Gia Long- vị vua với nhiều điều khiến ta phải nghĩ

  1. Lịch sử

Viết những dòng này, sẽ có người nói mình là kẻ xét lại Lịch sử, đi theo những luận điểm xuyên tạc; nhưng bài viết này sau cùng chỉ muốn dành một chút suy nghĩ cá nhân về những công tội cho vị vua mở đầu nhà Nguyễn; bởi sách vở trước nay đối với ông xoay quanh chắc cũng chỉ có vài từ: cõng rắn cắn gà, cầu quân ngoại viện. Nhận xét về ông quá dễ, nhưng liệu rằng chúng ta có biết thân thế của vị vua chúng ta thường hay mạt sát đó ra sao không? Là con trai của người dự định sẽ nối ngôi Nguyễn chúa, cuộc đời của ông hẳn sẽ chẳng có sóng gió gì nếu không xuất hiện cái tên Trương Phúc Loan. Cha chết trong phẫn uất, cơ nghiệp tổ tiên gây dựng hơn 200 năm giờ chẳng mấy chốc bị mất trong biến loạn; phải theo Định Vương lánh nạn vào Gia Định, đứa trẻ ấy liệu có ngã lòng? Không, 17 tuổi được tôn làm Đại Nguyên suý, 19 tuổi tự xưng Vương rồi hạ Đỗ Thanh Nhơn; những việc làm ấy chúng ta hãy thử lục lại trong dòng chảy đã qua, ắt hẳn hiếm thấy. Cũng từ đây, Nguyễn Ánh trở thành một địch thủ của Tây Sơn; ta sẽ thấy biết bao lần ông bị đánh bại, rồi lại vùng lên đối kháng; và kỳ lạ ở chỗ gần như ông chỉ thua Nguyễn Huệ mà không phải là Thái Đức hay Đông Định Vương.

Nói về giai đoạn đầu trong cuộc chiến giữa Nguyễn Vương với quân Tây Sơn, có lẽ cái ta biết đến nhiều nhất sẽ là những lần thất bại và phiêu lưu của ông trước Nguyễn Huệ, có thể nói ngay cả Người Nhện Superman hay Đội trưởng Mỹ... cũng khó có được sức sống và độ Ulti mạnh như Ánh ca. Và cũng trong khoảng thời gian ấy, Đỗ Thanh Nhơn - Thủ lĩnh quân Đông Sơn bị Nguyễn Vương lập mưu giết. Nhơn nắm hết mọi sự, quyền hơn cả chúa đối với Nguyễn Ánh thì thực sự đó là mầm hoạ. Tuy vậy, giết được Nhơn thì Gia Định lại dậy sóng; quân Đông Sơn nổi loạn chống cả Tây Sơn lẫn chúa Nguyễn; Thái Đức nghe tin kẻ mà mình ngán nhất đã chết, liền gấp cùng Nguyễn Huệ đem binh vào đánh Gia Định và yolo với Ánh, quyết tâm đánh lấy vùng đất màu mỡ phía Nam và cũng là sào huyệt cuối cùng của họ Nguyễn Đàng Trong. Tất nhiên, Nguyễn Ánh không phải đối thủ của Nguyễn Huệ và quân Tây Sơn; ông thua trận và bắt đầu hành trình bôn tẩu của mình.

Có một điều mà chắc ai cũng quá thừa biết: Nguyễn Ánh cầu Xiêm viện Pháp. Về chuyện cầu Xiêm, đó có phải cho giặc vào nước; xin trả lời: Nguyễn Vương thực không có ý muốn nhờ cậy Xiêm La bởi ông quá rõ anh bạn này tính tình thế nào, nhưng cái thế của ông giờ đây thì có lẽ phải đánh liều nhờ vua Xiêm giúp đỡ và tướng Châu Văn Tiếp đã thực hiện nhiệm vụ ấy; quân Xiêm vào Gia Định dưới quyền chỉ huy của Bình Tây Đại Đô đốc Châu tướng quân. Hãy thử nhìn nhận; Quang Trung nuôi giữ các toán hải tặc người Hoa và coi họ như một lực lượng dưới quyền mình thì đối với quân Xiêm đặt dưới quyền Tiếp trên một khía cạnh nào đó liệu có khác nhau. Nhưng sự thật thì dù sao đây cũng là một sai lầm của chúa Nguyễn bởi từ sau cái chết của Châu Văn Tiếp ở Măng Thít, quân Xiêm do không còn người làm chủ nên ngày càng hoành hành, cướp bóc đất Nam Bộ dẫn đến thất bại sau này. Vậy viện Pháp; Hoà ước Versailles(1787) vốn dĩ đã không thể thực hiện bởi cuộc Cách mạng tư sản Pháp không lâu sau đó lật đổ chế độ Phong kiến của vua Louis và ẩn sau tờ Hoà ước ấy cũng là cả một chuỗi những bí ẩn, tham vọng của Bá Đa Lộc, của nước Pháp đối với đất nước Đại Việt đang đầy biến loạn nhưng cũng là một kho tài nguyên lớn nơi bán đảo Đông Dương nếu biết cách khai phá. Đội quân, những người Pháp mà sau này Bá Đa Lộc đưa về thực chất là do viên Giám mục cùng một số tư sản Pháp bỏ tiền túi để thuê chứ không phải có được từ sự giúp đỡ của Pháp hoàng; khi cho người sang yêu cầu thực hiện lại Hoà ước như đã ký, các vua nhà Nguyễn đã trả lời bằng một gáo nước lạnh: 

-Về đi, anh với các chú chẳng nợ nần gì nhau đâu.

Cũng có ý kiến nói do nhà Nguyễn bội ước, không chịu thực hiện Hoà ước nên sau này nó cùng với việc bắt bớ giáo sĩ trở thành mục tiêu và cái cớ để Pháp tiến vào Đại Nam. Nhưng nhìn nhận mọi thứ kỹ càng; ta sẽ thấy bản thân phía Pháp hoàng đã không thực hiện đúng những gì ghi trong Hoà ước ngay từ đầu thì họ đâu thể nào vin vào cớ vua Nguyễn bội tín nên giờ sang thực hiện các điều khoản để biện minh cho mọi việc. Còn về bắt bớ, giết hại giáo sĩ thì xin phép sẽ trình bày trong các bài viết sau.

Cả hai việc trên, mình không nói là Nguyễn Vương không sai, nhưng để hiểu cái sai ấy chúng ta phải nhìn nhận thật kỹ chứ chẳng thể tuỳ tiện, bừa bãi.

Ông trở về Gia Định, gây dựng lại tất cả và tiếp tục cuộc đối đầu với Tây Sơn. Quang Trung băng hà; địch thủ đáng sợ nhất, cây trụ chống của triều đại Tây Sơn đã không còn; việc của Nguyễn Ánh giờ đây chỉ còn là tấn công không thương tiếc. Thị Nại, cái tên gắn liền với trận đánh được mệnh danh là đại chiến Xích Bích của Việt Nam; ngọn lửa ấy đã thiêu rụi gần như tất cả mọi thứ của triều đại gắn liền với những anh bán trầu, chị giữ con hay thầy đồ làng. Từ giờ nhìn về Tây Sơn ta sẽ chỉ còn thấy những bước chạy dài ra Bắc và khi Cảnh Thịnh bị các thổ mục bắt dâng lên quân Nguyễn thì cũng là lúc vương triều Tây Sơn đặt dấu chấm hết. 

Trong buổi lễ Hiến Phù, Gia Long đã tuyên cáo trước đông đủ quần thần:

- Trẫm nghe, vì chín đời mà trả thù là nghĩa lớn kinh Xuân Thu.

Có người cho rằng những gì Gia Long nói hay những dòng sử liệu được ghi lại trong Liệt truyện,Thực lục của Sử quán triều Nguyễn đầy những sai sót, bịa đặt để có cớ trừng trị và hạ nhục Tây Sơn.

Đại Nam thực lục ghi chép:

“Tháng 9, ngày Ất hợi [ 9/8/1801], sửa lại sơn lăng.

Trước kia giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ tham bạo vô lễ, nghe nói chỗ đất phía sau lăng Kim Ngọc (tức lăng Trường Mậu) [lăng của chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái] rất tốt, định đem hài cốt vợ táng ở đó. Hôm đào huyệt, bỗng có hai con cọp ở bụi rậm nhảy ra, gầm thét vồ cắn, quân giặc sợ chạy. Huệ ghét, không muốn chôn nữa. Sau Huệ đánh trận hay thua, người ta đều nói các lăng liệt thánh [các chúa Nguyễn] khí tốt nghi ngút, nghiệp đế tất dấy.

Huệ bực tức, sai đồ đảng đào các lăng, mở lấy hài cốt quăng xuống vực. Lăng Hoàng Khảo ở Cư Hóa [lăng Cơ Thánh của Nguyễn Phúc Côn, thân sinh vua Gia Long] Huệ cũng sai Đô đốc Nguyễn Văn Ngũ đào vứt hài cốt xuống vực ở trước lăng. Nhà Ngũ ở xã Kim Long bỗng phát hỏa. Ngũ trông thấy ngọn lửa chạy về. Người xã Cư Hóa là Nguyễn Ngọc Huyên cùng với con là Ngọc Hồ, Ngọc Đoài ban đêm lặn xuống nước lấy vụng hài cốt ấy đem giấu một nơi. Đến nay, Huyên đem việc tâu lên.

Vua thương xót vô cùng, thân đến xem chỗ ấy, thì vực đã bồi cát mấy chục trượng. Tức thì sai chọn ngày lành làm lễ cáo và an táng lại. Các lăng đều theo nền cũ mà xây cao lên.

Ngày Kỷ hợi [1/11/1801], vua thân đến tế cáo, nghẹn ngào sa lệ, bầy tôi đều khóc cả. Sai đổi xã Cư Hóa làm xã Cư Chính, cho dân miễn dao dịch làm hộ lăng. Cho Huyên làm Cai đội (năm Minh Mệnh thứ 11[1830] phong An Ninh bá, lập đền thờ ở núi Cư Chính) con là Ngọc Hồ, Ngọc Đoài tòng quân ở Bình Định cũng được gọi về hậu thưởng cho”

Hay một đoạn sử trong Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả:

“Theo truyền thuyết, khi Tây Sơn khai quật hài cốt đức Hưng Tổ ném xuống sông thì một hôm Nguyễn Ngọc Huyên bỏ lưới bắt cá, sau ba lần đều thấy cái sọ nằm trong lưới. Huyên cho là sọ của một vị nào anh linh nên kiếm nơi an táng tử tế. Khi vua Gia Long lên ngôi, đi tìm lại hài cốt của thân phụ, nghe người làng tường thuật, ngài cho đòi Ngọc Huyên bảo chỉ chỗ. Khi đào được sọ lên, vua chích huyết ở tay mình cho giọt vào sọ, sọ liền hút những giọt huyết này”

Vua Quang Trung không đánh trận hay thua và vợ ông cũng không mất trước thời điểm ông tàn phá lăng các chúa; có thể họ đúng khi nói về những dòng sử liệu, nhưng trên đời có mấy ai đem việc tổ tông ra để giễu cợt dối trá; và rằng trong số sáu người vợ của Quang Trung chép trong Liệt truyện phần Chính biên được ghi nhận không có ai mất trước hoặc vào thời điểm Quang Trung tàn phá lăng mộ chúa Nguyễn đã là đầy đủ. Lịch sử Việt Nam chẳng phải cũng từng ghi nhận những người vợ lúc hàn vi hay khi đã đạt vinh quang của những ông vua hay sao, có thể người vợ mà Quang Trung định an táng trên phần đất thuộc lăng mộ các chúa là một người như vậy, gắn bó với ông thuở hàn vi và không được ghi chép lại đầy đủ sau này. Tháng 3 năm 1792, Nguyễn Vương đem quân tiến lên Thị Nại đốt phá thuyền chiến Tây Sơn, sau việc này có thể vua Quang Trung giận mà cho người quật phá lăng các chúa. Về vấn đề Tây Sơn có quật mộ hay không thì tư liệu cho nó vẫn còn thiếu, nhưng nếu để phủ nhận việc Quang Trung có khả năng là thủ phạm thì không thể. Có người nghĩ lăng mộ các chúa bị quân Trịnh phá chứ không phải Tây Sơn vì họ Trịnh vốn cũng có thù với họ Nguyễn; nhưng tại sao khi lên ngôi Gia Long không trừng trị họ Trịnh hay hậu duệ lão tướng Hoàng Ngũ Phúc mà còn hậu đãi, an trí và lo việc thờ cúng họ Trịnh trong khi có thể đó là những kẻ đã quật phá lăng mộ tổ tiên nhà Nguyễn. Hơn vậy trong số các lăng bị đào phá còn có mộ cha của Nguyễn Vương, con người mạng khổ ấy đâu có thù oán gì với họ Trịnh mà cũng phải chịu chung số phận. Ở Phú Xuân lúc này vẫn còn Công nữ Ngọc Tuyên con gái Vũ Vương đang đi tu lấy hiệu là Vân Dương ni cô, bà là người đã mật báo cho Gia Long tình hình đô thành, việc các lăng bị phá cũng như cung cấp tiếp viện cho quân Gia Định; một người con liệu có thể nói lời gian trá về việc có kẻ quật mồ cha mẹ, tiên tổ mình không. Nếu là do quân Trịnh hay bọn trộm mộ đào tìm cổ vật thì không lẽ gì bà lại đổ vạ cho Tây Sơn. Cách trả thù của Gia Long có thể tàn bạo, song nhìn cảnh mồ mả tổ tiên bị quật phá, gia tộc người thì bị giết kẻ thì ly tán; liệu có mấy ai cầm lòng. Những dòng suy nghĩ có lẽ chỉ đến đây, bởi những năm trị vì của ông vua ấy chắc chúng ta không phải bàn luận thêm. Cái nhìn của mình có thể không toàn bộ; nhưng đó là những điều bản thân đã nghĩ và viết ra. Cuối cùng, dù là Quang Trung hay Gia Long, họ vẫn là những bậc tiền nhân của nước Việt. Như một người anh của mình đã nói: “ Tiền nhân luôn ở bên, nhưng chúng ta phải là những người có lòng”.

Những dòng suy nghĩ riêng của cá nhân, nên vẫn sẽ còn những thiếu sót; bài viết đã được chỉnh sửa, bổ sung thông tin; trong bài có một số ngôn ngữ hiện đại được dùng với mục đích giúp việc truyền tải đến những người yêu Sử một cách dễ dàng hơn. 


Từ khóa: 

lịch sử

Lịch sử nên công bằng hơn với vị vua nay. Một người dành được thiên hạ từ tay kẻ thù thì nghiêm nhiên không phải là kẻ tầm thường. Với lại có nhiều lúc lịch sử bị chính trị chi phối nên thường sự thật hay bị dấu diếm hoặc vùi dập triều trước để tôn triều sau.

Trả lời

Lịch sử nên công bằng hơn với vị vua nay. Một người dành được thiên hạ từ tay kẻ thù thì nghiêm nhiên không phải là kẻ tầm thường. Với lại có nhiều lúc lịch sử bị chính trị chi phối nên thường sự thật hay bị dấu diếm hoặc vùi dập triều trước để tôn triều sau.

quá nhiều tranh cãi xung quanh vị này