LÝ CHIÊU HOÀNG – VIẾT CHO HAI CHỮ “HẠNH PHÚC” BỊ LÃNG QUÊN

  1. Lịch sử

Lê Thành Khôi từng viết: Nối tiếp các nhà cai trị khôn ngoan là những ông hoàng yếu kém. Nhà Lý đến thời vua Huệ Tông, nền quân chủ đã trở nên suy đồi, họ Trần ra sức thao túng quyền lực. Trần Thủ Độ ép Huệ Tông nhường ngôi cho con gái Chiêu Thánh khi ấy mới chỉ 7 tuổi, dàn xếp cuộc hôn nhân của Chiêu Thánh với cháu mình là Trần Cảnh rồi ép nàng trao quyền trị quốc cho chồng. Trần Thủ Độ mưu sâu kế rộng, chỉ với cuộc hôn sự mà chuyển giao êm đẹp cơ nghiệp nhà Lý, tránh cảnh đổ máu, loạn sứ quân nhưng cũng chính ông khởi đầu mối lương duyên kì lạ, nhiều phần bi giữa nữ hoàng đế tiền triều Chiêu Hoàng và Trần Thái Tông, vị tiên đế của triều đại tiếp theo.

“Hãy tỏ ra nữ tính và đúng mực. Tìm một người chồng tốt, để chồng nâng niu như một đoá hoa. Hãy dành thời gian thêu hình bướm, dành cả đời để thêu những cái cây thật đẹp. Như vậy không được sao?”- đây là lời ông nội đã nói với tiểu thư Ae-shin khi nàng muốn tham gia cách mạng bảo vệ Joseon (trích từ phim Mr.Sunshine), có lẽ với phận nữ nhi đương thời, tại gia tòng phụ - xuất giá tòng phu – phu tử tòng tử, quan trọng hơn cả vẫn là chữ “an” (安, vốn được ghép từ hai bộ thủ, Miên 宀 (mái nhà) ở bên trên bộ Nữ 女 (đàn bà, phụ nữ), ngụ ý người phụ nữ ở nhà, được người đàn ông che chở là an toàn nhất). Những năm là Hoàng hậu nhà Trần, Lý Chiêu Hoàng sống đúng với chữ “an” này, bởi theo sách sử thì nàng “được Thái Tông yêu thương và kính trọng”.

Nhưng sau 12 năm lấy chồng và một lần sinh con chết yểu, Chiêu Hoàng vẫn không có con khiến hoàng thất lo lắng việc nối dõi. Họ Trần vừa đoạt cơ nghiệp từ họ Lý nên nhạy cảm với việc ngoại thích chiếm ngôi, cuối cùng, Trần Thủ Độ và mẹ ruột của Chiêu Hoàng - bà Trần Thị Dung (nay đã tái giá với quan Thái sư) buộc Thái Tông bỏ Chiêu Hoàng, thành thân với Thuận Thiên công chúa, vốn là chị gái ruột của vợ.

Khi nhà Trần mới đăng cơ, Thủ Độ nhìn thấy Lý Huệ Tông aaaanhổ cỏ trong chùa bèn nói “Khi nhổ cỏ phải nhổ tận rễ cái”, bức Huệ Tông tự sát trước khi được triệu vào triều, rồi bày mưu làm sụp nền nhà, trôn sống tôn thất nhà Lý. Nhưng với Lý Chiêu Hoàng, hẳn ông nhìn thấu rằng nàng với cơ nghiệp nhà Trần không có tâm cơ, càng không có mưu đồ, đổi cho nàng cuộc sống ở hậu cung bình yên, vô sự. Nhưng khi Thái Tông chấp nhận phế Chiêu Hoàng, giáng nàng từ hoàng hậu xuống công chúa, ngài đã làm Chiêu Hoàng chết tâm rồi. Nối dõi là việc trọng với đại nghiệp, là lẽ nước. Đến cuối cùng, làm sao chữ “tình” giữa phu-thê thắng được lẽ nước, sau này cũng khó dung nhau bằng chữ “nghĩa” giữa quân - thần. Trong phim “Như Ý truyện” khi vua Càn Long phế hoàng hậu Như Ý, nàng đã nói : Hai chữ thanh bạch thần thiếp đã nói đến mệt nhoài rồi, không cần Hoàng thượng phế thần thiếp, thần thiếp làm hoàng hậu đã mệt mỏi rã rời rồi. Chiêu Thánh, nàng có thoát được cái “mệt mỏi rã rời” này?

Thái Tông vì muốn từ chối cuộc nội hôn sắp đặt kia, đã rời Thăng Long đến ngôi chùa trên núi Yên Tử trú ẩn, quan Thái sư Trần Thủ Độ cứng rắn: “Hoàng thượng ở đâu, triều đình ở đó”, và chuẩn bị xây dựng kinh đô mới khiến Thái Tông đành chịu thua. Ít lâu sau, Chiêu Hoàng vì chán nản cảnh giường không gối chiếc, biệt đãi nơi hậu cung cũng đệ chiếu, lên chùa xuất gia. Nhưng khác với Thái Tông, lần này nàng ra đi, ngoảnh lại, cả giang sơn đã quay lưng với nàng, đến nam nhân tưởng như tri kỉ, nàng cũng chẳng còn nhìn thấu. Nhưng như lời vị sư từng nói với Thái Tông: “Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ có trong tâm”, nàng nương cửa Phật, nhưng tâm có tịnh?

Gần hai chục năm sau, vua Trần vì cảm kích công của Ngự sử đại phu Lê Phụ Trần trong trận chiến chống Mông Nguyên lần thứ nhất mà ban hôn công chúa Chiêu Hoàng. Người đời chua chát thay cho nàng đã thảo hai câu thơ: “Trách người quân tử bạc tình/ Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao!”. Nhưng hoa nở hoa tàn tự có thời. Chiêu Hoàng tái giá ở ngưỡng tứ tuần, hạ sinh một nam một nữ, và vì phép vua ban phu quân hẳn chẳng đối đãi nàng bạc nhược. Họ chung sống khoảng hai mươi năm nữa thì Chiêu Hoàng mất. Hai mươi năm chẵn bằng với khoảng thời gian nàng chịu cảnh thân cô, tài liệu nào cũng ghi nhận cuộc hôn phối này như mang lại sinh khí và tình người cho Chiêu Hoàng. Lần này, xem như chữ “nghĩa” dung dưỡng nàng trọn vẹn. Nhưng còn chữ “tình” thì không hẳn có cơ sở. Đến cuối cùng, sách sử ngàn năm cũng tiếc vài dòng cho cái hạnh phúc riêng của một người đàn bà.

Có hai thuyết đối lập về cái chết của Chiêu Hoàng. Thứ nhất: Một năm sau khi Thái thượng hoàng Trần Thái Tông băng hà (1258), Chiêu Hoàng cắp đá nhảy xuống đầm Minh Châu nay ở Bắc Ninh tự vẫn. Nếu như vậy, mối lương duyên này xem ra dài cả kiếp người, khó nói dứt là dứt. Thứ hai: Khi Chiêu Hoàng về thăm quê Cổ Pháp (Bắc Ninh) thì qua đời, tương truyền, tóc bà vẫn còn đen nhánh, môi đỏ như son, má hồng như cánh đào. Dẫu có chút thần thánh hoá, nhưng chẳng phải theo nhân tướng học: tâm sinh tướng, sau 40 tuổi tướng mạo càng lộ rõ tính cách và nhân phẩm của người đó sao? Vậy phải chăng, dù mong manh nhưng đây là cơ sở duy nhất cho thấy hai mươi mốt năm cuối đời, bà đã sống thật hạnh phúc đó sao? Tôi luôn muốn tin vào điều thứ hai, ít nhất tôi cũng biết rằng nàng Chiêu Hoàng hạnh phúc. Vậy là đủ rồi.

Viết tiếp câu thoại của bộ phim Mr.Sunshine, tiểu thư Ae-shin đã nói: “Ta luôn nghĩ về sức nặng của cái chết...Nhưng ta muốn cháy thật sáng rồi lụi tàn, như một đoá pháo hoa”. “Cháy thật sáng” là cống hiến cho sự nghiệp giành lại chủ quyền đất nước như hai chị em Trưng Trắc-Trưng Nhị, là lạt mềm buộc chặt, đổi hôn sự của mình lấy tình bang giao, mở rộng đất nước như Huyền Trân công chúa, nhưng sống thật hạnh phúc thật chân thành dẫu trong hai cái mười năm của kiếp người dài đằng đẵng như Chiêu Hoàng, với tôi, đây cũng là một kiểu “rực rỡ”.

Bởi dẫu nàng có trải qua bảy lần đổi danh hiệu, là công chúa nhà Lý, là nữ Hoàng đế duy nhất trong lịch sử Việt Nam, là Hoàng hậu đầu tiên của nhà Trần,.. nhưng vẫn là phận đàn bà. Đến cuối cùng, vẫn là một người phụ nữ.

Từ khóa: 

thiên nam nữ kiệt

,

phụ nữ việt nam

,

lịch sử