Bảy đại tội của con người trong tâm lý học

  1. Tâm lý học

Con người có khá nhiều tội xấu: giết người, cướp của, tham lam, ghen ghét, đố kị,… Nếu kể ra thì thực sự có quá nhiều và đôi khi nhìn lại chúng ta sẽ nghĩ rằng “Con người chả biết làm gì ngoài việc gây tội đồ và rắc rối cả, giết hết đi, chết hết đi cho đỡ chật đất”. Tuy nhiên, chuyện gì xảy ra cũng đều có lí do, nó là nguyên nhân dẫn đến những nghiên cứu về não bộ con người. Ở đây, mình sẽ đưa đến cho các bạn cái bài thí nghiệm kiểm thử để chúng ta sẽ thấy bản thân, khi ở trong các trường hợp dưới đây, cũng hành động không khác gì các tình nguyện viên cả.

Năm 604 sau Công Nguyên, Kito Giáo đã phát hiện ra và liệt kê được 7 tội lỗi lớn nhất của con người, đó là:

  • Kiêu ngạo – Pride
  • Lười biếng – Sloth
  • Tham ăn – Gluttony
  • Đố kỵ – Envy
  • Thù hằn – Wrath
  • Tham lam – Greed
  • Dâm ô – Lust
  1. Kiêu ngạo (Pride) 

Có một cuộc thử nghiệm như thế này, chúng ta có 2 nhóm người gồm 3 nam và 3 nữ được đưa đến một thảm đỏ của chương trình và chụp hình như người nổi tiếng. Sau đó nhóm này sẽ được cho xem hình ảnh của nhóm kia và xác định ai là người đẹp nhất trong 3 người.

Có phải chúng ta rất dễ dàng nhận biết được một ai đó mà chỉ cần nhìn vào một vài đặc điểm của họ. Như khi nhìn vào một người bịt khẩu trang và thấy mỗi con mắt, ta có thể biết họ là ai mà ta đã từng gặp hay quen biết. Thùy trán có vai trò nhận thức, hành động, chú ý.

Ơ thằng/con này giống y chang bố nó nhờ”, các bạn có thấy quen chứ? Vậy làm sao chúng ta có khả năng nhận dạng này hay đơn giản chỉ là quen miệng. Như đã nói, thùy trán đóng vai trò quan trọng trong việc ghi nhớ và nhận dạng, đó là một đặc điểm mà theo mình nghĩ là điểm khác biệt giữa con người và động vật.

Quay trở lại với thí nghiệm trên, khi một người chọn ra người đẹp nhất đối với họ thì có một kết quả đáng ngạc nhiên rằng 75% đã chọn người có những đặc điểm giống với khuôn mặt họ, thật vậy, những bức hình đều được photoshop để giống khoảng 22% so với người kia. Như vậy, con người ta có xu hướng tự cho mình là đẹp và rất dễ có thiện cảm với những người là phiên bản nam/nữ của người kia, điều đó đưa đến sự hấp dẫn về giới, đó cái câu “tướng phu thê” cũng khá đúng đấy chứ. Và sự kiêu ngạo ở đây xét về mặt này là một điều tốt. Hỏi thật là bạn có thấy họ giống nhau chứ?

2. Lười biếng (Sloth)

Nếu bạn bị bắt phải làm một công việc nhàm chán lặp đi lặp lại như bóc vỏ tôm trong vòng nửa tiếng đồng hồ và sau đó lại tiếp tục nửa tiếng nữa ngồi khoanh chữ e trong một quyển công thức nào đó thì bạn nghĩ sao?

Vậy nếu như bạn được nghỉ ngơi tầm 15′ và sau đó mới tiếp tục khoanh chữ e nhàm chán thì bạn có thấy đỡ lười biếng hơn tí nào chứ. Đó là thí nghiệm về sự lười biếng của con người, nhóm đầu tiên (Nhóm Huyền thoại biển Xanh) theo quan sát, họ hoàn toàn tỏ ra mệt mỏi và khi được yêu cầu dừng lại để về nhà tiếp tục thì có đến 70% đồng ý về nhà, họ là đàn ông; một vấn đề nhận ra nữa là đàn ông có xu hướng thích trì hoãn hơn phụ nữ. Nhóm còn lại (Nhóm Đỏ rực cháy bỏng) sau khi được nghỉ ngơi lấy lại sức thì có xu hướng tiếp tục công việc một cách nhanh chóng hơn và có hiệu quả hơn. Tại sao lại như vậy?

Đồi thị nằm ở giữa vùng vỏ đại não và trung não, là trung khu thu nhận mọi cảm giác ngoại vi gửi về, nghĩa là chặng dừng của mọi đường cảm giác từ ngũ quan trước khi lên vỏ não, để nơi này phân tích, xem xét nhằm đưa ra những cách đáp ứng thích hợp và có ý thức. Đồi thị làm giảm cường độ các kích thích có hại và tăng cường các kích thích có lợi cho vỏ não. Thùy trước trán có nhiệm vụ thu thập thông tin từ các thùy còn lại và phân tích dữ liệu, vậy nên chức năng cơ bản của nó chính là tư duy, logic, phản biện, đánh giá, xem xét thông tin. Vậy, nếu được nghỉ ngơi, đồi thị sẽ hoạt động và khiến cho việc tập trung cũng như thùy trước trán hoạt động hiệu quả hơn.

Rồi, nguyên nhân của sự lười biếng chính là chúng ta bắt não mình hoạt động quá nhiều rồi nó sẽ đâm ra lười biếng và chậm chạp. Lời khuyên là cho nó nghỉ tí xíu đi, như trong mấy trường học vẫn áp dụng ấy, học 2 tiết đầu, ra chơi 30′ sau đó là học thêm 3 tiết tiếp theo. Nhưng thiệt ra là nếu chúng ta cứ lười lười lười và lười thì sao, lỡ chúng ta nghỉ nhiều đến nỗi xong rồi chả muốn làm gì cả. Có một nguyên tắc gọi là DO SOMETHING, có nghĩa là cứ làm thử đi, một khi đã làm, một khi chúng ta ép não hoạt động thì chúng ta sẽ tự khắc có đà, giống như đầu tiên nếm thử một món rồi sau đó có đà ăn rồi thì cứ ăn tiếp tiếp ấy. Cứ thử làm gì đó, làm đến khi biến nó thành thói quen, đó là vấn đề ý chí của mỗi người rồi.

3. Ham ăn (Gluttony) 

Bạn có đang cảm thấy bản thân bị béo không? Vậy thử cách bịt mắt trước khi ăn xem. Các nhà khoa học cho rằng việc không nhìn thấy đồ ăn sẽ cho phép cơ thể cảm nhận ngưỡng no một cách chính xác hơn. Nguyên nhân là vì khi không nhìn thấy gì, ta sẽ đồng thời loại bỏ ký ức về ngưỡng no trong quá khứ. Ví dụ trước kia phải ăn hai bát là thấy no, thì nay bạn có thể chỉ ăn 1 bát là no vì không biết mình đang ăn đến bát thứ mấy. Khi ta ăn, chúng ta chỉ có việc tập trung vào ăn uống, não bộ cũng chỉ tập trung vào việc rằng ta có ăn đủ no chưa và hoàn toàn không phân tán vào việc khác, do đó chúng ta có xu hướng ăn vừa đủ.

Căn bản mà nói thì con người không phải giống loài ham ăn, nhưng chúng ta bị chi phối bởi nhiều thứ và nó khiến não ta bị phân tán, não không tiếp nhận thông tin kịp thời nên chúng ta cứ ăn tiếp và nhiều lần như vậy thì sẽ thành ra thừa cân. Vậy điều gì phân tán chúng ta, mọi thứ khi ta mở mắt. Đó có thể là một bộ phim, một hoạt động hay một con người. Chúng ta mua bắp để ăn khi đi xem phim, chúng ta cứ tập trung vào bộ phim ấy đến nỗi ăn hết hộp bắp lúc nào không biết và khi ăn xong rồi thì mới cảm nhận được là bản thân đã no lắm rồi.

4. Đố kỵ (Envy) 

Đừng nói rằng bạn chưa bao giờ ghen tị với bất cứ ai khác, nếu không, xin chúc mừng, bạn là người nói dối. Và chúng ta nếu không đạt được điều gì đó thì chúng ta đều luôn thể hiện sự thỏa mãn trên những mất mát của người khác. Ví dụ, có một người bạn tưởng tưởng mà mình khá ganh, nhà thì giàu, học lại giỏi, còn xinh nữa, mỗi tội hay khoe người yêu lại nói hay nói nhiều, thế là đùng một cái, bị bồ đá lăn lông lốc khóc vật vã mấy tháng trời, bạn ra vẻ là chị em tốt an ủi nhau mà trong lòng dám cá bạn phải ít nhất một lần nghĩ rằng “Này thì khoe người yêu cho lắm vào!”. Đó là sự thật, con người mà chứ có phải thánh đâu mà không đố kỵ. Tuy nhiên khi gặp một người bất hạnh hơn mình thì nếu như họ bị một biến cố nào đó thì chúng ta sẽ có xu hướng cảm thông hơn.

Đường dây người ăn xin là một ví dụ cực điển hình, họ khiến cho họ nghèo nàn rách rưới, họ khiến cho họ dơ dáy bẩn thỉu để có thể lấy được những đồng tiền cảm thông từ chúng ta. Mình không đánh đồng tất cả, có một vài trường hợp thấy rằng họ bị mất hành vi năng lực, không thể lao động THỰC SỰ, điều đó thật sự thông cảm. Chỉ là đáng phẫn nộ hơn là nó kết thành cả một đường dây, lôi kéo cả trẻ em vào đó để câu dẫn tình thương từ người khác. Hồi Tết, ở quảng trường Tỉnh xuất hiện nhiều em nhỏ ăn xin ở mấy khúc đèn giao thông lắm, trong khi ngồi cách đấy khoảng 10-20m là 2 người phụ nữ trải chiếu dựng xe ở đấy. Mình để ý mấy lần rồi, 2 người đó là người chăn dắt ấy, chở đi rồi chở về rồi kiểm soát mấy đứa nhỏ, và nếu muốn thử nhìn ở góc mấy đứa nhỏ thì có thể xem Slumdog Millionaire, một bộ phim khá nổi của Ấn có nói một đoạn về đường dây ăn xin như vậy.

5. Thù hằn (Wrath)

Trong tất cả những tâm trạng tiêu cực mà con người muốn thoát khỏi, sự giận dữ chính là thứ bất trị nhất. Khi chúng ta đang đi đường và gặp phải một thằng cà chớn quẹt phải, chúng ta có 2 xu hướng như sau, hoặc chửi lại nó và càm ràm trong suốt chuyến đi, hoặc nghĩ rằng người ấy đang có việc gì khẩn cấp ví dụ như tào tháo dí nên chẳng may va quẹt, thôi không sao, không xây xát gì là may.

Hạch hạnh nhân (amygdala), nằm ở tâm của não, hạch này chỉ huy xúc cảm của con người và giúp chúng ta có phản ứng phù hợp trước vô số kích thích khác nhau.Hạch hạnh nhân giúp ta đi theo hai xu hướng, hoặc chống trả hoặc chạy trốn, và đôi khi sự chống trả sẽ khiến cho giận dữ nối tiếp giận dữ và đến một thời điểm nào đó sẽ không thể kiểm soát được. Như chúng ta thường thấy trên những bài báo, từ những chuyện khá đơn giản, cãi cọ nhỏ nhặt, khi cơn giận lên đến đỉnh điểm thì lại thành ra giết người chứ không lật bàn suông.

Vậy làm sao tránh những tai nạn không đáng có đó? Nhà tâm lí học Dolf Zillmann tại ĐH Alabama cho rằng có hai cách để chế ngự giận dữ rằng: thứ nhất, tháo ngòi nổ bằng cách chống lại những ý nghĩ làm cho nó tăng vọt lên. Có nghĩa rằng chọn đúng thời điểm để can thiệp, đưa ra những thông tin giảm nhẹ để đánh giá đúng sự kiện gây nên giận dữ nếu không đến lúc máu thì đừng hỏi bố cháu là ai nữa nhé. Thứ hai, chiến lược hiệu quả để giảm giận dữ chính là bỏ đi khỏi nơi đó và chi phối bản thân vào những hoạt động khác, điều này cho phép thân thể chuyển từ trạng thái bị kích động mạnh sang trạng thái kích thích yếu hơn và làm cho người ta không nhớ về những gì đã châm ngòi cho cuộc chiến nữa. Tuy nhiên, nếu dùng thời gian nghỉ để tiếp tục suy nghĩ về những giận dữ đang còn đó thì chắc chắn sẽ không mang lại hiệu quả.

6. Tham lam (Greed)

Có một nhà ảo thuật đã nói rằng, việc căn bản của làm ảo thuật chính là đánh trúng tâm lí của con người, và ông đã chứng minh điều đó với thử nghiệm về lòng tham trên 2 nhóm người. Đầu tiên, ông cho 5 người họ 20$ và luật chơi là, họ được 20$ mà không làm gì cả, họ có quyền chọn tiếp tục lấy 20$ đó đưa ra cược, nếu thắng họ sẽ có 50$, nếu thua, xem như mất. 4/5 người này nói rằng họ sẽ không cược nữa và chấp nhận con số 20$. Nhóm thứ hai, ông cho họ 50$ ngay từ ban đầu nhưng lấy lại của mỗi người 30$ và nói rằng nếu họ cược 20$ còn lại, họ sẽ có thể lấy lại 50$ của mình. Điều đáng ngạc nhiên là tất cả bọn họ đều chọn tiếp tục cược để lấy lại 50$ của mình. Còn bạn, nếu là bạn thì bạn sẽ làm gì?

Điều ngạc nhiên là cùng một số tiền 20$ nhưng theo hai hướng tiếp cận khác nhau sẽ cho ra 2 kết quả khác nhau. Ta có thể thấy rằng con người có xu hướng mạo hiểm hơn với những thứ được thưởng, và sẽ cảm thấy tiếc nếu chúng ta “suýt bỏ lỡ” những gì sắp sửa xảy ra trong tương lai.

7. Dâm dục (Lust)

Mình sinh tháng 11, và nghe thiên hạ nói rằng nếu bạn sinh tháng 11 thì hẳn bố mẹ bạn đã có ngày Valentine cực ngọt ngào đó.

Dopamine là một chất được tiết từ một trong các vùng nguyên sơ nhất của não, ở đỉnh thân não, nó là chất dẫn truyền thần kinh của khoảng 0.3% số nơron trong não nhưng rất cần thiết trong nhiều chức năng. Một phần số nơron đó tác động đến cử động, đôi khi nó can thiệp vào những điều kiện đặc biệt khi con người cảm thấy khoái lạc hay ham muốn. Vậy là trong não chúng ta tiết ra một chất khiến chúng ta kích thích hơn, vậy rồi tác nhân bên ngoài nào ảnh hưởng đến chúng ta nữa không?

Đàn ông yêu bằng mắt, phụ nữ yêu bằng tai, động vật yêu bằng khứu giác vì chúng có sự hấp dẫn nhất định về mặt mùi hương. Chúng ta là con người, chúng ta cao cấp hơn động vật nhưng chúng ta có thừa hưởng những đặc tính đó của động vật chứ? Có nhé.

Mới đây, Taga Brain, giảng dạy tại trường đại học New York Poetic Computation và Sam Lavigne, nhà nghiên cứu tại trường đại học New York đã đồng sáng tạo nên dịch vụ độc đáo Smell Dating, tức là Hẹn hò qua mùi hương.Khi đăng ký sử dụng dịch vụ này, bạn sẽ nhận được một chiếc áo phông và mặc nó liên tục trong 3 ngày, không được tắm, không sử dụng nước hoa hay bất kì sản phẩm tạo mùi hương nào khác. Nói cách khác là chiếc áo sẽ “bốc mùi” nhất có thể. Sau 3 ngày, nó sẽ được gửi lại về công ty Brain and Lavigne’s “Sweat Shop. Qua phân tích và lựa chọn, các chuyên gia sẽ chọn ra 10 đối tượng tiềm năng và gửi các mẫu áo đượm mùi của họ đến cho bạn.Còn bạn thì sao? Bạn chỉ cần tìm xem, trong số các mẫu áo được gửi lại, bạn thích mùi nào nhất, mẫu áo nào có mùi hương khiến bạn ngây ngất nhất. Mẫu áo nào được chọn thì mọi thông tin về chủ nhân của nó sẽ được cung cấp cho bạn để bạn liên hệ, gặp gỡ, làm quen với nhau. Có thể hiểu đơn giản là với Smell Dating, một cặp đôi sẽ được kết nối với nhau nếu như họ bị hấp dẫn bởi mùi hương của nhau. Bạn tìm bạn tình bằng khứu giác.

Bài viết này là để cho chúng ta thấy chúng ta đã có thể xấu xa ra sao, và thậm chí còn xấu xa hơn chúng ta tưởng tượng rất nhiều. Còn bạn, bạn có thấy bản thân mình ở đây chứ?

------

Lấy ý tưởng từ Brain Game: People Behave Badly, sách Trí tuệ xúc cảm và Internet


Từ khóa: 

tâm lý học

,

não bộ con người

,

tâm lý học

Cảm ơn bài viết của bạn nhé. Phân tích ngắn gọn và dễ tiếp cận ^^
Trả lời
Cảm ơn bài viết của bạn nhé. Phân tích ngắn gọn và dễ tiếp cận ^^