Câu chuyện cháy chung cư và lý thuyết Từ Hải chết đứng.

  1. Tâm lý học

Khi xem các bộ phim thảm hoạ các bạn có bao giờ bất giác bảo diễn viên là "Nhu quá sao không chạy ngay đi mà cứ đứng đó như Từ Hải chết đứng" chưa? 

Đứng trước một tình huống mới, bạn sẽ có xu hướng lấy tình huống hiện tại để làm mốc và từ đó sẽ thấy tương lai chả có gì đáng sợ cả. Nhưng có đúng là tương lai không có gì đáng sợ chứ.

Ngộ nhận trạng thái bình thường (normalog bias) là việc trì hoãn các hành động cần thiết trong một cuộc khủng hoảng và vờ như mọi thứ vẫn suôn sẻ và dễ đoán như bình thường.

Trên thực tế, bộ não chúng ta cần trải qua các thủ tục cần thiết trước khi quyết định chi phối hành động cơ thể, quy trình đó là từ nhận thức, tri giác, lĩnh hội, quyết định, áp dụng, rồi hành động. Và đơn giản là não bạn load không nổi nếu thông tin đến quá nhiều cùng một lúc và ta sẽ rơi vào hai trạng thái hoặc cứng đờ (như Từ Hải chết đứng) nếu tình huống đến với ta quá nhanh hoặc cứ bình thản kiểu "Chắc nó chừa mình ra"

John Leach, nhà tâm lý học tại Đại học Lancaster, cũng nghiên cứu về việc sợ đến mức đờ người ra. Ông cho rằng khoảng 75% trong số chúng ta sẽ không thể suy nghĩ mạch lạc khi đối mặt với thảm họa hoặc mối nguy cận kề. Trong số còn lại, những người thuộc khoảng 15% ở hai cạnh của biểu đồ hình chuông hoặc là sẽ phản ứng nhanh chóng với sự tỉnh táo ở mức tối đa, hoặc là sẽ rơi vào trạng thái hoảng loạn tột độ.

Theo Johnson và Leach, những người có khả năng sống sót cao nhất là những người đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất và đã có sự luyện tập từ trước. Những người này đều đã nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề, hoặc là đã xây chỗ trú ẩn, hay đã tập dượt trong các tình huống giả định. Họ luôn tìm cửa thoát hiểm và tưởng tượng xem mình sẽ làm gì. Có thể họ đã từng trải qua hỏa hoạn khi còn nhỏ, hoặc đã từng sống sót qua một trận bão lịch sử. Những người này không do dự trước hiểm nguy bởi vì họ đã từng trải qua sự do dự này rồi, trong khi những người xung quanh giờ mới trải nghiệm.

Bạn có nhớ những câu chuyện cháy chung cư từng xảy ra chứ? Theo mình ở đây có 2 vấn đề, một là do người dân không được tập huấn đúng cách về việc phòng cháy chữa cháy và hai có lẽ còn do cách xây dựng các đường dây điện ở chung cư. Ngoài ra, có một điều mình thấy khá mỉa mai khi ở một chung cư chính là hệ thống chuông báo cháy dù có hoạt động thì mọi người vẫn tỏ ra bình thường cho đến khi có biến thì mới tranh nhau thoát thân.

Câu chuyện cháy chung cư đã đi qua, vấn đề phòng cháy và nhận thức cá nhân vẫn ở đó, cho dù biết có thể xảy ra tình huống xấu, biết rằng bộ não cần được học tập để nhận biết hiểm nguy thì thái độ bàng quan vẫn đang đóng đinh vào từng cá nhân. Cho đến khi mọi chuyện xảy ra thì đã quá muộn màng.

Từ khóa: 

tâm lý học

,

thảm họa

,

não bộ con người

,

tâm lý học