Bày tỏ động lực trong thư ứng tuyển

  1. Tâm lý học

  2. Hướng nghiệp

  3. Tip & Trick

  4. Kỹ năng mềm

  5. Tư duy

Rất nhiều tổ chức, công ty quan tâm tới yếu tố con người tại nơi làm việc, đặc biệt là những doanh nghiệp, dự án tâm lý – xã hội. Trong quá trình được học hỏi và làm việc ở những dự án đó, mình càng hiểu động lực là một yếu tố cực quan trọng giúp bạn có được công việc, hoàn thành tốt công việc, và học được nhiều hơn những gì bạn cống hiến.

Công việc đầu tiên trong ngành tâm lý của mình là trợ lý nghiên cứu cho một dự án tìm hiểu về trải nghiệm của người dùng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe tinh thần tại Việt Nam. Yêu cầu tuyển dụng rất đơn giản, chỉ gần gửi email trình bày ngắn gọn kinh nghiệm và động lực. Mình làm y hệt vậy, thậm chí gửi 800 chữ dài dằng dặc chỉ để kể chuyện mình đam mê với tâm lý và dự định tương lai thế nào. Ngô nghê, vì ở thời điểm đó, mình cũng chưa có kinh nghiệm gì để kể; chỉ biết thực lòng tâm sự lại, chậc lưỡi, dù cho có không được chọn, thì mình vẫn muốn gửi chút động viên và cảm ơn tới những người đang làm nghề tâm huyết tại Việt Nam.

May mắn thế nào, mình được chị, hiện là mentor của mình, liên lạc hỏi chuyện và nhận vào làm. Chị bảo, vì thấy em đam mê quá. Mình, một tờ giấy trắng đúng nghĩa, học cách làm giấy tờ, tài chính, tổ chức sự kiện,… Nghe có vẻ không liên quan, nhưng trải nghiệm đó đã giúp mình hình thành tư duy về cách làm nghiên cứu và cách làm việc cùng con người một cách thật lòng và có đạo đức, và hiểu rằng tâm lý học thật sự là điều mình muốn gắn bó.

Hiện tại, mình và bạn vừa nhận được tài trợ để thực hiện dự án tâm lý xuyên văn hóa về kì vọng thành tích học tập của ba mẹ và con. Tụi mình cũng rất vui khi nhận được nhiều đơn ứng tuyển của các bạn, ai cũng đều giỏi giang và tâm huyết. Trong quá trình lọc đơn, mình thấy rất tiếc cho nhiều bạn vì chưa biết cách bày tỏ động lực. Động lực chính là thứ để giúp bạn hiểu rằng bản thân có thật sự muốn công việc này không, và giúp tụi mình hiểu được nên hỗ trợ bạn thế nào. Với dự án xã hội, đặc biệt là phi lợi nhuận, động lực càng quan trọng hơn, vì tụi mình đều cùng nhau trải qua những công việc khá nặng nề, mà đôi khi thành quả lại chưa đến ngay lúc đó. Ai thì cũng đều muốn có những người đồng hành ngay từ khi bắt đầu cho tới lâu dài.

Quay trở lại câu chuyện động lực, mình có một vài gợi ý để bạn thể hiện điều đó rõ ràng hơn, mỗi khi ứng tuyển một công việc. Nếu hồ sơ của bạn không quá mạnh, nhưng bạn có tiềm năng, bạn hoàn toàn có thể làm những việc mà yêu cầu trình độ cao hơn hiện tại. Biết cách bày tỏ động lực trong đơn ứng tuyển cũng giúp hồ sơ của bạn nổi bật hơn muôn vàn những nội dung na ná nhau.

1. Thể hiện điểm mạnh của bạn

Ngoài các kĩ năng cứng (như mô tả trong yêu cầu công việc; ví dụ: thiết kế, phỏng vấn nhóm), thì kĩ năng mềm (ví dụ: giao tiếp, làm việc nhóm) cũng rất quan trọng. Để tăng lợi thế cho bản thân, bạn có thể trình bày điểm mạnh của mình. Sử dụng references (người tham chiếu) là một điều tốt; nhưng nếu không có, bạn cũng có thể cân nhắc các bài test như VIA Character Strengths. Đây là bộ 240 câu hỏi đo lường điểm mạnh của bạn (ví dụ: sáng tạo, ham học hỏi, thật lòng, kĩ năng lãnh đạo), được phát triển bởi Tiến sĩ Peterson và Seligman. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam mà mình biết cũng thường sử dụng công cụ này để thiết kế và điều phối công việc hiệu quả hơn, cũng như giúp mọi người được làm những phần việc hợp với khả năng của bản thân nhất.

2. Kể một câu chuyện cá nhân

Bạn luôn đặc biệt, vì bạn là chính bản thân mình. Có câu chuyện nào gần với định hướng công việc mà bạn đang muốn ứng tuyển không? Bạn có thể muốn chia sẻ về trải nghiệm của mình, cách bạn suy nghĩ và hành động ở thời điểm đó, và bạn nhận ra được điều gì. Nếu bạn chưa có gì để kể, cũng không sao. Hãy chỉ làm khi bạn cảm thấy sẵn sàng và thực sự thoải mái. Một câu chuyện luôn có thể chạm vào trái tim người đọc, dù cho nó nhỏ bé thế nào, miễn là bạn thật lòng.

Có một điểm bạn cần lưu ý, câu chuyện chỉ là một cái mở bài để người kia hiểu thêm về con người bạn; điều quan trọng hơn là bản thân bạn học được gì từ trải nghiệm ấy. Bạn có thể chia sẻ câu chuyện như một lý do vì sao bạn hứng thú với công việc, nhưng tuyệt nhiên, những trải nghiệm ấy không nên ảnh hưởng nhiều tới việc bạn làm sau này. Một ví dụ khá phổ biến, là rất nhiều người mình quen theo học ngành tâm lý vì từng trải qua những cảm xúc và trải nghiệm tiêu cực. Tuy nhiên, trong quá trình học và làm việc, bản thân nên tránh bị chi phối bởi những điều đó. Giữ một thái độ trung lập: nhận diện được những khó khăn và vạch ra hướng đi để khắc phục nó, là một điều nên làm.

3. Chia sẻ dự định tương lai

Cá nhân mình thấy đây là một cách để hai bên có thể hỗ trợ nhau tốt nhất. Bản thân bạn sẽ hiểu rằng công việc này có thật sự là điều bạn muốn làm, và tổ chức/dự án sẽ biết cách để trả công bạn xứng đáng hơn. Đồng ý rằng bất kì công việc nào cũng đều cần tài chính, nhưng có những điều rất đáng giá, như là cơ hội, mối quan hệ, sự đào tạo.

Khi ứng tuyển cho công việc trợ lý nghiên cứu tại Đại học Yale, mình bày tỏ và luôn giữ niềm tin rằng bản thân muốn học Cao học biết bao nhiêu, rằng nếu có điểm nào em có thể làm tốt hơn được, nhờ chị cứ góp ý với em nhé. Sau này, chị nghiên cứu viên thành lập một dự án khác, về Hội thảo Sức khỏe tinh thần Đông Nam Á dành cho các nhà nghiên cứu trẻ, mình nhắn chị, hỏi chị cần em giúp gì không. Vậy là mình trở thành trợ lý nghiên cứu.

Dự định tương lai cũng có thể thay đổi rất nhiều, điều đó không có gì là lạ. Nhưng thử nghĩ về một điều bạn rất muốn đạt được trong vòng mấy năm tới, đó sẽ là gì? Bản thân mình nghĩ, một công việc tốt sẽ là nơi đồng nghiệp sẵn sàng hỗ trợ bạn trong khả năng, đồng hành để bạn đạt được dự định cá nhân. Còn ở một nơi mà bạn đơn thuần là một người bán sức lao động, thì bạn có thể cân nhắc lại.

Mình nghĩ…

Đối với mình, viết một đơn ứng tuyển vừa là để nhìn lại hành trình của bản thân, vừa là để tìm kiếm những người có chung tâm huyết để cùng nhau phát triển. Nếu bạn bỏ thêm một chút thời gian để bày tỏ rõ ràng động lực của mình, chính là cho người kia cơ hội để hiểu về bản thân bạn. Dù là công việc gì, hiểu nhau rồi thì làm việc sẽ dễ hơn, ha?

Mình tin là bạn có thật nhiều tiềm năng, và khi bạn hiểu rõ quyết tâm của mình, bạn sẽ trở nên xuất sắc lắm.

Từ khóa: 

tâm lý học

,

hướng nghiệp

,

tip & trick

,

kỹ năng mềm

,

tư duy

Có 1 vài thắc mắc về thư ứng tuyển mình chưa rõ:

  1. Độ dài 1 bưc thư ứng tuyển bao nhiêu là hợp lý?
  2. Trình bày thư ứng tuyển như nào? Trình bày dưới dạng word đơn thuần hay cần thiết kế một chút?
  3. Bạn có thể chia sẻ mẫu thư ứng tuyển của bạn hoặc bạn đã tham khảo để giúp mình hình dung rõ hơn được không?

Cảm ơn bạn! Bài chia sẻ rất hay <3

Trả lời

Có 1 vài thắc mắc về thư ứng tuyển mình chưa rõ:

  1. Độ dài 1 bưc thư ứng tuyển bao nhiêu là hợp lý?
  2. Trình bày thư ứng tuyển như nào? Trình bày dưới dạng word đơn thuần hay cần thiết kế một chút?
  3. Bạn có thể chia sẻ mẫu thư ứng tuyển của bạn hoặc bạn đã tham khảo để giúp mình hình dung rõ hơn được không?

Cảm ơn bạn! Bài chia sẻ rất hay <3

Mình từng đưa câu chuyện bản thân tự kinh doanh gặp khó khăn ra sao và giải quyết như thế nào vào cover letter. Trong buổi phỏng vấn NTD có chia sẻ rất ấn tượng với câu chuyện đó của mình và đó là điểm khác biệt lớn nhất của mình với các bạn ứng viên khác, kết quả là mình được chọn.