[Giáo dục] Giúp con phát triển năng lực cảm xúc xã hội

  1. Giáo dục

Để giúp con có lối sống hòa hợp, biết tự cân bằng mối quan hệ với bản thân và những người xung quanh, cha mẹ nên tìm hiểu về trí thông minh cảm xúc (EI - Emotional Intelligence) và hoạt động giáo dục cảm xúc xã hội (SEL - Social Emotional Learning) cho con trẻ.

https://cdn.noron.vn/2023/01/13/23331381912809844-1673578861.jpg

Những đứa trẻ mất kết nối

Đã nửa năm nay, gia đình anh Vĩnh (Hà Nội) cảm thấy hết sức lo lắng về tình hình của cậu con trai. Cậu bé hiện đang học lớp 9, nhưng học lực của cậu sa sút rất nhiều so với trước đây. Thậm chí cậu còn không có mong muốn đến trường. Trong lớp, cậu không kết bạn với bất kì bạn học nào và về đến nhà là cậu đóng cửa ở trong phòng, hạn chế tối đa việc giao tiếp trực tiếp với tất cả mọi người, kể cả cha mẹ.

Hoạt động duy nhất mà cậu thực hiện không biết chán chính là trò chuyện trực tuyến trên mạng xã hội. Cuộc sống của cậu giờ thu gọn trên chiếc điện thoại. Mặc dù cha mẹ đã đưa cậu đi đến phòng tham vấn tâm lý để nhờ các chuyên gia tư vấn, giúp đỡ nhưng tình trạng của cậu cũng chưa tiến triển nhiều.

Trường hợp của gia đình chị Mỹ (Hà Nội) dù chưa nghiêm trọng bằng, nhưng cũng khiến vợ chồng anh chị băn khoăn. Bước vào năm học cấp 3 ở một ngôi trường mới hiện đại, anh chị từng kì vọng rằng cô con gái sẽ vui bước đến trường. Nhưng sau tháng đầu tiên đi học, con gái chị thổ lộ rằng cô không thích đến lớp. Bởi trên lớp, cô bé cảm thấy lạc lõng khi không thể kết bạn hoặc tham gia trò chuyện với các bạn khác. Mỗi lần giáo viên có yêu cầu làm bài tập nhóm là cô bé lại cảm thấy khổ sở vì không thể chấp nhận được ý kiến của bạn và cũng không biết cách bày tỏ để bạn hiểu được ý kiến của mình. Ngoài ra, cô bé cảm thấy khó chịu khi phải tham gia các hoạt động ngoại khóa, nhưng nếu không được tham gia thì cô bé lại cảm giác như đang bị các bạn cô lập.

Hai bạn nhỏ nêu trên có điểm chung là gặp khó khăn trong việc nhận biết, điều chỉnh, phát triển cảm xúc của bản thân và những người xung quanh. Lỗ hổng này đến từ sự thiếu sót của cha mẹ trong việc bồi dưỡng và phát triển năng lực cảm xúc xã hội cho con. Nguyên nhân có thể đến từ việc cha mẹ không có đủ thời gian dành cho con, thiếu kiến thức hoặc đánh giá chưa đúng vai trò của các năng lực cảm xúc xã hội (vì chỉ chú trọng đến thành tích học tập và điểm số) trong quá trình phát triển nhân cách của con trẻ.

Trong hội nghị Symphony Of The Mind 2021, giáo sư Howard Gardner (cha đẻ Thuyết thông minh Đa Trí Tuệ) đã phát biểu: “Bạn thông minh theo cách truyền thống, bạn có thể giải quyết nhiều vấn đề khi làm việc một mình. Nhưng khi làm việc với người khác, nhất là khi bạn nắm vai trò chủ chốt, nếu bạn không hiểu người khác và không hiểu chính mình thì rắc rối to đấy”.

https://cdn.noron.vn/2023/01/13/23331381912809842-1673578848.jpg

Giáo dục cảm xúc xã hội cho con

Theo CASEL (Tổ chức hợp tác về học thuật và giáo dục cảm xúc xã hội) mô hình giáo dục năng lực cảm xúc xã hội gồm: Nhận thức bản thân, nhận thức xã hội, làm chủ bản thân, làm chủ các mối quan hệ và ra quyết định có trách nhiệm. Để bồi dưỡng nhóm năng lực này, cha mẹ có thể đồng hành cùng con theo gợi ý sau:

Nhận thức bản thân: Hãy giúp con gọi tên và hiểu về cảm xúc của bản thân, hiểu về điểm mạnh, điểm hạn chế của chính mình. Đồng thời, cha mẹ cần từng bước hỗ trợ con xây dựng hệ thống giá trị, niềm tin cá nhân đúng đắn.

Nhận thức xã hội: Cha mẹ nên hướng dẫn con bày tỏ sự tôn trọng đối với người khác trong quá trình giao tiếp xã hội. Đồng thời rèn luyện để con có tâm tính linh hoạt, cởi mở để biết chấp nhận sự khác biệt. Trẻ em cũng nên được giải thích về tầm quan trọng của sự thấu hiểu và chia sẻ trong đời sống.

Làm chủ bản thân: Đây thường là kỹ năng mà trẻ em sinh trưởng trong thời đại công nghệ số rất yếu. Do đó cha mẹ, thầy cô giáo cần giúp trẻ rèn luyện tính kỷ luật, sự tự giác và thường xuyên chia sẻ/nhắc lại các phương pháp để trẻ tự cân bằng cảm xúc, sự căng thẳng của bản thân.

Làm chủ các mối quan hệ: Cha mẹ, thầy cô có thể chủ động tạo điều kiện để trẻ tham gia các hoạt động tập thể, từ đó giúp trẻ nhận biết về nhóm kỹ năng: đàm phán, từ chối, hợp tác hiệu quả cũng như biết cách tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết.

Ra quyết định có trách nhiệm: Đây là năng lực ra quyết định trong trạng thái có cân nhắc đến tâm trạng của bản thân và những người xung quanh. Trẻ sinh ra trong môi trường thuận lợi, được chiều chuộng thường không có hoặc có kỹ năng này ở mức độ rất thấp. Do đó cha mẹ nên tập cho trẻ thói quen suy nghĩ về ảnh hưởng của mỗi quyết định đối với bản thân và những người xung quanh trước khi hành động.

Để quá trình phát triển năng lực cảm xúc xã hội cho trẻ diễn ra hiệu quả, cha mẹ có thể tham khảo kinh nghiệm từ các chuyên gia. Một trong số các nguồn tài liệu đáng chú ý là cuốn sách “Phát triển năng lực cảm xúc xã hội” của tác giả Hong Dinh (Đinh Thu Hồng). Thạc sĩ Đinh Thu Hồng là một giáo viên tiểu học lâu năm tại Mỹ và tác giả của các sách “Học STEM kiểu Mỹ tại nhà”, “Học kiểu Mỹ tại nhà” và gần đây nhất là “Phát triển năng lực cảm xúc xã hội”.

Từ khóa: 

phát triển năng lực cảm xúc xã hội

,

vì trẻ em

,

báo dân sinh

,

noron

,

sel

,

giáo dục

Bài viết hữu ích lắm bạn. Nhưng theo bạn, những cảm xúc tiêu cực của các con đến từ đâu vậy? Mình nhận thấy thời đại giờ trẻ con có nhiều vấn đề ko khác gì người lớn, ko phát hiện triệt tiêu là nguy ngay. Công nghệ thông tin, mình nghĩ do thời đại quá phát triển rồi

Trả lời

Bài viết hữu ích lắm bạn. Nhưng theo bạn, những cảm xúc tiêu cực của các con đến từ đâu vậy? Mình nhận thấy thời đại giờ trẻ con có nhiều vấn đề ko khác gì người lớn, ko phát hiện triệt tiêu là nguy ngay. Công nghệ thông tin, mình nghĩ do thời đại quá phát triển rồi