Điểm mới của Nghị định 149/2018/NĐ-CP VÀ NHỮNG THAY ĐỔI SO VỚI NGHỊ ĐỊNH 60/2013/NĐ-CP

  1. Kiến thức chung

Nghị định số 149/2018/NĐ-CP quy định nguyên tắc, nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (gọi chung là người sử dụng lao động; còn với Nghị định số 60/2013/NĐ-CP gọi là doanh nghiệp) (Điều 1); không áp dụng đối với cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (Điều 2).

1. Nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc (Điều 3), có các điểm mới: Thiện chí, hợp tác, trung thực, bình đẳng, công khai và minh bạch. Tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động và người lao động. Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc nhưng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội.

2. Nội dung người sử dụng lao động phải công khai (Điều 4), có 7 nội dung (so với trước đây là 8), đồng thời sát thực hơn với người lao động, cụ thể là: Tình hình thực hiện nhiệm vụ, sản xuất, kinh doanh. Nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể khác mà doanh nghiệp tham gia. Nghị quyết Hội nghị người lao động. Việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có). Việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

3. Nội dung người lao động được tham gia ý kiến (Điều 5), bỏ bớt 2 nội dung, là: Nghị quyết hội nghị người lao động (Khoản 4); Quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động, xử lý kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất (Khoản 5). Gộp 2 nội dung (Khoản 1 và 3) thành Khoản 1: Xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Đồng thời bổ sung (Khoản 2): Xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động; đề xuất nội dung thương lượng tập thể.

4. Nội dung người lao động được quyết định (Điều 6), rút gọn từ 6 nội dung thành 5, có một điểm thay đổi là: Gia nhập hoặc không gia nhập tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở (Khoản 2); so với trước là: Gia nhập hoặc không gia nhập tổ chức công đoàn, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời quy định rõ phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật khi tham gia hoặc không tham gia đình công (Khoản 3).

5. Nội dung người lao động được kiểm tra, giám sát (Điều 7), bỏ bớt 3 nội dung là: Thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất (Khoản 1). Thực hiện điều lệ doanh nghiệp và các nội dung khác theo quy định của pháp luật (Khoản 7). Thực hiện các nội dung của quy chế dân chủ quy định tại Nghị định số 60/2013/NĐ-CP, (Khoản 8). Bổ sung thêm 1 nội dung, là: Việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị người lao động (Khoản 6).

6. Đối thoại tại nơi làm việc (Điều 8), được quy định thoáng hơn so với trước là: Được thực hiện thông qua việc trao đổi trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động (hoặc đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động), có thể được thực hiện định kỳ hoặc khi một bên có yêu cầu; và nội dung đối thoại, số lượng, thành phần tham gia đối thoại, thời gian, thời điểm đối thoại, quy trình tổ chức đối thoại thực hiện theo Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp. Khác biệt so với trước đây là do do người sử dụng lao động chủ trì, phối hợp với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở thực hiện 03 tháng một lần (khoảng cách giữa hai lần đối thoại định kỳ liền kề tối đa không quá 90 ngày).

7. Hội nghị người lao động (Điều 9), được quy định rõ hơn là: Do người sử dụng lao động và tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở tổ chức thực hiện; được tổ chức ít nhất một năm một lần (thay đổi so với trước đây là 12 tháng một lần); được tổ chức theo hình thức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu (thay đổi so với trước đây là theo số lượng người lao động). Trong đó, nội dung chính của hội nghị thực hiện theo quy định tại Điều 64 của Bộ luật lao động, là mang đậm tính đối thoại, cụ thể: 1. Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động; 2. Việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc; 3. Điều kiện làm việc; 4. Yêu cầu của người lao động, tập thể lao động đối với người sử dụng lao động; 5. Yêu cầu của người sử dụng lao động với người lao động, tập thể lao động; 6. Nội dung khác mà hai bên quan tâm. Còn về hình thức tổ chức hội nghị, nội dung, thành phần tham gia, thời gian, địa điểm, quy trình, trách nhiệm tổ chức thực hiện và hình thức phổ biến kết quả hội nghị người lao động thực hiện theo Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp.

8. Các hình thức thực hiện dân chủ khác (Điều 10), được rút gọn từ 8 nội dung xuống còn 4, cụ thể là: 1. Hệ thống thông tin nội bộ; 2. Hòm thư góp ý kiến; 3. Kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật; và 4. Các hình thức khác do doanh nghiệp quy định trong Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp.

9. Trách nhiệm ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc (Điều 11), thuộc về người sử dụng lao động, việc xây dựng quy chế phải có sự tham gia ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và được phổ biến công khai đến người lao động trước khi thực hiện./.

Từ khóa: 

kiến thức chung