Kỹ Năng Chuyển Đổi - Transferable Skills - Bí Mật Giúp Bạn Có Được Công Việc Mơ Ước

  1. Hướng nghiệp

  2. Kỹ năng mềm

Bạn vừa mới ra trường chưa có kinh nghiệm và đang muốn tìm một công việc? Hay bạn muốn chuyển sang một công việc khác với những chế độ đãi ngộ tốt hơn? Hoặc bạn muốn thử sức với một công việc hoàn toàn mới nhưng không biết phải làm sao để cạnh tranh với những ứng viên đã có nhiều kinh nghiệm? Tôi có một bí mật giúp bạn nắm lấy công việc bạn mơ ước. Bí mật mang tên: “Kỹ năng chuyển đổi” (Transferable skills). Bạn đã từng bao giờ nghe về bốn chữ này chưa?

Transferable Skills có nghĩa là gì?

Transferable skills như chính cái tên của nó. Đó là những kỹ năng bạn có thể sử dụng ở bất kỳ công việc hay vị trí nào. Một vài kỹ năng có thể là kỹ năng cứng như công nghệ thông tin, phân tích dữ liệu. Còn lại, theo ý kiến chủ quan của tôi, phần lớn những kỹ năng chuyển đổi là kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp hay giải quyết vấn đề.

Tuyệt vời ở chỗ transferable skills chính là những kỹ năng mà bạn đã có. Bạn phát triển những kỹ năng này trong suốt cuộc đời mình. Ở trường học, khi giao tiếp bên ngoài xã hội hay thậm chí cả khi làm công việc bạn ghét.

Doug Ebertowski, đưa ra một

ví dụ trên FlexJobs
về transferable skill như sau. Bạn từng làm công việc phát triển kinh doanh. Hiện tại, bạn muốn tìm kiếm một vị trí quản lý dự án. Mặc dù công việc trước đây có vẻ không liên quan gì đến công việc mới. Nhưng nếu để ý kỹ, bạn có thể nhận thấy những kinh nghiệm như lên kế hoạch, phát triển quy trình và dẫn dắt đội ngũ đạt được mục tiêu kinh doanh chính là lợi thế của bạn. Những kỹ năng này có thể là những kỹ năng chuyển đổi giúp bạn thành công giành được công việc quản lý dự án cho mình.

Vì vậy, nhận biết được kỹ năng chuyển đổi của bản thân chính là vũ khí bí mật giúp bạn có được công việc mơ ước. Những kỹ năng này chính là một “unique selling point” (điểm bán hàng độc nhất) của bạn. Chúng khiến bạn tỏa sáng trước hàng loạt những ứng viên cùng cạnh tranh một vị trí với bạn.

Tại sao kỹ năng chuyển đổi lại quan trọng?

Những kỹ năng chuyển đổi giúp bạn dễ dàng thích nghi trong công việc. Khi tuyển chọn người tài cho công ty, nhà tuyển dụng nào cũng mong muốn nhân viên của mình có khả năng đa nhiệm, có thể đảm nhận nhiều vị trí khác nhau. Kỹ năng chuyển đổi chính là chìa khóa giúp bạn có thể làm tốt mọi trọng trách được giao.

Kỹ năng chuyển đổi cũng có giá trị to lớn, đặc biệt khi bạn muốn chuyển sang một công việc bạn chưa từng có kinh nghiệm trước đó. Lúc này, những kỹ năng chuyển đổi có thể áp dụng ở bất kỳ nơi đâu này chính là lợi thế có thể làm nổi bật hồ sơ xin việc của mình.

Tựu chung lại, nhận biết được những kỹ năng chuyển đổi sẽ giúp bạn có thêm lựa chọn và định hướng đúng đắn trên con đường của mình.

Do đó, việc của bạn chính là đi tìm những kỹ năng chuyển đổi phù hợp với công việc mình muốn ứng tuyển. Ví dụ, mình từng là một giáo viên tiếng Anh. Mình có kỹ năng lắng nghe, kỹ năng nghiên cứu. Hiện tại, mình hoàn toàn có thể sử dụng những kỹ năng vào công việc freelance writer. Mình sử dụng kỹ năng nghiên cứu trước khi viết một bài viết. Ngoài ra, mình cũng sử dụng kỹ năng lắng nghe để nắm bắt những vấn đề, suy nghĩ, tâm tình của độc giả. Từ đó mình có thể tạo ra những bài viết hiệu quả, chạm đến mọi người.

Top Transferable Skills (được tổng hợp từ góc nhìn của The Introvert Writer, không theo thứ tự)

1. Kỹ năng giải quyết vấn đề

Kỹ năng giải quyết vấn đề là khả năng nhận biết được chính xác vấn đề, suy nghĩ và tạo ra những giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn để. Nếu như sở hữu kỹ năng này, bạn chắc chắn sẽ là một viên ngọc quý mà bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng mong muốn có trong doanh nghiệp/tổ chức của mình.

2. Tư duy phản biện

Trong một xã hội “thừa mứa” thông tin như hiện nay, nếu không có tư duy phản biện, tôi nghĩ rằng bạn sẽ không thể làm việc hiệu quả. Khi tiếp nhận thông tin, người có tư duy phản biện sẽ không đánh giá dựa trên ý kiến một chiều của bản thân. Họ sẽ lật đi lật lại các khía cạnh của vấn đề, tìm kiếm dẫn chứng cụ thể, xác thực để đánh giá liệu thông tin này có đáng tin cậy và có thể sử dụng được hay không.

3. Trí tuệ cảm xúc

Bạn có biết rằng năng lực trí tuệ cảm xúc chính là một đặc điểm nổi bật của người lãnh đạo thành công? Trí tuệ cảm xúc là khả năng hiểu và quản trị cảm xúc của mình. Kỹ năng này ngày càng trở nên quan trọng với tất cả chúng ta. No giúp chúng ta trở thành người không thể thay thế trong kỷ nguyên công nghệ phát triển như hiện nay. Nếu bạn muốn biết rõ thêm về kỹ năng này, hãy đọc bài viết về trí tuệ cảm xúc của tôi tại đây.

4. Khả năng phục hồi, khả năng thích ứng và sự tò mò

“Các kỹ năng hàng đầu mà chúng tôi đang tìm kiếm là khả năng phục hồi, khả năng thích ứng và sự tò mò. Chúng tôi cần những người tò mò về thế giới xung quanh, dễ dàng thích nghi với những điều mới mẻ. Họ cũng cần có sự kiên cường và gan dạ để vượt qua những trở ngại. Dù cuộc đời có khắc nghiệt đến thế nào, khả năng phục hồi mạnh mẽ của chính họ là yếu tố tạo nên thành công” – Rohini Shankar, CIOX Health

5. Phát triển bản thân

Hiểu về bản thân và tìm cách để phát triển bản thân là một siêu kỹ năng, theo tôi. Đây cũng chính là chủ đề của The Introvert Writer. Bạn cần đào sâu vào bên trong để tìm hiểu những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Sau đó, không ngừng học hỏi áp dụng những cách thức phù hợp để phát triển bản thân mình. Từ đó, bạn có thể tạo ra được những thay đổi tích cực trong cuộc đời của mình.

6. Quản lý thời gian

Quản lý thời gian là một trong những kỹ năng quan trọng trong cuộc sống. Kỹ năng này đòi hỏi chúng ta biết đặt ra những ưu tiên, loại bỏ xao nhãng, tập trung và hoàn thành công việc trong thời hạn quy định. Quản lý thời gian hiệu quả giúp bạn tận hưởng cuộc sống theo cách mà bạn muốn.

7. Kỹ năng lãnh đạo

Kỹ năng lãnh đạo giúp bạn quản lý và dẫn dắt đội nhóm. Người có kỹ năng lãnh đạo tốt biết tổ chức công việc, chỉ đạo dự án và theo dõi công việc của các thành viên trong đội nhóm. Họ nhắc nhở, đốc thúc, truyền cảm hứng để toàn đội hoàn thành được mục tiêu trong công việc.

8. Kỹ năng làm việc nhóm

Làm việc vì lợi ích chung của nhóm là kỹ năng mà bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng mong đợi từ ứng viên của mình. Họ không muốn những nhân viên chỉ biết làm việc cho riêng mình. Điều họ cần là những con người biết hướng tới mục tiêu chung và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đội nhóm.

9. Kỹ năng giao tiếp

Cho dù bạn làm bất kỳ công việc gì cũng cần phải giao tiếp. Vì vậy, đây là kỹ năng quan trọng bậc nhất. Giao tiếp hiệu quả là việc bạn có khả năng chia sẻ ý tưởng và thông tin rõ ràng chính xác. Bất kỳ ai mà bạn trao đổi công việc cũng có thể hiểu rõ những thông điệp bạn truyền tải.

10. Kỹ năng viết

Viết cũng là một dạng kỹ năng giao tiếp. Mặc dù viết lách có thể không phải là công việc chính của bạn, nhưng bạn hãy để ý mà xem, chúng ta viết mọi nơi mọi lúc. Kỹ năng này chính là một phần quan trọng trong sự nghiệp của mỗi người. Những nhân viên có khả năng giao tiếp tốt thông qua con chữ có khả năng truyền tải thông tin một cách chính xác rõ ràng dù không cần gặp mặt.

11. Lắng nghe chủ động

Nếu không có kỹ năng lắng nghe chủ động, bạn sẽ không thể hiểu những điều mà khách hàng, đồng nghiệp hay đối tác truyền tải. Không hiểu đối phương, bạn không thể giải quyết vấn đề hay thực hiện yêu cầu một cách chính xác, hiệu quả.

12. Sáng tạo

Khả năng sáng tạo không hoàn toàn nói về những kỹ năng như đàn, hát, vẽ. Sáng tạo ở đây muốn nói đến suy nghĩ. Những người có khả năng suy nghĩ sáng tạo luôn có những cách khác biệt để giải quyết vấn đề. Họ đối diện với vấn đề theo một cách riêng, không bị giới hạn bởi những tư duy truyền thống. Chính vì vậy, họ tạo ra được những cách giải quyết đột phá trong công việc của mình.

13. Công nghệ thông tin

Đây là khả năng bạn sử dụng máy tính và công nghệ một cách thành thạo. Hầu hết các công việc hiện nay đều yêu cầu bạn thành thạo xử lý văn bản, bảng tính và phần mềm. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, bạn còn cần phải làm được nhiều hơn thế.

Liệu bạn có hiểu về ngôn ngữ máy tính? Bạn có khả năng sử dụng thành thạo bất kỳ phần mềm nào chỉ trong một thời gian ngắn? Xử lý khối lượng dữ liệu lớn bằng công nghệ có phải là một trong những kỹ năng của bạn? Đó là điều bạn cần quan tâm và phát triển hơn nữa trong cuộc sống.

Xem thêm: Transferable Skills Checklist để có thêm ý tưởng cho bản thân

tại đây
.

Xây dựng danh sách những kỹ năng chuyển đổi của riêng bạn

Làm thế nào để xây dựng danh sách kỹ năng chuyển đổi của riêng bạn? Lời khuyên từ chủ nhân blog

KNOWLEJOBLE
là: “Hãy nhìn cuộc đời dưới lăng kính thí nghiệm”.

Chi tiết các bước như sau:

1. Dành ra vài ngày để thí nghiệm cuộc đời

2. Lập bảng transferable skills

Vẽ một bảng gồm ba cột.

  • Cột bên trái viết ra tất cả những hoạt động hàng ngày của bạn, thật chi tiết. Kể cả đó là việc bạn nấu ăn, rửa bát, cho chó đi dạo, đi giao hàng. Thậm chí “have sex”.

  • Cột ở giữa, viết ra những kỹ năng bạn sử dụng để hoàn thành những hoạt động đó. Bạn có nghĩ rằng nấu ăn cũng cần kỹ năng sử dụng đôi tay, kỹ năng sắp xếp, tổ chức? Cho chó đi dạo cũng cần kỹ năng quan sát? Kể cả “have sex”, chúng ta cần phải có kỹ năng giao tiếp và thấu hiểu đối phương?

  • Cột thứ ba bạn hãy đánh giá xem đây có phải là kỹ năng chuyển đổi hay không?

  • Để có kết quả tốt nhất, hãy thực hiện hoạt động này trong vòng 3-4 ngày liên tiếp. Sau đó, bạn sẽ có một chiếc bảng trông như thế này.

3. Nhận biết và phát triển kỹ năng chuyển đổi của bản thân

Kỹ năng chuyển đổi là những kỹ năng có thể giúp bạn trong công việc mới của mình. Nhìn vào bảng trên chúng ta có thể nhận ra vài điều. Là một blogger tư vấn nghề nghiệp, kỹ năng, dùng dao có thể không quan trọng. Nhưng nếu muốn trở thành đầu bếp, đó lại là một kỹ năng chuyển đổi.

Hiểu về bản thân và mong muốn của mình sẽ giúp bạn tìm ra những kỹ năng hữu ích cho công việc của bạn. Một khi tìm ra, hãy dành thời gian cho những kỹ năng này nhiều hơn mỗi ngày. Tạo ra thói quen sử dụng kỹ năng hàng ngày để mài giữa chúng trở nên sắc bén hơn.

4. Sử dụng danh sách để tỏa sáng

Bạn có hay tìm kiếm vài kỹ năng chung chung rồi “nhét” vào CV của mình mà không thực sự hiểu rõ về nó. Hồ sơ năng lực của bạn trông có giống như nhiều những ứng viên khác bạn thấy trên mạng xã hội? Giờ bạn đã có thể tự tin làm khác đi.

Sau khi tìm ra những thế mạnh của mình, hãy đề cập trong CV của bạn. Tôi nghĩ rằng việc thể hiện những kỹ năng này trong CV sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều. Vì bạn đã thực hành hàng ngày và hiểu quá rõ về chúng. Việc của bạn là “show” cho nhà tuyển dụng thấy bạn sẽ sử dụng những kỹ năng này thế nào trong công việc sắp tới. Tôi tin rằng “điểm bán hàng độc nhất” này sẽ khiến bạn tỏa sáng theo cách của riêng mình.

Chúc các bạn thành công trên sự nghiệp với bộ kỹ năng chuyển đổi của riêng mình!

Bài viết có tham khảo từ các nguồn sau đây:

  1. Top 10 skill recruiters are looking for in 2021

  2. Build your own transferable skills checklist!

  3. Transferable Skills

Từ khóa: 

kỹ năng chuyển đổi

,

transferable skills

,

kỹ năng mềm

,

hướng nghiệp

,

kỹ năng mềm

Cảm ơn chị vì bài viết chất lượng ạ 😍

Trả lời

Cảm ơn chị vì bài viết chất lượng ạ 😍

Bài viết có nhiều kiến thức rất hữu ích chị ơi, nhưng hình như từ sau mục "4. Khả năng phục hồi, khả năng thích ứng và sự tò mò" thì số thứ tự bị lệch hay sao ạ?

Bài chia sẻ rất hữu ích, thời đại ngày nay ai nắm được càng nhiều kỹ năng người đó càng thành công. Vì thế phải trau dồi và học hỏi ngay từ bây giờ.