Hành trình học tập - Phần 3: Về mục đích học.

  1. Giáo dục

Tưởng chừng là một câu hỏi vĩ mô - "Ta học để làm gì?",

" Để thỏa mãn cơn đói khát tri thức của ta?"

" Học vì loài người?"

" Học vì một cuộc đời sung túc về sau?"

" Học để sinh tồn trong một thế giới va đập giữa các lý tưởng mâu thuẫn?"

Nhưng cuối cùng, đây có phải là một cạm bẫy do cái tôi hão huyền của ta đặt ra một cách vô cùng khéo léo hay không? Việc gán một mục đích to lớn và có ý nghĩa lên bất cứ hành động nào chúng ta làm, họa chăng cũng chỉ là những mong cầu quyền lực nhằm tìm ra một chỗ đứng đầy giá trị và khả năng thay đổi cục diện của các vấn đề trong xã hội này? Dù là một động cơ hèn mọn hay cao quý, ta tìm đến tri thức đa phần cũng để biến nó thành công cụ đầy quyền lực giúp ta định hướng và nắm thế chủ động ở tất cả diễn biến của đời sống.

Hãy giả định điều vừa nói trên là đúng. Vậy những biểu hiện của công cụ quyền lực này có luôn luôn rõ ràng với chúng ta không?

******

Thời gian gần đây, Tôi bắt đầu nhận được những băn khoăn của học sinh về việc "Vì sao phải học từ vựng này? Vì sao phải hiểu ngữ pháp kia? Tại sao lại tập phát âm hay luyện nói nếu tôi không có nhu cầu nghe nói tiếng Anh?." Phải công nhận rằng đa phần chúng ta học để phục vụ những nhu cầu thiết thực trong đời sống. "Thiết thực" ở đây tức là giá trị mà việc học mang lại có ảnh hưởng tích cực trực tiếp và rõ ràng lên chúng ta (để làm bài kiểm tra, để đấu trí với đối thủ, để xây dựng một kế hoạch chiến lược sát hiệu quả và khoa học, v.v.) Điều này không có gì đáng chê trách, nhưng vấn đề nằm ở thái độ và sự thấu hiểu của chúng ta đối với việc học, được thể hiện qua cách chúng ta nhận thức bị đóng khung bởi những tư duy hữu hình và mang tính ngắn hạn. Đây đơn thuần là một đặc điểm tiến hóa trong hệ thần kinh nhằm để đưa ra những đánh giá và ước tính nhanh chóng nhất để đảm bảo sự sinh tồn và lợi ích ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, bản thân lợi thế mang tính tiến hóa này đôi khi lại ngăn cản ta đến gần với những soi chiếu sâu sắc hơn trong cách chúng ta tư duy và đưa ra quyết định. Kém may mắn thay, kể cả khi chúng ta hiểu được lợi ích sâu xa và dài hạn của một hành động, xu hướng gán-ý-nghĩa-và-mục-đích-to-lớn để hiệu lực hóa (validate) hành động đó trở thành "kẻ ngán đường" thứ hai. Vậy, làm thế nào để chúng ta có thể tránh được, hay ít nhất là hiểu hơn về những cạm bẫy này, cụ thể trong việc học?

1. "Chúng ta và thế giới tương tác với nhau một cách rất tinh vi, và không phải mọi tương tác đều nằm trong phổ nhận thức của mình."

Nằm ngoài phổ nhận thức không có nghĩa là nó không tồn tại, chỉ là não bộ của chúng ta không được thiết kế để tốn quà nhiều năng lượng để cho ta liên tục có những tư duy trừu tượng và vô hình kia. Chúng ta bị chi phối bởi cả những khoảnh khắc ý thức và thế giới tiềm thức khó đoán, khi một hành động có thể là hệ quả của sự bồi tụ vô hình của những động cơ và suy nghĩ, hay một ý tưởng tưởng chừng như mang tính đột phá và bất ngờ đã được giấu diếm và hình thành xuyên suốt cả một quá trình suy tư ý thức lẫn vô thức trước đó. Và chính vì vậy, những kiến thức mà ta thu nạp không luôn luôn được trang bị sẵn vào trong kho tàng thư viện của ý thức để có thể mang ra sử dụng bất cứ lúc nào, mà một phần không nhỏ trong đó đang âm thầm được tích lũy và được xử lý ở phía sau "cánh gà" của ý thức chúng ta.

Hãy lấy một ví dụ đơn giản, bạn được giáo viên giao cho một đề văn mở và phải hoàn thành nó vào cuối tuần sau. Tuy nhiên, bạn cảm thấy bí ý tưởng và không phải viết về điều gì. Thế là bạn quyết định để đề văn sang một bên sau khi đã nhức óc với nó để ra ngoài ăn một ổ bánh mì hay đi xem phim. Trong suốt thời gian đó, bạn dường như quên hẳn đi là mình đang có bài tập về nhà và chỉ tập trung vào việc thưởng thức ổ bánh hoặc buổi chiếu phim. Sau khi cảm thấy thoải mái hơn, bạn chạy xe về nhà và rồi... BÙM... ý tưởng xuất hiện trong đầu bạn dù bạn đã chẳng có bất cứ cố gắng nào trong khoảng thời gian vừa rồi. Đây là kết quả của một quá trình tư duy phi ý thức, khi não bộ của bạn đang âm thầm giải quyết và tư duy vấn đề mà bạn không hề ý thức về điều đó.

Tuy nhiên, ví dụ trên chỉ tượng trưng cho một hành động có mục đích cụ thể - tìm ra ý tưởng cho đề văn, thế đối với việc học nói chung thì sao? Khi ta không hề có mục đích rõ ràng, kể cả những hình dung ngắn hạn và dài hạn, cho những kiến thức mà ta được học, điển hình là trong cách mọi người luôn phàn nàn về những môn học "không thiết thực" được dạy từ hồi đi học, như "đạo hàm" hay "diễn biến trận Bạch Đằng" chẳng hạn. Đây chính là cốt lõi của vấn đề. Lượng kiến thức và những cố gắng tư duy để có và hiểu được chúng không phải lúc nào cũng mang lại một kết quả rõ ràng, như để tức khắc trả lời một câu hỏi hay xử lý một vấn đề, mà tất cả những hành động được quy về thành "sự học" đó đang âm thầm củng cố những kiểu hình tư duy và nhận thức về thế giới của bạn, đồng thời dần tích lũy cho bạn một phòng thư viện khổng lồ vô hình mà bản thân nó luôn được não bộ của bạn sử dụng mà không hề được hay biết. Những bài tập toán thời đi học dù không trực tiếp giúp bạn giàu có hơn hay trở thành một con người tốt bụng hơn, nhưng nó đã giúp bạn củng cố và phát triển khả năng tư duy số hóa và trừu tượng.

Vậy để phỏng chiếu điều này lên việc học ngôn ngữ - vốn được coi là một môn học có mối liên hệ mật thiết và trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần, ta nên phải nhìn nhận điều này như thế nào? Cảm nhận chung của chúng ta khi học ngôn ngữ là đều mong muốn có thế áp dụng nó ngay tức khắc và hiệu quả vào trong đời sống của mình. Tôi muốn giao tiếp tốt vời người bản địa nên tôi muốn những gì tôi học đều trực tiếp có ích cho điều đó, ví dụ như trường hợp này. Nhưng hãy đoán xem, bản thân ta phải dành ra 12 năm học chính quy, chưa bao gồm cả những năm tháng từ khi sinh ra cho đến lúc vào lớp 1 song song với những tương tác xã hội để thật sự có thể sử dụng lưu loát tiếng Việt (Dù không phải ai cũng dùng nó một cách uyển chuyển và sinh động, nhưng ai cũng có thể tối ưu hóa nó cho đời sống xã hội của mình). Suốt thời gian đó, các "bài học" không được thiết kế riêng biệt chỉ dành cho "những ai có nhu cầu học giao tiếp" và "những ai có nhu cầu đọc viết". "Bài học" ở đây được hiểu như là cả những kiến thức được truyền đạt trong sách vở và những tương tác xã hội. Và thậm chí trước khi được dạy về cú pháp tiếng Việt, ta đã hoàn toàn có thể giao tiếp cơ bản bằng ngôn ngữ này. Để hợp lý hóa điều này, chúng ta phải hiểu rằng không phải mọi thông tin và trải nghiệm ngôn ngữ mà ta có đều trực tiếp, ít nhất là một cách hiển nhiên, tác động lên khả năng ngôn ngữ của chúng ta. Ngược lại, phần lớn trong đó là những quá trình xử lý phi ý thức của não bộ khi tiếp nhận một thông tin mới. Việc học một từ vựng khó và ít phổ biến có thể không giúp bạn mở rộng vốn từ vựng giao tiếp thông dụng, nhưng nó lại giúp bạn sâu hóa nhận thức của mình về thế giới xung quanh. Hay việc tập viết văn sẽ không hẳn sẽ giúp bạn nhiều nếu sau này bạn làm trong các phạm trù nghành nghề như kĩ sư hay bác sĩ, những đó là những thực hành ngôn ngữ nhằm giúp bạn học được cách diễn đạt được những ý tưởng của mình một cách chính xác và sinh động nhất (vừa để người khác lẫn bản thân bạn hiểu được chính mình), đồng thời củng cố cách bạn tư duy trừu tượng và khái niệm về một vấn đề mà bạn đang không trực tiếp trải nghiệm, thậm chí là sẽ không bao giờ trải nghiệm được. Ở đây ta phải thừa nhận rằng, trải nghiệm thực tế là một trong những rào cản lớn nhất khiến ta khó để chạm đến được những gì nằm ngoài khả năng vật lý hay cảm xúc của mình, nhưng khả năng tư duy trừu tượng lại cho phép ta làm được điều đó.

Đây chính là mục đích của phương pháp được gọi là "tiếp cận vấn đề một cách toàn diện." Và cái "toàn diện" đó không nhằm để chúng ta trở thành một "cô/cậu bé google", mà là trở thành một cá nhân biết tư duy và suy nghĩ (tốt).

2. "Cái tôi mong cầu quyền lực (bị phóng đại) của tri thức".

Một trong những lý do khác vì sao chúng ta ngó lơ hoặc cố tình ngó lơ những lợi ích âm thầm của sự học chính là việc chúng ta khao khát quyền lực một cách mãnh liệt. Ta muốn những gì ta được học ngay lập tức sẽ trở thàng một công cụ giúp ta thể hiện được vị thế của mình trong một xã hội không ngừng tranh chấp và tương tác. Câu nói "tôi không có nhu cầu" thực tế đôi khi hàm ý một sự coi thường giá trị của một điểm kiến thức bởi nó không thỏa mãn cơn đói khát này. Ngay cả việc "tôi nói được tiếng Anh" nếu không giúp ta tự hào rằng "tôi giỏi hơn những người không biết nói" thì vãn hình thành một sự thỏa mãn tinh vi "tôi vừa đạt được một thành tựu có ý nghĩa trong cuộc đời mình". Thậm chí, "tôi học để hiểu hơn về thế giới" cũng là một biểu hiện cho việc ta không chịu khuất phục trước quyền lực đàn áp bởi sự bí ẩn của mẹ thiên nhiên. May mắn thay, chúng ta không phải lúc nào cũng nhận thức rõ ràng được mong cầu này, vì ta sẽ không muốn một xã hội liên tục phô trương mỗi khi họ học được điều gì đó. Và tôi nghĩ một số người vẫn cố gắng khẳng định sự vị tha của mình khi tìm đến tri thức, dù bản thân họ vẫn tâm đắc với câu nói "Knowledge is Power". Đây không phải là một điều đáng mỉa mai, bởi không tồn tại khái niệm thiện ác, tốt xấu trong định nghĩa về quyền lực.

Tuy nhiên, việc thừa nhận chúng ta cần tri thức để nằm được thế chủ động trong cuộc sống không tương đồng với việc ta cố tình giả định những giá trị bị phóng đại mà tri thức mang lại và hợp lệ hóa sự học dựa trên giả định đó, giống như suy nghĩ "Tôi chỉ học điều A khi điều A mang lại một tác động to lớn và rõ ràng cho sự phát triển của tôi". Việc bạn học chỉ để củng cố và ý nghĩa hóa cái tôi của mình sẽ chẳng giúp bạn đạt đến sự thấu hiểu nào sâu sắc hơn về vấn đề nào cả. Ngược lại, nó sẽ khiến bạn trở nên độc đoán và ương bướng hơn.

Đúng là vậy, bản thân chúng ta rất dễ bị đóng khung trong cái định nghĩa không hoàn chỉnh của sự "thiết thực", khi ta giới hạn trải nghiệm của sự tồn tại chỉ trong những tương tác hiển nhiên và trực tiếp giữa ta và vạn vật. Không chỉ thế, chúng ta cũng giới hạn bản thân mình trong những tương tác được chúng ta gán cho một giá trị to lớn nhất định nhằm khiến sự tồn tại của ta có ý nghĩa. Và cuối cùng, hãy nhớ rằng sự tồn tại của ta bao gồm những tương tác trong đó được vận hành một cách rất tinh vi và không hiển nhiên, nên hãy đừng khiến sự tinh vi này trở nên thô thiển và võ đoán bởi vì cái tôi và những cố gắng nông cạn và ương bướng trong hành trình học tập.

Từ khóa: 

giáo dục

,

học tập

,

mục tiêu học tập

,

tri thức

,

giáo dục

học là để tồn tại. sau đó là phát triển

Trả lời

học là để tồn tại. sau đó là phát triển

Cảm ơn bài chia sẻ của bạn!

Khi học tập bị coi là cách để trang bị công cụ là tri thức thì người học có thể có tư duy lệch lạc về việc học, ví dụ như "mua công cụ" (mua bằng) hoặc thuê công cụ (thi hộ) đúng không bạn? Và khao khát quyền lực khiến con người ta sống kiếp ve sầu, mãi không tin rằng trên đời có mùa đông :))