Hãy nói lời xin lỗi!

  1. Giáo dục

  2. Văn hóa

  3. Kỹ năng mềm

Xin lỗi là một trong các biểu hiện của ứng xử có văn hóa, là hành vi văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội. Trong ứng xử, khi lời xin lỗi được trình bày một cách chân thành, nó vừa phản ánh phẩm chất văn hóa của cá nhân, vừa giúp mọi người dễ cư xử với nhau hơn. Lời xin lỗi không chỉ trực tiếp giải tỏa khúc mắc, gỡ rối các quan hệ, mà con người cũng vì thế mà sống vị tha hơn.

https://cdn.noron.vn/2022/06/02/7252226169520314-1654162897.jpg
Nguồn: pinterest.com


Như ai đó đã nói: “Xin lỗi dường như là từ khó nói nhất”.
Để giải thích cho điều này có rất nhiều nguyên nhân, có thể ở đâu đó, một lúc nào đó người ta cho rằng lời xin lỗi là thừa thãi, là khách sáo, không cần thiết…
Đối với nhiều người, vì cái tôi của bản thân quá lớn nên họ cho rằng khi phạm phải sai lầm cũng không việc gì phải hạ mình nhận lỗi.
Đặc biệt là phái mạnh chịu ảnh hưởng của tính nam độc hại, xin lỗi thể hiện sự yếu đuối. Những người này có xu hướng muốn được công nhận là luôn đúng, muốn được xem như người mạnh mẽ và quyền lực. Họ sợ rằng những sai lầm này sẽ khiến họ yếu kém hoặc thất bại.

Ngoài ra, việc sống giữa một cộng đồng thường chỉ trích hoặc bác bỏ lẫn nhau sẽ khiến một số người dựng lên cơ chế phòng thủ. Họ cho rằng cách đơn giản nhất để giải quyết vấn đề là tránh né các nguy cơ bị chỉ trích, bao gồm việc thừa nhận sai lầm và xin lỗi. Nhiều người cho rằng nếu họ xin lỗi thì có thể bị khước từ và không nhận được sự tha thứ từ người khác.
Cũng có thể cuộc sống hiện đại quá ồn ào, gấp gáp khiến người ta không kịp nhận ra những hành động, lời nói của mình đã làm tổn thương người khác. Đôi khi lời xin lỗi chưa đủ để chữa lành tổn thương. Lời xin lỗi chỉ giúp người nói ra cảm thấy bớt ăn năn, để nhẹ nhõm. Nhưng điều đó chẳng có nghĩa rằng, người kia không ôm nỗi bi thương.

https://cdn.noron.vn/2022/06/02/7252226169520319-1654163014.jpg
Nguồn: pinterest.com


Xin lỗi khi bản thân mắc lỗi là chuyện bình thường, và mỗi người ứng xử với lỗi lầm của mình theo cách khác nhau. Có người thừa nhận sai lầm, xin lỗi rồi sửa sai; lại có khi biết sai lầm nhưng không dám thừa nhận, hoặc thừa nhận nhưng không chịu sửa chữa và không hề biết nói lời xin lỗi. Nhiều người không xin lỗi vì họ hoàn toàn không biết hành động của mình đã để lại hậu quả gì cho người khác. Họ không xin lỗi đơn giản vì không nhận thức được mình sai ở đâu. Có thể họ quá tập trung vào tổn hại từ người khác mang tới mình mà quên mất điều ngược lại; hoặc có khả năng là họ chỉ tập trung vào bản thân.

Biết nói và sử dụng lời xin lỗi là biểu hiện của nhận thức, của việc thực hiện hành vi ứng xử văn hóa. Hãy để lời nói thân thiện này trở thành thói quen trong quan hệ xã hội, mỗi người trong chúng ta cần nhận thức cụ thể hơn, để ứng xử có văn hóa hơn trong giao tiếp. Biết nói lời xin lỗi là một tiêu chí đánh giá phẩm chất và vốn liếng văn hóa của mỗi cá nhân, từ đó góp phần xây dựng xã hội ngày càng văn minh, tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó cũng phải loại trừ những lời xin lỗi không thật lòng, để cho qua chuyện.

Và song song với lời xin lỗi chính là lời cảm ơn - hai tiếng dễ mà khó nói. Mình có chia sẻ về lời cảm ơn ở bài viết dưới đây, mọi người có thể tham khảo nhé!

https://www.noron.vn/post/hay-noi-loi-cam-on-11pc0uuk90f

Cảm ơn và xin lỗi là một nét đẹp trong văn hóa ứng xử của con người, là một hành động cần thiết trong những mối quan hệ giao tiếp hằng ngày. Và hãy luôn nhớ rằng, lời nói phải thống nhất với hành động, phải xuất phát từ tận đáy lòng chân thành. Chúng ta không nên dè sẻn lời cảm ơn và tiết kiệm lời xin lỗi. Bởi lẽ “lòng biết ơn thầm lặng không có mấy tác dụng với ai” - G.B.Stern và “Một lời xin lỗi vụng về vẫn tốt hơn im lặng” - Stephen Gosson.
Hy vọng rằng những ai còn ngại ngùng nói lời cảm ơn hay xin lỗi có thể mạnh dạn bắt đầu tập thói quen mới để sống một đời tử tế hơn.

https://cdn.noron.vn/2022/06/02/7252226169520322-1654163205.jpg

Cảm ơn các bạn đã đồng hành cùng mình trong bài viết trên, mình rất mong nhận được thêm ý kiến đóng góp của các bạn! ❤️

Từ khóa: 

xin_loi

,

giáo dục

,

văn hóa

,

kỹ năng mềm