Bóng ma hạt nhân (Phần 1)

  1. Lịch sử


Thế giới chúng ta có một chiếc đồng hồ gọi là Doomsday Clock. Nó dùng để cảnh báo nhân loại về hiểm họa tận thế. Hiểm họa càng cao thì kim đồng hồ càng tiến gần tới nửa đêm. Lần nguy hiểm nhất là năm 1953, khi Mỹ và Nga cùng thử bom hạt nhân, đồng hồ điểm 11:58 phút.

-Tôi không biết chiến tranh thế giới thứ ba ra sao. Nhưng chiến tranh thế giới thứ tư loài người sẽ đánh nhau bằng gậy và đá.

Nhà bác học thiên tài Einstein lo lắng. Qua năm 1970 thì số lượng đầu đạn hạt nhân trên thế giới đã đủ để tiêu diệt vài lần nền văn minh trái đất.

-Chỉ có kẻ điên mới châm ngòi cho đệ tam thế chiến.

Tổng bí thư Nikita Khrushchev cũng bày tỏ suy nghĩ về vấn đề hệ trọng tới an nguy loài người. Đệ nhất thế chiến người ta nghĩ nó rất đơn giản. Vào cái ngày bắt đầu, dân châu Âu chỉ xem đó là một xung đột vớ vẩn và sẽ chấm dứt sau vài tuần. Vua Đức còn động viên binh sĩ:

-Yên tâm, các anh sẽ trở về trước mùa đông.

Thậm chí mấy ông Pháp còn ăn mặc lòe loẹt ra trận, kiểu đi đánh nhau tí rồi về thôi. Nói chung chẳng ai nghĩ được rằng môn thể thao của các ông vua lại trở thành một cỗ máy xay thịt 40 triệu người. Sang đệ nhị thế chiến thì con số đó là 80 triệu.



Mặt tốt của thế chiến là những phát minh xuất hiện trong chiến lại tỏ ra rất hữu dụng trong thời bình như thuốc kháng sinh, máy tính, X-quang... Nhưng cũng có một thứ ra đời lại báo hiệu tương lai không mấy sáng sủa cho nhân loại: vũ khí nguyên tử. Sự kiện Hoa Kỳ thử nghiệm ngon lành quả bom Trinity và 3 năm sau đó Liên Xô cũng tiếp nối thành công đã mở ra một viễn cảnh vô cùng đen tối rằng: Nếu đệ tam thế chiến xảy ra thì nó sẽ không dừng ở mức chục triệu thương vong nữa, mà là sự tuyệt chủng của toàn thể loài người.

Chiến tranh lạnh có thể được xem là phần 3, tiếp nối đệ nhất và đệ nhị thế chiến. Lúc này thì các đại gia Mỹ và Nga đã lôi kéo được kha khá đệ tử về cho mình rồi. Khi phát xít đã tiêu tùng thì tâm điểm của trái đất xoay xung quanh cuộc chiến không khoan nhượng giữa tư bản và cộng sản, kẻ này không thể sống khi kẻ kia còn tồn tại. Đồng nghĩa rằng từ nay sẽ chẳng còn khoảnh khắc xúc động nào giữa hai cường quốc như tháng 4 năm 1945, cái ngày những người lính Nga và Mỹ bắt tay nhau tại sông Elbe để cùng kết liễu Đức quốc xã.

Năm 1961, chiến tranh lạnh diễn ra căng thẳng ở châu Âu. Mỹ đem tên lửa đến Thổ Nhĩ Kỳ và Ý chĩa thẳng vào Nga. Nga tức lắm vì nếu từ đó mà Mỹ khai hỏa thì chỉ 5 phút sau thủ đô Moskva banh ta lông ngay lập tức. Còn nếu Nga muốn trả đũa thì phải nửa tiếng tên lửa mới đến được đất Mỹ do quá xa, thậm chí chỉ có thể chạm vào Alaska hẻo lánh thôi chứ chẳng suy suyển gì 48 bang còn lại (chưa kể xui xẻo còn bị đánh chặn trên đường đi). Xét sức mạnh ở thời điểm đó thì Nga bá về lục quân và xe tank, nhưng Mỹ thì trùm hải quân, không quân và phòng không.

-Đừng hòng truyền bá tư tưởng của mày, tao ghét.

-À, thằng Mỹ chơi chó thật, được rồi...



Việc Liên Xô cần làm lúc này là tìm ra ngay một giải pháp để cân bằng thế trận, chứ cứ sống trong hồi hộp thế này dễ tổn thọ lắm. Cãi nó, nó ngứa tay phang cả lô tên lửa hạt nhân vào nhà mình chắc chết không có chỗ chôn. Và Cuba là một con bài chiến lược rất rất hợp lý. Số là trước đây đảo quốc này vốn thuộc về một chính quyền thân Mỹ, nhưng Fidel Castro lại lật đổ được. Mỹ tuột Cuba khỏi tay nên vội vàng cho các chiến binh đổ bộ để chiếm lại. Thế nhưng thất bại và sử gọi đây là sự kiện Vịnh Con Heo.

-Cấm vận Cuba, phải bóp chết nó!

Đây có thể coi như tuyệt kỹ trấn phái giang hồ của minh chủ võ lâm Hoa Kỳ. Người trúng chiêu sẽ bị nội thương, xuất huyết từ từ, và đến một lúc nào đó bật ngửa thoi thóp. Chưa hết Hoa Kỳ còn cho máy bay U-2 quần đảo ngày đêm trên đảo quốc nhỏ bé này. Mục đích của họ là giám sát Cuba nghiêm ngặt, quyết không để chủ nghĩa xã hội từ đấy lây lan khắp Nam Mỹ. Trước tình thế căng thẳng, Fidel càng quyết tâm về phe Liên Xô chống Mỹ.

-Anh Xô ơi, help me!

-Cái thằng Bacu này bớt nhoi đi, để anh tính.

Và thế là bắt đầu có những chuyến hàng bí ẩn được vận chuyển từ cựu lục địa đến tân thế giới, xuyên qua Đại Tây Dương trực chỉ đảo quốc nhỏ bé vùng Caribe. Tổng thống Kennedy ngạc nhiên khi bộ trưởng quốc phòng McNamara trình mấy bức ảnh. Ông hỏi:

-Gì vậy Robert?

-Ảnh chụp từ máy bay do thám U2.

Kennedy nhướn mày rồi cầm từng tấm lên xem. Các bức ảnh được chụp khá rõ ràng trong điều kiện ánh sáng tốt. Bỗng nhiên tay Kennedy run run:

-Tên lửa trên Cuba? Làm sao có thể?

-Vậy ngài nghĩ nó từ trên trời rơi xuống à?



Kennedy đứng bật dậy và triệu tập một cuộc họp khẩn cấp. Quả thật nếu Liên Xô cả gan đưa các dàn tên lửa đến trước cửa nhà nước Mỹ thì nguy to. Tưởng tượng có chiến tranh hạt nhân tổng lực, với tầm bắn gần như vậy thì toàn bộ bờ đông Hoa Kỳ sẽ bị thổi bay chỉ trong 5 phút đầu tiên. Các cố vấn bàn nhau:

-Chúng ta có những cách như sau: Một, làm lơ coi như không biết. Hai, tạo áp lực để Liên Xô dừng tay. Ba, nhắn riêng cho Fidel rằng nghỉ chơi với Nga hoặc trả giá. Bốn, xâm lược Cuba. Năm, không kích tiêu diệt toàn bộ số tên lửa có mặt trên đảo. Sáu, ngăn chặn không cho lượng tên lửa gia tăng.

-Còn tôi thì thấy khả thi nhất là tung toàn bộ sức mạnh Hoa Kỳ và dạy cho Cuba một bài học!

Tổng thống Mỹ gạt đi:

-Không được! Dở lắm. Nếu ta đánh Cuba thì ở bên kia châu Âu Nga cũng sẽ đánh đồng minh của ta, cụ thể là Tây Đức. Bọn đàn em sẽ trách ta sao cái vấn đề đơn giản như Cuba mà không giải quyết được, để ảnh hưởng tới tụi nó.

Ông trăn trở rồi quyết định:

-Cách thứ sáu.

(Còn tiếp)

#Based_On_A_True_Story

Từ khóa: 

mỹ

,

liên xô

,

cuba

,

khủng hoảng tên lửa cuba

,

hạt nhân

,

lịch sử

Hay quá anh ơi.

Em được hiểu rõ hơn về chiến tranh lạnh, chiến tranh lạnh không chỉ là cụm từ "cuộc chạy đua vũ trang" mà em học năm 12 nữa.

Chờ đón các phần tiếp theo của anh.

Trả lời

Hay quá anh ơi.

Em được hiểu rõ hơn về chiến tranh lạnh, chiến tranh lạnh không chỉ là cụm từ "cuộc chạy đua vũ trang" mà em học năm 12 nữa.

Chờ đón các phần tiếp theo của anh.

Hay quá ạ. :) Đợi các bài viết của anh về mối quan hệ tay 3 giữa Hoa Kì, Trung Quốc và 2 anh em trên bán đảo triều tiên.

Bài viết rất hấp dẫn ạ. Không biết a có muốn mở rộng bài viết đến vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo TT sẽ có tác động ntn đến Việt Nam ko ạ?