Khi Toilet là của riêng và cũng là của bất kỳ ai

  1. Sách


Toilet - Tác giả: Vũ Lập Nhật

Chẳng phải tiểu thuyết, chẳng phải tùy bút, cũng không phải tự truyện hay tâm sự hay bất cứ thể loại nào khác, TOILET là của riêng và cũng là của bất kỳ ai.

Cái không khí trong TOILET khiến ta liên tưởng đến thế giới siêu thực với vẻ u ám siêu hình vốn thường hay bắt gặp trong văn chương Nhật Bản, một thế giới đầy những câu chuyện có lối vào nhưng chẳng tìm thấy lối ra, cứ thế cuốn ta đi sâu vào cõi huyền bí đầy ma mị đồng thời không biết khi nào mới thoát ra khỏi đó. Triền miên không dứt bên trong một thế giới mơ hồ và khó nắm bắt.

Không giống như Toilet có đầu vào thì có đầu ra (chỉ cần nhấn nút xả). Lại giống như Toilet lúc bị nghẹt.

Chỉ cần đọc vài trang đầu của TOILET, bạn sẽ có cảm giác rằng mình không thể, đúng hơn là không nên đưa ra bất cứ đánh giá nào về TOILET. Việc ấy gần như là hiển nhiên, hiển nhiên như việc không ai có thể đi toilet dùm bạn vậy!

Những câu chuyện trong TOILET tưởng chừng như chẳng liên quan gì đến nhau, nhưng lại kết nối với nhau theo một cách thức vô hình nào đó. Tổng thể TOILET có thể sẽ mang đến cho người đọc một cảm giác ức chế, khi mà diễn biến các câu chuyện cứ rề rà, rỉ rả, không nhanh không chậm, khiến từng tế bào như rụng rời cả ra. Có cảm tưởng như đang đi trên một con thuyền mà hai bên là hai đầu ngọn sóng cùng lúc vỗ vào mạn thuyền, chẳng đẩy con thuyền về phía trước hay ra sau, mà chỉ là nâng chiếc thuyền càng lên cao so với mặt nước, chẳng biết khi nào thì thuyền sẽ lại rơi xuống và tiếp tục tiến lên.

Đọc TOILET, bạn sẽ nhận ra rằng toilet không chỉ đơn giản là nơi để con người “giải quyết nỗi buồn”, mà còn là nhân tố thúc đẩy mối quan hệ giữa người với người trở nên thân thiết hơn. Người ta thường nói “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, nhưng trong TOILET thì Toilet là nét đặc trưng làm... tưng bừng câu chuyện. Cho dù là trong “Tôi sẽ gặp em sau khi đi tiểu xong”, “WC của họ”, “Toilet của anh, toilet của cô” hay trong “Ngoại trừ toilet ấy”,… tất cả đều cho thấy ‘nhiệm vụ cao cả’ của Toilet chính là kết nối mọi người lại với nhau, giúp người và người tìm thấy nhau, hiểu nhau, theo kiểu đôi khi người này không thể đi toilet giùm người kia, nhưng có thể cùng nhau… đi toilet.

Tất nhiên, thực tế không bao giờ xảy ra theo như ước muốn của bản thân. Bởi nếu như ai cũng đạt được như những gì mình mong muốn, thì con người trên thế giới này cứ mặc sức uống nước mà không sợ phải… đi tiểu nhiều lần!

Có thể thấy, trong một thế giới mà Người tái chế có mặt ở khắp mọi nơi và tồn tại vô hình dưới nhiều hình dạng khác nhau như trong TOILET, thì con người rất dễ bị lạc lối trong chính bản thể của mình. Càng nguy hiểm hơn khi đó là một bản thể cô độc, từng ngày sống trong hình thù của phiên bản gốc nhưng lại sợ mình chỉ là Người tái chế, thậm chí là Người tái chế của Người tái chế. Đó chính là vòng xoáy khó thoát ra một khi đã bước chân vào thế giới của TOILET.

Tuy nhiên, có thể TOILET là một câu chuyện mà ở đó bạn không thể tìm thấy đâu là điểm khởi đầu và đâu là điểm kết thúc; cũng như bạn cũng sẽ không biết được bạn đã đi đến tận cùng chưa, nhưng bạn chỉ cần biết rằng, chỉ có những ai đủ kiên nhẫn để đi đến tận cùng, thì mới biết được cái tinh tế của nó nằm ở đâu. Đến một lúc nào đó, có thể là sau 1 năm, 2 năm hoặc 10 năm hay 20 năm nữa (chỗ này nói quá đó), bạn sẽ nhận ra cái sự tinh tế trong hành trình đi tìm kiếm điểm tận cùng ấy. Một sự tinh tế mang lại cảm giác rất bình yên trong tâm hồn. Miễn là còn có Toilet ở đó.

Cuộc sống thật muôn màu muôn vẻ và mọi thứ trong cuộc sống cứ diễn ra liên tục như một bộ phim điện ảnh. Chỉ cần biến chúng thành một bộ phim truyền hình nhiều tập để rồi từng chút từng chút một thưởng thức nó, bạn sẽ cảm nhận được cái giá của sự đợi chờ. Giống như thưởng thức trà đạo của Nhật Bản vậy, cần phải có một sự tinh tế cũng như sự kiên nhẫn rất cao của người pha trà và cả người thưởng thức trà. V.L.N. đã cho chúng ta thấy một “người pha trà” vừa bí ẩn vừa độc đáo mà ở đó cách pha chế vô cùng nghệ thuật, cũng như một “người thưởng thức trà” rất… nghệ sĩ.

Như nhà văn Nhật Chiêu có nhận xét: “ Độc đáo. Phải cảm thức độc đáo thì mới viết độc đáo. Và cảm thức đó truyền vào người đọc.”

" Bạn có đi toilet không? Có, tự nhiên. Và có ai có thể đi toilet giùm bạn không? Không, tự nhiên. Và bạn có thể đi toilet dùm ai khác không? Không, tự nhiên.
Tự nhiên là tất nhiên.
Vậy toilet là một đề tài tất nhiên, có gì lạ?
Không có gì lạ, chính là cái lạ, cái độc đáo.
Vì người ta cho rằng cái tất nhiên không cần phải nói hay viết lên. Tại sao không?
Bí ẩn là không phải nói ra mà phải nói như thế nào.
Nghệ thuật là cái bí ẩn đó.
Và bạn hãy đọc vào cái bí ẩn đó. Với Toilet ."
( Nhà nghiên cứu - Nhà văn Nhật Chiêu)
Từ khóa: 

toilet

,

vũ lập nhật

,

review sách

,

sách