Hãy sống nhiều hơn

  1. Phong cách sống

Thông thường thì chúng ta hay nói rằng chất lượng quan trọng hơn số lượng. Nhưng tôi nghĩ, để làm ra những thứ tốt, số lượng cũng quan trọng. Có khi, đó còn là sự quan trọng có tính quyết định. Làm ra nhiều thứ giống nhau là một ví dụ cho việc tăng sự tiếp xúc với một công việc cụ thể. Tôi tin rằng tăng cường sự tiếp xúc với nhiều thứ giúp cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn. Dưới đây là vài suy nghĩ nhỏ về điều đó.

Tôi từng nghe câu chuyện thế này:

Có hai nhóm học sinh học làm gốm. Sau khóa học, các em sẽ thi với nhau và nhóm nào làm ra những sản phẩm tốt nhất sẽ có thưởng.

Cách mà hai nhóm được hướng dẫn là khác nhau. Nhóm thứ nhất được khuyến khích làm càng nhiều bình gốm càng tốt. Nhóm thứ hai được hướng dẫn là phải làm chỉn chu tỉ mỉ từng sản phẩm, đến mức chưa hài lòng thì chưa làm sản phẩm khác.

Sau hai tuần, ngày thi của các em đã đến. Và kết quả? Nhóm thứ nhất thắng áp đảo. Các sản phẩm của các em, những người đã làm ra rất nhiều bình gốm, hầu hết tốt hơn so với của nhóm đã cố gắng làm ra những bình gốm hoàn hảo.

Ở đây, khi chúng ta càng cố gắng đạt đến sự hoàn hảo, chúng ta càng xa nó. Con đường tự nhiên để đi đến sự hoàn thiện là không ngừng tạo ra và cải thiện kết quả, chứ không phải là chú ý vào từng kết quả. Nói cách khác, sự chăm chỉ sẽ chiến thắng sự cầu toàn.

Tôi thích đọc những chuyện ngày xưa. Tôi từng nhiều lần kinh ngạc trước những gì mà các bậc tiền bối, những người nhận một nền giáo dục không thể nói là lý tưởng, thời kỳ đầu và giữa thế kỷ 20, làm được. Họ phải học hành trong điều kiện chính trị bất ổn, không được dùng tiếng mẹ đẻ trong hầu hết các môn học. Vậy mà họ có thể cạnh tranh sòng phẳng với những người đến từ các nước phát triển, trở thành những kỹ sư chủ chốt trong các tập đoàn lớn, xuất bản trên những tạp chí hàng đầu. Nói chung, họ không thua kém, nếu không muốn nói là vượt hơn những người bạn ngoại quốc.

Tôi không có cảm nhận như thế về học sinh ngày nay.

Một điều thú vị là cách học của các tiền bối ấy khi còn nhỏ thường rất cơ bản: Học thuộc lòng. Tôi nghĩ là các bác không thông minh hơn học sinh bây giờ, nhưng cách học ấy khiến cho mọi việc đơn giản, và nó hiệu quả nữa.

Hồi còn bé lắm, chúng tôi phải học nhiều toán. Bài tập rất nhiều. Có lúc tôi thấy phải suy nghĩ, có lúc không cần. Chúng tôi làm toán nhiều đến mức thành phản xạ. Chắc là bây giờ lối học ấy đã bị loại bỏ, cũng dễ hiểu là người ta sẽ nghĩ học như thế thì không sáng tạo được. Tôi thì lại nghĩ rằng nó giúp chúng tôi sáng tạo hơn, vì chúng tôi không tốn năng lực trí óc vào việc giải quyết những vấn đề chắc chắn là có thể giải quyết. Khi đi thi chúng tôi có thể dành thời gian để nghĩ cách làm những bài khó.

Khi tôi học cấp ba, chỉ còn vài thầy cô dạy học thuộc lòng. Một là ở môn ngữ văn, vì nó phải thế. Không thể nào phân tích thơ mà không thuộc thơ được. Hai là môn hóa học. Tôi vẫn nhớ một thầy giáo của chúng tôi, một thầy giáo già đáng kính khi ấy vẫn còn là GVC của ĐHKHTN, thường bắt chúng tôi đọc thuộc các định nghĩa. Chúng tôi lặp đi lặp lại từ lúc chưa hiểu mô tê gì, được thầy giảng từng chữ nhỏ trong cái định nghĩa ấy, rồi lại lặp đi lặp lại. Cuối cùng thì tôi lại thấy mình hiểu rất rõ, mỗi lần nhẩm lại càng hiểu thêm. Tiếc là tôi bỏ học hóa hơi nhiều. Tôi thấy lối học ấy như là dùng khẩu quyết để học võ vậy. Từ chỗ hiểu mơ màng, cứ lặp đi lặp lại, vừa lặp lại vừa làm bài tập, hoặc luyện tập bằng các động tác, kinh nghiệm cứ thế đầy lên, chỉ lặp đi lặp lại mà ngày càng mạnh thêm.

Về sau, tôi biết ở TQ có thầy giáo tên là Lý Dương cũng chủ trương dạy học tiếng Anh bằng phương pháp thuộc lòng, và thu được những thành công rực rỡ.

Sự học thuộc lòng, chẳng phải là đề cao giá trị của số lượng hay sao? Tư tưởng xuyên suốt rất đơn giản. Người học càng lặp lại nhiều, họ càng thuần thục cái thứ mà họ đang lặp lại.

Tôi nghĩ, không phải mỗi tiếng Anh, học ngoại ngữ thì sự tiếp xúc là quan trọng. Có thể tiếp xúc với ngôn ngữ bằng cách đọc cái người khác viết, càng nhiều càng tốt; hoặc nghe người khác nói, càng nhiều càng tốt; hoặc là học thuộc lòng, viết đi viết lại, nghĩ bằng thứ ngôn ngữ ấy ở trong đầu, càng nhiều càng tốt. Tôi nghĩ người giỏi không phải vì họ thông minh, mà vì họ tiếp xúc nhiều và luyện tập nhiều.

Lúc tôi còn nhỏ, khi mới bắt đầu học tiếng Anh, cô giáo bắt chúng tôi chép đi chép lại mọi từ mới, mỗi từ hai dòng, suốt vài năm. Đó là một lối học cũ và có hạn chế của nó, vì nhớ được từ không có nghĩa là sử dụng được từ. Tuy thế, nó tốt hơn là học mà còn không nhớ nổi từ. Nếu áp dụng phương pháp cũ hơn nữa, là phương pháp lặp lại của thầy Trần Nhã, mà tôi đã đăng trước đây, thì người học còn có thể trở nên thành thạo trong việc sử dụng ngoại ngữ nữa. Gần đây, tôi học tiếng Pháp theo phương pháp của Paul Noble và thấy mình tiến bộ rõ ràng. Paul Noble về cơ bản cũng dùng phương pháp lặp lại, nhưng còn sử dụng nguyên lý cũ hơn nữa, đó là sao chép cách con người học tiếng mẹ đẻ (kết hợp với đối chiếu ngôn ngữ để tận dụng ưu thế của người lớn). Theo phương pháp này, người học được giải thích nghĩa của các cách diễn đạt, sau đó được nghe nhiều lần trong một số ít văn cảnh đơn giản. Trong các bài học mới, các cách diễn đạt mới được đưa vào và các cách diễn đạt cũ được lặp lại có chủ đích rất nhiều lần. Con người học ngôn ngữ cũng y như vậy, chúng ta củng cố các cách diễn đạt cũ, tiếp nhận từ ngữ và cách diễn đạt mới trực tiếp hay gián tiếp (được dạy, hoặc suy luận ra ý nghĩa của nội dung mới). Người trưởng thành thực tế cũng đang học tiếng mẹ đẻ như vậy. Họ luyện tập với nội dung đã biết và học thêm trung bình 1 từ mới mỗi ngày (người nói tiếng Anh). Phương pháp của Paul Noble, đối với tôi, hiệu quả hơn nhiều so với các phương pháp mà kiến thức cũ không được lặp lại đủ nhiều, và quá nhiều kiến thức mới được đưa vào mỗi bài học. Các phương pháp đó vẫn có thể có hiệu quả nếu người học biết cách ôn tập, còn phương pháp của Paul Noble thì gần như chắc chắn hiệu quả vì bản thân nó là một chương trình ôn tập và mở rộng liên tục. Ở đây, ta có thể một lần nữa thấy lợi ích của sự lặp lại.

Số lượng, hay sự tiếp xúc quan trọng không phải chỉ ở mỗi chuyện học hành, mà còn cả trong đời sống và công việc của chúng ta nữa.

Có lần, trên Quora một người hỏi làm thế nào để biết được người mình yêu có phải là tình yêu đích thực của đời mình không, hay ít nhất thì cũng biết được có thể tiến tới hôn nhân mà không gặp phải vấn đề quá lớn ngay sau đó do kết hôn rồi mới biết sự thật về nhau. Một giáo sư đã trả lời: Hãy cùng nhau đi du lịch.

Bác trả lời là GS Vật lý, nhưng triết lý thì không phải cứ phải làm triết học mới biết. Bác ấy giải thích rằng hãy cùng đi du lịch nhiều ngày, đến những nơi khó khăn một chút, để biết hai người có thể cùng nhau vượt qua khó khăn hay không, để biết trong những tình huống căng thẳng người kia có thể kiểm soát bản thân hay không, và để hiểu rõ hơn về con người thật của nhau. Tôi thấy đó là một lời khuyên thật hợp lý. Thay vì nông nổi đến với nhau vì những ấn tượng tốt đẹp có về nhau trong những hoàn cảnh lý tưởng và nhận ra vấn đề về nhau khi những khó khăn xảy đến trong cuộc sống sau này, trước hết cùng nhau sống qua những khó khăn "giả lập" là một giải pháp hay. Tôi nghĩ, cách này về cơ bản là tăng mức độ tiếp xúc của hai người.

Lâu rồi trong một video, anh Nguyễn Hữu Trí nói về một số bạn trẻ đang cảm thấy trì trệ trong công việc. Anh nói cách tốt cho các bạn là cố gắng hoàn thành mọi việc, làm càng nhiều càng tốt. Công việc bây giờ có thể chán, nhưng sau đó thì không. Hoặc nếu công việc cứ chán mãi, thì có thể xem xét bỏ việc. Nếu bạn dốc hết sức mình thì không có gì phải hối hận. Bạn sẽ chỉ phải thực sự hối hận khi làm việc èo uột để rồi 10 năm sau mới nhận ra mình không phù hợp với công việc. Ở đây, việc tăng lượng công việc, tăng mức tiếp xúc sẽ giúp chúng ta tiết kiệm thời gian. Nhận xét của anh cũng không phải là mới. Nhiều năm trước trong một bài nói chuyện ở TED, Mel Robbins đã nói những điều tương tự. Người ta dằn vặt bản thân chỉ vì người ta không làm việc mà thôi. Nếu bận rộn, ta sẽ không có thời gian cho những suy nghĩ tiêu cực và những việc không đâu nữa. Xa hơn nữa, cổ nhân cũng có nói: "Nhàn cư vi bất thiện.", câu đó cũng không ngoài ý này. Tiện đây, nếu bạn chọn người yêu, khi mọi thứ khác tương đương hoặc không phải là ưu tiên của bạn, hãy chọn người yêu lao động. Những người yêu lao động thường sống tích cực, yêu thương người khác, và chắc chắn có nhiều cơ hội phát triển. Bạn tiếp xúc càng nhiều với thứ gì, bạn càng thích nghi với nó. Tiếp xúc nhiều với công việc là một sự tiếp xúc ai cũng nên có và yêu.

Có lẽ bạn biết rằng deliberate practice, tức là tập luyện ở những chỗ mình yếu nhất, là một phương pháp hiệu quả. Không phải cứ luyện tập nhiều là giỏi, mà phải luyện tập có phương pháp. Thực chất là, ngay cả ở deliberate practice, bạn vẫn càng giỏi khi càng dành nhiều công sức và lặp đi lặp lại một thứ. Sự khác biệt của cách làm này với các phương pháp cũ chỉ là thay vì dàn trải sự "lặp đi lặp lại," bạn tập trung vào một vài khía cạnh cần được cải thiện nhất.

Sự lặp lại thường bị cho là đi ngược lại với sự sáng tạo. Có phải như vậy không? Lẽ thường chúng ta sẽ nghĩ rằng có, nhưng thực ra là không, hay ít nhất cũng đã có cuốn sách chứng minh rằng không. Một cuốn sách tôi nghĩ rằng hay (rất tiếc đã không còn nhớ tên) đề xuất phương pháp để trở nên sáng tạo. Một giai đoạn quan trọng là nghĩ về vấn đề cần giải quyết, nghĩ đi nghĩ lại, khi mà mọi yếu tố đã được thuộc lòng. Ý tưởng sẽ nảy sinh. Có nghĩa là, khác với các giai thoại về những thiên tài, hầu hết máy móc được cải tiến bởi những người hiểu rõ phiên bản cũ như lòng bàn tay. Các phương pháp mới thường được tạo ra bởi các chuyên gia, những người hiểu các phương pháp cũ từ trong ra ngoài. Ý tưởng thường không phải đột phá, nhưng liên tục tốt hơn những ý tưởng trước. Bạn có thể chờ đợi một ý tưởng khác biệt căn bản, nhưng không phải lúc nào nó cũng đến, vì thế không có phương pháp cho ý tưởng đột phá, nhưng có phương pháp chắc chắn cho việc sản sinh ý tưởng.

Ngay cả trong nghiên cứu ngày nay, cảm nhận cá nhân của tôi là các nhà khoa học không cần sáng tạo. Ở tầm cỡ như Edward Witten thì có lẽ cần, còn nếu chỉ cần có bài đăng trên tạp chí Q1 thì không hẳn. Bạn chỉ cần hiểu rõ, rất rõ việc bạn đang làm, và chăm chỉ làm việc. Vào một ngày đẹp trời, một thứ thú vị sẽ xuất hiện. Nếu nó không xuất hiện, rất có thể bạn chưa đủ chăm chỉ. Bạn càng làm việc nhiều, bạn càng có nhiều kết quả, càng tiếp xúc với nhiều thứ mới, và khả năng những thứ thú vị xuất hiện càng cao. Điều quan trọng chỉ là bạn có đủ khả năng giải thích những thứ mới lạ đó hay không mà thôi, điều đó thì không liên quan đến sức sáng tạo.

Cách mà thế giới đang tiến lên phía trước là không ngừng cải tiến những điều đã có, chứ không hẳn là không ngừng tạo ra những điều chưa có. Bạn có thể để ý hoặc không, nhưng những công ty thành công nhất không phải là những công ty là khởi nguồn của ý tưởng về ngành nghề kinh doanh của họ, mà là những công ty giỏi nhất trong việc cải thiện ý tưởng nguyên thủy. Google không phải là nơi ý tưởng về máy tìm kiếm ra đời, và Facebook chắc chắn không phải là mạng xã hội đầu tiên. Họ thành công vì đã phát triển ý tưởng ban đầu theo hướng hợp lý, đó là một sự cải thiện. Cải thiện thì cũng cần sáng tạo, nhưng cái nó cần hơn là sự chăm chỉ.

Tóm lại, tôi nghĩ rằng việc lặp đi lặp lại, hay tăng mức độ tiếp xúc với con người, công việc, hay kiến thức là quan trọng, và chỉ cần vậy thôi cũng đã đủ để dẫn đến những kết quả tốt đẹp.

Yatsuo

Tateyama, from Yatsuomachi

---

Đăng lần đầu trên blog cá nhân của tôi dưới một tên bài viết khác.

Tên bài viết gốc không được chấp nhận ở đây vì có chứa ít hơn 10 ký tự, và tôi nghĩ đến cái tên mới này. Tôi nhớ về những người bị gọi là sống mà như chưa từng sống, họ chỉ mộng du qua cuộc đời mà thôi. Nếu sự tiếp xúc với mỗi thứ đều làm chúng ta giỏi về nó hơn, thì sự tiếp xúc với cuộc đời cũng vậy. Chú tâm vào hiện tại và sống ở hiện tại nhiều hơn, chúng ta sẽ cảm nhận khác về sự tồn tại, và thấy mình sống "giỏi" hơn.

Từ khóa: 

phong cách sống

Tất nhiên rồi chúng ta ko thể cứ tự hào mãi về khả năng chống giặc, chống covit mà còn nhiều thứ phải chống phải phát triển nữa ở tương lai
Trả lời
Tất nhiên rồi chúng ta ko thể cứ tự hào mãi về khả năng chống giặc, chống covit mà còn nhiều thứ phải chống phải phát triển nữa ở tương lai