Cơ hội ra thị trường khu vực của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam

  1. Kinh doanh và Khởi nghiệp

Đông Nam Á đang ở thời điểm đặc biệt, với cơ hội lớn cho các công ty khởi nghiệp công nghệ tiến ra thị trường khu vực. Bởi rất nhiều tiền đã được đầu tư để xây dựng các hệ sinh thái, và các công ty trong hệ sinh thái đó đang tạo ra các tài năng để có thể đem đến thành công.

Nick Nash, đồng sáng lập và giám đốc điều hành quỹ đầu tư tư nhân Asia Partners, đã nhận định như vậy trong buổi trò chuyện gần đây tại TP.HCM với các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam. Trong vài năm qua, Nick Nash đã có vài chục chuyến đi tới Việt Nam trong niềm tin rằng Đông Nam Á chính là địa bàn của thế hệ kỳ lân tiếp theo. Nick Nash là doanh nhân nổi tiếng trong giới khởi nghiệp Đông Nam Á, với dấu ấn là chủ tịch và thành viên HĐQT của SEA Ltd., là người dẫn dắt thương vụ IPO lịch sử của công ty này trên sàn chứng khoán New York năm 2017. Nick cũng là người gắn bó với Garena từ năm 2014, sau hơn thập niên phụ trách mảng kinh doanh cho General Atlantic (GA) tại Đông Nam Á. Nick Nash trong buổi nói chuyện với các doanh nhân khởi nghiệp tại TPHCM. Với nhiều kinh nghiệm về đầu tư, vận hành doanh nghiệp, sau đó trở lại hành trình đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, Nick Nash đã chia sẻ góc nhìn của mình tại văn phòng Endeavor Việt Nam, tổ chức chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp có tác động với lịch sử hơn 20 năm. Với vai trò điều hành quỹ đầu tư tập trung vào các công ty công nghệ tăng trưởng nhanh thế hệ tiếp theo tại Đông Nam Á, ông cho rằng khu vực này hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi: với dân số 650 triệu người - chiếm 9% dân số thế giới và chỉ bằng 50% dân số Trung Quốc nhưng đông đảo người trẻ hơn. Thu nhập đầu người tăng và tầng lớp trung lưu tại khu vực cũng đang tăng mạnh tạo ra thị trường rộng lớn chính là cơ hội để tạo ra các doanh nghiệp thực sự lớn. Từ năm 2011, Đông Nam Á bắt đầu xuất hiện những kỳ lân. Ông cho rằng Việt Nam là một trung tâm cực kỳ thú vị cho mọi dịch vụ ở Đông Nam Á, các doanh nghiệp công nghệ tại đây có thể sẽ bước vào thời kỳ vàng trong giai đoạn từ 2025- 2030. “Đông Nam Á đang ở thời điểm đặc biệt, thời điểm này sẽ không trở lại. Rất nhiều tiền đã được chi để tạo ra hệ sinh thái, các công ty trong hệ sinh thái đó sẽ tạo ra các tài năng.” ông nói và so sánh với những nhà sáng lập là người đã từng làm việc cho các doanh nghiệp lớn, giống như đã từng xảy ra ở Trung Quốc. Nick chia các công ty thành công dẫn dầu làm ba nhóm. Thứ nhất, là nhóm công ty chiếm khoảng 70% trường hợp thành công trên thế giới (với tổng vốn hóa 18.000 tỉ USD) trong ngành công nghệ, như Amazon, Microsoft, Google, Facebook… Họ thành công ở tầng mức toàn cầu, dựa trên những hiệu ứng mạng lưới, càng thành công thì mô hình của họ càng hấp dẫn người dùng đổ xô đến. Nhóm thứ hai, là những công ty thành công ở tầm mức địa phương nhưng độc đáo. Điều này chỉ xảy ra ở Trung Quốc và Nga, hai thị trường đủ lớn để các doanh nghiệp khai thác, và cũng đủ phức tạp để các doanh nghiệp bên ngoài khó thể thâm nhập. Ví dụ như Baidu chỉ hoạt động tại Trung Quốc như một công cụ tìm kiếm vì Google và những doanh nghiệp khác không thể xâm nhập. Nhóm thứ ba là các doanh nghiệp công nghệ Internet phát triển mạnh ở quy mô khu vực và quốc gia tại Đông Nam Á, bất chấp các doanh nghiệp quốc tế cố gắng hoặc được phép thâm nhập thị trường, họ vẫn có thể cạnh tranh. Đã 20 năm kể từ khi nhóm thứ ba này hoạt động. Những doanh nghiệp này có sự độc đáo và đặc biệt vì có lợi thế địa phương. Các mô hình từ video game, dùng chung xe tới thương mại điện tử với các đại diện như VNG, Tiki hay Shopee. Quá trình phát triển của Trung Quốc là xây dựng một hệ thống hạ tầng với mức chi phí rẻ nhất và hiệu quả nhất thế giới. Sau đó xây dựng thế hệ các công ty đầu tiên hoạt động trên nền tảng PC web, bắt chước các mô hình tại Mỹ và tùy chỉnh chút ít để IPO. Ở thế hệ doanh nghiệp thứ hai, khoảng năm 2007-2008, tập trung vào lĩnh vực ngách. Nick dự báo Đông Nam Á sẽ có thêm 20 kỳ lân theo cách khá tương tự Trung Quốc, trong các lĩnh vực như du lịch trực tuyến, chat, y tế trực tuyến… nhưng lại gặp phải những thách thức cơ bản khác nhau. Thực tế cho thấy, số lượng công ty niêm yết trên sàn quốc tế lớn nằm ở các quốc gia có dân số nhỏ tại đây, ví dụ như Singapore. “Điều thú vị là các nước có dân số lớn nhất thực ra là nước có các doanh nghiệp phát triển ra khỏi nước mình kém nhất vì thị trường nội địa đông dân.” Nick nhận xét. Vậy có thể có những chiến lược gì? Với trải nghiệm của mình, ông đưa ra các gợi ý: 1. Cứ bắt tay vào làm. Như với Indonesia, quốc gia từng được xem là rất khó gọi vốn và khó ra khỏi thị trường nội địa, khó có lập trình viên, nhưng các doanh nghiệp cứ làm. Go-Jek đã từng làm như vây trong 3-4 năm đầu, Bukalapak cũng thế. 2. Tập trung vào mọi thị trường ở Đông Nam Á. 3. Tập trung vào thị trường Việt Nam. GDP nhỏ nhất, đông dân, và có rất nhiều lập trình viên. Việt Nam là quốc gia mà các nhà đầu tư mạo hiểm tìm đến và cố gắng để thu lời từ những tài năng công nghệ. Trong danh sách tổng hợp các thương vụ đầu tư mạo hiểm trong 4-5 năm qua, 20% vụ tập trung vào các doanh nghiệp theo chiến lược thứ 1, 50% theo chiến lược 2, và chỉ 4% đi theo chiến lược 3. Nick cho rằng với chiến lược 2 sẽ khó hơn nhiều vì các doanh nghiệp phải tập trung vào mọi thị trường. Hầu hết các công ty theo chiến lược này đều đặt trụ sở tại Singapore nhưng lại có đội nhóm ở Việt Nam phát triển công nghệ. Những công ty này đều có quản lý cấp trung từng học ở Singapore, Malaysia, thực thi các chiến lược, và đây là điều thú vị quan trọng nhất. Điều khác biệt nhất so với cách vận hành của thung lũng Silicon hay Trung Quốc, theo Nick, với các công ty thực hiện chiến lược 2, trụ sở đặt tại Singapore, nhưng 70% nhân sự hoạt động tập trung vào địa phương hóa sản phẩm, đó chính là những thứ mà SEA, Grab hay Lazada và nhiều doanh nghiệp khác đang làm. Việt Nam có số lượng lập trình viên mà trong 4-5 năm tới có thể sẽ gấp đôi số lượng ở Singapore trong 10 năm tới. Đất nước cũng đầu tư vào chất lượng đường truyền, và thị trường bắt đầu hiểu tầm quan trọng của khách hàng di động.

Forbes Việt Nam

https://cdn.noron.vn/2021/01/06/file-1609919970.png
Từ khóa: 

kinh doanh và khởi nghiệp