởng xấu tới việc hình thành phản xạ có điều kiện. Ví dụ: Đang gõ nhịp thì có tiếng động mạnh.

Điều kiện 4: Tốt hơn hết đó là bạn nên chọn 1 không gian yên tĩnh, không nên bị xao lãng bởi các tác nhân bên ngoài như là điện thoại, hay tiếng ồn xung quanh.

Cơ chế hình thành phản xạ có điều kiện là sự hình thành đường dây liên hệ tạm thời giữa các trung tâm của kích thích không điều kiện và có điều kiện trên vỏ não.

Luyện nghe cần phải lặp đi lặp lại, không nhất thiết phải nghe nhiều nội dung khác nhau, mà bạn nên tập trung vào 1 nội dung và hiểu nó 100% bằng cách nghe nhiều lần để củng cố liên kết trong vỏ não của mình.

Hình ảnh phản xạ có điều kiện được minh họa bằng 4 quá trình cho chó ăn

Việc luyện nghe có thể thực hiện qua 4 bước

Hình 1: Bật đèn, chưa cho chó ăn

Khi bắt đầu làm bài nghe, hãy thử tập trung nghe toàn bộ nội dung bài nghe thật kĩ, và không mở những câu hỏi hay cố gắng bắt keyword trong bài.

Hình 2: Cho chó ăn

Bước 2: Đọc hiểu và chắc chắn bạn hiểu hết tất cả các câu hỏi

Hình 3: Bật đèn rồi cho chó ăn nhiều lần, ánh sáng trở thành tín hiệu của thức ăn

Bước 3: Làm bài nghe, kiểm tra đáp án, và xem transcript xem mình đã sai ở đâu, không nghe được chỗ nào và đảm bảo nội dung bạn có thể nghe được hết. Bước này là bước quan trọng nhất!

Hình 4: Phản xạ có điều kiện tiết nước bọt với ánh đèn đã dược thiết lập

Bước 4: Bây giờ hãy bật lại băng nghe 1 lần nữa, và đến bước này, mình tin chắc bạn cũng nhớ luôn tất cả những câu hỏi trong bài rồi. Nhưng nên nhớ sự hình ảnh các liên kết trong vỏ não của bạn chỉ là tạm thời, Phản xạ lúc này của bạn đã được hình ảnh, nhưng bạn cần phải LẶP ĐI LẶP LẠI, Chăm chỉ nghe lại nhiều lần!

Từ khóa: 

ngoại ngữ