Chương trình tình nguyện có như bạn nghĩ?

  1. Tâm lý học

Một trong những điều hấp dẫn nhất mà tôi hình dung về đại học chính là “Tình nguyện”.  

Một phần có lẽ vì cấp 3 ngây ngô nghe ai đó nói rằng đi tình nguyện giống như đi du lịch, được đi đến nhiều nơi, làm được rất nhiều việc tốt, kết được nhiều bạn mới... Tôi đã nghĩ mình sẽ trở thành một tình nguyện viên vào một ngày nào đó. Vì tôi yêu thích nó, tôi đam mê nó và tôi nghĩ như vậy là đủ... 

Quay trở lại với hiện tại, tôi đang là sinh viên năm thứ hai của một trường đại học thuộc khối ngành xã hội. Tôi đã đem những suy nghĩ non nớt của mình để “dấn thân” vào những chương trình tình nguyện để rồi sau đó tôi nhận ra, thực sự tình nguyện không vui như mình đã nghĩ. Để được trở thành một thành viên của câu lạc bộ Tình nguyện, bạn cần phải trải qua vòng phỏng vấn, sinh viên chúng tôi gọi là “casting “ để tăng phần kịch tính. Bao gồm những câu hỏi chuyên và không chuyên, xử lý tình huống v..v. Và hồi hộp chờ đợi kết quả.  

Tôi nhận ra rằng, chỉ yêu thích, đam mê thôi là không đủ.  

Thứ nhất, bạn không thể làm tình nguyện mà không có kinh phí. Nguồn kinh phí này từ nỗ lực gây quỹ của mỗi một thành viên. Bạn nào đã từng tham gia chiến dịch, tham gia các chương trình thiện nguyện sẽ hiểu được hai chữ “gây quỹ “. Thậm chí là có một chút rùng mình. Trong các trường đại học sẽ có nhiều câu lạc bộ Tình nguyện, có những clb lớn mạnh, lực lượng đông đảo nên vừa có lợi thế trong việc gây quỹ vừa dễ dàng nghĩ đến việc xin tài trợ. Nhưng nếu là một câu lạc bộ của một khoa/ngành nào đó không quá nổi bật thì cách khả thi nhất để có kinh phí là bán hàng gây quỹ. Có những ngày bị áp lực gây quỹ mà nằm mơ cũng thấy mình đang chào hàng, chốt đơn. Rồi bằng cách nào đó mà bản thân tôi cũng rất tò mò, hình ảnh ấy tạo nên cái nhìn không mấy tích cực và thiện cảm về công việc tình nguyện. Một số cho rằng việc bán hàng gây quỹ của một số nơi đang diễn ra một cách tràn lan, kém sang và phản cảm. Về điều này chúng ta sẽ phải suy nghĩ nghiêm túc hơn.  

Thứ hai, đôi khi công sức bạn bỏ ra sẽ không đem lại kết quả như bạn mong muốn. Có những chương trình tình nguyện được lên kịch bản rất chi tiết, hoành tráng, kinh phí thực hiện lên đến gần chục triệu đồng nhưng khi tổ chức và kết thúc chương trình, có một sự hụt hẫng không hề nhẹ. Ví dụ như bạn nhận ra những đối tượng các bạn hướng đến thực ra không khó khăn như bạn nghĩ, hãy họ quá khó khăn đến mức những nỗ lực của những TNV lại không thấm vào đâu. Bạn tham gia trên tinh thần tự nguyện và tự giác cống hiến nhưng trong khi những người khác lại không như thế. Liệu bạn có cảm thấy bất công.  

Thứ ba, có ý kiến cho rằng :”Tình nguyện để làm gì khi gia đình mình còn đang gặp khó khăn, không về giúp bố mẹ mà lại đi xây nhà, đắp đường cho người dưng”. Có bao nhiêu sinh viên trước khi quyết định tham gia đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Chọn con tim hay nghe theo lý trí. Về phụ giúp gia đình hay đăng ký để có thể đi xa, để được trải nghiệm, được góp sức vào hoạt động cộng đồng. Đối với một số người này, nếu bạn chọn về nhà, bạn sẽ không có tinh thần vì tập thể, cuộc đời sinh viên sẽ không trọn vẹn, bạn sẽ không thể kết bạn nữa... Với một vài người khác, bạn sẽ làm những đứa con vô tâm, mặc kệ gia đình trong khi bản thân thì đi du lịch đây đó, chụp hình các kiểu... Biết sống sao cho vừa lòng thiên hạ đây.  

Tôi không thể phủ nhận những điều tiêu cực ấy, nhưng thật sự tôi vẫn yêu thích công việc Tình nguyện. Bởi nếu nó không đem lại cho bạn những kỉ niệm đẹp như bạn mong muốn thì nó sẽ mang đến cho bạn những kinh nghiệm xương máu để đời. Vậy thì... Tại sao không nhỉ. Quan trọng là bản thân những người làm công tác lên kế hoạch và tổ chức chương trình cần có một cái đầu lạnh. Bởi lẽ tình nguyện sẽ có ý nghĩa hơn khi nó đến được đúng người, đúng thời điểm. Liệu những gì chúng ta đã làm, đã tặng đã đúng là những điều họ cần hay chưa? Tình nguyện vốn xuất phát từ trái tim, vậy tại sao lại dùng vật chất để đo đếm?... Tôi vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động Tình nguyện, để tiếp tục trải nghiệm, tiếp tục tin tưởng và tìm ra lời giải cho những câu hỏi của mình. Bạn thì sao?  

#Lề xưa thói cũ

Từ khóa: 

lề xưa thói cũ

,

tâm lý học