[Giáo dục] Cha mẹ nên làm gì khi con chán học?

  1. Giáo dục

Học tập là quyền lợi và nghĩa vụ của trẻ em. Nhưng trên chặng đường đèn sách, không phải lúc nào các em cũng tìm thấy niềm vui, sự hứng khởi. Đó là thời điểm cha mẹ, thầy cô cần quan tâm, khích lệ tinh thần học tập của trẻ.

https://cdn.noron.vn/2022/08/18/31996116488492-1660793188.jpg

Vì sao con chán học?

Kết quả học tập sụt giảm bất ngờ, hờ hững với việc đi học, không làm bài tập về nhà và ôn tập trước các bài kiểm tra, thường xuyên bộc lộ những ý nghĩ tiêu cực về việc học hành v.v… đó là lúc trẻ bắt đầu rơi vào tình trạng chán học.

Tình trạng chán học có thể xuất hiện ở các cấp học, lứa tuổi, học lực khác nhau. Nguyên nhân thường tương đối rõ ràng nếu người lớn chịu chú ý, quan tâm đến trẻ. Nhưng với nhịp sống hiện đại, do thiếu thời gian ở bên con cái, cha mẹ thường không kịp thời giúp đỡ con vượt qua được cơn khủng hoảng mang tên “chán học” này.

Từ một học sinh giỏi, có thành tích học tập tốt, Thủy Tiên (học sinh lớp 8, Hà Nội) đột nhiên khiến cha mẹ lo lắng. Bởi cô bé không còn vui vẻ khi tới trường nữa, các giáo viên cũng hết sức ngỡ ngàng khi chứng kiến cô học sinh chăm ngoan bỏ bê việc ghi chép bài và không hăng hái phát biểu như trước đây. Nghe mọi người xung quanh tư vấn, cha mẹ đã đưa cô bé đến gặp chuyên gia tham vấn tâm lý. Nhưng sau khi cô bé làm bài đánh giá, chuyên gia không thấy Thủy Tiên gặp phải vấn đề gì về tâm lý. Cô chỉ đáp gọn lỏn: “Con chán học”.

Với Đức Huy (học sinh lớp 12, Hà Nội) thì cậu không ngần ngại nêu ra lý do chán học với gia đình, thầy cô. Cậu cho rằng nhiều người học giỏi ra trường vẫn thất nghiệp và những thứ học trên trường lớp toàn lý thuyết suông không có ích gì cho cuộc sống của cậu sau này, thì tại sao người lớn lại ép cậu học? Thay vì tập trung ôn thi tốt nghiệp, Đức Huy dành thời gian để lướt mạng xã hội và càng ngày càng bỏ bê việc học tập.

Tựu trung lại, nguyên nhân của chán học thường bắt nguồn từ: thiếu sức khỏe, thiếu động lực, thiếu hiểu biết, thiếu người hướng dẫn phù hợp và thiếu phương pháp, thiếu thời gian cho các niềm vui cá nhân.

https://cdn.noron.vn/2022/08/18/31996116488501-1660793203.jpg

Một vài gợi ý để thay đổi

Cải thiện sức khỏe

Khi trẻ có vấn đề về sức khỏe thì các em sẽ không thể tập trung học tập giống như bạn bè đồng trang lứa. Cha mẹ cần quan tâm đến những biến đổi trong sinh hoạt thường ngày của con để kịp thời đưa con đi thăm khám. Ngoài ra, việc trẻ sử dụng máy tính, điện thoại quá nhiều (trên 2 tiếng một ngày) có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tinh thần, chất lượng giấc ngủ của trẻ. Nếu trẻ có thói quen ăn uống thiếu lành mạnh (nhiều tinh bột, dầu mỡ, ít rau xanh), ngại vận động thân thể thì cha mẹ cũng nên giúp trẻ điều chỉnh lại.

Lắng nghe con

Con trẻ chán học bởi việc học không thuận lợi, xảy ra mâu thuẫn với bạn bè, không được thầy cô quan tâm giúp đỡ, gia đình gặp vấn đề. Do đó, cha mẹ cần lắng nghe con trước khi vội vàng đưa con đến các phòng khám, điều trị tâm lý. Hành động này có thể khiến trẻ trở nên mặc cảm, tự ti và ngại tiếp xúc hơn. Các bậc phụ huynh nên kiên nhẫn bởi có thể trẻ sẽ không sẵn sàng chia sẻ ngay nguyên nhân. Trong ví dụ ở trên, phải mất một thời gian tâm sự (gần hết năm học) Thủy Tiên mới chia sẻ với mẹ rằng cô bé chán học vì thời điểm đó một giáo viên đã ghi tên em vào sổ ghi đầu bài với lỗi “đọc truyện trong giờ học”. Trong khi cô bé chỉ để cuốn truyện ở ngăn bàn. Sau đó, cô giáo chủ nhiệm và cha mẹ đều phê bình Thủy Tiên. Người lớn thì quên nhanh hơn, nhưng với trẻ em, việc bị trách mắng oan không dễ dàng để quên đi như vậy.

Giải thích cho con

Bước vào độ tuổi dậy thì, ý thức về “cái tôi” cá nhân và cá tính của trẻ phát triển mạnh. Do đó, nhu cầu chứng tỏ bản thân của trẻ rất cao. Đôi lúc trẻ sẽ trở nên chống đối, nổi loạn và làm mọi việc theo sở thích mà không quan tâm đến những người xung quanh để chứng tỏ sức ảnh hưởng của bản thân. Đối với việc học, trẻ thường đặt ra các câu hỏi “Tại sao?” nhiều hơn. Thay vì áp đặt con, cha mẹ nên từ tốn giải thích để con hiểu được tầm quan trọng và ích lợi của việc học. Bởi trong quá trình tham gia các mạng xã hội, trẻ đã vô tình tiếp thu những quan điểm sai lầm về việc học trong khi chưa hề kiểm chứng (như trường hợp của Đức Huy ở trên).

Bằng tâm lý vững vàng và vốn sống phong phú hơn, cha mẹ nên giải thích cặn kẽ để trẻ hiểu được học không chỉ đơn thuần là con đường mưu cầu thành công, mà còn là cách đúng đắn để trở nên có ích, sống tình nghĩa, trách nhiệm với cộng đồng và xứng đáng nhận được sự tôn trọng từ người khác.

Đồng hành cùng con

Sẽ có những trường hợp trẻ hiếu học song không tìm được môi trường học tập phù hợp, thiếu phương pháp học tập đúng và thiếu sự quan tâm từ giáo viên trên lớp (do lớp học đông học sinh). Cha mẹ có thể trực tiếp giúp con học tập hoặc gián tiếp giúp con thông qua việc mời gia sư phù hợp với năng lực nhận thức, đặc trưng của trẻ. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên tạo điều kiện để con học thông qua các hình thức khác nhau như: đọc sách, tham gia các câu lạc bộ, lớp học năng khiếu. Thông qua trải nghiệm, cha mẹ và trẻ có thể khám phá ra thiên hướng, phong cách học tập phù hợp của con trẻ.

Thư giãn là tiền đề của việc học tập

Rất khó để trẻ em thích học nếu các em có một thời khóa biểu dày đặc, được nhồi nhét theo nguyện vọng của cha mẹ. Học tập cần kết hợp với nghỉ ngơi, vui chơi theo sở thích. Theo chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực nuôi dạy con cái Margot Machol Bisnow (bà từng thực hiện phỏng vấn 70 cặp cha mẹ đã nuôi dạy con cái khôn lớn, thành đạt) thì “Cha mẹ không nên xem sở thích của con là lãng phí thời gian. Cha mẹ không bao giờ ngăn cản con dành thời gian cho những sở thích đó. Họ hiểu những hoạt động này giúp ích cho tinh thần của trẻ”. Cha mẹ cần tôn trọng khoảng thời gian thư giãn của con trẻ sau khi trẻ kết thúc giờ học. Tuy nhiên, chúng ta nên cùng con khám phá thêm các sở thích, trò chơi lành mạnh khác ngoài việc chơi game, tham gia các mạng xã hội.

  • Bài đã đăng trên Vì Trẻ Em - Chuyên trang điện tử của Báo Dân Sinh.

 

 

Từ khóa: 

cha mẹ

,

trẻ em

,

cần làm gì

,

chán học

,

vì trẻ em

,

giáo dục

Đúng chủ đề anh quan tâm 😇

Trả lời

Đúng chủ đề anh quan tâm 😇

Với bố mẹ em thì đơn giản hơn nhiều ạ. Chửi con và những bữa cơm chan nước mắt, hic😥