Mạn đàm về câu chuyện nguồn gốc cầu thủ

  1. Văn hóa

  2. Thể thao

  3. Xã hội

"SAY NO TO RACISM" (Nói không với phân biệt chủng tộc), nhưng chúng tôi tìm hiểu về nguồn gốc cầu thủ thì KHÔNG PHẢI LÀ biểu hiện của hành vi phân biệt chủng tộc.

1. Vòng loại thứ 2 World Cup 2022 vừa kết thúc hôm 15/06/2021, đội tuyển Việt Nam dù thua UAE 2-3 nhưng vẫn lọt vào vòng loại thứ 3 (với tư cách là 1 trong 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất).

Tự hào không? Rất tự hào, rất kiêu hãnh là đằng khác. Nhưng lại có một bộ phận CĐV Việt Nam hình như không có não hay sao ấy, chỉ trích đối thủ một cách vô tội vạ, nhục mạ đối thủ một cách vô lối.

Bạn thắng thì bạn có quyền gáy, bạn cảm thấy đội mình bị ấm ức thì bạn có quyền than vãn; nhưng không phải vì thế mà chỗ nào cũng nhảy vào được? Và việc ai đó nói Việt Nam là một quốc gia có "văn minh" trên không gian mạng thấp kém, cũng chẳng sai mà.

2. Chúng ta đều biết rằng, trong chiến dịch vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á; Việt Nam đã thắng Malaysia 1-0 trên sân Mỹ Đình, thắng Malaysia 2-1 trên sân Al-Makktoum. Câu chuyện đáng nói ở chỗ, nếu như trong đội hình Malaysia (thi đấu với Việt Nam trên sân Al-Makktoum) có đa số là cầu thủ "nhập tịch" & cầu thủ "nước ngoài có nguồn gốc Malaysia", thì đội hình Việt Nam (ngày hôm đó) thì 100% là cầu thủ "thuần chủng".

Sẽ là một sai lầm cực kì ấu trĩ khi ai đó cho rằng, việc tìm hiểu gốc tích của một cầu thủ là mầm mống của chủ nghĩa racism (phân biệt chủng tộc). Bởi nếu không đào sâu về nó, thì có những câu chuyện trong giới bóng đá mà bạn không thể giải thích được?

Không đào sâu về nguồn gốc, bạn có biết vì sao mà Xherdan Shaqiri & Granit Xhaka lại bị FIFA phạt vì ăn mừng hình con đại bàng khi sút tung lưới Serbia (trong trận Thụy Sĩ 2-1 Serbia tại World Cup 2018). Không đào sâu về lịch sử, bạn có biết vì sao mà không bao giờ có những trận đấu kiểu Armenia- Azerbaijan hay Armenia-Thổ Nhĩ Kỳ không?

Và trong bài viết này, có 4 khái niệm khác nhau mà tôi sẽ sử dụng, đó là: cầu thủ "thuần chủng", cầu thủ "nhập tịch", cầu thủ "nhập cư" (có thể bản thân là dân nhập cư, hoặc bố mẹ cầu thủ đó là dân nhập cư), cầu thủ "bán thuần chủng" (cầu thủ có 1 nửa dòng máu là người nước ngoài). Ở các mục tiếp theo, tôi sẽ giải thích cụ thể hơn về sự khác nhau giữa 4 khái niệm này, dựa trên những ví dụ cụ thể.

3. Chúng ta chê trách Malaysia là "nhập tịch" ồ ạt nhưng vẫn thua Việt Nam, ok? Nhưng bạn có biết vì sao mà ĐTQG Việt Nam "nói không" với các cầu thủ nhập tịch không?

Với những bạn nào từng "có kinh nghiệm" xem V-League trên 10 năm, bạn sẽ không ngạc nhiên khi nghe những cái tên Hoàng Vũ Samson, Đỗ Merlo, Huỳnh Kesley Alves...? Nhóm này được gọi chung là "cầu thủ nhập tịch", họ được nhập quốc tịch Việt Nam là do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam của họ; đương nhiên, họ phải đáp ứng đủ những điều kiện được quy định tại khoản 1, 2 điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008.

Còn tại sao những CLB tại V-League lại tiến hành "nhập tịch" ồ ạt cho các ngoại binh, bạn biết không? Bởi vì họ muốn "lách luật" để tăng suất ngoại binh trong đội hình thi đấu. Lấy ví dụ nhé, điều lệ V-League cho phép mỗi CLB có 2 suất ngoại binh thi đấu trên sân; nhưng khi mà trong đội hình thi đấu có 1 cầu thủ nhập tịch, thì trên lý thuyết vẫn là 2 suất ngoại binh, còn trên thực tế là 3 suất ngoại binh.

Và cần phải nhớ rằng, V-League (những năm 200x-201x) thì cái lối đá phất bóng dài cho tiền đạo ngoại ghi bàn nó cực kì phổ biến. Có những mùa giải mà "vua phá lưới V-League" là cuộc chơi của những "tiền đạo ngoại", gần như tiền đạo nội không có cửa; và đấy cũng là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng ĐTQG Việt Nam ở trình độ thấp.

Kể cả đến hiện nay, không dưới 1 lần thì HLV Park cũng "than phiền" chuyện các tiền đạo nội bị thui chột tài năng bởi sự lấn át của các "tiền đạo ngoại"; mặc dù, ở V-League hiện nay thì rất nhiều tiền đạo nội đã cạnh tranh "vua phá lưới" sòng phẳng với các "tiền đạo ngoại", và những nội binh đó chính là nòng cốt của ĐTQG.

4. Trước đây, ĐTQG Việt Nam đã từng thử nghiệm các cầu thủ nhập tịch. Chuyện là, vào năm 2008 thì HLV trưởng Henrique Calisto (khi đó dẫn dắt Olympic Việt Nam) thi đấu giao hữu với Olympic Brazil; trong đội hình Việt Nam khi đó có một "cầu thủ nhập tịch" là Phan Văn Santos (gốc Brazil, ở vị trí thủ môn).

Và bạn biết anh ta làm gì không? Anh ta không hát nổi Quốc ca Việt Nam, nhưng vẫn hồn nhiên hát Quốc ca Brazil (khi đang khoác trên mình màu cờ sắc áo Việt Nam). Là một người Việt Nam, bạn có thể chấp nhận một cầu thủ như thế trong đôi hình không? Với tôi thì là không, và tôi cho rằng LĐBĐ Việt Nam đã đúng khi từ chối các cầu thủ nhập tịch, dù cho họ có khát khao cống hiến thế nào?

Nhìn rộng ra, những cầu thủ nhập tịch ở Việt Nam đa phần là không biết tiếng Việt (hoặc có chăng cũng chỉ ở mức sơ đẳng); thử nghĩ đến lúc triển khai chiến thuật trên sân, bất đồng ngôn ngữ thì làm sao mà ĐTQG thi đấu tốt được?

Đấy là còn chưa nói đến, Quốc ca Việt Nam mà còn không hát nổi, thì lấy gì đảm bảo rằng họ đủ thấm nhuần truyền thống văn hóa của Việt Nam, họ đủ hiểu tiếng Việt; những con người như thế, tôi cho rằng họ không đủ tư cách để đại diện cho ĐTQG Việt Nam trên bình diện quốc tế.

Việt Nam là một quốc gia Á Đông, chủ nghĩa dân tộc rất mạnh; và chẳng một người Việt Nam nào chấp nhận rằng, một cầu thủ khoác trên mình màu cờ sắc áo Việt Nam, mà không hát nổi Quốc ca Việt Nam đâu?

Chắc chắn một số bạn sẽ phản biện rằng, Filip Nguyễn cũng là "cầu thủ nhập tịch"? Ok, đúng là thời gian trước thì Filip Nguyễn có tiến hành thủ tục để nhập quốc tịch Việt Nam, để thi đấu cho ĐTQG Việt Nam; nhưng anh ta không phải "cầu thủ nhập tịch", mà anh ta thuộc nhóm "cầu thủ bán thuần chủng"?

Tại vì sao, bởi Filip Nguyễn có bố là người Việt Nam & mẹ là người CH Séc; Đặng Văn Lâm cũng có bố là người Việt Nam & mẹ là người Nga. Cùng là cầu thủ "bán thuần chủng", nhưng Đặng Văn Lâm nói được tiếng Việt & thấm nhuần văn hóa Việt Nam, còn Filip Nguyễn thì không.

Đấy là lý do khiến Đặng Văn Lâm vẫn có chỗ đứng trên ĐTQG Việt Nam (tất nhiên yếu tố chuyên môn là không thể phủ nhận), và chắc hẳn bạn chưa quên bức tâm thư bằng tiếng Việt đẫm nước mắt của Đặng Văn Lâm gửi Toshiya Miura, thể hiện khao khát cống hiến cho màu cờ sắc áo của đất nước Việt Nam.

5. Sau chức vô địch World Cup 2018 của Pháp, trên Twitter có một quan điểm cho rằng "African won the World Cup 2018". Bởi vì, trong đôi hình ĐTQG Pháp khi đó có tới 14/23 cầu thủ là người gốc Phi, ví dụ: Presnel Kimpembe, N'Golo Kanté, Paul Labile Pogba, Kylian Mbappe. Hay trong trận đấu gần nhất ở Euro 2020 (Pháp thắng Đức với tỉ số 1-0) thì trong đội hình Pháp ra sân, có tới 6/11 cầu thủ là người gốc Phi.

Và những cầu thủ như Pogba, Kanté... họ là "cầu thủ nhập cư". Ví dụ như Kylian Mbappe, anh ấy sinh ngày 20/12/1998 tại Paris nhưng bố anh ấy là người Cameroon (gốc Nigeria) & mẹ anh ấy là người Algeria (gốc Kabyle); hay Karim Benzema sinh ngày 19/12/1987 tại Lyon, nhưng bố mẹ anh ấy là người nhập cư gốc Algeria.

Để hiểu một cách cặn kẽ hơn về những trường hợp này, chúng ta cần tìm hiểu cặn kẽ hơn về quy chế của pháp luật (nước Cộng hòa Pháp) để được cấp quốc tịch Pháp. Cụ thể, một đứa trẻ sinh ra tại Pháp (mà cha mẹ là người nước ngoài) sẽ được cấp quốc tịch Pháp trong các trường hợp sau đây:

+ Khi đủ 18 tuổi & có 5 năm cư trú tại Pháp từ năm 11 tuổi.

+ Từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, và có 5 năm cư trú tại Pháp từ năm 11 tuổi.

+ Từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, và có 5 năm cư trú tại Pháp từ năm 8 tuổi.

+ Nếu bố hoặc mẹ sinh ra ở Pháp (trước năm 1994, bao gồm cả các trường hợp mà bố mẹ sinh ra ở các thuộc địa cũ của Pháp; trong giai đoạn 1994-1998, bao gồm cả các trường hợp mà bố mẹ sinh ra ở Algeria [trước năm 1962] & có 5 năm cư trú tại Pháp).

Còn với những cầu thủ Pháp "thuần chủng" (ví dụ, Antoine Griezmann, Olivier Giroud...) thì đương nhiên là họ có quốc tịch Pháp ngay từ khi sinh ra. Cụ thể, theo điều 18 Code Civil "Est français l'enfant dont l'un des parents au moins est français" (Tạm dịch: "Đứa trẻ mà có ít nhất bố hoặc mẹ là người Pháp, thì đương nhiên có quốc tịch Pháp").

6. Nhưng xét trong trường hợp này, cho dù là "cầu thủ thuần chủng" hay "cầu thủ nhập cư" thì họ cũng đều có quốc tịch Pháp (theo luật định). Nhưng quan trọng hơn, họ được sinh ra ở Pháp, họ biết tiếng Pháp, biết hát bài La Marseille (quốc ca Cộng hòa Pháp); họ được sinh trưởng trong xã hội Pháp, được giáo dục bởi hệ thống giáo dục của Pháp, được thấm nhuần văn hóa Pháp. Đây là những đặc trưng cơ bản mà những "cầu thủ nhập tịch" không bao giờ có, và những "cầu thủ nhập cư" này hoàn toàn đủ tư cách đại diện cho nước Pháp tại các giải đấu lớn (EURO, World Cup...)

Cho nên, trừ một số phần tử cực hữu thì đa phần nước Pháp đều thừa nhận những đóng góp của các "cầu thủ nhập cư" đối với bóng đá Pháp (nói riêng), của "người nhập cư" đối với nước Pháp (nói chung).

Bạn biết Tổng thống Pháp Emanuel Macron không? Ông ấy đã vào phòng thay đồ (locker-room) chúc mừng từng cầu thủ Pháp, sau chiến thắng 4-2 trước Croatia ở chung kết World Cup 2018; cho dù đó là "cầu thủ thuần chủng" như Hugo Lloris, Antoine Griezmann hay "cầu thủ nhập cư" như Paul Pogba, N'Golo Kanté. Thậm chí, khi ĐTQG Pháp trở về sau chiến tích vô địch World Cup 2018, đích thân ông & phu nhân đã trải thảm đỏ, tiếp đón các cầu thủ & BHL tại điện Elyseés.

Vào năm 1998, lần đầu tiên mà ĐTQG Pháp vô địch World Cup; trong đội hình thi đấu cũng có rất nhiều "cầu thủ nhập cư" (Zinedine Zidane [gốc Algeria], Lilian Thuram [sinh ra ở Guadeloupe - lãnh thổ hải ngoại của Pháp], Patrick Vieira [sinh ra ở Senegal]...).

7. Là một người Việt Nam "thuần chủng", tôi tự hào vì chúng tôi có một ĐTQG "thuần chủng", luôn chiến đấu hết mình & hy sinh vì màu cờ sắc áo Việt Nam.

Và tôi luôn cho rằng, sẽ là cực kì khập khiễng khi gọi những cầu thủ như Paul Pogba, Kylian Mbappe hay Antonio Rudiger, Raheem Sterling là "cầu thủ nhập tịch". Bởi vì họ là những "cầu thủ nhập cư", có thể họ không "thuần chủng" nhưng họ hoàn toàn đủ tư cách đại diện cho các quốc gia (Anh, Pháp, Đức...) trên bình diện quốc tế; nó khác hoàn toàn với những "cầu thủ nhập tịch".

Còn tại sao những quốc gia như Anh, Pháp, Hà Lan lại có nhiều "cầu thủ nhập cư" như thế? Bởi vì khi xưa, họ có rất nhiều thuộc địa trên thế giới, thậm chí nước Anh còn được gọi là "đế quốc mà Mặt Trời không bao giờ lặn". Ngay như ở Đông Nam Á thôi, Indonesia là thuộc địa của Hà Lan, Malaysia - Singapore - Myanmar là thuộc địa của Anh, Việt Nam - Lào - Campuchia là thuộc địa của Pháp.

Trong cái kỷ nguyên thuộc địa đầy tăm tối ấy, rất nhiều người dân thuộc địa đã bị "cưỡng bức" đi lính cho chính quốc, làm "bia đỡ đạn" cho binh lính "mẫu quốc" tại các chiến trường trong 2 cuộc CTTG. Rồi thì "cưỡng bức" lao động để phục vụ nhu cầu chiến tranh của chính quốc, "cưỡng bức" di cư để phục hồi kinh tế chính quốc sau chiến tranh.

Và bạn biết không, trong những người dân thuộc địa bị "mẫu quốc" Pháp cưỡng bức li hương, có rất nhiều người dân Việt Nam đấy; có người còn sống mà trở về, có người phải chết nơi đất khách quê người.

Và có thể bạn chưa biết, rất nhiều người Việt tại "mẫu quốc" Pháp, tại các thuộc địa cũ của Pháp & đặc biệt là tại các lãnh thổ hải ngoại của Pháp (Nouvelle-Caledonie, Guyane thuộc Pháp...) có tổ tiên là những người Việt Nam khi xưa bị "cưỡng bức" lao động để phục vụ cho "mẫu quốc", là những chí sĩ cách mạng Việt Nam bị lưu đày biệt xứ (tại các thuộc địa khác của Pháp) vì tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền bảo hộ".

8. Thế đấy, Lịch sử sẽ dạy cho bạn rất nhiều thứ, nó sẽ giúp bạn lý giải được rất nhiều câu chuyện trên thế giới này; mà bất kì ngành khoa học nào cũng chẳng thể lý giải nổi.

Và tôi chưa bao giờ hối hận khi tìm hiểu Lịch sử của đất nước tôi, cũng chưa bao giờ tiếc nuối khi tìm hiểu Lịch sử trên toàn thế giới này.

Bởi vì, đấy chính là bản sắc để định hình nên cá tính của riêng tôi.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

Tác giả: facebooker Phạm Nguyễn Minh Kim

Ảnh:

https://cdn.noron.vn/2021/06/19/6725927427926359-1624068697.jpg
Từ khóa: 

bóng đá

,

nguồn gốc

,

nhân sự

,

văn hóa

,

thể thao

,

xã hội