Brexit và tác động của Brexit

  1. Kiến thức chung

Năm 2016 nước Anh đã chọn rời khỏi EU và cuối tháng 3/2017 chính thức rời khỏi EU để trở thành một quốc gia độc lập trong tất cả mọi lĩnh vực. Bài viết này và những loạt bài sau sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn.

Brexit là một vấn đề thu hút được nhiều sự chú ý trong thời gian vừa qua. Sự kiện này không chỉ gây chấn động trên toàn Vương quốc Anh, mà còn tác động lên toàn thế giới.

skynews-brexit-sign-signpost_4613834

I. TỔNG QUAN MỐI QUAN HỆ GIỮA ANH VÀ LIÊN MINH CHÂU ÂU (EU)

Mối quan hệ của Vương quốc Anh với EU từ lâu đã là một vấn đề gây nhiều tranh cãi trong xã hội nước Anh nói chung và chính trường Anh nói riêng. Trước khi tìm hiểu về Brexit, chúng ta cần nhìn lại một số sự kiện nổi bật trong quan hệ đầy sóng gió hơn 40 năm qua giữa Anh và EU.

1 – SỰ HÌNH THÀNH EU

Sau khi cuộc chiến tranh Thế giới thứ nhất và thứ hai đã làm kiệt quệ nền kinh tế và mối quan hệ của các nước châu Âu, nhằm hàn gắn và kết nối lại các quốc gia này, ý tưởng về một Liên Minh châu Âu đã được hình thành từ năm 1945. Tuy nhiên, vào năm 1951, khi Cộng đồng Than thép Châu Âu (ECSC) được thành lập, nước Anh đã từ chối tham gia cộng đồng này. Đến năm 1957, Anh quốc cũng đã từ chối lời mời tham gia Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (EEC) của sáu quốc gia sáng lập khác là Bỉ, Pháp, Ý, Luxembourg, Hà Lan và Tây Đức.

2 – ANH GIA NHẬP EU

Sau khi nhận thấy Pháp và Đức có sự phục hồi kinh tế nhanh chóng sau chiến tranh và hình thành được một liên minh mạnh mẽ, các nhà lãnh đạo Anh đã thay đổi suy nghĩ của mình về việc gia nhập EEC. Nước này đã nộp đơn tham gia EEC vào năm 1961, nhưng đã bị bác bỏ hai lần bởi Tổng thống Pháp Charles de Gaulle vào năm 1963 và 1967. Đến năm 1973, Anh chính thức trở thành thành viên của cộng đồng EEC. Nhưng chỉ hai năm sau, nhiều người dân Anh đã đòi rời khỏi EEC, và do vậy, một cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức vào năm 1975 nhằm giải quyết vấn đề này. Sau cuộc trưng cầu dân ý, nước Anh vẫn quyết định ở lại EEC nhờ 67% dân số ủng hộ việc này. Người dân Anh biểu tình đòi rời khỏi Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) năm 1975. Năm 1992, sự kiện “Ngày thứ 4 đen tối” xảy ra và đánh dấu thời điểm tồi tệ nhất trong mối quan hệ giữa Anh và Châu Âu. Sau khi không thể bảo vệ được đồng Bảng Anh khỏi các cuộc tấn công đầu cơ liên tục, Bộ trưởng bộ Tài chính Anh Norman Lamont đã phải chính thức thông báo nước Anh rút khỏi Cơ chế tỉ giá hối đoái (Exchange Rate Mechanism) của châu Âu vào ngày 16 tháng 9 năm 1992. Cũng trong năm 1992, châu Âu xúc tiến quá trình hợp nhất chính trị và nước Anh đã quyết định đứng ngoài cuộc và quyết định không sử dụng đồng tiền chung euro. Trong những năm tiếp theo, mối quan hệ giữa Anh và EU đã trở nên tốt đẹp hơn song vẫn luôn tồn tại những điều trắc trở như vấn đề Hiến pháp châu Âu hay việc liệu Brussels có nên được trao thêm nhiều quyền lực hơn nữa để kiểm soát châu Âu.

3 – MỐI QUAN HỆ KINH TẾ GIỮA ANH VÀ EU

Khi nghiên cứu về mối quan hệ giữa Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu, chúng ta không thể không nhắc đến các vấn đề kinh tế. EU là đối tác thương mại lớn nhất của nước Anh, chiếm tới 44% sản lượng xuất khẩu và 53% sản lượng nhập khẩu của nước này trong năm 2015. Về vấn đề việc làm, hơn 3 triệu việc làm tại Anh có liên quan tới hoạt động xuất khẩu sang EU. Ngoài ra, đối với Anh, Liên minh Châu Âu cũng đóng vai trò là một nhà đầu tư lớn. Năm 2014, các nước trong EU đã đóng góp 496 tỉ Bảng – tương đương với 48% tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Anh. Ngược lại, Anh Quốc cũng có vai trò quan trọng trong EU, khi nước này đóng góp khoảng 8,5 tỉ Bảng Anh vào Ngân sách EU (năm 2015), chiếm tới 12,57% tổng ngân sách của tổ chức này, chỉ đứng sau Pháp và Đức. Tuy nhiên, rất nhiều người cho rằng khoản đóng góp hằng năm của Anh cho EU là một gánh nặng đối với quốc gia này. Họ cũng tin rằng những đạo luật khắt khe của EU làm quốc gia này tiêu tốn hàng tỉ Bảng Anh mỗi năm. Cụ thể, một nghiên cứu của Open Europe đã ước tính rằng top 10 đạo luật “gây phiền hà” nhất của EU làm Anh hằng năm tiêu tốn 33,3 tỉ Bảng.

4 – VẬY ĐIỀU GÌ CHÂM NGÒI CHO BREXIT?

Rõ ràng là mối quan hệ giữa Anh và EU không phải lúc nào cũng “êm đẹp”, nhưng nhờ những thương lượng và thỏa thuận liên tục của các nhà lãnh đạo Anh và những người đứng đầu EU, mối quan hệ này đã được duy trì trong suốt 40 năm qua. Tuy nhiên, kể từ năm 2010, khi EU bắt đầu phải đối mặt với nhiều khó khăn trong đó nổi bật nhất là cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp năm 2010 và giờ là cuộc khủng khoảng nhập cư, nhiều người Anh một lần nữa lại nghi hoặc về mối quan hệ giữa Anh và EU. Liệu việc là một thành viên của EU có thực sự có lợi đối với Anh? Trong bài phát biểu về châu Âu năm 2013, Thủ tướng Cameron hứa sẽ mở một cuộc trưng cầu quyết định số phận của Anh ở EU. Nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân, nhưng có lẽ hơn cả là thuyết phục người dân bầu cho Đảng Bảo thủ của mình, năm 2013, Thủ tướng Anh David Cameron đã hứa sẽ mở một cuộc trưng cầu dân ý quyết định số phận của Anh ở EU nếu Đảng Bảo thủ của ông này chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện Anh. Và giờ, để giữ đúng lời hứa của mình, Thủ tướng David Cameron đã quyết định mở cuộc trưng cầu dân ý này vào ngày 23 tháng 6 năm 2016.

II. NHỮNG ĐIỀU CĂN BẢN VỀ BREXIT

1 – BREXIT LÀ GÌ?

Brexit là một cụm từ được ghép từ hai từ: “Britain” chỉ nước Anh và “exit” chỉ hành động rời khỏi EU. Đây không phải lần đầu tiên việc ghép từ như thế này được sử dụng, vì từ năm 2012, khi Hy Lạp phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ trầm trọng, người ta cũng đã nhắc đến “Grexit” (kết hợp giữa “Greece” và “exit”) để nói tới nguy cơ nước này có thể phải rời khỏi EU. Brexit cũng xuất hiện trong năm 2012, khi mà ngày càng có nhiều người Anh phản đối EU và nghi hoặc về quan hệ giữa Anh và cộng đồng này. Khi cuộc trưng cầu dân ý chính thức được mở ra, Brexit đã trở thành một “từ khóa” được dùng để nói đến việc Anh rời khỏi EU nói riêng cũng như về cuộc trưng cầu nói chung.

2 – THỜI GIAN DIỄN RA CUỘC TRƯNG CẦU

Thứ 5 ngày 23 tháng 6 năm 2016.

3 – CỬ TRI HỢP LỆ

Những công dân đủ 18 tuổi trở lên trên toàn lãnh thổ Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland; những công dân Ireland đang sinh sống tại Vương quốc Anh, các công dân từ hơn 50 quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung- những thuộc địa cũ của Anh như Úc, Ấn Độ hay Jamaica hiện đang sống tại Anh. Các công dân mang quốc tịch Anh nhưng đang sinh sống ở nước ngoài không quá 15 năm cũng có quyền tham gia bầu chọn.

4 – CÂU HỎI CỦA CUỘC TRƯNG CẦU

“Vương quốc Anh có nên tiếp tục là thành viên của EU hay nên rời khỏi EU?”

5 – HAI PHE ĐỐI LẬP

Chiến dịch vận động nước Anh rời khỏi EU là chiến dịch “Vote Leave” (tạm dịch: Hãy chọn rời đi), còn chiến dịch vận động ở lại EU là chiến dịch “Stronger In” (tạm dịch: Mạnh hơn nếu ở lại). Lập luận chính của chiến dịch “Vote Leave” là việc rời khỏi EU sẽ cho phép người Anh giành lại tự chủ và sử dụng ngân sách theo những ưu tiên của riêng nước này. Phía bên kia, chiến dịch “Stronger In” phản bác rằng nước Anh sẽ trở nên mạnh hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn khi là một thành viên EU so với việc rời khỏi tổ chức này. Trên chính trường Anh, các chính trị gia cũng thể hiện những quan điểm khác nhau. Ủng hộ cho việc Anh ở lại EU là: Thủ tướng David Cameron (Đảng Bảo thủ), ông Jeremy Corbyn (lãnh đạo Đảng Lao động), Bộ trưởng Bộ tài chính George Osborne (Đảng Bảo thủ), cựu thủ tướng Anh Tony Blair và John Mayor. Phía bên kia- ủng hộ Anh rời EU là Cựu thị trưởng London- Boris Johnson (Đảng Bảo thủ). Những người đứng đầu EU và các chính trị gia khac trên thế giới cũng có những ý kiến trái chiều về vấn đề này. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton là một số nhân vật tiêu biểu đã lên tiếng ủng hộ việc Anh tiếp tục là thành viên của EU. Trong khi đó, Donald Trump- ứng viên Tổng thống Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa lại thể hiện sử phản đối với EU và cho rằng người Anh nên chọn rời khỏi cộng đồng này.

6 – KẾT QUẢ CỦA CUỘC TRƯNG CẦU

Người dân Anh đã quyết định rời khỏi EU với tỷ lệ số phiếu ra đi là 52% so với số phiếu ở lại là 48%. Tỷ lệ cử tri Anh đi bầu là 71,8% – tương đương với hơn 30 triệu người. Đây là tỷ lệ cử tri cao nhất trong lịch sử kể từ cuộc bầu cử năm 1992.

7 – SỰ KHÁC BIỆT GIỮA SỐ PHIẾU CỦA CÁC VÙNG TRÊN NƯỚC ANH

Cuộc trưng cầu này đã cho thấy một sự phân hóa ý kiến sâu sắc giữa các vùng trong nội bộ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Sự phân hóa phiếu bầu theo vùng địa lý Nước Anh và xứ Wales đều ủng hộ mạnh mẽ việc rời EU, với tỉ lệ phiếu bầu rời đi lần lượt là 53,4% và 52,5%. Trong khi đó, người dân Scotland và Bắc Ireland đều thiên về việc Anh ở lại EU, với tỷ lệ số phiếu ở lại là 62% và 55,8%. Riêng thủ đô London có tỉ lệ phiếu bầu ở lại là 59,9%, phiếu bầu ra đi là 40,1%. Sự phân hóa phiếu bầu theo độ tuổi cử tri Ngoài sự phân hóa giữa các vùng, một cuộc khảo sát của Lord Ashcroft Polls cũng cho thấy sự phân hóa theo độ tuổi của cử tri, khi những người trẻ (trong độ tuối từ 18 đến 34) thường có xu hướng bầu chọn cho việc Anh ở lại EU hơn là những người trung niên và cao tuổi.

12 LÍ DO CHO VIỆC ANH RA ĐI VÀ Ở LẠI EU.

Cuộc trưng cầu dân ý quyết định số phận ra đi hay ở của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland trong Liên minh châu Âu đã diễn ra vào ngày 23 tháng 6 năm 2016. Và dù kết quả cuộc trưng cầu cho thấy người Anh đã chọn rời khỏi EU, hiện nay ở đât nước này vẫn tồn tại hai luồng quan điểm trái chiều về việc ra đi hay ở lại. Mỗi bên đều có những lí lẽ riêng, vậy lập luận của hai bên đối lập trong cuộc tranh luận này là gì?

1. VẤN ĐỀ VỀ NGƯỜI NHẬP CƯ

Vì sao nên ra đi Một trang web ủng hộ Anh rời EU cho rằng số người dân nhập cư từ EU thực tế nhiều hơn so với các số liệu được thông báo cho công chúng. Nước Anh vẫn là một điểm đến lý tưởng cho những người dân nhập cư từ những đất nước kém phát triển hơn mong muốn tạo dựng sự nghiệp tại quốc gia này. Lượng dân nhập cư cao dẫn đến cạnh tranh khốc liệt hơn trong ngành lạo động, đặc biệt ở những phân khúc đòi hỏi kỹ năng thấp. Điều này được cho là nhân tố khiến mức lương của người lao động Anh bị hạ thấp đáng kể và gây áp lực lên các dịch vụ công cộng. Anh Quốc chỉ có thể kiểm soát tình trạng nhập cư một khi nước này rời khỏi Liên minh châu Âu, vì quyền tự do đi lại đồng nghĩa với việc các công dân EU có quyền tự do sinh sống và làm việc ở Anh. Vì sao nên ở lại Một luận điểm trái chiều cho rằng việc rời khỏi EU sẽ không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng di cư mà sẽ chỉ đem đến thêm gánh nặng cho nước Anh, vì hoạt động kiểm soát biên giới châu Âu sẽ chuyển từ thị trấn Calais (Pháp) sang thị trấn Dover (Anh). Ngoài ra, làn sóng nhập cư không phải lúc nào cũng có tác động tiêu cực đến nền kinh tế, ví dụ như những người nhập cư từ EU thường đóng thuế nhiều hơn số tiền trợ cấp mà họ nhận được.

2. TỘI PHẠM

Vì sao nên ra đi Lệnh Truy nã Liên minh châu Âu (European Arrest Warrant) đồng nghĩa với việc công dân Anh có thể bị đưa đến nước ngoài và bị xử ở các tòa án nước khác. Việc rời khỏi Liên minh châu Âu sẽ chấm dứt tình trạng này. Vì sao nên ở lại Những tên tội phạm hiếp dâm, giết người hay các tội phạm nghiêm trọng khác phạm tội ở Anh rồi trốn sang nước ngoài chỉ có thể bị bắt nhờ Lệnh Truy nã Liên minh châu Âu. Do vậy, rời khỏi EU sẽ khiến Lệnh này không còn được áp dụng với Anh và ngăn chặn việc thực thi công lý.

3. GIAO THƯƠNG

Vì sao nên ra đi Những người ủng hộ Anh rời EU chô rằng mối quan hệ của Anh với EU đang ngăn cản nước này tập trung vào các thị trường mới nổi- ví dụ như Trung Quốc và Ấn Độ. Rút khỏi EU sẽ cho phép Anh đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại của mình. Thêm vào đó, các doanh nghiệp Anh sẽ không còn phải tuân theo các quy định ngặt nghèo của EU. Vì sao nên ở lại 44% hàng xuất khẩu của Anh là đến các nước thành viên EU, thế nên rút khỏi EU sẽ tạo rào cản thương mại với các nước này và ảnh hưởng đáng kể đến giao thương của Anh của Anh nói riêng và nền kinh tế nước này nói chung..

4. LUẬT PHÁP

Vì sao nên ra đi Rất nhiều bộ luật ở Anh được tạo nên bởi các nhà lập pháp tại Brussels và quyết định của Tòa án Công lý châu Âu (European Court of Justice). Điều này đã hạn chế quyền tự chủ của các tòa án nước Anh. Vì sao nên ở lại Trong chiến dịch thúc đẩy Anh rời khỏi EU, giới truyền thông đã phóng đại về số lượng luật được ban hành bởi Ủy ban châu Âu mà Anh phải tuân thủ nhằm vẽ ra viễn cảnh “dễ thở” hơn khi Anh rời khỏi cộng đồng này. Tuy nhiên nếu nước Anh ở lại và cùng tham gia vào hoạt động lập pháp của châu Âu thì quốc ga này sẽ được hưởng những thành quả lập pháp từ những chuyên gia hàng đầu của khối này.

5. VIỆC LÀM

Vì sao nên ra đi Bên ủng hộ ra đi nói rằng những hậu quả tiềm tàng của tình trạng thất nghiệp do rời khỏi EU đã bị phóng đại. Họ lập luận rằng chỉ cần thực hiện các khoản đầu tư theo bước của các nước Bắc Âu không thuộc EU thì nước Anh vẫn có thể tồn tại và thậm chí còn nở rộ về mặt kinh tế như những nước trên. Vì sao nên ở lại Một nhóm những người ủng hộ Anh ở lại EU đứng cạnh một tấm áp phích cho biết 384.000 việc làm ở khu vực Tây Trung nước Anh có liên hệ với hoạt động thương mại tới EU. Hiện nay có khoảng 3 triệu việc làm ở Anh có liên hệ trực tiếp tới EU, do vậy, nếu rời EU, có rất nhiều người lao động sẽ có thể mất việc làm. Mỗi ngày, Anh nhận được 66 triệu Bảng tiền đầu tư từ EU, do vậy, một khi rời khỏi EU,số lượng doanh nghiệp đầu tư vào Anh sẽ giảm đáng kể.

6. VỊ THẾ

Vì sao nên ra đi Anh không cần ở trong EU để có được vị thế trên trường quốc tế. Bằng việc mở lại hợp tác với Khối Liên hiệp Anh, nước Anh có thể có quyền lực và vị thế ngang với khi là một thành viên của EU. Vì sao nên ở lại Anh sẽ bị “bỏ rơi” nếu rời khỏi EU, theo lời cựu Phó thủ tướng Anh Nick Clegg. Trong một thời đại toàn cầu hóa, vị thế của Anh sẽ được bảo vệ tốt nhất nếu Anh là một thành viên của cộng đồng EU.

7. TÀI CHÍNH

Vì sao nên ra đi Bên ủng hộ Anh rời EU tin rằng tình trạng tháo chạy vốn sẽ không thể xảy ra. London vẫn sẽ là trung tâm tài chính hàng đầu ngoài châu Âu và các ngân hàng vẫn sẽ đặt trụ sở tại Anh vì lợi ích thuế. Vì sao nên ở lại Các ngân hàng sẽ “tháo chạy” khỏi Anh và trung tâm tài chính London sẽ sụp đổ nếu Anh rời EU. Chính những lợi thế thương mại có được khi Anh là thành viên Liên minh châu Âu đã giúp các ngân hàng nói riêng và nền tài chính nước Anh nói chung phát triển mạnh mẽ.

8. TỰ CHỦ

Vì sao nên ra đi Những người ủng hộ chiến dịch vận động Anh rời EU (Vote Leave) cầm tấm áp phích với dòng chữ “Let’s take back control” (tạm dịch: Hãy lấy lại quyền tự chủ của chúng ta). Nghị viên Anh đã không còn tự chủ kể từ khi Anh gia nhập EU. Với việc EU đang hướng tới “một liên minh với mức độ thống nhất ngày càng cao” và sự hội nhập kinh tế nhiều hơn sau cuộc khủng hoảng đồng euro, nước Anh tốt nhất nên rời EU trước khi các cam kết với tổ chức này trở nên chặt chẽ và nhiều ràng buộc hơn. Vì sao nên ở lại Trong một thế giới toàn cầu hóa, mỗi quốc gia cần hợp tác với nhau nhiều hơn nếu nếu muốn phát triển thịnh vượng và bền vững. Việc đòi hỏi tự chủ chỉ đồng nghĩa với việc cô lập bản thân mình.

9. QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH

Vì sao nên ra đi Anh sẽ sớm bị yêu cầu đóng góp lược lượng cho quân đội EU và điều này sẽ làm suy giảm lực lượng quân đội độc lập của Anh. Sau khi rời EU, Anh vẫn có thể hợp tác với các nước châu Âu khác để chống khủng bố, giống như nước Mỹ vậy. Vì sao nên ở lại Các nước châu Âu đang đều phải đối mặt với mối đe dọa IS, do vậy chỉ có hợp tác cùng nhau thì các nước mới có thể đối phó với vấn đề này.

10. MÔI TRƯỜNG VÀ NĂNG LƯỢNG

Vì sao nên ra đi Các quy định về môi trường của EU có thể là những gánh nặng với các doanh nghiệp Anh và khiến chi phí năng lượng tăng cao. Kể cả khi Anh rời khỏi EU, các nước châu Âu khác vẫn sẽ muốn bán điện cho Anh. Hơn nữa, khác với nhiều nước thành viên EU, phần lớn nguồn dầu khí của Anh đến từ Na- uy chứ không phải Nga. Vì sao nên ở lại An ninh năng lượng của Anh sẽ được đảm bảo hơn vì các thỏa thuận năng lượng được thực hiện theo một khối liên minh. Đông thời, nhờ các quy định của EU, Anh sẽ có nguồn nước và không khí sạch hơn và lượng phát thải CO2 thấp hơn.

11. GIÁO DỤC VÀ NGHIÊN CỨU

Vì sao nên ra đi Chỉ 3% tổng chi phí cho R&D của Anh là do EU hỗ trợ. Một khi rời khỏi EU, Anh có thể dùng khoản phí thành viên hàng năm phải đóng góp cho EU để đầu tư hỗ trợ các dự án giáo dục và khóa học khác. Vì sao nên ở lại Học sinh, sinh viên là một trong những đối tượng ủng hộ Anh ở lại châu Âu mạnh mẽ nhất. Rất nhiều trường đại học ở Anh nhận các khoản hỗ trợ nghiên cứu từ EU và nhiều nhà khoa học hàng đầu của nước này đến từ các quốc gia khác ở châu Âu.

12. DU LỊCH VÀ SINH SỐNG Ở NƯỚC NGOÀI

Vì sao nên ra đi Không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy rời EU sẽ khiến việc du lịch châu Âu của người Anh trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, các đạo luật quốc tế hiện hành sẽ bảo vệ những người Anh đang sống và làm việc ở các nước khác thuộc EU. Vì sao nên ở lại Nhờ là một thành viên của EU, người Anh đang được hưởng ưu đãi về giá cho các chuyến bay đến châu Âu và phí điện thoại di động. Ngoài ra, không có gì bảo đảm chắc chắn rằng những công dân Anh đang sinh sống và làm việc tại các nước khác thuộc EU sẽ tiếp tục được ở lại các nước này sau khi Anh rời EU.

Nguồn: Tổng hợp

Từ khóa: 

brexit

,

kiến thức chung

Bài viết rất hữu ích nhưng hơi dài khi mình đọc trên app.

Lần sau tác giả có thể chia nhỏ thành khoảng 2 phần và sử dụng thêm hình ảnh minh hoạ giúp cho bài viết sinh động nha.

Cảm ơn bạn vì kiến thưc hữu ích mà trên Erek! Đang khá thiếu :)

Trả lời

Bài viết rất hữu ích nhưng hơi dài khi mình đọc trên app.

Lần sau tác giả có thể chia nhỏ thành khoảng 2 phần và sử dụng thêm hình ảnh minh hoạ giúp cho bài viết sinh động nha.

Cảm ơn bạn vì kiến thưc hữu ích mà trên Erek! Đang khá thiếu :)