Làm gì khi nhận ra bản thân chọn sai ngành?

  1. Hướng nghiệp

  2. Kỹ năng mềm

https://cdn.noron.vn/2021/08/11/chon-sai-nganh-1628696339.jpg

Câu chuyện phân vân giữa ngành và trường có lẽ mỗi chúng ta ai nấy đều từng trải qua. Sau khi bước chân vào môi trường đó thì sao? Người hứng khởi say mê vì lựa chọn đúng. Người thất vọng vì ngưỡng cửa mình từng ao ước không đáp ứng được những kỳ vọng của bản thân. Bạn sẽ lựa chọn như thế nào nếu sau một, hai, thậm chí ba năm học tập bạn nhận ra mình không phù hợp với ngành nghề đã chọn. Bỏ học theo đuổi đam mê hay tiếp tục để lấy tấm bằng ra trường?

Với kinh nghiệm cá nhân, tôi nghĩ để trả lời câu hỏi trên bạn cần lắng đọng tự suy ngẫm. Khi bạn nhận ra rằng mình không phù hợp, hoặc không còn hứng thú với ngành mình đang theo học thì hãy cho mình không gian riêng, thăm dò và lắng nghe tiếng nói ẩn sâu trong mình tự trả lời những câu hỏi

1.Lý do lựa chọn bắt đầu

  • Bất cứ hành động nào cũng xuất phát từ một động cơ nào đó. Lựa chọn ngành nghề và môi trường đại học cũng vậy, hơn thế đây là bước ngoặt của cuộc đời vì thế chắc chắn quyết định này dựa trên sự cân đo đong đếm rất kỹ lưỡng trong quá khứ. Tự đặt ra những câu hỏi về lý do trước đây của bản thân, nghĩ về những dự định khi bạn viết lên tờ phiếu nguyện vọng của mình. Thời điểm đó là thực tâm mong muốn, là sự yêu thích bộc phát hay do ảnh hưởng, định hướng của người thân? Trả lời câu hỏi này sau đó đối chiếu với hoàn cảnh thực tại xem những dự định, lý do năm ấy có còn phù hợp, có còn là lý do níu giữ bạn với ngành, với trường.

2.Tại sao bạn cảm thấy không còn phù hợp hứng thú với ngành, với trường?

  • Trải nghiệm thì mới biết mình có phù hợp hay không. Từ chính những trải nghiệm của bản thân hãy liệt kê những điều mà mình thích và không thích đối với ngành và trường kèm theo lý do. So sánh hai bên những gì mình thích và nhận được với những gì mình không thích và thất vọng khi không được đáp ứng tại ngành và trường, xem xét bên nào có số lượng lớn hơn. Tự hỏi bản thân những gì mình nhận được có đủ nhiều, có mang những giá trị lớn gì khiến mình tiếp tục ở lại và phát triển bản thân không?

3.Đưa ra các phương hướng giải quyết

Bạn không thể chán nản sau đó không làm gì. Bạn cần đưa ra cách thức giải quyết vấn đề.

- Phương án 1: Vẫn quyết định theo học để lấy bằng

Sau một thời gian suy nghĩ, bạn nhân ra:

  • Ngành mình theo học có khá nhiều cơ hội

  • Ngôi trường này vẫn có thể giúp bạn phát triển kĩ năng mềm và mở rộng quan hệ cho tương lai

  • Gia đình bạn có những kế hoạch riêng cho bạn hay

  • Đơn giản hơn bạn muốn sự chắc chắn cho tương lai, nắm trong tay một tấm bằng với một công việc ổn định sau đó mới tìm kiếm đam mê thực sự của bản bản thân

-> Quyết định lựa chọn tiếp tục con đường này. Trước những lợi ích thiết thực trước mắt mà ngành và trường có thể mang lại, để đảm bảo an toàn hãy lựa chọn phương án này.

- Phương án 2: Từ bỏ việc học và tìm ra đam mê thực sự để theo đuổi

Để làm được điều đó, một lần nữa bạn phải tự trả lời một số câu hỏi:

  • Bạn đam mê làm gì? (Hãy nhớ trả lời một cách nghiêm túc, đào sâu nghiên cứu bên ngoài và cả bên trong bản thân. Đừng một lần nữa đi vào vết xe đổ lựa chọn theo đuổi điều gì đó bằng niềm yêu thích nhất thời)

  • Bạn có tin vào chính mình không? (Vì đây là một khởi đầu mới và tất nhiên hành trình này sẽ chứa đựng nhiều thăng trầm, bạn có tin mình đủ bản lĩnh để đi tới cùng?)

  • Bạn có dám đánh đổi thời gian? (Bắt đầu lại nghĩa là bạn sẽ chậm hơn bạn bè cùng trang lứa. Có thể quả ngọt sẽ đến sau, thanh xuân của bạn sẽ trôi qua nhanh hơn, bạn có đồng ý với lựa chọn này?)

  • Bạn có đủ tiềm lực kinh tế để theo đuổi đam mê? (Nếu bạn mới chỉ là sinh viên năm nhất, kinh tế có lẽ không phải vấn đề lớn nhưng nếu hiện tại bạn là sinh viên năm ba thì cần nhìn vào thực tế: Liệu kinh phí cho sự theo đuổi đam mê mới có đủ? Để đầu tư, nâng cao kiến thức chuyên môn kỹ năng một lĩnh vực cần bỏ ra một khoản vốn. Với vai trò chủ doanh nghiệp bạn có đủ tiềm lực đầu tư vào dự án này không?)

Sau khi trả lời xong những câu hỏi đó nếu bạn thấy mình không đáp ứng được 2/4 câu hỏi thì hãy xem xét phương án 1. Nếu tự tin rằng mình có thể trả lời có ở cả 4 câu thì việc bạn cần làm là bắt tay lên kế hoạch, một kế hoạch chi tiết những việc cần làm với đầy đủ các mốc thời gian, mục tiêu, những gì cần trang bị để bắt đầu một cuộc chiến mới.

Cuối cùng, điều tôi muốn nhấn mạnh là với mỗi phương án bạn đã lựa chọn hãy tin vào chúng. Bởi đó là quyết định sau những giây phút lắng đọng và nghiêm túc của bản thân, tiếp tục phân vân đắn đo suy nghĩ chỉ làm bạn thêm mệt mỏi. Mỗi con đường đều có những cơ hội tiềm ẩn, những mặt tích cực riêng vì thế hãy cố gắng nắm bắt, đối diện bằng một tâm thế tích cực nhất. Không quan trọng đúng sai hãy luôn cố gắng, nỗ lực hết mình sẽ nhận lại những điều tốt đẹp.

Chúc bạn thành công với lựa chọn của mình!

Tham khảo video sau để có nhiều góc nhìn hơn

 
 
Từ khóa: 

chọn ngành chọn nghề

,

hướng nghiệp

,

kỹ năng mềm

Nhiều lúc cũng nghi ngờ tự hỏi bản thân mình có còn hứng thú với ngành mình đang học không? Cảm ơn bài viết của bạn!

Trả lời

Nhiều lúc cũng nghi ngờ tự hỏi bản thân mình có còn hứng thú với ngành mình đang học không? Cảm ơn bài viết của bạn!