Chuyện coi thi

  1. Giáo dục

Có một thời gian tôi đã coi thi rất nhiều. Bài viết này là một vài suy nghĩ về thời gian đó. Bài viết được đăng lần đầu tiên trên blog cá nhân của tôi, nhưng vì có một câu hỏi khá liên quan trên Noron nên tôi đăng lại nó ở đây, như phần mở rộng cho câu trả lời. Một vài đoạn trong bài viết gốc và toàn bộ hình ảnh đã được lược bỏ.

[...] Trên lý thuyết thì mỗi cán bộ trong toàn trường sẽ có số buổi trông thi gần bằng nhau, nhưng thực tế là các thầy “lớn” (các giáo sư, trưởng phòng thí nghiệm, lãnh đạo phòng ban) thường nhờ những người trẻ trông thi thay. Khi ấy tôi rất trẻ nên đã vinh dự gánh trọng trách thay một vài thầy và trong một thời gian tương đối ngắn, đã coi thi khoảng tám mươi lần. Nếu có nghề giám thị thì tôi đã khá chuyên nghiệp.

[...] Các bạn trẻ, có thể các bạn cũng nhận ra, giám thị của các bạn thường không thích đi coi thi. Coi thi rất mất thời gian, thứ mà mà những người làm việc đó ở các trường ở ta, thường là nghiên cứu viên trẻ hoặc nghiên cứu sinh, không có. Lần đầu đi coi thi thì tôi thấy thích, đó là một cảm giác mới lạ, nhưng sau đó thì chán dần.

[...] Chuyện tôi nhớ nhất ở các kỳ thi là chuyện lập biên bản. Lẽ ra là nên có chuyện khác vui hơn, nhưng sự thật thì lúc nào cũng nghiệt ngã. Tôi hình như lập nhiều biên bản hơn các giám thị khác và trở nên nổi tiếng. Có đợt tôi sang Hàn, lúc đi ăn cùng với anh chị em bên ấy thì có một em nhận ra tôi. Ở trường thì tôi có làm vài việc khác nữa, nhưng chuyện đầu tiên em ấy nhớ về tôi là tôi đã từng coi thi em ấy, và những buổi thi như thế thì khó quên.

Tôi đã lập biên bản rất nhiều sinh viên. Thực ra có rất nhiều trường hợp có thể lập biên bản nhưng tôi chỉ đánh dấu bài (chuyện đánh dấu bài sẽ nói sau), hoặc cảnh cáo miệng. Tôi cũng biết điểm số có thể ảnh hưởng đến học bổng hàng kỳ của các em, đến thành tích khi xin học bổng ra nước ngoài của các em, hoặc thời gian tốt nghiệp của các em, từng thứ trong đó có thể ảnh hưởng đến cả tương lai của các em. Vì thế, tôi hạn chế lập biên bản đến mức có thể, nhưng…

Sau đây tôi sẽ nói nhiều về chuyện gian lận thi cử.

Tôi đã không hiểu vì sao nhiều em cố tình gian lận đến thế. Nếu bạn trẻ nào có mất niềm tin vào sự trung thực của sinh viên nước mình, thì bạn có cơ sở. Vào được trường tôi không dễ, vậy mà trong trí nhớ của tôi thì chưa từng có phòng thi nào tôi coi mà không có em nào có ý định làm gì đó, có khi chỉ là liếc xuống một chút khi giám thị vừa đi qua, nhưng lúc nào cũng có gì đó. Các trường khác, tôi không biết.

Có thể trong đầu em sinh viên nào ngày đó có thể có câu hỏi là tại sao anh này có vẻ khắt khe vậy nhỉ. Mới vài năm trước anh chẳng phải vẫn còn là sinh viên hay sao, chẳng lẽ anh chưa từng gian dối để có điểm cao hơn, để làm vui gia đình chẳng hạn, hay sao? Tôi không biết có em nào nghĩ vậy hay không, nhưng nếu có, thì để em đỡ phải băn khoăn, câu trả lời là không, tôi chắc chắn không có ý định gian lận như các bạn đã bị tôi bắt.

Hồi lớp 6, một lần tôi nói dối cô giáo khi làm bài kiểm tra văn. Tôi không nhớ tôi đã nói dối thế nào, nhưng tôi đã có nhiều thời gian hơn, điểm chắc đã cao hơn. Nhưng sau này nghĩ lại, tôi luôn thấy sự ngay thẳng là cái giá quá đắt để trả cho vài điểm của một bài văn. Không bao giờ tôi làm cái gì tương tự nữa.

Và các em sinh viên, các em hãy tin là trong những giám thị của các em, tồn tại nhiều người như tôi.

Nếu thầy cô và cha mẹ các em nói hãy trung thực, các em trả lời đồng ý, rồi sau đó không trung thực, tức là các em không dám nói ra cái các em thực sự là. Mình như thế nào mà không dám nói ra như vậy, đó là mình tự khinh mình. Nếu các em nghĩ có những môn thi thật vô bổ, tại sao các em lại chọn học nó? Nếu các em thấy hệ thống có vấn đề, hãy đấu tranh chứ đừng làm trò trong bóng tối, như thế là hèn nhát. Nếu ai cũng thấy vấn đề và ai cũng mặc kệ nó, chỉ làm việc sao cho có thể thu lợi cho bản thân, thì mọi chuyện có thể tốt lên không?

Tự nhiên tôi nhớ lại một chuyện trong “Khuyến học.” Hơn trăm năm trước có lần thầy Fukuzawa muốn mời một giáo viên người Mỹ, giáo viên đó ổn cả, nhưng hệ thống hành chính của Nhật quá quan liêu và giáo viên đó không thể sang với tư cách giáo viên. Fukuzawa có thể nói dối để xử lý giấy tờ và để giáo viên đó sang, nhưng ông đã không làm thế. Ông nói cho chính phủ Nhật biết rằng họ sai. Người giáo viên đó thì, như các bạn có thể đoán, lần đó không sang được.

Tình cờ, một chuyện khác lại liên quan đến Nhật. Một thầy của tôi ở VN có thư mời sang Nhật dự hội nghị nhưng ban tổ chức in nhầm ngày. Thầy đã đặt vé nhưng không thể xin được thị thực vào ngày cần sang. Nhân viên sứ quán tư vấn thầy chuyển sang xin thị thực du lịch, như vậy sai mục đích nhưng sẽ xong việc. Các bạn biết thầy đã làm thế nào không? Thầy hủy chuyến đi đó, sau khi thấy không có cách nào khác ngoài xin thị thực du lịch. Thầy nói nếu sang thì sẽ đường đường chính chính mà sang dự hội nghị, chứ không làm như thế.

Thầy là người sẽ chiến đấu nếu thấy hệ thống sai, chứ không lựa gió và xin Visa du lịch cho xong việc.

Trước đây tôi hoàn toàn giống thầy, nhưng bây giờ sau khi đã bị cuộc đời vả nhẹ mấy cái thì tôi thấy xin Visa du lịch cũng chẳng sao. Thầy thì đã và vẫn luôn là con người như thế. Quay lại chuyện gian lận thi cử, thì dù là con người không được nguyên tắc cho lắm, tôi vẫn không thể chấp nhận nó được.

Điều này tôi muốn nói với các em sinh viên, tôi đã nghe rằng: Cách mà các em làm một việc là cách mà các em sẽ làm mọi việc. Bản chất con người em thể hiện ở mỗi việc em làm. Bỏ qua cho sự gian lận của các em là một tội ác, không phải là chỉ với các bạn cùng thi với các em, mà là với chính các em và với xã hội. Nếu các em thấy gian lận cũng không sao, mà lại có thứ này thứ kia, dù muốn dù không tiềm thức của các em sẽ ghi nhận chuyện đó, và các em sẽ ra ngoài đời theo cách đó. Nếu các em làm những việc chỉ liên quan đến chính các em, vậy thì không sao. Nhưng thường công việc của các em liên quan đến người khác. Nếu là các em, các em có thể tin lời của một chính trị gia mà khi còn đi học luôn gian dối? Nếu là các em, các em có tự tin đi trên những cây cầu thiết kế bởi những kỹ sư mà thời còn là sinh viên đã gian lận để qua môn? Nếu là các em, các em có dám để một bác sỹ từng gian lận ở trường Y phẫu thuật cho mình? Chắc là không, phải không. Câu chuyện không bao giờ là điểm số của lúc đó, câu chuyện là con người mà các em sẽ trở thành, là xã hội mà các em sẽ là trụ cột. Loại tội ác đó, tôi không dám phạm. Vì thế, tôi đã là một giám thị nghiêm túc.

Thỉnh thoảng, tôi đọc thấy đâu đó ngoài kia các bạn nhắc đến những lúc giở phao hay nhìn bài bạn khi còn đi học như những kỷ niệm đáng yêu và đáng nhớ một thời. Nếu các bạn có thể nghĩ những chuyện đó là bình thường, thì những thứ các bạn than phiền về cuộc sống hay xã hội này, chẳng phải còn bình thường hơn hay sao. Ai cũng gieo hạt táo thì không có lý gì chúng ta sống trong vườn đào được. Mà thôi, tôi sẽ nói mấy chuyện khác, vì cứ nói đạo lý thì sẽ sống như tôi mất thôi.

[...] Tôi thì ngoài việc nói chuyện với giám thị khác, còn có thói quen quan sát các em. [...] Chuyện các em trao đổi hoặc cố nhìn tài liệu ở đâu đó cũng rất dễ nhìn ra, nếu bạn làm giám thị thì bạn sẽ nhận ra điều đó. Cái tôi quan sát là thái độ của các em trước và sau khi làm thế. Nhận ra người ta sắp làm gì khi người ta chưa làm, và nhận ra ai có khuynh hướng làm gì đó hơn người khác trong một nhóm người sẽ cho một cảm giác thú vị, và giữ tôi tập trung.

Giám thị có mặt ở phòng thi không phải để làm sinh viên căng thẳng, mà để buổi thi diễn ra thuận lợi. Nếu sinh viên có bất kỳ vấn đề gì, chúng tôi sẽ liên lạc với phòng Đào tạo hoặc thầy cô dạy các em môn đó. Giám thị thường cũng chỉ muốn không sinh viên nào phạm quy, không phải lập biên bản thì đỡ tốn thời gian vốn đã ít ỏi của bọn tôi. Có điều, đời không như mơ. Một số giám thị vì tính xuề xòa hoặc ngại thủ tục phiền hà quả thật là có bỏ qua cho sinh viên.

Hồi đầu, tôi luôn giải thích quy chế rất kỹ trước khi thi, và nói với các bạn sinh viên rằng nếu các bạn phạm quy thì chắc chắn sẽ bị xử lý. Tôi nhớ tôi hay nói nguyên văn “xin các bạn đừng làm những chuyện dại dột.” Nghe nó hơi buồn cười một chút, tôi mong là đầu óc các bạn trẻ được thư thái hơn, dù chỉ một xíu thôi, trước khi thi. Không hiểu sao, có bạn không tin tôi. Mất khoảng một kỳ các bạn ấy mới chịu hiểu là tôi nói thật. Tôi có cảm giác kỳ thứ hai khi tôi coi thi, khi tôi vào phòng thi thì các sinh viên im lặng nhanh hơn so với kỳ đầu tiên. Chuyện tôi nói thật, đã nhiều sinh viên biết.

Quá trình để một sinh viên bị đình chỉ thi là như thế nào?

Theo đúng quy chế, lần đầu tiên vi phạm thí sinh sẽ bị cảnh cáo, có nghĩa là trừ một phần tư số điểm và bị lập biên bản. Lần thứ hai thí sinh sẽ bị khiển trách, trừ một nửa số điểm, và lần thứ ba sẽ bị đình chỉ thi. Vi phạm là thế nào? Đó là khi thí sinh hỏi bài, nhìn bài, cố tình gây mất trật tự, v.v. Dùng tài liệu và bị bắt có nghĩa là thí sinh sẽ bị đình chỉ thi ngay lập tức.

Nhưng thường bọn tôi không làm thế, dù tôi nghiêm khắc, làm thế quá nghiêm khắc. Tôi còn quá trẻ để chịu đựng sự giải thích và hứa hẹn của các em, nhất là hồi đầu.

Như tôi đã nói, hồi đầu, các em sinh viên không tin là tôi sẽ lập biên bản thật. Tôi không chắc chắn về lý do. Để giảm độ căng thẳng thì lần đầu các em phạm quy, như quay sang nhìn bài bạn chẳng hạn, tôi chỉ nhắc thôi, và lần thứ hai tôi mới lập biên bản thật. Thậm chí trước khi lập biên bản tôi thường còn chỉ đánh dấu bài bằng chữ ký của tôi thôi. Như vậy, mỗi em có thể bị nhắc bốn lần trước khi bị đình chỉ. Về sau, tôi thấy hình như vì lần đầu tiên bị nhắc không sao nên có những em cố tình hỏi bài một lần. Khi đó thì tôi nói với các em, chỉ có em đầu tiên trong phòng bị nhắc không bị lập biên bản thôi.

Nhiều em bị lập biên bản thực ra là ngay khi vừa quay sang chưa kịp hỏi gì. Các em chịu ký biên bản vì thực sự trong đầu có ý định trao đổi. Tôi lập biên bản để những em khác thấy mà từ bỏ ý định làm trò, vậy thôi. Trong rất nhiều trường hợp, tôi bảo các em bị lập biên bản ở lại. Nếu thấy các em có ý thức thì có thể hủy biên bản, dù sao các em cũng chưa thật sự làm gì. Không giám thị nào muốn gây khó dễ cho sinh viên, nhưng các em phải hiểu được mình đã làm đúng hay sai. Nếu các em nhớ được việc đó và trở nên đàng hoàng hơn, hủy biên bản chẳng có gì khó.

Hủy biên bản thì người phạm quy là giám thị. Cuộc đời bất công ở chỗ giám thị thì sẽ không bị phạt, trừ khi có khiếu kiện từ sinh viên về việc hủy biên bản.

Chuyện đánh dấu bài có ý nghĩa gì? Nó không có ý nghĩa gì cả, nó cũng không có trong quy chế, các em sẽ không bị trừ điểm. Nhưng tôi thấy nó có hiệu quả tâm lý tốt. Khi một em bị đánh dấu bài, cả phòng thi có vẻ nghiêm túc hơn. Như tôi đã nói, giám thị không thích lập biên bản vì chẳng ai thích thủ tục nhiêu khê, nhưng tôi muốn sinh viên làm bài nghiêm túc. Thực ra, cũng có trường hợp giảng viên hỏi về cái chữ ký loằng ngoằng trên bài thi và có thể bài sẽ bị chấm nặng tay hơn, nhưng về cơ bản, nếu không bị lập biên bản thì không sao cả.

Sau một thời gian, tôi có thể biết em nào muốn hỏi bài và làm gì đó, và nhắc em ấy trước khi em ấy kịp làm việc dại dột đó. Khi bạn dành rất nhiều thời gian để quan sát, bạn sẽ giỏi quan sát hơn. Sau rất nhiều lần coi thi, cuối cùng tôi còn có thể nhìn ra em nào muốn gian lận, nhưng sẽ không dám. Lúc đó nhiều sinh viên đã biết tôi rồi. Việc coi thi trở nên đơn giản hơn ngày trước.

Khi tôi còn đi học, mỗi lúc đi thi nếu được xếp lên bàn đầu tôi rất hạnh phúc, còn nếu phải ngồi bàn cuối thì thỉnh thoảng thế nào cũng có lúc nghe lao xao ở đâu đó. Khi làm giám thị thì tôi nghĩ tôi đã giúp mọi sinh viên thoải mái dù ngồi ở bất kỳ đâu.

[...] Giám thị có biết sinh viên nói dối không?

Có những trường hợp mà khi một sinh viên nhìn bài của một sinh viên khác, tôi không biết người cho nhìn bài có cố tình làm vậy không, nếu cố tình thì cả hai bị xử lý giống nhau. Lúc đó tôi sẽ hỏi chính sinh viên đó: “Có phải em cho bạn nhìn bài không?” Tôi là người khá tự tin vào khả năng đọc người khác, nên có một phần nhất định tôi biết sinh viên đó có nói dối hay không. Nhưng tôi luôn luôn xử lý theo đúng như câu trả lời của sinh viên đó.

Tại sao? Thứ nhất là vì dù tôi tin đến 99% vào cảm nhận của tôi, tôi không có bằng chứng kiểu camera hay nhân chứng thứ ba gì cả. Thứ hai là một nguyên nhân quan trọng hơn. Tôi nghĩ sinh viên đã đủ trưởng thành để nhận trách nhiệm, và để khẳng định họ là con người như thế nào trong mắt chính họ. Thường thì những sinh viên có thể cho bạn nhìn bài là những sinh viên có học lực tốt. Giả sử sinh viên này thật sự cố tình cho bạn nhìn bài, anh ta có thể nhận lỗi, chịu bị trừ điểm, chịu lùi lại phía sau trong cuộc đua với những sinh viên ưu tú khác cho một danh hiệu, một học bổng, hay bất kì cái gì. Tuy thế, anh ta có thể tự hào rằng bản thân là một người dám làm dám chịu. Bị điểm kém trong một kỳ thi, nhất là khi có thể tránh được nó, có thể có những ảnh hưởng khá xấu nhìn thấy được trước mắt cho một sinh viên đang có thành tích tốt, nhưng về lâu dài, tôi tin nó là một trong số những trải nghiệm làm nên một người bản lĩnh hơn. Ngược lại, giả sử sinh viên này cố tình cho bạn nhìn bài nhưng không dám nhận, anh ta sẽ không bị lập biên bản, không chịu ảnh hưởng gì ngoài chút sứt mẻ tình bạn có thể có hoặc không; nhưng anh ta đã chọn cho mình chiều hướng trưởng thành với sự hèn nhát, vị kỷ, một chiều hướng mà tôi nghĩ sau này nhìn lại ai cũng có thể thấy là không đáng. Nhưng sinh viên thì đủ lớn rồi, sống cách sống như thế nào, trở thành con người như thế nào, đều là lựa chọn và trách nhiệm của chính họ.

Thỉnh thoảng có những sinh viên muốn gian lận bằng những cách không có chút tinh tế nào như xin đi ra ngoài hoặc nhân khi giám thị vừa đi qua thì liếc nhìn tài liệu. Tôi thì thường để ý để giám thị còn lại nhìn thấy những sinh viên tôi không nhìn thấy, và nhắc các em ra ngoài trước khi thi nếu cần, và tuyệt đối không đi ra ngoài trong 90 phút làm bài. Người ta thường có xu hướng muốn đi vệ sinh khi căng thẳng, ví dụ như trước lúc thi, và có thể nhịn 90 phút mà không có vấn đề gì, nên sau khi đã được nhắc như vậy mà thí sinh vẫn cố gắng ra ngoài trong kỳ thi, thì thường có điều không ổn.

Ngoài quan sát các bạn sinh viên, trong giờ thì có vài việc khác nữa tôi có thể làm. Nếu môn thi trong chuyên môn của tôi, tôi có thể thử giải nó cho vui, hoặc xem nội dung bài làm của các em. Cũng có lúc tôi nhìn ra ngoài cửa sổ và nghĩ thẩn thơ.

Vài chuyện qua mấy kỳ thi mà tôi còn nhớ

Có lần tôi được phân coi thi môn Triết học. Trước khi đến phòng thi, giám thị được lưu ý là hàng năm môn này thí sinh mang tài liệu vào phòng thi rất nhiều. Về nguyên tắc thì mang tài liệu vào phòng thi là đủ bị đình chỉ, nhưng hôm ấy chúng tôi thống nhất là nếu nhắc mang nộp mà thí sinh mang nộp trước khi thực sự dùng thì sẽ bỏ qua.

Các bạn thấy đấy, trường tôi rất nhân văn. Đã xử lý thì phải nghiêm, nhưng nếu được thì tốt nhất là không phải xử lý! Vậy mà ngày hôm đó phòng tôi vẫn có khoảng 6 hay 7 thí sinh bị đình chỉ.

Tôi thông cảm với các bạn trẻ không thích triết học Mác Lê. Hồi tôi học môn đó thì được phép mang giáo trình vào phòng thi. Nhưng gian dối thì không thể tha thứ được, như đã nói ở trên. Hơn nữa, gian dối trên lòng tốt của người khác thì càng không thể tha thứ được. Tôi không còn nhớ rõ nhưng hình như trước khi người đầu tiên bị đình chỉ, bọn tôi đã nhắc thí sinh ba lần rằng có thể nộp tài liệu ngay lúc đó và sẽ không sao.

Nhưng chuyện đáng nhớ là thế này.

Có một thí sinh chuẩn bị dùng tài liệu, tức là chưa dùng (Nếu các bạn nghĩ tôi đọc được suy nghĩ của thí sinh thì đúng rồi, tôi có thể nhìn và biết có gì đó không ổn). Không hiểu sao tôi thấy cậu ta có gì đó rất đặc biệt, nói dễ hiểu là không nên bị đình chỉ.

Tôi biết trong ngăn bàn có gì đó nên đến lấy ra và hỏi: Đây là tài liệu của em hay của lớp buổi sáng?

Cậu ta trả lời: Của em.

Đó đúng là một người đặc biệt. Đương nhiên cậu ta bị đình chỉ. Nhưng tôi nghĩ cậu ta đã chọn đúng.

Một lần khác, một thí sinh bị bắt khi dùng tài liệu. Nhưng cậu ta ngồi đó đến cuối buổi, giải thích rằng đây là môn thi cuối cùng, nếu không qua cậu ta sẽ không ra được trường, và không thể đi làm, và cậu ta là niềm hy vọng của gia đình.

Nếu là bạn, bạn sẽ làm thế nào?

Tôi biết là niềm hy vọng của gia đình là như thế nào. Chỉ có điều ngay cả khi không tốt nghiệp được, thì sinh viên vẫn có thể đi làm, năm sau quay lại thi. Chuyện làm việc mà không cần bằng phổ biến hơn mọi người nghĩ, thậm chí là ở những tập đoàn danh tiếng nhất ở VN, nếu làm kỹ thuật.

Tôi giải thích cho sinh viên đó rằng cậu ta có vấn đề về đạo đức. Bạn có thể nghĩ tôi hơn cậu ta một vài tuổi, chẳng qua do sự tình cờ của số phận mà nắm quyền quyết định ở đó, có tư cách gì mà nói chuyện đạo đức. Nhưng, sự thật là như thế. Gian lận thi cử, biện minh rằng hoàn cảnh xô đẩy, người có lòng tự trọng đủ cao có làm thế không? Giám thị thứ nhất hôm đó là một thầy nhiều kinh nghiệm, cũng đồng ý với tôi.

Nhưng tôi cuối cùng thì vẫn là một người yếu đuối. Cậu ta nói bài thi hôm ấy có thể có ý nghĩa rất lớn đến cuộc đời của cậu ta, như thể là tôi sắp hủy hoại tương lai tươi sáng của cậu ta vậy. Tôi biết cái gì đúng, cái gì sai, nhưng không kiên quyết được. Cuối cùng tôi nói với giám thị thứ nhất nếu thầy đồng ý không đình chỉ trường hợp này, thì tôi cũng đồng ý.

Cậu ta thuyết phục được giám thị một. Tôi không nhớ cậu ta bị trừ bao nhiêu điểm, nhưng cuối cùng thì cậu ta có vẻ qua môn đó.

Chuyện thú vị là, trong kỳ thi năm ấy tôi gặp cậu ta ở một buổi thi khác. Hôm trước không phải môn thi cuối cùng của cậu ta. Tôi bảo giám thị phòng thi ấy chú ý đặc biệt thí sinh này.

Bạn có thể so sánh hai thí sinh, cậu bé thi triết học và cậu bé niềm hy vọng của gia đình, trên đời có những người kỳ lạ.

Như tôi đã nói, nhiều khi giám thị chính là người phạm quy. Có lần tôi bắt hai em nhưng không biết chính xác ai hỏi người còn lại trước. Người được bạn hỏi đã đã trả lời. Có thể chỉ là nói: “Tôi không biết,” nhưng các em đã được dặn là hoàn toàn im lặng, không nói gì cả, và cả hai đã nói. Lẽ ra có thể lập biên bản cả hai, nhưng tôi đã làm thế này. Tôi bảo cả hai rằng nếu ai nhận mình hỏi bài người còn lại thì người bị hỏi sẽ không sao, còn người hỏi sẽ bị phạt nặng hơn bình thường. Tôi biết làm thế là tàn nhẫn, nhưng tôi muốn các em hiểu rằng bạn bè tốt không phải là tiếp tay cho nhau làm việc xấu, kiểu như cùng nhau gian dối, và cũng muốn để hai em ấy hoặc là nhớ để sau này đừng vì bản thân mà hại đến bạn mình, hoặc xác minh tình bạn của các em khăng khít đến mức nào.

Một lần khác có một thí sinh người nước ngoài trong phòng thi tôi trông. Trường tôi rất ít sinh viên nước ngoài, cậu ta là trường hợp đặc biệt. Khi mới nhập học có lúc cậu ta nói chuyện với tôi và nói chọn trường tôi vì có chương trình tiếng Anh và nhiều sinh viên quốc tế. Không biết ai đã nói dối cái chuyện sinh viên quốc tế nữa, hay vì đó là một lãnh đạo nói tiếng Việt lúc cậu ta chưa nghe sõi nên đã hiểu lầm, tôi không biết. Tôi nghĩ cậu ta là một người ưu tú. Cậu ta có học bổng của Chính phủ Việt Nam và nhận nhiều ưu đãi đặc biệt.

Nhưng hôm ấy trong phòng thi cậu ta “đã có những biểu hiện lươn lẹo.” Tất nhiên cậu ta bị nhắc lúc chưa kịp làm gì. Tôi không còn nhớ có lập biên bản không, nhưng đã yêu cầu cậu ta chuyển xuống bàn cuối cùng. Suốt buổi thi cậu ta bị quan sát rất kỹ, nhưng thực ra là kỹ hơn thí sinh khác chút thôi.

Cuối buổi, cậu ta ở lại và nói với tôi: “Why are you so strict (with me)?”

Tôi hiểu câu đó là: “Anh đang phân biệt đối xử với người ngoại quốc phải không?”

Phải mất một lúc để giải thích với cậu ta rằng tôi có phân biệt đối xử thật, nhưng là phân biệt đối xử giữa những người chọn cách làm bài thi đàng hoàng và những người có tư tưởng về những cách không đàng hoàng. Chỉ vậy thôi, còn thí sinh da màu gì hay nói thứ tiếng gì, không quan trọng.

Lại một lần khác, học trò cưng của tiền bối của tôi gian lận. Cậu này theo anh ấy làm nghiên cứu khoa học từ khi còn học cấp ba, có giải quốc gia quốc tế gì đó, tiếp tục theo anh ấy làm nghiên cứu khi vào đại học. Đây là môn anh ấy dạy, cậu này đương nhiên có thể làm bài không có vấn đề gì, nhưng muốn giúp các bạn. Tôi không còn nhớ có lập biên bản không, hình như có. Còn chuyện giải thích cho cậu ta rằng không phải ở sân nhà thì thích làm gì cũng được, trước mặt tất cả mọi người, thì tôi nhớ rõ. Hôm ấy tiền bối của tôi là giám thị một.

Ngoài coi thi ở trường ra tôi có coi thi đại học và thi chứng chỉ quốc gia. Thi đại học thì gần như không có thí sinh nào phạm quy cả. Chỉ có điều các em hơi thiếu kỹ năng và định dạng bài thi cũng mới nên giải thích hơi mệt. Chuyện tôi nhớ nhất là một ngày coi thi cùng một anh cao lớn và khá đẹp trai. Có một em nữ làm bài xong rất sớm và thỉnh thoảng hỏi anh kia mấy câu như muốn làm quen. Chỉ thấy hài thôi.

[...] Tôi nghĩ các bạn đều muốn xã hội của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, công bằng hơn, phải không? Lời cuối bài nhắn đến các bạn trẻ còn đang được đi thi: hãy thử đặt mình vào vị trí của một giám thị, cảm nhận, suy nghĩ, và thi tốt nhé, nếu còn được đi thi.

Từ khóa: 

giáo dục

Đọc bài viết của bạn thấy làm người tốt đúng là nhiều trăn trở, nhưng xứng đáng và thực sự có ý nghĩa ^^ Mình cũng rất ngưỡng mộ ông Fukuzawa Yukichi

Trả lời

Đọc bài viết của bạn thấy làm người tốt đúng là nhiều trăn trở, nhưng xứng đáng và thực sự có ý nghĩa ^^ Mình cũng rất ngưỡng mộ ông Fukuzawa Yukichi

Hồi mình còn là sinh viên, dù thành tích học tập k tốt lắm cơ mà mình vẫn hay đc đi coi thi mỗi dịp thi đại học ( trường mình thường ưu tiên sv khá trở lên đi coi) vì sau 1 kèo ông thầy bắt gặp mình coi thi ở trường khác. Ông nhận xét mình rắn và là sát thủ diệt gian lân. Có lần mình bắt phải đến 2/3 thi sinh trong phòng vì mấy chiêu quay phao, đến mức mà nhà trường phải cử người xuống nói khó. Cơ mà nghĩ cũng hài

Làm giáo dục chính là hướng con người ta sống sao cho trung thực, tử tế. Các bạn thí sinh ở phòng thi của anh đã học được một bài học rất giá trị nhờ vào sự ngay thẳng của anh.

Cảm ơn anh vì chia sẻ tâm huyết. Anh nên làm giáo dục đi ạ :))

Ủa mà anh, sao câu đầu là "Có một thời gian sau..." ạ? Thời gian trước chứ ạ? :D

Ông anh dạy trường nào đó? tui cũng muốn vào học vì không gian lận thì mấy đứa xung quanh chê mình ngu, học hành tử tế mà không trả lời đúng ý giáo viên thì họ chê mình dốt, nản :v

Đọc bài của anh em thấy mở rộng ra rất nhiều vấn đề trong xã hội. Xã hội ngày càng phát triển, có nhiều vấn đề bất cập mà mọi người cứ ôi dao, có ảnh hưởng đâu. Các vấn đề đó để nhiều nó lại thành bình thường. Như đi phong bì giáo viên 20/11, đi phong bì bác sĩ,.... Các vấn đề đó để lâu trong xã hội sẽ thành nhọt và phát triển thành ung thư.