Mẹ đã thật sự hiểu công dụng và cách dùng của miếng dán hạ sốt?

  1. Sức khoẻ nhi khoa

  2. Mẹ và Bé

Miếng dán hạ sốt được bán rộng rãi ở các hiệu thuốc, giá cả hợp lý, dễ sử dụng nên được nhiều phụ huynh lựa chọn để hạ sốt cho con. Tuy nhiên, nếu lạm dụng hoặc sử dụng sai cách, miếng dán hạ sốt có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Miếng dán hạ sốt là gì?

Miếng dán hạ sốt đúng như tên gọi có công dụng tản nhiệt và hấp thụ nhiệt ở vị trí được dán lên. Thành phần chính của miếng dán hạ sốt là hydrogen - một chất không thể hòa tan trong nước mà có thể hấp thụ một lượng nước lớn. Tùy vào từng loại miếng dán khác nhau mà các nhà sản xuất thêm thành phần tinh dầu với mục đích thư giãn tinh thần và hỗ trợ hạ nhiệt cho người bệnh.

Miếng dán hạ sốt có tác dụng trong bao lâu? Nếu chú ý quan sát kỹ, phụ huynh sẽ thấy khả năng làm mát của miếng dán không duy trì được lâu. Vùng da được dán miếng dán sẽ nhanh chóng trở lại nhiệt độ ban đầu.

Miếng dán hạ sốt do không chứa thuốc hạ sốt nên miếng dán loại này không có tác dụng hạ nhiệt cho toàn bộ cơ thể. Một số loại miếng dán hạ sốt có thêm tinh dầu, khi bốc hơi sẽ giúp hạ nhiệt và chỉ dùng ngoài da nên khả năng hạ sốt cũng rất hạn chế. Thực tế, hiện nay chưa có công trình nghiên cứu khoa học có giá trị nào chứng minh được miếng dán hạ sốt có thể thay thế được thuốc trong điều trị sốt cho trẻ em. Vì vậy, phụ huynh không nên chỉ dùng miếng dán thay thế cho thuốc hạ sốt khi trẻ bị sốt.

https://cdn.noron.vn/2022/11/09/68308219296885185-1667964054.jpg

Sử dụng miếng dán hạ sốt đúng cách

Nếu trẻ sốt cao, phụ huynh nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đúng liều lượng được tư vấn bởi bác sĩ. Trong thời gian chờ thuốc phát huy tác dụng, phụ huynh có thể sử dụng miếng dán hạ sốt cho trẻ như một biện pháp tạm thời để giảm cơn nóng trong người của bé. Cách sử dụng miếng dán rất đơn giản: phụ huynh chỉ cần bóc tấm phim và dán ngày vào giữa trán của trẻ. Song, cha mẹ cần phải lưu ý tới một số vấn đề sau:

  • Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng ghi trên bao bì sản phẩm để biết bé có thể dùng miếng dán này trong bao lâu
  • Nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng miếng dán hạ sốt cho trẻ
  • Không dán miếng dán vào vùng da mới được tiêm chủng ngừa hay vùng da bị thương tổn
  • Chọn mua miếng dán của các nhà sản xuất uy tín nhằm tránh sử dụng nhầm hàng nhái, hàng giả
  • Nếu bé có tiền sử dị ứng hay thường gặp các vấn đề về hô hấp, không nên sử dụng miếng dán để tránh các tác dụng phụ nguy hiểm
  • Luôn để ý và theo dõi bé trong suốt quá trình sử dụng nếu thấy các dấu hiệu bất thường cần ngừng ngay.

Nhiều bậc phụ huynh không biết cách dùng miếng dán hạ sốt cho bé mà sử dụng sản phẩm trong khoảng thời gian không đúng theo chỉ định. Hậu quả là hiệu quả hạ nhiệt giảm sút. Thời gian sử dụng miếng dán hạ sốt rất linh hoạt, có thể tùy thuộc vào tình trạng sốt và công dụng của sản phẩm. Trung bình mỗi miếng dán có thể dán từ 2 - 4 giờ đồng hồ. Để cho yên tâm và an toàn nhất, phụ huynh nên đọc kĩ hướng dẫn sử dụng của sản phẩm được in trên bao bì. Bên cạnh đó, kiểm tra nhiệt độ của con thường xuyên để thay miếng dán khi chúng hết tác dụng.

https://cdn.noron.vn/2022/11/09/68308219296885187-1667964079.png

Làm gì khi trẻ bị sốt?

  • Khi bé mới sốt, phụ huynh cần theo dõi thân nhiệt, sức khỏe tổng quan của bé trong khoảng 2 - 3 ngày. Trong thời gian này, cha mẹ có thể dùng nước ấm thấp hơn 2°C so với thân nhiệt của trẻ để lau người cho bé. Đồng thời, nên cho bé mặc quần áo thoáng mát, thấm mồ hôi tốt, nằm ở nơi thoáng gió;
  • Cho trẻ uống thuốc hạ sốt có chứa paracetamol theo lời khuyên của bác sĩ (gồm loại thuốc, liều lượng sử dụng phù hợp với cân nặng và độ tuổi của trẻ). Phụ huynh lưu ý không nên cho bé uống nhiều loại thuốc hạ sốt cùng lúc vì có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm do phản ứng thuốc;
  • Không dùng cồn làm mát cho trẻ;
  • Bổ sung vitamin và nhất là những thực phẩm giàu vitamin C như nước chanh, cam để sức đề kháng được tăng cường.
  • Sử dụng khăn ấm để lau người cho trẻ, đặc biệt ở những vị trí như cổ, nách, bẹn và ngực
  • Với trẻ sơ sinh bị sốt, người mẹ cần cho bé bú đủ. Với trẻ lớn hơn, bé cần được uống đủ nước, ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để làm mát cơ thể, tránh mất nước;
  • Đôi khi sốt cũng là dấu hiệu cảnh báo trẻ gặp một số vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Nếu bé có các biểu hiện như: sốt trên 38°C, sốt kéo dài trên 24 giờ (bé dưới 2 tuổi) và kéo dài trên 72 giờ (bé trên 2 tuổi), ngủ li bì, ngủ mơ, đi kèm triệu chứng đau họng, đau tai, đau đầu, phát ban, bứt rứt khó chịu, phản xạ kém, co giật, cơ thể tím tái,... cần đưa trẻ tới bệnh viện ngay để được thăm khám và chăm sóc y tế kịp thời.

Sau khi hiểu được cách dùng miếng dán hạ sốt cho bé thì phụ huynh cũng không được lạm dụng quá mức mà nên chú ý quan sát con trẻ, nếu thấy bất cứ các triệu chứng khác thường nên đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán chính xác bệnh tình.

Từ khóa: 

miếng dán hạ sốt

,

sức khoẻ nhi khoa

,

mẹ và bé