Bạn hiểu gì về "cơ chế tự vệ" của sự mặc cảm?

  1. Tâm lý học

Có thể nói trong chúng ta không ai là chưa từng nếm trải cảm giác thất vọng, chán nản vì bản thân mình, vì con người, vì cuộc sống. Nhưng ở nhiều người, cảm giác này mạnh mẽ đến nỗi nó phát triển thành sự mặc cảm.

Về mặt định nghĩa, khái niệm "sự mặc cảm" có thể được hiểu như sau:

  • Cảm giác khó chịu dai dẳng và không giải quyết được khi thấy mình không được như những người xung quanh. Hoặc khi cảm thấy cuộc sống này không bao giờ diễn ra như ý muốn của bản thân, mà lại không có bất cứ hướng giải quyết nào, dẫn đến tâm lý chán chường, uể oải, tự thu mình.

Vậy, thế nào là "cơ chế tự vệ" của sự mặc cảm?

Bạn đã bao giờ nghe người ta nói rằng, khi càng trở nên mạnh mẽ, chúng ta lại càng tỏ ra hiền lành, vô hại? Và ngược lại, phàm những kẻ yếu đuối, dễ tổn thương, lại thường thích khoác lên mình lốt con voi, con cọp? Hay theo ngôn ngữ phổ thông là "những đứa ngu thường tỏ ra nguy hiểm".

Có lẽ đó là cách thức hoạt động của tâm lý con người: chúng ta thiếu thốn thứ gì, lại càng tỏ ra là mình đầy ắp những thứ ấy.

mac-cam

(nguồn ảnh: Google Plus)

Các "cơ chế tự vệ" khác nhau của sự mặc cảm

Những người mặc cảm thường có những khuynh hướng tâm lý như sau:

A. Thu mình khỏi cuộc sống:

Những người mặc cảm thường có tâm lý sợ hãi: họ nghĩ rằng họ sẽ luôn phạm sai lầm, trong bất cứ công việc hay hoàn cảnh nào. Việc này trước tiên sẽ sinh ra tâm lý nhút nhát, e sợ thử thách, sợ dấn thân, về lâu dài sẽ khiến người này tập cho mình lối sống thu mình, vì họ e sợ việc tiếp xúc với người khác, với thế giới xung quanh.

B. Trở thành một người khó gần, "gai góc":

Đây là trường hợp điển hình nhất của cơ chế tự vệ này: người mặc cảm khoác lên mình vẻ ngoài bất cần, lạnh lùng, thậm chí tàn nhẫn, nhằm bảo vệ cảm giác tự ti của họ khỏi những tác nhân bên ngoài.

Họ như thể muốn gửi thông điệp này đến với thế giới: "tao lạnh lùng, tàn nhẫn lắm đấy, vì thế đừng dại đụng vào tao, hãy tránh xa tao ra (bởi nếu không thì chúng mày sẽ phát hiện ra điểm yếu của tao mất)".

C. Thích soi mói, phê bình người khác:

Biểu hiện này xuất phát từ tâm lý muốn thoát khỏi cảm xúc khó chịu bằng cách kéo những người xung quanh xuống cùng một bậc thang "mặc cảm" với mình. Tất nhiên ở đời không thiếu những kẻ bình sinh luôn thích soi mói chuyện người khác, nhưng biểu hiện này cũng có ở những người mặc cảm.

co-che-tu-ve

(nguồn ảnh: Facebook)

Tại sao chủ đề này lại quan trọng?

Cả 3 cơ chế tự vệ trên, đặc biệt là cơ chế thứ 2 và 3, đều bắt nguồn từ tâm lý không muốn để người khác phát hiện ra sự mặc cảm, sự yếu đuối bên trong của chủ thể. Nếu việc này kéo dài, và sự mặc cảm được che đậy quá khéo léo, nhiều khả năng chủ thể sẽ không bao giờ có cơ hội được "chẩn đoán" căn bệnh và giải phóng mình khỏi nó.

Xu thế ngày nay là hội nhập và hợp tác cùng phát triển. Việc này càng tạo ra thêm khó khăn cho những người có những thói quen tâm lý kể trên. Việc hiểu được cách vận hành của cơ chế tự vệ này, cũng như kiểm soát nó, càng trở nên cần thiết.


Nguồn:


Từ khóa: 

mặc cảm

,

tự ti

,

sự mặc cảm

,

cơ chế tự vệ

,

tâm lý học