Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không có gì để kể?

  1. Sách

Sẽ chẳng có gì xảy ra nếu như ngay từ đầu, tất cả chúng ta đều không có chuyện gì để kể với nhau. Phần ai nấy sống phần ai nấy chết bất kể thời gian, không gian hay con người cứ ngày ngày lượn qua lượn lại trước mặt nhau. Nhưng một khi ai đó đã cùng ta kể nên một câu chuyện nào đó, dù là về ai, dù là quá khứ hay hiện tại hay tương lai, thì khi đó, nhu cầu được kể chuyện và nghe kể chuyện của chúng ta đã bắt đầu hình thành như dòng suối nhỏ, như mạch nước ngầm không ngừng chảy qua lòng núi đá. Nhân vật chính trong Cánh Cửa của Szabó Magda, nhà văn nữ với “sự nghiệp văn chương bị treo bút mười năm vừa tái khởi” (mà có khi là chính Szabó Magda cũng nên) chính là người với nhu cầu đơn giản như thế.
Và Emerenc chính là người đã khơi gợi nên cái nhu cầu đó nơi nữ nhà văn, đồng thời cũng chính là người làm tắt nhu cầu đó nơi nữ nhà văn. Một người đàn bà với vai trò là giúp việc, vừa bí ẩn vừa đáng sợ nhưng cũng đặc biệt đáng yêu đến nỗi không ngôn từ nào có thể xác định được ngoài cái gọi là tình yêu giữa hai con người tưởng chừng như chẳng dính dáng gì đến nhau nhưng lại "va đập" vào nhau chan chát theo đúng nghĩa đen của từ này. Họ như hai mẹ con mà người này quyến rũ người kia theo cách riêng của mình để rồi từng bước từng bước, người này mở rộng cánh cửa đóng kín của người kia, và người kia từng bước đi vào trong lòng người này như một bóng hình không thể phai nhạt.
Một người đàn bà đã mở ra một cánh cửa, cánh cửa mà trước đó bà đã đóng kín và giữ gìn sự cô đơn cùng sự khốn khổ bất lực của mình quyết liệt đến mức không chịu mở ra ngay cả nếu mái nhà cháy đang ụp xuống trên đầu...
Chuyện gì đã xảy ra với Emerence? Một người đàn bà lúc nào cũng trùm khăn trên đầu, không coi trọng bất cứ cái gì, không biết vui cũng chẳng biết buồn, chưa hề quan tâm đến ai nhưng chuyện gì cũng biết và muốn được biết, thích cho thích tặng chứ không thích nhận, coi cái chết là lẽ đương nhiên theo kiểu ai muốn chết thì cứ việc mà chết. Với Emerence, tất cả mọi thứ đều có cung cách riêng của nó, kể cả cái chết. Một người cho rằng " Chúa Trời là người mà khi ta cầu điều gì thì không bao giờ mang tới nhưng khi ta sợ hãi điều gì thì ngay lập tức sẽ mang đến cho ta", một người bất cần đời như thế nhưng lại có một sức thu hút khó cưỡng, một sức hấp dẫn khó hình dung kể cả với người lẫn với động vật, mà ở đây chính là nhà văn, 9 chú mèo, một con vịt, một con cá, một chú bò trên sân ga cùng chú chó Viola (có khi còn nhiều nữa nhưng Szabó Magda đã không đề cập đến). Chuyện gì đã xảy ra khiến bà trở nên kín kẽ đến mức cực đoan, đoạn tuyệt hoàn toàn và cách ly tuyệt đối với thế giới bên ngoài thông qua một cánh cửa đóng kín mà không bao giờ có ngoại lệ với bất kỳ ai (trừ nữ nhà văn với 1 lần duy nhất được bước vào cái đế chế ấy). Với Emerenc, bà chính là cư dân duy nhất trong một đế chế độc nhất do bà tạo nên, và không ai có tể phá vỡ nó. Bà chọn cách không quan tâm, và không tỏ ra bất cứ một thái độ nào. Mà khi đã không có thái độ nào thì không có chuyện gì để nói cả.
Vậy rốt cuộc, chuyện gì đã xảy ra với Emerence, người đàn bà vô cùng bí ẩn đó? Bên trong cánh cửa đóng kín của bà là một thế giới như thế nào? Tại sao bà lại cho rằng không nên yêu bất cứ một ai? Tại sao bà lại có ý nghĩ rằng đôi khi để biết yêu thì cần phải biết giết? Và trên hết, một người cho rằng người già thì không nên nuôi chó vì cuối cùng tụi nó cũng sẽ mồ côi, tại sao lại rất quyến rũ bọn chó mèo đến thế? Đơn giản thôi, vì cỏ cây tự nó đã biết nhảy múa, chứ không cần đến quạt gió hay trực thăng! Quả là càng đơn giản thì càng khó cảm nhận.
Cánh Cửa của Szabó Magda mang đến cho tôi một cảm giác, rằng nếu lỡ có "phải lòng" ai đó giống như Emerence trong cuộc đời này, thì đó quả thực là một bi kịch rất lớn. Một người mà càng muốn đi sâu vào tâm hồn của người đó, ta lại càng nhanh chóng bị hất văng ra. Một người sẵn sàng chia nhỏ những mảnh vụn tâm hồn mình cho nhiều người chứ không ban phát tất cả chỉ cho một người duy nhất. Một người chấp nhận mở cánh cửa của mình ra chỉ duy nhất một lần đề rồi đóng lại vĩnh viễn, vĩnh viễn theo cách không một tác động tâm lý nào có đủ khả năng để mở ra lần nữa, ngoài nhát rìu tàn nhẫn bổ vào cánh cửa. Ngay chính lúc ấy, mọi thứ sụp đổ. Kể cả Emerence, kể cả nữ nhà văn, kể cả mối quan hệ của họ.
Đọc xong Cánh Cửa không thể không liên tưởng ngay đến một đoạn trong Những Màu Khác của Orhan Pamuk mà trước đó đã từng nhai đi nhai lại không biết bao nhiêu lần, rằng:
    " Có những cánh cửa được chủ nhân treo bảng MIỄN VÀO, không có nghĩa đó là cánh cửa đặc biệt, hay bên trong cánh cửa là một cái gì đó, một người nào đó… đặc biệt, mà đơn giản đó chỉ là cánh cửa của những người bình thường không mong muốn người khác ngó nghiêng vào trong xem thử cuộc đời họ khổ sở ra sao mà thôi."
Tuy nhiên, điều đáng nói là nếu trên đời này có những người như Emerence với cánh cửa bất khả xâm phạm, thì cũng có những người chẳng có bất cứ cái cánh cửa nào. Họ cứ đơn giản là mở rộng cửa, ai muốn bước vào thì cứ việc, ai muốn bước ra thì cũng cứ việc. Chưa kể nếu có cánh cửa ấy đi nữa, thì cũng không hẳn là cánh cửa ấy có đủ sức quyến rũ như sự quyến rũ của cánh cửa Emerence với nữ nhà văn.
Từ khóa: 

review sách

,

cánh cửa

,

szabó magda

,

orhan pamuk

,

sách