Một lời xin lỗi có ý nghĩa là như thế nào?

  1. Kỹ năng mềm

Cuộc sống là những va chạm, những đụng độ, khó khăn. Lý do cho những cuộc đánh nhau, cuộc cãi vã không có điểm dừng ư? Chỉ đơn giản là chẳng ai chịu nhận lỗi lầm của mình, cũng chẳng biết lỗi từ phía ai. Một lời xin lỗi sẽ có thể chấm dứt được những mâu thuẫn ấy. Chỉ cần một chút nhẫn nhịn, một chút vị tha, từ bỏ cái tôi của mình để vượt lên hai chữ “sĩ diện” thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Thế nhưng, chúng ta sẽ phải nói xin lỗi sao đây? Nói một lời xin lỗi chân thành với những người chúng ta đã gây tổn thương hoặc làm tổn hại không phải lúc nào cũng là một điều dễ dàng. Vậy một lời xin lỗi có ý nghĩa là như thế nào?

Một lời xin lỗi có thành ý và hiệu quả là lời xin lỗi truyền tải được điều mà chúng ta có thể tạm gọi là quy tắc: “Ba chữ R” – Regret (sự ân hận), Responsibility (trách nhiệm), và Remedy (cách giải quyết).

xin lỗi

Bày tỏ sự ân hận vì đã gây ra phiền toái, tổn thương, hay thiệt hại

Để cảm nhận được nỗi ân hận thật sự, trước tiên chúng ta cần phải có sự thấu cảm với người mà chúng ta ta đã gây ra lỗi lầm. Nói cách khác, chúng ta phải biết đặt mình vào vị trí của họ để có thể cảm nhận được những phiền toái, tổn thương hay thiệt hại, dù chỉ là những điều nhỏ nhất mà ta đã gây ra. Thấu cảm với người mà bạn làm tổn thương hay tức giận thực ra đã là một lời xin lỗi “ngầm”. Khi thực sự thấu cảm, bạn sẽ biết mình nên làm gì, mình sẽ phải đối diện với lỗi lầm đó như thế nào, và đương nhiên người kia sẽ cảm nhận được điều đó. Lời xin lỗi của của bạn sẽ có tác dụng giống như viên thuốc chữa lành vết thương. Trái lại, nếu bạn không có sự thấu cảm, lời xin lỗi đó sẽ trở nên trống rỗng hơn bao giờ hết và thật sự chẳng có một chút thành ý nào.

Thừa nhận trách nhiệm cho hành động của bạn

Thay vì đổ lỗi cho người khác hay biện hộ cho hành động của mình với muôn vàn lý do, bạn hãy sẵn sàng nhận trách nhiệm về mình. Điều này sẽ khiến cho đối phương cảm nhận được thành ý của bạn. Nó còn khẳng định được thái độ ăn năn hối lỗi của bạn, cũng như thay cho lời hứa sẽ không tái phạm lần sau. Việc thừa nhận trách nhiệm cho hành động của bản thân thật sự không hề dễ dàng đối với nhiều người bởi lẽ, sự hổ thẹn, sự yếu đuối hay thậm chí sự kiêu hãnh của mỗi người sẽ khiến họ gần như là không thể. Vì vậy để có thể thừa nhận trách nhiệm cho hành động của mình, hãy gạt bỏ sự kiêu hãnh, sự e thẹn, xấu hổ để có thể đem lại cảm giác thoải mái cũng như nhẹ nhõm nhất cho bản thân. 

Khẳng định sự sẵn lòng hành động để xoa dịu tình huống 

Hứa sẽ không tái phạm, hứa rằng sẽ tìm cách để không lặp lại lỗi lầm cũ nữa, hay khẳng định sẽ cải thiện tình huống như thế nào theo hướng tích cực nhất, hoặc bồi thường cho những tổn hại đã gây ra, chúng ta có thể lựa chọn cách tốt nhất để xoa dịu tình huống sau những lỗi lầm. Và đương nhiên rồi, cùng với đó trước tiên chắc hẳn sẽ phải là một lời xin lỗi đầy chân thành và thiện chí. 

Lời xin lỗi là một tương tác đầy quyền năng, gần như có một năng lực kì diệu giúp chữa lành vết thương hay cả lỗi lầm cho tất cả mọi người. Đừng vứt bỏ những cơ hội để chữa lành mọi mối quan hệ, phát triển và thay đổi cuộc sống của chúng ta và người khác một cách tốt đẹp hơn bằng cách im lặng, thay vào đó hãy học cách để nói một lời xin lỗi ý nghĩa nhất!

Nhớ nhé!

Từ khóa: 

kỹ năng mềm