Giết Con Chim Nhại

  1. Sách

unnamed (1)

Thời điểm viết những dòng này tôi vẫn chưa đọc hết cuốn sách, tôi cũng không biết cảm nhận của mọi người về cuốn sách như thế nào, họ lắng đọng được điều gì sau khi đọc, riêng với tôi, điều tôi thấy ấn tượng nhất chính là cách bố Atticus dạy Jem và Scout. Bố Atticus cũng là nhân vật tôi thích nhất trong quyển sách, không phải vì ông bảo vệ Tom chống lại sự phân biệt chủng tộc của xã hội, mà tôi thích ông vì cách ông để cho Jem và Scout được tự do trải nghiệm thế giới như nó vốn có, cách ông giải thích và hướng dẫn cho hai đứa trẻ, cũng như cách ông an ủi Scout, nói với cô bé rằng ông không hề phiền lòng vì những gì người khác nói về cô bé.

Trong mắt tôi Atticus đúng là một quý ông thực thụ, ông lịch thiệp, hòa nhã với mọi người, nhưng đó không chỉ là xã giao bên ngoài, đối với gia đình mình ông cũng như vậy. Ông tôn trọng mọi người vì họ là người, chứ không chỉ vì màu da hoặc xuất thân của họ, cũng không vì học thức hay vì những giá trị vật chất khác. Cho dù họ bất đồng ý kiến với ông, ông vẫn tôn trọng họ, tôi nghĩ bố Atticus là một người có EQ cao, ông kiểm soát tốt cảm xúc của mình, ông tác động lên cảm xúc của những người xung quanh, ông có sự cảm thông, thấu hiểu đối với người khác…

Tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn không có giá trị nào là mãi mãi, chuẩn mực xã hội cũng vậy, những quy tắc đạo đức cũng vậy, điều mà ngay lúc này chúng ta cho là phù hợp, vài chục năm sau liệu có còn là phù hợp nữa không?! Không chỉ là những bước tiến trong vấn đề chống phân biệt chủng tộc, mà nó còn là về cách ta cư xử với nhau, về những gì ta tin vào, về những gì ta cho là đáng giá… chúng không chỉ thay đổi qua các thời kỳ theo thời gian mà chúng còn thay đổi theo không gian, những nơi khác nhau sẽ có những chuẩn mực khác nhau. luôn chừa chỗ cho những khả năng khác, đừng bao giờ quá chắc chắn về điều gì đó, cũng như đừng phủ nhận nó hoàn toàn.

Không phải là tôi không cảm nhận được gì về vấn đề chống phân biệt chủng tộc, chỉ là tôi cảm thấy cuốn sách còn những giá trị khác ấn tượng hơn nhiều, ít nhất là với bản thân tôi. Cuốn sách còn làm cho tôi có thêm lòng tin vào loài người, người tốt vẫn luôn ở đó, không chỉ là bố Atticuscòn là những người như quan tòa Taylor, cô Maudie, nói tới đây lại nhớ tới Calpurnia, một nhân vật rất thú vị, đối với một người da màu ở thời điểm đó, bà có học thức, bà nhận được sự tôn trọng từ bố Atticus và những người da trắng xung quanh, nhưng bà vẫn biết cách cư xử phù hợp với cộng đồng người da màu của mình, bà không tỏ ra mình đẳng cấp hơn họ, cũng không hề muốn chen chân vào thứ những người da trắng kia gọi là “đẳng cấp”. làm tôi nhớ tới một câu thành ngữ “Đi với bụt mặc cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, điều này cũng làm tôi nghĩ về một khái niệm khác, là sự “hòa hợp”, thứ tốt nhất không phải là thứ đắt nhất mà là thứ phù hợp nhất với bạn, cách Calpurina cư xử thật sự rất đáng học hỏi.

những người chấp nhận nói dối, bỏ qua lương tâm của mình, thứ thực sự đáng giá, để bảo vệ chút danh dự giả tạo còn sót lại của họ, và có những khi, mỗi người chúng ta không được xã hội đánh giá dựa trên những hành vi của bản thân mình, mà xã hội đánh giá mọi người thông qua những “label” – những nhãn dán ta tự gán cho nhau. Bồi thẩm đoàn đó đã tốn nửa buổi để suy nghĩ và ra phán quyết, nhưng không phải họ suy nghĩ về chuyện Tom có tội hay không, lý trí của họ đủ minh mẫn để nhận biết sự thật đó, điều họ đang suy nghĩ và đấu tranh chính là lựa chọn giữa lý trí-sự thật, hay là chọn theo “giá trị đạo đức” mà xã hội này đã đặt ra.

-------------------------------------------------------

Cuối cùng tôi đã hoàn thành cuốn sách rồi, sau cùng bố Atticus đã lựa chọn thỏa hiệp, ông chấp nhận đặt xuống lý tưởng của ông, những giá trị ông cho là đáng quý, để đổi lại sự bình yên như một lời cảm ơn cho Boo Radley, tôi nghĩ Boo là yếu tố quan trọng nhất khiến bố Atticus thỏa hiệp, chứ không phải Jem, ông thương Jem, nhưng ông cũng nghĩ rằng việc đưa chuyện này ra công khai là cần thiết, ông Tate đã phải tốn rất nhiều công sức để thuyết phục bố rằng việc này không tốt cho Jem và mọi người, nhưng pha chốt hạ của ông chính là khi ông nhắc tới Boo, "Ta không thể trả ơn người đã giúp ta bằng cách đem lại một đống rắc rối và phiền phức cho họ”, đây là điều mình cảm nhận về quyết định mà Scout tưởng tượng giống như việc “Giết con chim nhại” của bố Atticus.

Cuốn sách làm tôi nhớ về một điều được học ở nhà thờ, “Gia đình là phần tử của xã hội”, nếu ta có những gia đình tốt, giáo dục nên những đứa trẻ tốt thì một mai khi chúng trưởng thành, có gia đình riêng của mình, chúng sẽ lại tiếp tục giáo dục nên những thế hệ tương lai tốt đẹp hơn nữa. Cho dù chúng có phải đương đầu với cái xấu trong cuộc đời mình, tôi tin rằng nếu ta đủ tốt, ít ra ta sẽ không bị tha hóa, sẽ không nghiêng về phía cái xấu, như vậy đã là một cống hiến cho xã hội rồi, vì ta không cho cái xấu cơ hội tăng lên.

“Khi con biết con sẽ thất bại trước khi con bắt đầu nhưng dù vậy con vẫn bắt đầu và con theo đuổi nó tới cùng dù có chuyện gì xảy ra” – câu nói này của bố Atticus làm tôi nhớ lại mình của những năm về trước, tràn đầy nhiệt huyết, ngây thơ, tin tưởng bản thân mình có thể thay đổi thế giới xung quanh. Câu nói này như một tiếng chuông gõ vào tâm hồn tôi, cảnh tỉnh bản thân tôi, giờ đây tôi đã và đang thỏa hiệp với quá nhiều thứ, những giá trị khi xưa tôi theo đuổi đã không còn nguyên vẹn như lúc ban đầu. Tôi bỏ bớt điều này, chấp nhận hài lòng với điều khác, và tôi biết tôi đang lún dần xuống…

-Tâm tình của một người trẻ sau khi đọc được một cuốn sách hay-

Từ khóa: 

giết con chim nhại

,

tác phẩm kinh điển

,

review sách

,

book review

,

sách