[Ngày này năm xưa]: Ngày 25 tháng 02 năm 1886: Ngày mất của Phạm Viết Chánh, đại thần yêu nước triều Nguyễn

  1. Lịch sử

Ông Phạm Viết Chánh còn có tên là Phạm Hữu Chánh hoặc Phạm Chánh, sinh năm Giáp Thân (1824) tại Mỹ Lương (Mỹ Lồng), huyện Bảo Hựu, phủ Hoằng Trị, tỉnh Vĩnh Long, tức xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre bây giờ. Ông là một danh sĩ, đỗ cử nhân năm Bính Ngọ (1846), rất có tài về văn chương thi phú và từng làm quan ở Gia Định (TP. Hồ Chí Minh ngày nay). Sau khi ba tỉnh miền Đông (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) rơi vào tay thực dân Pháp (5-6-1862), ông được triều đình nhà Nguyễn điều về làm việc ở Huế, có lúc giữ chức Ngự sử đạo Hải Yến.

Năm Giáp Tý (1864), ông xin trở vào Nam để mộ dân khai hoang ở ba tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên), được triều đình Huế đồng ý và phong chức Doanh điền sứ An Giang nhưng thật ra là để ông xây dựng cơ sở chống Pháp. Năm Bính Dần (1866), ông được đổi làm Án sát (vị quan đứng đầu ngành tư pháp) tỉnh An Giang.

Đài_tưởng_niệm_Châu_Đốc

Đài tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ (Núi Sam, Châu Đốc), nơi có những dòng sử bi tráng nói về việc mất thành Châu Đốc, gắn với dại thần Phạm Viết Chánh.

Thấy phần mộ của thầy là Võ Trường Toản (ở Gia Định) nằm trong vùng Pháp đang chiếm đóng nên ngày 28-3-1867, ông cùng các đồng môn là các ông Phan Thanh Giản, Nguyễn Thông, Trương Gia Hội đã cải táng, di dời hài cốt thầy về xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre cho đến ngày nay. Các ông đâu có ngờ chỉ ít tháng sau (20-6-1867), Pháp lại tiếp tục chiếm Vĩnh Long và ngày 17-4-1868 lại chiếm nốt tỉnh An Giang và Hà Tiên, mộ của thầy Võ Trường Toản cũng lại tiếp tục nằm trong vùng bị giặc Pháp chiếm đóng.

Vì để mất tỉnh An Giang nên ông Phạm Viết Chánh cùng Tuần phủ Nguyễn Như Ý (Tỉnh trưởng An Giang) và Bố chính Nguyễn Hữu Cơ (vị quan đứng đầu ngành thuế của tỉnh An Giang) bị triều đình Huế phạt đánh 100 roi và đày đi xa trăm dặm. Đối với ông Phạm Viết Chánh vì đang dưỡng bệnh nên án tạm hoãn, không thi hành.

Ông Phạm Viết Chánh mất ngày 22 tháng Giêng năm Bính Tuất (25-2-1886) tại quê nhà Mỹ Lương (Mỹ Lồng), được đồng bào thời đó, nhất là nhân dân ba tỉnh miền Tây vô cùng thương tiếc và mến mộ. Ông được thờ trong Văn Thánh miếu tại Phường 4, TP. Vĩnh Long cùng với một số danh thần khác. Trong văn bia nói về việc mất thành Châu Đốc (An Giang) tại khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở núi Sam (Châu Đốc) bây giờ cũng có nhắc tên ông. Đã từ lâu, tên ông Phạm Viết Chánh được đặt cho một con đường tại trung tâm TP. Hồ Chí Minh (Quận 1) và một con đường ở quận Bình Thạnh.

Nguồn: Baodongkhoi.vn

Linh CK

Từ khóa: 

ngày này năm xưa

,

khoa lịch sử hcmue

,

tinh hoa việt nam

,

lịch sử