[Giáo dục] Hãy cùng con bước vào thế giới sách

  1. Giáo dục

Đường đến tri thức có muôn nẻo và sách là một trong số những con đường đúng đắn để tiếp nhận tri thức và mở mang trí tuệ. Chân lý ấy đã được kiểm nghiệm qua thời gian cùng với những tên tuổi thành danh gắn liền với thói quen đọc sách. Ở trong giai đoạn có khả năng tiếp thu nhanh, trẻ em nên được phụ huynh chú ý giúp đỡ rèn luyện thói quen đọc sách.

Tưởng dễ mà khó

Thư viện, nhà sách từng một thời là điểm đến mơ ước của những cô bé, cậu bé thành thị vốn thiếu thốn không gian giải trí. Ngoài những món đồ chơi mua từ phố Lương Văn Can, những que kem Tràng Tiền thì sách là món quà tặng ý nghĩa nuôi dưỡng tâm hồn, ước mơ. Rồi năm tháng qua đi, chiếc tivi - chiếc máy tính - chiếc máy tính bảng - chiếc điện thoại lần lượt âm thầm thay thế sách, bầu bạn với trẻ nhỏ. Ngần ấy thiết bị công nghệ bủa vậy xung quanh làm các bạn nhỏ quên đi tình yêu với sách và dần trở nên lạ lẫm với thói quen đọc sách.

Mặc dù hàng ngày trên trường lớp vẫn tiếp xúc với sách giáo khoa nhưng buồn thay, “sứ giả của sách” này càng khiến cho các bạn học sinh ngại đọc sách hơn. Không ít bạn thật thà thú nhận việc cứ cầm sách lên là lại cảm thấy buồn ngủ. Nếu bỗng một ngày nào đó thấy hứng thú với sách và muốn cha mẹ đọc cùng thì câu trả lời phát ra sau màn hình laptop hay điện thoại đang sáng lập lòe càng làm trẻ nản lòng hơn: “Để lúc khác, bố/mẹ đang bận !”.

for-reading-813666_1920

Màn hình càng nhỏ thì lại tiêu tốn càng nhiều thời gian: Chiếc điện thoại thông minh chứa các trò chơi điện tử, các ứng dụng nhiều màu sắc làm trẻ mê mẩn. Khi đến trường, lúc ở nhà, trước khi đi ngủ (thậm chí trong lúc tưởng chừng trẻ đã ngủ) thì điện thoại vẫn gần bên. Nếu so sánh 6 tiếng trẻ trọn vẹn dùng điện thoại với 30 phút đọc sách mỗi ngày cũng không thể trọn vẹn thì dường như chúng ta đang vô tình tạo nên một lỗ hổng trong giáo dục nhân cách.

Sách: Bài học nhân cách

Sách là kho tàng tri thức vô giá. Đặc biệt là những tác phẩm bất hủ thấm đẫm tinh thần nhân văn. Những cuốn sách ấy vun đắp tình cảm cao thượng, khơi dậy sự đồng cảm và lý tưởng sống tốt đẹp. Đọc sách còn là cách tu dưỡng đạo đức và giải trí từ chính việc di dưỡng tinh thần. Thật hiếm có thu vui nào mang lại nhiều lợi ích như đọc sách. Một áng văn hay, một số phận thăng trầm, một cốt truyện hấp dẫn hay những vùng đất mới lạ mở ra trước mặt ta đủ mọi kì ảo của cuộc sống.

Sách mang lại những lợi ích cụ thể đã được khoa học chứng minh: Năng lực ngôn ngữ và trí tuệ xúc cảm. Nếu trẻ đọc nhiều hơn, khả năng sáng tạo, viết lách và giao tiếp cũng trở nên tinh tường hơn nhờ vào vốn từ vựng rộng lớn kết hợp với cách sử dụng linh hoạt. Thêm vào đó, đọc sách mang đến cơ hội hóa thân vào nhân vật, cây cầu nối đồng cảm ấy là quá trình bồi đắp cho trí tuệ xúc cảm sau này. Nhóm năng lực kể trên giúp trẻ có cuộc sống hài hòa và thành công cũng như khiến cho các nhà tuyển dụng, đối tác, khách hàng rất khó lòng từ chối khi trẻ đến lứa tuổi lập nghiệp.

Lợi ích lớn cần được chuẩn bị lâu dài, giống như muốn cây cao thì bộ rễ cần phải chắc. Nói một cách hình tượng, rèn luyện thói quen đọc sách cho trẻ là phụ huynh đang chăm chút cho bộ rễ ấy càng ngày càng chắc khỏe hơn. Từ những cái tên gắn bó với sách như Bill Gates (Nhà đồng sáng lập Microsoft), Mark Zuckerberg (CEO của Facebook), Elon Musk (tỷ phú công nghệ của Tesla và Space X) chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sách vừa là người bạn đồng hành thông thái vừa là bậc thầy dẫn dắt tư duy. Không thể phủ nhận các tên tuổi quyền lực vẫn thường bị khuất phục bởi uy quyền của sách.

5

Cùng con tạo dựng thói quen đọc sách

Nếu các bậc phụ huynh muốn truyền tình yêu đến sách cho con, đừng ngần ngại tìm lấy một cuốn sách phù hợp và bắt đầu cùng con đọc. Hãy chọn những cuốn sách mỏng, có nội dung nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi của con. Thường xuyên khích lệ con đọc sách và kể lại những gì con đã được đọc cũng là biện pháp hay để trẻ có hứng thú đọc sách hơn. Các nhà xuất bản hiện nay cũng đem đến cho chúng ta rất nhiều tựa sách hay, được tái bản đẹp để lựa chọn như: Tủ sách Danh nhân, Hoàng tử bé, Tôt-tô-chan cô bé bên cửa sổ, Những tấm lòng cao cả, Tiếng gọi nơi hoang dã, Cuộc phiêu lưu của Tom Saywer, Dế mèn phiêu lưu kí v.v…. Nếu vẫn băn khoăn về phương pháp tạo dựng thói quen đọc sách cho trẻ em, các bậc phụ huynh có thể tham khảo thêm tác phẩm Nuôi dưỡng một người đọc tí hon của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Minh (nhà sáng lập và điều hành dự án “Sách ơi mở ra”) để giúp con tháo gỡ các khó khăn và bắt đầu niềm đam mê đọc sách.

Ảnh 1 (sưu tầm Internet)

Thói quen tốt cần được tạo dựng bởi lòng nhiệt tình và sự kiên nhẫn. Để trẻ yêu sách, trước hết chính bản thân các bậc phụ huynh cũng cần đến cảm hứng đọc sách. Nếu tin rằng cuộc sống bận rộn hiện thời là để chuẩn bị tốt cho tương lai của con cái, nên không có thời gian đọc sách cùng con, thì các bậc phụ huynh đang dành cho con mọi điều nhưng lại thiếu đi điều tốt đẹp nhất.

Từ khóa: 

giáo dục trẻ em

,

đọc sách

,

nguyễn phú hoàng nam

,

giáo dục

Nếu như có thể thì việc rèn luyện việc đọc sách cho trẻ nhỏ từ khi còn sớm là rất tốt

Trả lời

Nếu như có thể thì việc rèn luyện việc đọc sách cho trẻ nhỏ từ khi còn sớm là rất tốt

"Hoàng tử bé, Tôt-tô-chan cô bé bên cửa sổ, Những tấm lòng cao cả" - Mình cũng đang cho bé làm quen với những cuốn sách này

Bạn có thể review rõ hơn một số cuốn sách bạn nhắc đến trong chủ đề này được không ạ?