Một đại dịch ở Trung Quốc

  1. Lịch sử

1: Ngũ Liên Đức.

Tháng trước, ngay cả những ngày tệ nhất cũng chỉ có một người chết. Giờ thì đã có cả trăm người thiệt mạng mỗi ngày. Xác chết của những người quen, những gương mặt thân thuộc bắt đầu chất đống ngoài đường. Đêm Giáng sinh vắng tanh người bởi chẳng ai dám bước chân ra khỏi nhà. Tết Nguyên đán thì đang cận kề, tây bắc Trung Quốc cũng đã bị phong tỏa. Nhưng dường như thời gian và vận rủi đang chống lại mọi nỗ lực ngăn cản dịch bệnh.

Người đàn ông mà triều đình cử đến để giúp họ chống lại đại họa này lại là một kẻ hoàn toàn xa lạ. Một người Trung Quốc nhưng trưởng thành ở Tây phương, thậm chí chẳng thể nói sõi tiếng Trung. Tình cảnh giờ đây giống như câu chuyện về thanh gươm của Damocles vậy, thời gian để dân chúng tự bảo vệ mình trước lưỡi hái tử thần đang ngày càng ít đi.

Nếu không thể ngăn dịch bệnh tiếp tục lây lan trước khi cư dân ồ ạt lên tàu tại năm nhà ga lớn ở miền bắc Trung Quốc. Cả nhân loại hoàn toàn có thể phải đối mặt với một đại dịch khủng khiếp. Chừng nào chưa tìm được giải pháp hữu hiệu, những cột mốc thống kê mới sẽ liên tục được thiết lập bởi sinh mạng của hàng ngàn người.

Đó là năm 1910 và có một “gã giao hàng” vẫn vô tư đi lại khắp nơi trong những ngày đầy chết chóc. Ông chính là cha đẻ của chiếc khẩu trang N95.

SÁT NHÂN LẨN KHUẤT.

Đêm ngày 7/11/1910, tiếng thét chói tai của một người tạp vụ đã phá tan không gian tĩnh lặng nơi miền đông bắc. Nó đến từ một nhà trọ ở thị trấn Phu Gia Điền, ngoại ô Cáp Nhĩ Tân, thành phố do người Nga xây dựng. Lúc này là cuối đông, cái lạnh nơi đây đã chạm tới ngưỡng tàn khốc. Người dân đều đã nghỉ đông trong ngôi nhà ấm cúng của mình. Ngoài đường giờ chẳng có bóng người nào. Ngay lúc này, dưới ánh lồng đèn trên tay, người tạp vụ đã chứng kiến một cảnh tượng mà tới kẻ cứng rắn nhất cũng phải giật mình hoảng hồn: hai xác chết nằm gục trên một trong những chiếc bàn của nhà trọ.

Nhà trọ này vài năm trước là một xưởng sản xuất. Vụ việc quá đỗi nghiêm trọng khiến chủ nhà trọ báo ngay với chính quyền địa phương.

Hồi chuông báo động lập tức được gióng lên, người ta nhanh chóng xác định được nghề nghiệp của hai nạn nhân, họ đều là thợ săn Marmot. Nghề lấy da Marmot để đổi lấy các loại da động vật khác không phải là một nghề quá xa lạ với những người Trung Quốc hay Nga quanh khu vực Cáp Nhĩ Tân. Những thợ săn kiêm thương nhân này là khách hàng quen thuộc của các nhà trọ du lịch tại đây.

Thực tế, thì hai nạn nhân tới nhà trọ không phải để bàn công chuyện mà để tổ chức ăn mừng một năm làm ăn phát đạt. Kì lạ là hai người này chết trong tình trạng đang rất sung sức. Họ đột tử ngay giữa buổi liên hoan của mình khi làn da vẫn còn rất hồng hào. Dân địa phương nhanh chóng báo ngay cho nhà chức trách Vu Tứ Hưng.

Vu Tứ Hưng là một quan lại lão thành. Và như cái cách ông xử lý nhiều vụ việc tương tự, tới tận ngày thứ chín ông mới cùng các điều tra viên và nhân viên pháp y tới hiện trường vụ án. Quá trình điều tra thiếu chuyên nghiệp khiến họ không thể xác định được nguyên nhân cái chết. Nạn nhân đều là đàn ông vùng Đông Bắc, những kẻ nổi tiếng cục súc, ồn ào. Khó có thể tưởng tượng họ đã đầu độc lẫn nhau do chia chác không thỏa đáng, hay bị kẻ khác ám sát vì tư thù cá nhân.

Những gã thợ săn này dành cả đời sống trong các khu khách điếm hay vài căn lều tạm bợ dựng tạm. Người dân địa phương cũng không mấy thiện cảm với đám người này. Có khi nào chính lối sống hoang dã, sốc nổi lại là nguyên nhân cho cái chết của họ?

Bi kịch vẫn chưa kết thúc. Khi hồ sơ vụ án vẫn chưa kịp hoàn thành, thêm 4 khách trong nhà trọ mất mạng. Đến cả chủ quán trọ và nhiều nhân viên khác cũng có những biểu hiện sức khỏe bất thường, họ đều đột nhiên dính phải những con sốt, ho dữ dội đến khi ra máu và màu da bắt đầu thay đổi, rồi tử vong chỉ trong vài ngày. Lúc này, không còn nghi ngờ về sự hiện diện của một dịch cúm chết người trên địa bàn Cáp Nhĩ Tân nữa. Người dân và cả chính quyền đều lâm vào trạng thái hoang mang tột độ.

LAN RỘNG.

Ngay trong tuần, Vu Tứ Hưng gửi công văn cầu cứu tới chính quyền trung ương tại Bắc Kinh. Chỉ trong vòng một tuần, thị trấn Phu Gia Điền đã tràn ngập người nhiễm bệnh, tâm lý hoảng loạn của người dân cũng bắt đầu lên cao khi họ ý thức được rằng mình đang ở giữa ổ dịch. Thế là thành phố của người Nga bên cạnh Cáp Nhĩ Tân bỗng chật cứng những người tị nạn với đủ quốc tịch khác nhau.

Khu vực Mãn Châu và bán đảo Liêu Đông được Nhật Bản quan tâm ngay từ những năm 1890. Tới năm 1910, có rất nhiều điệp viên Nhật hoạt động ở hai khu vực này dưới lớp ngụy trang của các doanh nhân hoặc khách du lịch.

Người Nhật và người Nga ngay lập tức bị nghi ngờ có liên quan tới nguồn gốc dịch bệnh. Vùng đông bắc Trung Quốc này từng là quê cha đất tổ của những nhà cai trị Mãn Thanh nhưng vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nơi đây đã trở thành chiến trường cân não giữa các đế quốc.

Đối với người Trung Quốc, Mãn Châu là vùng đất nhục nhã. Nhật chiếm nơi này sau khi đè bẹp quân đội Nga trong cuộc chiến năm 1905. Đến năm 1910, xung đột đa dân tộc đã lan ra khắp khu vực. Mãn Châu có thể coi là miếng bánh khó nuốt trôi của cả Nga và Nhật. Nhiều hiệp ước đã xoa dịu bớt tham vọng của hai bên nhưng tình trạng căng thẳng ngầm vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Nhật Bản không được công nhận quyền sở hữu tuyệt đối với Mãn Châu. Còn Nga, dù vừa thảm bại, vẫn cố bám trụ bằng vài hiệp ước thuận lợi, cho phép họ tiếp tục khai thác nơi đây. Trong khi đó, người Trung Quốc bản địa thì căm thù tới tận xương tủy cả hai đế quốc tham lam.

Dân địa phương xem người nước ngoài đều là những kẻ xâm lược và họ tin chắc rằng, dịch bệnh lần này lại là một chiêu trò vô nhân đạo khác của bè lũ đế quốc. Điều này trở thành hiện thực như trường hợp “Đơn vị 731” của phát – xít Nhật trong chiến tranh Trung Nhật sau này. Nhưng rồi cuối cùng những nghi ngờ dành cho người ngoại quốc ở Cáp Nhĩ Tân cũng dần bị xua tan đi khi chính người Nga và người Nhật cũng lần lượt ngã quỵ vì dịch cúm.

Cáp Nhĩ Tân nhanh chóng trở thành đất chết. Vào thời điểm đó, nơi này bị các tuyến đường sắt xẻ thành nhiều phần do người nước ngoài và Trung Quốc quản lý. Tâm dịch lớn nhất là thị trấn Phu Gia Điền, nơi đây có số dân đông đảo đi kèm với điều kiện vệ sinh kém. Nhiều bác sĩ sớm trở thành bệnh nhân ngay khi tới thị trấn này.

Vu Tứ Hưng trong vai trò người lãnh đạo, đã làm hết những gì ông có thể để xử lý dịch bệnh. Ông hoàn toàn không có quyền hạn điều hành trực tiếp toàn thị trấn, bởi thực tế thì thành phố này do người Nga xây dựng và vẫn đang hoạt động như một thuộc địa của Nga. Việc không có nhiều thẩm quyền quyết định trong tay buộc Vu phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ Bắc Kinh.

BÁC SĨ NAM DƯƠNG.

Vào buổi chiều lạnh lẽo ngày 24/12/1910, Vu nhận được tin vị “cứu nhân” của ông sẽ cập bến Cáp Nhĩ Tân bằng tàu hỏa. Nhưng khi đón ông khách bí ẩn tại nhà ga, Vu Tứ Hưng đã có đôi chút thất vọng.

Đó là một cậu thanh niên với gương mặt nhỏ, da hơi ngăm đen, cao khoảng 1m6, vẫn là lùn dù theo chuẩn Trung Quốc. Cậu ta đeo một cặp kính, xách một túi đồ y sĩ, theo sau là một anh bạn đồng hành thậm chí còn trẻ hơn cậu, đâu đó chỉ khoảng 20 tuổi thôi. Nhiệm vụ của người đồng hành này là làm phiên dịch tiếng Trung cho vị bác sĩ. Đúng vậy, một bác sĩ người Trung Quốc không thể nói thạo tiếng Trung.

Gã có phải người Trung Quốc không vậy? Gã thậm chí để tóc ngắn không có đuôi sam. Triều đình Thanh cử tên ngoại lai này tới giúp chúng ta sao?

ĐỨA CON XA XỨ.

Chàng bác sĩ này hóa ra là một Hoa kiều, trở về từ Penang, Malaysia. Những người như anh được gọi là “người Nam Dương” vì sinh sống ở vùng biển phía nam Trung Quốc.

Trước các cuộc chinh phạt của người Nữ Chân cuối thời nhà Minh. Nhiều dân tị nạn bắt đầu tổ chức định cư và tạo nên những khu phố Tàu sầm uất tại Malaysia, Việt Nam, Philipines, Brunei, Đông Timor, Indonesia và Singapore. Vào thời điểm chàng bác sĩ ra đời, Penang là một phần của Đế quốc Anh. Mặc dù là một sản phẩm giáo dục của người Anh, bị nghi hoặc bởi chính những người đồng bào ở Trung Quốc, nhân vật chính trong câu chuyện của chúng ta cuối cùng vẫn chọn con đường cống hiến tài năng cho vùng đất tổ tiên.

VỊ BÁC SĨ TÀI NĂNG.

Anh ta tên là Ngũ Liên Đức. Năm 17 tuổi, Liên Đức đứng trước tương lai trở thành bác sĩ Trung Quốc đầu tiên tốt nghiệp ngành y khoa của Đại học Cambridge khi anh nhận được Học bổng Nữ hoàng Anh. Trong trường đại học, anh tiếp tục giành tiếp mọi suất học bổng nhờ thành tích học tập ấn tượng của mình. Ngay khi tốt nghiệp, Ngũ Liên Đức chuyển tới nghiên cứu vi khuẩn học với Sir Ronald Ross (người đoạt giải Nobel sinh lý học năm 1902), vài năm sau thì nghiên cứu sốt rét và uốn ván tại Viện Pasteur, Paris. Chàng trai trẻ này sớm được làm việc cùng những người giỏi nhất trong ngành y học.

Năm 1903, Liên Đức gia nhập Viện nghiên cứu y học Kuala Lumpur trong vai trò nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, anh không được giữ chức chuyên gia bởi hệ thống phân cấp của Anh Quốc chỉ cho phép công dân Anh chính gốc được giữ chức vụ cao.

Sau khi quay về Penang lập gia đình, Ngũ Liên Đức chuyển qua làm bác sĩ tư. Trước nạn thuốc phiện đang tràn ngập trong cộng đồng lao động gốc Hoa tại quê nhà, anh cùng người cộng sự là bác sĩ Lâm Văn Khánh ra sức triệt phá các đường dây buôn bán thuốc phiện.

QUAY TRỞ VỀ.

Vào tháng 3/1906, anh chủ trì một hội nghị phòng chống thuốc phiện lớn tại Ipoh. Không may cho Ngũ Liên Đức, hoạt động chống thuốc phiệt kịch liệt của anh vô tình đụng chạm tới khoản doanh thu thuộc địa lớn nhất của người Anh tại Malaysia. Thế là đầu năm 1907, Ngũ Liên Đức bị bắt vì tàng trữ 28g thuốc phiện trong phòng khám tư của mình. Dù giải thích trước tòa về việc chỉ sử dụng thuốc được mua từ một bác sĩ Anh để gây mê cho bệnh nhân, anh vẫn bị buộc tội và bị phạt một khoản tiền lớn. Trong tận cùng của nỗi thất vọng và nhục nhã, Ngũ Liên Đức nhận được lời mời làm việc tại Trung Quốc.

Vài tháng trước, một nhóm sinh viên được Thanh triều gửi đi du học đã dừng chân tại Penang sau hành trình dài quanh Borneo. Liên Đức đã tiếp xúc với một trong số những người này, đó là Alfred Sze, học tại trường Đại học Cornell và sau này trở thành Ủy viên ngoại giao Đại Thanh. Chính nhờ kết bạn với Sze, anh mới được mời làm giảng viên cho các bác sĩ quân y trong quân đội Thanh.

Tháng 5 năm 1908, Ngũ Liên Đức cùng vợ mình lần đầu tiên đến Thượng Hải tiếp đó là Thiên Tân. Tại đây anh gặp phó giám đốc Học viện quân đội Hoàng gia Thiên Tân, ông này rất ấn tượng với vị bác sĩ trẻ. Mặc dù cùng là người Trung Quốc nhưng tại học viện, Liên Đức được đối đãi như một giáo sư nước ngoài. Anh giao tiếp với các học viên của mình bằng tiếng Anh thông qua người phiên dịch. Tới đây, chúng ta cùng quay trở về với sân ga nơi Vu Tứ Hưng và Ngũ Liên Đức gặp nhau năm 1910.

Khi nhiều bác sĩ đã mất mạng trong lúc làm nhiệm vụ tại Cáp Nhĩ Tân, vào ngày 19/12/1910, Ủy viên Alfred Sze liên lạc cho người bạn có kiến thức uyên thâm về dịch tễ của mình. Sau chuyến tàu kéo dài 3 ngày, chàng trai trẻ 31 tuổi cuối cùng cũng đặt chân lên nền băng lạnh lẽo của miền bắc Trung Quốc. Có vẻ như chuyến“du lịch” của anh tại Cáp Nhĩ Tân đến vào thời điểm không thể tệ hơn khi thành phố này đang chết dần chết mòn bởi một một trận đại dịch.

2: Đối đầu với tử thần.

Giờ đây, Ngũ Liên Đức cần phải làm nên điều kỳ diệu giữa cái lạnh -30 độ. Hơn 95% bệnh nhân đã chết chỉ trong vòng 24 – 48h kể từ khi nhiễm bệnh. Anh sẽ phải đương đầu với tử thần chỉ với một túi đồ nghề, một kính hiển vi Bakers và một người bạn đồng hành kiêm phiên dịch viên. Triều đình Thanh và cả vùng đông bắc đặt tất cả niềm tin lên vai vị bác sĩ 31 tuổi này.

CHIẾN TRƯỜNG KHỐC LIỆT.

Buổi tối ngày 18/12/1910, khi bác sĩ Ngũ đang dùng bữa tại Thiên Tân thì một điện tín từ Bộ Ngoại giao Thanh triều được gửi tới cho anh. Bức điện tín do chính người bạn Alfred Sze của anh soạn, đó là thông báo khẩn về một đại dịch kinh hoàng ở miền bắc và khẳng định Ngũ Liên Đức là người Trung Quốc duy nhất có khả năng ngăn chặn thảm họa này. Thế là ba ngày sau, Liên Đức từ giã gia đình, lên đường tới Cáp Nhĩ Tân. Khi tới nơi vào ngay trước đêm Giáng sinh năm 1910, anh nhanh chóng nhận ra tình trạng hỗn loạn ở nơi đây.

Trường hợp tử vong đầu tiên được ghi nhận tại vùng ngoại ô Cáp Nhĩ Tân vào tháng 11 năm 1910, trong không đầy 20 ngày, dịch bệnh đã lan khắp ba tỉnh lớn ở miền bắc. Tới ngày 25/12/1910, hàng chục ngàn người đã mất mạng vì căn bệnh được phỏng đoán là “dịch hạch”. Khả năng lây lan đáng sợ của dịch hạch khiến nhiều gia đình không còn bất cứ thành viên nào sống sót khi một người trong số họ đem mầm bệnh về nhà. Nhiều ngôi làng trở thành “làng ma”, vắng bóng cư dân. Trong số 30 bác sĩ được cử tới Cáp Nhĩ Tân, 17 người đã qua đời vì tiếp xúc với bệnh nhân.

Tháng 1 năm 1911 là thời điểm tốc độ lây lan tăng đột biến. Dù sớm phong tỏa toàn miền bắc nhưng dịch vẫn có nguy cơ lan tới phía nam. Thành phố Trường Xuân thất thủ vào đầu tháng 1, tới giữa tháng thì Thẩm Dương chịu chung số phận. Dọc theo tuyến đường sắt, tai họa có thể đến và đe dọa tới tính mạng của hàng triệu người ở trung tâm đất nước.

Ngũ Liên Đức bắt tay ngay vào công việc của mình. Sau khi nhận chức Giám đốc phụ trách y tế khu vực đông bắc, anh cho thành lập phòng thí nghiệm và bắt đầu điều tra về nguồn gốc của căn bệnh.

Trước đó, nhiều bác sĩ nước ngoài đã xác định được căn bệnh quái ác khả năng cao là bệnh hạch. Ngũ Liên Đức biết điều này, có điều anh cũng nhận thấy dịch hạch lần này có tốc độ truyền nhiễm và tỉ lệ tử vong cao hơn rất nhiều so với dịch hạch thông thường. Lúc này, anh cần làm ba điều để kìm hãm sự lây lan. Thứ nhất, nhanh chóng tìm ra chính xác nguồn bệnh cũng như phương thức lây truyền. Thứ hai, yêu cầu triều đình Thanh đáp ứng đủ nguồn lực để triển khai phong tỏa. Thứ ba, làm giảm số lượng bệnh nhân bằng phương pháp khoanh vùng, cách ly triệt để.

LẦN THEO DẤU VẾT.

Liên Đức tập trung tìm hiểu hai trường hợp nhiễm bệnh ở nhà trọ tại Phu Gia Điền. Anh rất chú ý tới nghề nghiệp của hai nạn nhân này, họ đều là những thợ săn Marmot. Là một chuyên gia về bệnh nhiệt đới, Ngũ Liên Đức hiểu được tầm quan trọng trong việc điều tra hoạt động của hai ca bệnh trên. Những kết luận sơ bộ của Ngũ trong các báo cáo gửi tới Bắc Kinh sẽ quyết định tới quy mô hỗ trợ, tiếp tế mà triều đình gửi tới cho anh.

Khi lờ mờ đoán biết được nhân dạng của “kẻ thủ ác”. Nhiều người tự bảo vệ gia đình mình bằng cách dựng rào chắn quanh nhà. Không thiếu kẻ mê tín tin thuốc phiện hay thuốc súng có thể chống được sự lây nhiễm. Các bác sĩ đưa ra nhiều diễn giải khác nhau, có giả thuyết cho rằng mầm bệnh truyền từ người này sang người khác qua con đường trao đổi, buôn bán bằng tiền giấy.

Ngũ Liên Đức tìm được một mảnh ghép quan trọng trong quá trình giải mã căn bệnh truyền nhiễm kỳ bí. Khi cố gắng xác định xem đâu mới là ca bệnh đầu tiên, anh phát hiện ra rằng, vào thời điểm cuối tháng mười, trước khi dịch bùng phát ở Phu Gia Điền một tuần, cũng có hai thợ săn tử vong ở Mãn Châu Lý. Dựa vào các triệu chứng, có thể khẳng định hai người này cũng chết vì dịch bệnh.

Đại dịch “Cái chết đen” bùng phát do những con chuột mang bọ chét, nhưng dịch hạch tại Cáp Nhĩ Tân lây lan theo một cách rất khác. Nguồn nước không phải là hung thủ, bởi dịch lây với tốc độ rất nhanh theo diện rộng chứ không cục bộ trong bất cứ khu vực nào. Khi kiểm tra chéo hồ sơ của các nạn nhân, Ngũ Liên Đức rất khó tìm được điểm chung. Họ đến từ đủ độ tuổi, đủ quốc gia và có các hoạt động thường nhật gần như không trùng lặp. Thế nhưng, khi xác định được nhóm bệnh nhân số 0, dường như anh đã tìm được điều gì đó….

DẦN SÁNG TỎ.

Trong ngày thứ 3 từ khi đến Cáp Nhĩ Tân, Ngũ Liên Đức tiến hành xem xét một nạn nhân nữ người Nhật, vợ của một người đàn ông Trung Quốc mới chết vì dịch hạch. Anh lập tức yêu cầu tổ chức khám nghiệm tử thi. Cần phải nói rằng, người Trung Quốc năm 1910 vẫn xem việc mổ xẻ người đã khuất là hành vi vô nhân đạo. Thế nên, dù là người trưởng thành ở phương tây và tình hình dịch đang rất nguy cấp thì Ngũ Liên Đức cũng chỉ dám tiến hành công việc khám nghiệm của mình vào ban đêm, né tránh con mắt dò xét của dân bản địa.

Đêm đó, sau khi lấy mẫu máu từ phổi và tim của tử thi để kiểm tra trên kính hiển vi Bakers. Ngũ Liên Đức đã nhìn thấy các trực khuẩn xác định căn bệnh quái ác này đúng là một dạng dịch hạch, nhưng là một dạng hoàn toàn mới. Chỉ trong 4 ngày, anh đã phần nào làm sáng tỏ chân tướng của tên sát nhân vô hình tại Cáp Nhĩ Tân.

Tuy nhiên, việc phát hiện ra chủng dịch hạch mới này lại đặt ra cho Liên Đức hàng loạt câu hỏi đau đầu. Kể từ khi phân lập mẫu Yersinia pestis vào năm 1894, những bộ óc y học hàng đã đồng thuận bệnh dịch hạch chủ yếu lây qua những con bọ chét kí sinh trên chuột. Nhưng với tình trạng phổi và tốc độ lây lan chóng mặt của chủng dịch hạch mới này, bác sĩ Ngũ phải tự đặt cho căn bệnh này cái tên mới, “Bệnh dịch hạch thể phổi”. Đáng lo hơn, đó là không có bác sĩ nào trên thế giới từng có kinh nghiệm với loại bệnh mới này.

Dịch từ Dragon's armory

Từ khóa: 

lịch sử