Làm gì khi tâm trạng down mood?

  1. Kỹ năng mềm

Tuần vừa rồi tâm trạng mình có phần down mood (tâm trạng không tốt, tinh thần uể oải với nhiều cảm xúc tiêu cực). Tâm trạng này đến từ nhiều lý do: sức khỏe của mình không được tốt cho lắm, mình gặp một chút vấn đề về sức khỏe cần phải thăm khám, điều trị; suy nghĩ việc gia đình; một số lo âu cho công việc; sự căng thẳng, stress, mệt mỏi bởi một số các mối quan hệ xung quanh…) khiến cho tâm trạng mình không vui. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, thể chất, hiệu suất làm việc của mình. Nhưng thật may là sau một khoảng thời gian ngắn, hiện giờ tâm trạng mình đã có phẩn ổn hơn. Mình đã có thể trở lại với công việc và cuộc sống với nguồn năng lượng tích cực, sự tươi mới và yêu bản thân, yêu những gì xung quanh mình….Vậy mình đã làm như thế nào? Bài viết này mình sẽ chia sẻ bí kíp của mình để có thể refresh lại mọi thứ và trở lại với tâm trạng tích cực vốn có thường ngày nhé.

Khi nào thì bạn biết là mình đang có những cảm xúc tiêu cực?

Mình nhớ mình đã đọc ở đâu đó rằng: Cảm xúc là một loại virút của tinh thần, chúng ta là người tạo ra nó, bị lây nhiễm và chịu tác động bởi nó. Không một loại xúc cảm tình cảm nào có thể tồn tại mãi ở một trạng thái cả: có giai đoạn cao trào, có giai đoạn lắng xuống. Thế nên trong cuộc sống chúng ta sẽ có thể trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau: vui, buồn, hạnh phúc, đau khổ, giận dữ, sung sướng, cảm kích, hy vọng, thất vọng…Thông thường, chúng ta sẽ có 2 dạng cảm xúc:

Cảm xúc tích cực là cảm xúc khiến cho bản thân cảm thấy phấn chấn, thoải mái, vui vẻ, an nhiên, tự tại, trưởng thành hơn trong cuộc sống. Ví dụ: sự tự tin, chủ động, vui vẻ, lạc quan, an nhiên, tự tại…

Cảm xúc tiêu cực là cảm xúc khiến cho bản thân mệt mỏi, stress, căng thẳng, bế tắc, cảm thấy cuộc sống nhiều nỗi buồn, ức chế, bực dọc…Ví dụ như: tự ti, bị động, bi quan, âu sầu, đau khổ, cáu giận, căng thẳng, stress…

Sự phân biệt trên chỉ mang tính chất tương đối và điều quan trọng để có thể thoát ra khỏi trạng thái cảm xúc không tốt là bạn cần hiểu về cảm xúc của bản thân, gọi tên được cảm xúc, biết mình đang trải qua cảm xúc đó như thế nào, từ đó nhận biết được những ảnh hưởng/tác động của cảm xúc đó đối với mình.

Cảm xúc tiêu cực tốt hay xấu?

Nhiều người sẽ cho rằng chắc chắn là không tốt rồi vì cảm xúc tiêu cực sẽ làm ảnh hưởng, lấy đi của bạn rất nhiều thứ: nguồn năng lượng sống tích cực, dẫn lối cho sự chán chường, mệt mỏi, cáu giận, ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống…Do đó, họ thường cố gắng để stop/delete (ngừng/xóa) đi cảm xúc này ngay lập tức khi nó mới bắt đầu manh nha/xuất hiện. Trước đây, mình cũng đã từng nghĩ như vậy và có hẳn một bài viết dài với tiêu đề nghe rất chi là tiêu cực, trầm trọng hóa vấn đề “Cảm xúc tiêu cực sẽ giết chết bạn như thế nào?” nhưng giờ mình lại nhận thấy đó cảm xúc đó không hẳn là không tốt. Càng tìm hiểu về các kỹ năng sống (trong đó có kỹ năng quản trị cảm xúc), mình càng nhận ra rằng: Cảm xúc là một hình thức trải nghiệm cơ bản của con người về thái độ của chính mình đối với sự vật, hiện tượng của hiện thực khách quan, với người khác và với bản thân. Cho dù đó là cảm xúc xấu hay tốt thì hãy luôn coi như đó là chuyện hết sức bình thường. Cảm xúc không đúng không sai, xấu hay tốt và ai cũng có những cảm xúc khác nhau: vui, buồn, hạnh phúc, bực dọc, sợ hãi, chán nản, buồn phiền… Ở một phương diện nào đó nó cũng là một trạng thái tâm lý cảm xúc bình thường, lẽ thường tình trong cuộc sống của chúng ta. Bởi ai cũng đều là con người, cuộc sống sẽ không phải lúc nào cũng như là mơ, hạnh phúc, hoan hỷ. Nên mình hồ nghi việc người nào everytime vui vẻ, hạnh phúc chưa chắc đã là người sống thật với cảm xúc của mình. Có thể họ đang giấu đi phần cảm xúc thật bên trong con người họ. Có lần gặp một anh diễn giả truyền cảm hứng, mình còn nhớ anh ấy đã nói với mình nếu muốn trở thành người truyền cảm hứng cho người khác, bí quyết để mọi người tin và theo mình là lúc nào cũng phải happy nhất, lạc quan nhất, phải tỏ ra mình tràn đầy năng lượng dù bên trong tâm trạng mình có đang không tốt. Mình không đồng ý với quan điểm này và từ đó mình hồ nghi về những gì mà nhiều người/diễn giả truyền cảm hứng hiện nay đang thể hiện. Họ là vậy nhưng chưa chắn đã là vậy, điều này giúp cho mình tỉnh táo hơn khi nghe người khác nói về cuộc sống của họ, bình tĩnh để cảm nhận thực sự con người bên trong của họ, cẩn trọng hơn khi nghe những gì họ nói. Mình sẽ khá dị ứng với những người hay hô khẩu hiệu. Tất nhiên mình cũng không phủ nhận trong thực tế có nhiều người đã xây dựng cho mình một cuộc sống happy, nguồn năng lượng tích cực, sự mạnh mẽ khi họ có một thế giới quan, nhân sinh quan tích cực về các vấn đề trong cuộc sống. Cảm xúc đến được nhờ sự hiểu biết thực sự chứ không phải là sự phô ra, diễn ra bề ngoài. Hơn nữa mình tin rằng đã là con người thì ai cũng có cảm xúc khác nhau, vui buồn lẫn lộn, ái ố hỷ nộ…còn nếu ai luôn luôn ở 1 bậc cảm xúc thì họ có thể họ là thánh nhân chăng hay ở một dạng như trên mình đã nói. Vì vậy, nếu trong cuộc sống có những khi bạn rơi vào những cảm xúc không vui, bạn hãy nghĩ đó là điều hết sức bình thường, hãy sống với cảm xúc đó, tận cùng với cảm xúc để được là chính mình, với con người thật nhất bên trong mình. Sau đó hãy tìm cách dũng cảm, mạnh mẽ bước ra và trở lại với chính mình, với cuộc sống muôn màu ngoài kia để tận hưởng nó. Mình đã nghĩ vậy nên khi rơi vào cảm xúc này, một mặt mình cũng có những bứt dứt, dày vò bản thân, nhưng mặt khác mình chấp nhận nó, cho nó được hiển hiện (không né tránh, đi sâu tận cùng của cảm xúc, hiểu con người mình hơn, hiểu cảm xúc của mình hơn, tìm hiểu vì sao mình có cảm xúc đó và tìm cách vượt qua).

Tất nhiên với những cảm xúc tiêu cực sẽ chẳng dễ dàng gì để có thể vượt qua. Bởi khi đã rơi vào tâm trạng đó con người ta bị mọi suy nghĩ tiêu cực bủa vây và khi tâm trạng không tốt thì bạn sẽ chẳng muốn làm gì. Nếu bạn không tìm cách thoát ra nó, bạn sẽ bị chìm dần, chìm dần trong cảm xúc đó và đánh mất chính mình lúc nào không biết. Mọi hệ lụy sẽ kéo theo như: tinh thần uể oải, mệt mỏi, căng thẳng, stress, bạn không muốn làm bất cứ điều gì khiến cho công việc bị trì trệ, các deadline dồn dập, công việc không hoàn thành, ảnh hưởng tới các mối quan hệ, bạn giữ tâm trạng không tốt, dễ nổi giận, cáu kỉnh làm ảnh hưởng tới các mối quan hệ (giận cá chém thớt, cả giận mất khôn), mang gương mặt nặng nề khiến người xung quanh thấy mệt mỏi theo bạn hoặc không dám tiếp xúc, nói chuyện…Vậy nên, dù thế nào bạn cũng cần phải tìm cách vượt qua nó.

Cách để vượt qua cảm xúc tiêu cực không mong muốn?

- Chấp nhận nó và suy nghĩ tích cực về nó để không bị chìm đắm trong sự đau khổ, dày vò, oán trách bản thân. Yêu chính con người của mình ngay cả khi xấu nhất (không né tránh, nghĩ về nó một cách tích cực, cho phép bản thân được buồn, được khóc, được nghỉ ngơi, xả stress, relax) chán thì chán đến cùng tận, khóc cho hết nước mắt, buồn hết cung bậc

- Không nên cố quá, giấu cảm xúc để vẫn vui vẻ khiến cảm xúc của bạn không được bộc lộ sẽ ngày càng trở nên trầm trọng, khó cứu vãn.

- Hãy dành thời gian để refresh lại mọi thứ. Đừng tiết kiệm với mình một ngày nghỉ, thậm chí dừng công việc để refresh lại mọi thứ. Vì vậy, nếu công việc của bạn quá bận rộn, lời khuyên của mình là bạn hãy bỏ ra một ngày (hay nửa ngày cũng được) để dành cho chính mình, làm gì mình cảm thấy thích nhất, thoải mái nhất ngay cả khi điên rồ nhất (VD: ngày hôm qua giữa trưa hè nắng nóng dưới thời tiết 39 độ của Hà Nội, mình vẫn lang thang để đi mua bình hoa, mua sách mà mình thích và nó đã đem lại cho mình niềm vui khôn tả khi mua được cái bình mình thích, cuốn sách muốn đọc). Đôi khi khoảng thời gian ngắn ngủi này lại lấy lại cho bạn niềm vui, nặng lượng sống, bạn trở lại với công việc với hiệu suất cao hơn nhiều so với khi bạn làm nó với tâm trạng tồi tệ.

- Hãy tâm sự câu chuyện của mình/chia sẻ những cảm xúc của mình với những người bạn mà bạn thực sự tin tưởng. Điều này mình rất hay làm. Khi nói chuyện với họ, với những người bạn đã hiểu bạn, biết lắng nghe chân thành, cảm thông với cảm xúc bạn đang trải qua, không định kiến và đưa ra những lời khuyên thực sự giúp ích cho bạn (chứ không phải những lời lẽ khách sáo, động viên kiểu lấy lệ) bạn sẽ cảm thấy nỗi lòng của mình được nói ra, nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Mình thấy có những người bạn này thật đáng quý biết bao. Điều quan trọng là bạn cần biết ai là người bạn nên tâm sự, hiểu cuộc sống của bạn, con người của bạn trước đây, thế mạnh, thế yếu của bạn, sự cảm thông sâu sắc và kiên nhẫn để lắng nghe bạn “lải nhải” những điều tệ nhất những gì bạn đang có.

- Tìm mua sách và đọc sách yêu thích: với mình, mỗi khi buồn sách luôn là người bạn cứu cánh, giúp mình vượt qua được những cảm xúc tiêu cực. Tất nhiên, trong hoàn cảnh này mình sẽ không đọc những cuốn sách dày cộp, học thuật đầy các số liệu, ma trận…Mình sẽ lựa những cuốn sách nhẹ nhàng, vui vẻ, tiểu thuyết tình yêu hay dòng sách kỹ năng sống mà mình yêu thích. Mình sẽ dành nhiều giờ đồng hồ để nghiền ngẫm, sống trọn vẹn với những câu chuyện trong mỗi trang sách. Ví dụ, tuần rồi khi down mood mình đã đọc cuốn “Bí kíp quản lý cảm xúc” (cuốn sách của Nxb. Kim Đồng mình mua cho con gái đọc trong bộ sách “Kỹ năng vàng cho teen thế kỷ 21”), mua cuốn “Tâm lý học thành công” do chị bạn mình đã review để hiểu rõ hơn về fixed mindset và growth mindset…).

- Làm gì khi mình cảm thấy thoải mái nhất: xem một bộ phim, nghe podcast, đọc các bài viết truyền cảm hứng của những blogger mình yêu thích, đi chơi, gặp gỡ bạn bè, ngồi café một mình…Mỗi người sẽ có một cách khác nhau miễn sao bạn cảm thấy thoải mái nhất, thư thái nhất với những gì mình đang làm. Cách tốt nhất là tự mình chữa khỏi cho chính mình.

Chúc các bạn một ngày cuối tuần nhiều niềm vui! Cảm ơn vì đã đọc những gì mình đã viết ra trong buổi sáng ngày hôm nay!

Từ khóa: 

kỹ năng mềm