Hành trình học tập - Phần 2: Câu chuyện về sự thấu hiểu.

  1. Giáo dục

Tiếp nối cho bài viết gần đây nhất về phẩm chất trong việc học, ở bài này tôi sẽ bàn về một giá trị vô cùng quan trọng mà tôi đã nhận ra được trong hành trình hoạt động giáo dục của mình - đó là "Sự thấu hiểu". Thật ra mà nói, tôi đã khá phân vân giữa một số thuật ngữ có phần tương đồng như "nhận thức bản thân - self-awareness" and "siêu nhận thức - metacognition", tuy nhiên mình cho rằng sự thấu hiểu là cách nói vừa thể hiện được sự gần gũi, vị nhân, và song phương nhất. Một lưu ý nữa mình cần cân nhắc là các khái niệm về "sự học", "người học/học sinh", hay "người dạy/giáo viên" đều bao quát cho cả mô hình giáo dục chính quy (trường lớp) và cả những trải nghiệm độc lập/liên cá nhân.

Trong quá trình tìm hiểu về các mảng ngành khoa học xã hội trước đây, chưa có mảng ngành nào thật sự thúc đẩy và truyền cảm hứng cho tôi trong việc thấu hiểu hơn loài người như là ngành Giáo dục. Sự học là một hành trình cá nhân, thì sự dạy là một tổng hòa và tuần hoàn qua lại giữa các hành trình cá nhân đó. Bước chân trên con đường của một nhà giáo, trước tiên họ phải là một người học, để thấu hiểu rằng học đời là hiểu đời, dạy người chính là hiểu người.

Một trong những bước đi đầu tiên mà tôi định hình cho học sinh của mình là làm thế nào để hiểu bản thân ta hơn. Đa phần học sinh đều có xu hướng phụ thuộc vào giáo viên trong việc chỉ ra từng đặc điểm tính cách, từng phong cách học, từng ưu/khuyết điểm của mình. Thoạt đầu trông có vẻ người học đang rất tự tin và ngưỡng mộ khả năng này của giáo viên họ, nhưng thực tế là lại biểu hiện của hai vấn đề nền tảng trong những phẩm chất cần có cho sự học:

(1) Sự bị động (hay là "Tính phi cá nhân?"): Đây quả là một vấn đề cố hữu của bao nhiêu thế hệ học sinh, từ sự bị động trong việc tìm hiểu bài, đặt câu hỏi, hay thậm chí là tự học ở nhà, v.v. Tuy nhiên, ở đây Nguyên cho rằng học sinh đang "phi cá nhân hóa" việc học của mình hơn là bắt nguồn từ sự lười biếng hay tính phụ thuộc đơn thuần. Học sinh với vấn đề này cho rằng, dù một cách ý thức hay tiềm thức, quá trình học bị chi phối gần như tuyệt đối bởi những yếu tố ngoại cảnh, ví dụ như mô hình - phương pháp giáo dục, trình độ giáo viên, khả năng tài chính gia đình, hay thậm chí là cả sự tồn tại của những cá nhân "có thiên phú", v.v. Ý niệm này làm phá vỡ hoặc yếu đi những liên kết tinh thần giữa bản thân họ và việc tìm kiếm/khám phá tri thức - vốn là cách thức để thấu hiểu hơn bản thân mình và cả thế giới xung quanh. Từ đó làm giảm đi động lực học cũng như khả năng phỏng chiếu bản thân để tự mình có một bức tranh toàn cảnh hơn. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tính phi cá nhân hóa trong việc học, mỗi học sinh sẽ có mỗi biểu hiện và hành vi khác nhau. Cần có một lưu ý là sự phi cá nhân hóa việc học không nhất thiết bị gây ra bởi góc nhìn chủ quan của người học, mà cả cách những nhân tố trong môi trường sống của họ tác động qua lại (lên trên họ).

(2) Sự tự ti: Ở đây cần nói rõ hơn một chút về khái niệm này. Sự tự ti có thể định nghĩa như là việc một học sinh không chắc chắn với những gì mình đang có và không có, từ đó tạo ra những mông lung và ảo tưởng về bản thân mình. Điều này liên kết trực tiếp với vấn đề trên, khi một người học quá phụ thuộc vào giáo viên hoặc những cá nhân bên ngoài để hiểu biết về bản thân họ. Những thông tin mà họ nhận được được phóng đi qua một cơ số lăng kính khác nhau đủ để khiến họ cảm thấy bối rối và bất định. Chính vì thế, với một nguồn tài nguyên thông tin thiếu thốn, khó hiểu, chưa từng hoặc vô cùng ít khi được trải nghiệm, và hầu hết phụ thuộc vào những đánh giá bên ngoài (dù đúng dù sai), học sinh sẽ vô cùng bị giới hạn trong việc đưa ra những cảm nhận, nhận xét chính xác nhất về mình cũng như là các kĩ năng phản biện, tự phỏng chiếu.

Sự thấu hiểu, vì những điều trên, đã thành công trong việc đưa sự học không chỉ nằm trong khuôn khổ giáo dục bài bản, mà còn cả quá trình tìm hiểu về bản thân mình và cả thế giới xung quanh. Thế đối với giáo viên thì sao, liệu đây có phải là một lý do hoàn hảo để đùn đẩy mọi thứ cho học sinh? Câu trả lời thực tế là "có" nếu xét theo góc nhìn sự học là một hành trình cá nhân. Nhưng kể cả khi là vậy, nó cũng không phủ định được vai trò của người dạy trong việc hỗ trợ và đồng hành cho học sinh của mình.

- Lý do thứ nhất: Để thật sự giúp đỡ người học có một sự nhận thức bản thân rõ ràng hơn, sâu hơn, đồng thời biết cách dẫn lối và cung cấp những kiến thức CẦN THIẾT cho họ, thì việc thấu hiểu học sinh là điều tiên quyết - hay chăng cũng như những bậc phụ huynh (đôi khi vụng về) cố gắng đồng hành cùng con trên con đường phát triển mà không phô diễn bất cứ hành vi mang tính kiểm soát nào.

- Lý do thứ hai: Một người thầy, người cô tốt, cũng là một người bạn học tốt (tuy mình nghĩ rằng đây không phải là yếu tố duy nhất hay thậm chí là "bắt buộc có"). Điều này nhấn mạnh vào một tâm thế học hỏi lẫn nhau, hoặc như mình chia sẻ "là một tổng hòa và tuần hoàn qua lại giữa các hành trình cá nhân". Ở góc nhìn này, tôi nghĩ nó được định hình phần lớn từ cách tôi hiểu một mối quan hệ mang tính giáo dục nên là như thế nào. Thực tế mà nói, tôi khá áy náy trong việc cho mình ở một ví trị cao hơn và tuyệt đối trong một lớp học, dù có những nhận thực rõ ràng về sự chênh lệch trong kiến thức hay tư duy. Việc cho rằng bản thân ta đơn thuần là một người trợ thủ đắc lực cho người học cho phép Nguyên có một sự cởi mở và vị nhân hơn trong những tương tác với họ, từ đó giúp tôi thấu hiểu học sinh mình hơn cả.

Từ khóa: 

giáo dục

,

học tập

,

thấu hiểu

,

giáo dục

Sự thấu hiểu đặc biệt quan trọng trong giáo dục, bởi học sinh không phải là thùng nước để đổ cho đầy mà là một ngọn lửa cần được thắp sáng. Cảm ơn bài chia sẻ của Phúc Nguyên.

Trả lời

Sự thấu hiểu đặc biệt quan trọng trong giáo dục, bởi học sinh không phải là thùng nước để đổ cho đầy mà là một ngọn lửa cần được thắp sáng. Cảm ơn bài chia sẻ của Phúc Nguyên.

Bài chia sẻ ý nghĩa quá!

bạn nói hay lắm. ủng hộ khám phá của bạn