[Chia sẻ] Chuyện việc làm

  1. Giáo dục

  2. Tâm sự cuộc sống

 

Sáng nay, tôi gặp lại một người em là đồng nghiệp cũ. Cậu ấy thuộc Gen Z. Cuộc trò chuyện của hai anh em xoay quanh đề tài công việc. Nhờ đó, tôi hiểu thêm về áp lực của thời đại này. Hình như, tôi từng thấy chữ “Z” giống với chiếc lò xo: hoặc bị nén để bật lên hoặc bị kéo dãn đến mất đi độ đàn hồi.

Cậu ấy sắp trở thành nhân viên chính thức cho một công ty truyền thông với mức lương khởi điểm hai con số. Song song, cậu vẫn tiếp tục học Đại học. Làm thế nào để vừa học Đại học, vừa trở thành nhân viên làm việc toàn thời gian nhỉ? Đó là làm đêm, học ngày. Tôi chưa từng trải qua tình huống tương tự. Một phần tôi ngưỡng mộ ý chí của em, phần tôi cũng ái ngại cho sức khỏe của em. Em tài năng, tôi biết. Nhưng sức khỏe là thứ giúp tài năng ấy tỏa sáng. Em nói với tôi ai cũng dần thích nghi với công việc. Tôi công nhận em nói đúng: cái giá để trả cho sự năng động không phải lúc nào cũng rẻ. Bằng tuổi em, tôi thấy không ít bạn cũng đang lao vào vòng xoáy chiến đấu ở mảnh đất mà thiếu tiền thì không thể sống được. Các em không sai, nhưng làm thế nào để hiểu rằng việc hi sinh bản thân của hiện tại cho bản thân nào đó trong tương lai, là đúng nhỉ?

https://cdn.noron.vn/2022/06/15/112375475249267-1655282705.pngảnh: Pixabay

Cậu chuyện tiếp sang vấn đề tuyển dụng. Em và tôi đồng ý rằng không hiếm đơn vị đăng tin tuyển dụng một cá nhân về gánh vác công việc thay cho một nhóm. Đó là người có thể làm việc gấp 3 lần để nhận về mức lương cao gấp 1,5 lần. Đó là người có bộ kỹ năng cứng, kỹ năng mềm phong phú và toàn diện. Đó cần là người tin vào những lời hứa hơn tin vào hành động.

Người ta nói về chuyên môn hóa, phong cách làm việc chuyên nghiệp nhưng lại thích tuyển về những “thợ đụng” (thợ đụng đâu làm đó). Hình như họ quên mất ước mơ lập nghiệp ban đầu là để tránh sự bóc lột từ đồng loại. Đến lượt mình, họ vô thức (ý thức hay vô ý thức nhỉ?) chơi trò chơi mà bản thân từng chán ngán. Triết học với đời sống thật là gần gũi: “Bất cứ ai chiến đấu với quái vật nên cẩn thận để không trở thành một con quái vật”.

Để gia nhập thị trường lao động mà công sức lao động là thứ rẻ mạt, không ít bạn trẻ phải lăn lộn chấp nhận làm việc cật lực để rồi tự bù đắp bằng cách ăn tiêu xa xỉ, nạp thêm các thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh. Một cuộc đời bị đem đi tiêu dùng theo cách ấy, thì sao tránh khỏi các vấn đề về sức khỏe tinh thần?

Đổi lại, đôi lúc các em sẽ bị "tẩy não" rằng tuổi trẻ vất vả là hợp lý. Tuổi trẻ là phải biết làm mà không đòi hỏi. Các em quên mất câu nói "Nhiệt tình mà đi kèm sự thiếu hiểu biết là phá hoại" rồi nhỉ? Đương nhiên, là nếu phá hoại một đoạn đời của các em, mà lại có lợi cho người khác thì chắc sự im lặng vẫn tiếp diễn. Hơn nữa, vốn từng trải, không ít kẻ có thể nghĩ ra lý do chính đáng cho hành vi tận dụng, thậm chí là còn khiến các em phải hàm ơn.

Kết thúc lại, cái giá của tuổi trẻ là điện thoại đời mới, xe sang, một căn chung cư trả góp và một tài khoản tiết kiệm (để thi thoảng lôi ra nghịch?- vì chẳng mấy ai được học hành bài bản về đầu tư, về những ngọn sóng và những con cá mập phía dưới).

Nếu hiểu những điều mà Gen Z trải qua, bạn sẽ hiểu được họ đáng thương nhiều hơn đáng trách. Họ đã già đi quá nhanh trước khi kịp trẻ. Họ đã chuẩn bị về hưu trước khi lập nghiệp. Không phải họ muốn thế, mà bởi dường như thế giới Internet đã gieo vào họ niềm tin khó lay chuyển ấy thông qua các thiết bị công nghệ mà họ phải đánh đổi mồ hôi và nước mắt (của bản thân hoặc gia đình) ra để mua. Nếu có thiếu trách nhiệm, thì thiếu ở chỗ họ chấp nhận ảo tưởng ấy quá dễ dàng để rồi biến nó thành tiêu chuẩn sống.

https://cdn.noron.vn/2022/06/15/5794213715585891-1655282747.jpgảnh: Pixabay

Mọi việc vẫn sẽ tiếp diễn như vậy. Đổi thanh xuân lấy một miếng nhựa thông minh, một cục sắt bóng bẩy hay một khối bê tông tiện nghi để chứng tỏ bản thân có lẽ vẫn là lựa chọn nhận được những lời tung hô bóng bẩy, "những ngón cái xanh lè" bật lên tanh tách dù chúng rỗng tuếch.

Cá nhân tôi, tôi cảm thấy bản thân mình cần viết gì đó. Đọc được những dòng này, mong các bạn trẻ sẽ có những phút chậm rãi hơn suy tư về thực tại. Tôi chưa phải một người thành công theo tiêu chuẩn của xã hội hiện đại để chỉ bảo người khác, nhưng tôi là một con người khó hờ hững với đồng loại.

 
 
 
 

 

 

Từ khóa: 

hnreader07

,

chia_se

,

viec_lam

,

gioi_tre

,

noron

,

giáo dục

,

tâm sự cuộc sống