Có nên quyết tâm chinh phục "nóc nhà thế giới" Everest chỉ với lòng dũng cảm?

  1. Phim ảnh

Mình đã được xem bộ phim Everest, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Into Thin Air (tựa tiếng Việt: Tan biến) của nhà leo núi Jon Krakauer và những sự kiện có thật về trận động đất làm rung chuyển Nepal năm 1996. Có thể nói bộ phim là một cuộc chiến không cân sức giữa các nhà leo núi với ‘nóc nhà thế giới’ Everest mà khi xem, mình cứ có suy nghĩ tại sao các nhà leo núi ấy lại phải mạo hiểm như thế chỉ để cuối cùng phải chôn xác ở đó.

Chinh phục đỉnh Everest là sự thắng thế của khát vọng

Quả thực, có rất nhiều, rất nhiều lý do đúng đắn để ở nhà, nhưng lý do để tất cả lên đường thì dường như chỉ có một - nỗ lực chinh phục đỉnh Everest – “nóc nhà thế giới”! Đây là một hành động về bản chất không thể lý giải được bằng lý trí, bởi nó là sự thắng thế của khát vọng trước những tính toán đúng sai.

Everest là một chuyến du hành “có một không hai” của hai nhóm leo núi dưới sự dẫn dắt của những nhà leo núi huyền thoại đầy kinh nghiệm Scott Fischer và Rob Hall. Mục đích cuối cùng của cuộc hành trình là chinh phục đỉnh núi Everest, hay còn gọi là “nóc nhà thế giới”, một ngọn núi vĩ đại, một con ác quỷ, nơi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết là vô cùng mong manh.

Ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh

Mỗi người đều ôm trong mình một lý do để quyết định bước vào cuộc phiêu lưu để đời:

  • Có người với ước mơ đơn giản chỉ là để hoàn thành “bộ sưu tập” đặt chân lên đỉnh của 7 ngọn núi cao nhất của các châu lục: Là nhà leo núi Nhật Bản Yasuko Namba;
  • Có người với lời hứa cùng bọn trẻ ở quê nhà: Là nhà leo núi/người đưa thư người Mỹ Doug Hansen;
  • Có người muốn vượt qua giai đoạn trầm cảm của bản thân trước cuộc đời: Là nhà leo núi người Mỹ Beck Weathers,…

Nhưng trên tất cả, đó là lý do “Bởi vì nó ở đó!”. Ngọn núi vĩ đại đang ở đó, không chinh phục thì biết đến khi nào?

Ai cũng sẵn sàng gạt bỏ tất cả mọi lo lắng để lên đường đối mặt với ngọn núi đáng sợ nhất của tự nhiên

Everest còn là cuộc hành trình phi thường của những con người phi thường. Họ đã chiến thắng những ngọn núi sợ hãi trong chính bản thân họ, gạt bỏ tất cả mọi lo lắng để lên đường đối mặt với ngọn núi đáng sợ nhất của tự nhiên, một trong những nơi nguy hiểm bậc nhất trên thế giới. Mặc dù vẫn biết đây là cuộc chiến không cân sức giữa một bên là những nhà leo núi cuồng nhiệt và một bên là “nóc nhà của thế giới”, nhưng một khi đã quyết leo đến đỉnh núi (mà vốn dĩ chỉ mới là một nửa chặng đường), thì lòng tự tôn tồn tại trong bản thân mỗi một đấng nam nhi là bất khả chiến bại. Bởi lẽ, leo đến đỉnh của một dãy núi bất kỳ được coi là không quan trọng bằng việc đã leo lên đó như thế nào, như Scott Fischer đã nói: “Quan trọng không phải là độ cao, mà là thái độ”.

Lên đến đỉnh chỉ là một nửa chặng đường…

Nhưng họ đã tìm ra được ý nghĩa của cuộc đời mình và hãnh diện vì thành công của mình.

Đây quả là cuộc phiêu lưu mạo hiểm để đời mà khi xem, mình như được cùng các nhà leo núi leo lên đến độ cao hơn 8.800 mét, với nhiệt độ luôn dưới mức 0 độ, cùng sức gió trung bình lên tới 12 m/giây, chưa kể cảm giác nghẹt thở khi chứng kiến những nhà leo núi trong phim không đủ lượng oxy để thở cũng rất mực chân thực. Những thước phim mà ngay cả những tay leo núi cuồng nhiệt nhất cũng phải ớn lạnh mà bật lên câu nói: “Hãy xuống núi, trở về nhà đi!”

Một trong những điều ấn tượng mà Everest mang lại cho mình không chỉ ở những tấn thảm kịch hùng tráng xảy ra trên đỉnh Everest, mà còn bởi những giây phút lắng đọng ở khoảnh khắc sinh tử. Phim ngoài việc vinh danh lòng dũng cảm của những con người đã đặt chân lên đỉnh ngọn núi ấy, còn đặt ra câu hỏi sâu sắc và không dễ trả lời được về hành động của con người khi khủng hoảng xảy ra. Điều quan trọng là, trong cuộc hành trình này, hoàn toàn không có bất cứ cuộc cạnh tranh nào giữa con người với con người, chỉ là cuộc chiến của từng cá nhân với “nóc nhà thế giới”, cuộc chiến giành giật sự sống với thiên nhiên.

Tất cả còn lại gì sau chuyến phiêu lưu, ngoài những cái chết và nỗi đau đớn tột cùng mà không một ngôn từ nào có thể diễn tả nổi? Tất cả còn lại gì ngoài… món quà mà ngọn núi vĩ đại Everest đã trao trả lại với cuộc sống là những người may mắn còn sống sót? Everest vẫn muôn đời nắm giữ chiếc chìa khóa mà các nhà leo núi cần để đi đến thành công và nó sẽ chỉ trao cho người nào mà nó muốn.

Tất cả còn lại gì ngoài những cái chết…

Bộ phim Everest đã tái hiện thành công mùa leo núi tàn khốc nhất trong lịch sử đỉnh Everest. Những hệ quả mà công nghệ, quảng cáo và tình trạng thương mai hóa gây ra đối với môn leo núi theo đó cũng được nhấn mạnh. Tuy rằng 150 phút vẫn không khiến bộ phim miêu tả chính xác thảm họa cũng như bản thân mình cũng đã không thể có được sự phán xét chính xác về bi kịch đã xảy ra, nhưng Everest đã cho mình thấy một câu chuyện tuyệt vời về tính nhẫn nại, ý chí kiên cường và khát vọng lớn của con người…

Vì trên hết, dù biết rằng đó là cuộc chiến không cân sức, dù biết rằng có thể sẽ một đi không trở lại, nhưng họ đã "lên đường với một trái tim trần trụi".

Nếu là bạn trong vị trí của họ, bạn có sẵn sàng lên đường như họ không? Mình nghĩ là có!

Từ khóa: 

everest

,

nóc nhà thế giới

,

into thin air

,

john krakauer

,

leo núi

,

phim ảnh