Để sống đúng với giá trị của bản thân - Phần 1

  1. Phong cách sống

  2. Tâm lý học

  3. Chuyện tuổi 20s

  4. Kỹ năng mềm

Nếu bạn cảm thấy mông lung, hay chưa biết giá trị cuộc sống của mình, mong là bài viết này có thể giúp ích cho bạn phần nào.

Chia sẻ từ:

maitnvu.com
;
Mai

Hồi nhỏ, mình chậm phát triển tới nỗi ai cũng tưởng mình có vấn đề về trí tuệ. Khi các bạn đã bắt đầu tập đi, mình vẫn còn bò toài trên sàn nhà. Rồi khi học Tiểu học, lúc cả lớp đã hiểu hết về phép chia ba chữ số, mình vẫn ú ớ không biết cách làm. Tới cấp Hai, khi các bạn cùng lớp liên tục giành nhiều những giải thưởng cấp Huyện, cấp Tỉnh, mình gần như năm nào cũng đứng bét. Cho tới cấp Ba, mình cũng lại bị trượt dài vì không theo kịp sự xuất sắc của các bạn lớp chuyên. Lên Đại học, một bài luận văn 2000 chữ, mình mất gần ba tuần để hiểu đề bài, tìm tài liệu, viết, và chỉnh sửa; thì có những bạn chỉ mất vài ngày để được điểm A. Sau này, nhiều khi mình vẫn là đứa dạy gì thì biết đó, mọi người đã tư duy sâu sắc, tham gia dự án, giành học bổng này kia.

Nhưng mà, từ lúc biết đi, mình chưa bao giờ bị ngã. Khi hiểu phép toán rồi, mình cũng hiếm khi làm sai. Mình cũng kiên trì theo đuổi môn Văn đến cùng, để may mắn vừa đủ điểm đỗ vào trường chuyên. Và mình hiểu là, để học tốt trong ngành này, chăm chỉ và không ngại “đập đi xây lại” là phẩm chất cốt yếu. Những công việc mình lựa chọn cũng đều là thứ mình đam mê, đưa mình tới gần hơn những cơ hội giá trị khác.

Đi chậm, cũng chẳng sao. Sẽ bơ vơ và hoài nghi về bản thân thật nhiều. Nhưng mình có nhiều thời gian hơn để quan sát rõ con đường và làm sao để vượt qua những vật cản. Mình sẽ thật cẩn thận, để không tốn nhiều thời gian cho việc vấp ngã.

Điều đó không có nghĩa rằng mình sẽ ít mắc sai lầm hơn. Mình từng có một thời gian cố gắng tăng tốc một cách liều lĩnh, để rồi cạn kiệt sức khỏe và tinh thần. Và rồi, mình nhận ra rằng, hãy cứ sống đúng với giá trị mà mình vốn có.

1. Vì sao bạn cần sống đúng với giá trị của bản thân

Bạn có thể đặt ra thật nhiều mục tiêu, nhưng giá trị sẽ là kim chỉ nam và đích đến trong cuộc đời bạn. Những danh sách to-do-list rồi sẽ hoàn thành, nhưng giá trị là thứ mà bạn sẽ mang theo và học hỏi cả đời. Trong tham vấn tâm lý, Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (Acceptance and Committment Therapy) cho rằng những khó khăn tâm lý xuất phát từ việc bạn không sống đúng theo giá trị của bản thân. Đó có thể là khi bạn chưa biết giá trị của mình là gì; bạn sợ rằng sẽ bị tổn thương nếu sống thật với chính mình; bạn để tâm nhiều tới những suy nghĩ trong tâm trí mình, thay vì cảm nhận thế giới xung quanh như nó vốn là; hoặc bạn day dứt về quá khứ, và trăn trở về tương lai, hơn là sống ở khoảnh khắc hiện tại. Trong bài viết này, mình muốn chia sẻ nhiều hơn về sự mông lung trong việc tìm kiếm giá trị của bản thân.

2. Một vài câu hỏi gợi mở về giá trị bản thân

Mình hiểu rằng sẽ không dễ dàng để trả lời những câu hỏi này, và cũng thật khó để đưa ra một câu trả lời chính xác. Nhận thức được giá trị của bản thân là một cuộc hành trình. Bạn có thể bắt đầu bằng việc dành cho bản thân một chút thời gian yên tĩnh, và suy ngẫm về những điều sau:

  • Điều gì thật sự quan trọng với bạn?

  • Bạn muốn cuộc đời mình sẽ như thế nào?

  • Biết rằng cuộc đời là hữu hạn, bạn sẽ tận dụng nó ra sao?

3. Khám phá giá trị bản thân với bài tập Bull’s Eye

Bull’s Eye là một bài tập được xây dựng bởi Nhà trị liệu tâm lý người Thụy Điển Tobias Lundgren. Theo đó, cuộc sống của bạn được chia thành bốn phần chính: học tập/công việc, giải trí, các mối quan hệ, và phát triển bản thân.

Bài tập này gồm bốn bước:

https://cdn.noron.vn/2021/11/28/59239252123611836-1638099843_1024.png
  1. Viết ra những giá trị mà bạn đã, đang, và muốn có, theo từng khía cạnh cuộc sống. Ví dụ: Bạn trân trọng sự “phiêu lưu” trong công việc, “nhân ái” trong phát triển bản thân, “kết nối” trong các mối quan hệ, và “vui vẻ” trong việc giải trí. Bạn có thể chọn nhiều hơn một giá trị ở mỗi khía cạnh; và một giá trị có thể được thực hành ở nhiều khía cạnh cuộc sống.

  2. Xác định xem cách bạn sống hiện tại có gần với giá trị đó không. Bạn hãy đánh dấu những giá trị đã lựa chọn ở phần trên vào hình vẽ Bull’s Eye. Theo đó, vòng tròn gần tâm sẽ là những giá trị bạn đã đạt được/gần đạt được; vòng tròn ở xa là những giá trị bạn chưa đạt được.

  3. Gọi tên những trở ngại khiến bạn không sống đúng với giá trị của mình. Hãy liệu kê những điều ấy, và xác định mức độ từ 1 (không cản trở việc sống đúng giá trị của bạn) tới 7 (cực kì cản trở việc sống đúng giá trị của bạn).

  4. Thiết lập kế hoạch để sống đúng với giá trị của bản thân. Đó có thể là những việc nhỏ, hoặc một mục tiêu lớn, để bạn gần hơn với giá trị của mình. Ví dụ: để trở nên tự lập, bạn có thể bắt đầu bằng việc tiết kiệm một khoản tiền nhỏ, hoặc thậm chí là đặt mục tiêu tiết kiệm được xx triệu trong vòng x tháng.

Lưu ý: Bạn không cần, và không nhất thiết phải thực hiện bài tập này ngay tức khắc. Hãy dành một chút thời gian mỗi ngày để nhìn lại, và thay đổi, hoàn thiện dần. Sẽ không có một đáp án đúng, nên hãy thoải mái viết ra những điều bạn nghĩ.

Dưới đây là danh sách một số giá trị phổ biến, mà bạn có thể sử dụng để giúp định hình phát triển bản thân hơn. Bạn có thể lựa chọn nhiều hơn một giá trị, nhưng hãy để tâm xem đâu là điều thực sự quan trọng và là một phần không thể tách rời của bạn:

  • Chấp thuận: mở lòng và chấp nhận bản thân, người khác, và cuộc sống xung quanh như nó vốn là

  • Phiêu lưu: mạo hiểm, chủ động, sáng tạo, và thích khám phá những trải nghiệm mới lạ

  • Quyết đoán: dũng cảm bảo vệ quyền lợi của bản thân, và sẵn sàng yêu cầu những gì mình xứng đáng

  • Thành thật: là chính mình và sống đúng với điều bản thân mong muốn

  • Vẻ đẹp: trân trọng những điều đẹp đẽ; khát khao tạo ra, nuôi dưỡng, và bồi đắp vẻ đẹp của bản thân, mọi người, và mọi điều xung quanh

  • Sự quan tâm: quan tâm đến bản thân, mọi người, và mọi điều xung quanh

  • Thử thách: liên tục thách thức bản thân để không ngừng phát triển, học hỏi, và tiến bộ

  • Lòng nhân ái: tử tế với mọi người, nhất là những người đang gặp khó khăn

  • Sự kết nối: dành toàn tâm sức vào những điều mình đang làm, và đồng hành cùng mọi người

  • Cống hiến: đóng góp, giúp đỡ, hỗ trợ, hoặc tạo ra điều tích cực cho bản thân và người khác

  • Kỉ luật: tôn trọng và tuân theo những nguyên tắc và nghĩa vụ

  • Hợp tác: làm việc chung và cộng tác với người khác để đạt được lợi ích chung

  • Dũng cảm: can đảm, kiên trì đối mặt với nỗi sợ, đe dọa, hoặc khó khăn

  • Sáng tạo: tạo ra những điều mới mẻ và sáng tạo

  • Tò mò: hiếu kì, cởi mở, quan tâm, và thích khám phá

  • Động viên: khuyến khích và khen ngợi những điều đáng trân trọng ở bản thân và người khác

  • Bình đẳng: đối xử bình đẳng giữa mọi người và chính mình

  • Hứng thú: tìm kiếm, tạo ra, và tham gia vào những hoạt động thú vị, kích thích, hoặc li kì

  • Công bằng: công bằng với bản thân và người khác

  • Vận động cơ thể: duy trì và cải thiện thể lực; chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần

  • Linh hoạt: dễ dàng thay đổi để thích ứng với mọi hoàn cảnh

  • Tự do: thoải mái lựa chọn cách mình sống và hành xử, hoặc giúp người khác được sống tự do như vậy

  • Thân thiện: trở nên thoải mái, hòa đồng, và dễ đồng tình với người khác

  • Tha thứ: dễ bỏ qua những lỗi lầm của chính mình và mọi người

  • Vui vẻ: yêu đời; tích cực tìm kiếm, tạo ra, và tham gia vào những điều khiến mình vui vẻ

  • Hào phóng: rộng lượng, dễ chia sẻ và cho đi, với bản thân và với người khác

  • Biết ơn: biết ơn và trân trọng những điều tích cực ở bản thân và ở người khác

  • Hài hước: nhận ra và trân trọng những sự vui vẻ, hài hước trong cuộc sống

  • Khiêm tốn: khiêm tốn, dùng hành động để minh chứng cho sự thành công, thay vì lời nói

  • Cần cù: chăm chỉ và tận tâm

  • Tự lập: độc lập, có khả năng tự lo liệu cho bản thân, và có hướng đi của riêng mình

  • Thân mật: thoải mái cởi mở, bộc lộ, và chia sẻ về bản thân trong các mối quan hệ thân thiết

  • Công lý: thực hành và bảo vệ sự công bằng và lẽ phải

  • Tử tế: tốt bụng, ân cần, bao dung, và quan tâm tới bản thân và mọi người

  • Tình yêu: yêu thương và trìu mến với bản thân và người khác

  • Chánh niệm: nhận thức, hiếu kì, và cởi mở về khoảnh khắc hiện tại

  • Trật tự: có thứ tự và có tổ chức

  • Tư duy cởi mở: suy nghĩ thấu đáo, nhìn nhận mọi việc theo nhiều chiều hướng, và cân nhắc các quan điểm một cách công bằng

  • Kiên nhẫn: bình tĩnh chờ đợi điều mình mong muốn

  • Kiên trì: kiên quyết với lựa chọn của mình, bất chấp khó khăn thử thách

  • Niềm vui: tạo ra và mang lại niềm vui cho bản thân và người khác

  • Quyền lực: có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hoặc có quyền lãnh đạo

  • Tương hỗ: tạo dựng mối quan hệ có đi có lại, cân bằng giữa việc cho và nhận

  • Tôn trọng: tôn trọng bản thân và người khác; lịch sự, chu đáo, và thể hiện sự quan tâm

  • Trách nhiệm: có trách nhiệm với hành động của mình

  • Lãng mạn: thể hiện và bộc lộ tình yêu một cách mãnh liệt và cởi mở

  • An toàn: bảo vệ và đảm bảo sự an toàn cho bản thân và người khác

  • Thấu hiểu bản thân: nhận thức được những suy nghĩ, cảm xúc, và hành vi của mình

  • Chăm sóc bản thân: chăm sóc đời sống tinh thần và sức khỏe thể chất của mình, hoàn thành những điều mình mong muốn

  • Phát triển bản thân: học hỏi, cải thiện, và phát triển kĩ năng, phẩm chất, hoặc kinh nghiệm sống

  • Tự chủ: hành động theo lý tưởng của bản thân

  • Kích thích: tạo ra, khám phá, và trải nghiệm những điều mang lại sự kích thích trong cơ thể

  • Tình dục: khám phá, và thể hiện tính dục của bản thân

  • Tâm linh: kết nối với những điều vĩ đại hơn bản thân

  • Giàu kĩ năng: liên tục thực hành, cải thiện, và áp dụng những kĩ năng của bản thân

  • Hỗ trợ: giúp đỡ, động viên, và luôn hiện diện ở bên bản thân và những người xung quanh khi cần

  • Tin cậy: đáng tin, trung thành, và chân thành

Một ví dụ: (Lưu ý: Những chia sẻ dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo)

  1. Giá trị mình quan tâm:

  • Học tập/Công việc: Linh hoạt

  • Giải trí: Vui vẻ

  • Phát triển bản thân: Kỉ luật

  • Các mối quan hệ: Tha thứ

2. Các giá trị trong cuộc sống hiện tại của mình:

https://cdn.noron.vn/2021/11/28/1-copy-1638099821_1024.png

3. Những cản trở mình gặp phải:

  • Linh hoạt: Không

  • Vui vẻ:

    • Mình thường thấy tội lỗi khi dành thời gian nghỉ ngơi – 5 điểm

    • Mình chưa biết cách giải trí hiệu quả thế nào – 4 điểm

  • Kỉ luật:

    • Đôi khi mình trì hoãn việc học thêm kĩ năng mới – 2 điểm

    • Mình chưa nghiêm túc sống lành mạnh, vẫn còn thức khuya và lười tập thể dục – 6 điểm

  • Tha thứ:

    • Mình dễ cáu giận – 3 điểm

    • Mình quá nghiêm khắc với bản thân – 7 điểm

4. Kế hoạch hành động:

  • Linh hoạt: Mình sẽ tích cực trải nghiệm thêm

  • Vui vẻ:

    • Mình sẽ lập thời gian biểu để sắp xếp vừa đủ thời gian hoàn thành công việc, và thời gian nghỉ ngơi

    • Mình sẽ tham gia vào các group GenZ để tìm hiểu thêm những trò vui vui

  • Kỉ luật

    • Mình sẽ chọn những kĩ năng mà mình thích để tạo hứng thú hơn

    • Mình sẽ chăm đi khám sức khỏe định kì

  • Tha thứ

    • Mình sẽ tập thiền để hiểu cảm xúc của bản thân

    • Mình sẽ động viên bản thân nhiều hơn mỗi khi đạt được một thành tích nhỏ

Bài viết có tham khảo từ:

Gerald Corey – Theory and Practice of Counseling and Psychotherapy

Homebase – Acceptance and Commitment Therapy: What are your values?

Psychotherapy Academy – The Journey of Life: A Metaphor for Values in ACT

Drexel University – Bull’s Eye Values Exercise

Từ khóa: 

phong cách sống

,

tâm lý học

,

chuyện tuổi 20s

,

kỹ năng mềm

Đọc bài viết của bạn tự nhiên mình thấy tự tin về bản thân mình hơn, cảm ơn bạn nhiều

Trả lời

Đọc bài viết của bạn tự nhiên mình thấy tự tin về bản thân mình hơn, cảm ơn bạn nhiều

Bài viết này giúp mình tự nhìn lại bản thân. Thực ra trước đây cũng có rồi chỉ là lẻ tẻ và ít khi mình nghiêm túc xem xét những gì mình thực sự muốn một cách tổng quan, đầy đủ như vậy. Cảm ơn bạn nhiều.