Nghi lễ nhậm chức của tổng thống Hoa Kỳ và của Chủ tịch nước Việt Nam

  1. Lịch sử

I/ Nghi lễ nhậm chức của Tổng thống Hoa Kỳ

Có 9 truyền thống trong ngày nhậm chức thường được duy trì từ trước đến nay, đó là:

1. Lễ cầu nguyện buổi sáng: Tổng thống đắc cử Franklin D Roosevelt đã bắt đầu truyền thống này vào năm 1933. Sau đó, các Tổng thống Obama, Bush, Bush, Reagan, Truman và Roosevelt đều tham dự các lễ cầu nguyện tại nhà thờ St John's gần Nhà Trắng.

2. Hai tổng thống gặp nhau: Tổng thống đắc cử và Tổng thống mãn nhiệm có cuộc gặp nhanh chóng tại Nhà Trắng trước khi cùng di chuyển tới điện Capitol, trụ sở quốc hội Hoa Kỳ và là nơi diễn ra tất cả các lễ nhậm chức hiện đại.

3. Phó tổng thống tuyên thệ nhậm chức: Phó tổng thống đắc cử Mike Pence nhậm chức trước.

4. Tổng thống đắc cử tuyên thệ: Nhiều khả năng ông Donald Trump sẽ tuyên thệ trên kinh thánh. Lời tuyên thệ, gồm 35 từ, phải được đọc chính xác theo hiến pháp. 

5. Bài phát biểu nhậm chức: Tất cả các tổng thống Hoa Kỳ từ thời George Washington đều có bài phát biểu nhậm chức, từ bài phát biểu chỉ gồm 135 từ của ông Washington tới bài diễn văn dài tới 8.445 từ của Tổng thống Henry Harrison vào năm 1841. 

6. Tạm biệt (tổng thống mãn nhiệm): Tổng thống mãn nhiệm thường rời đi nhanh chóng trong một cuộc tiễn đưa hoành tráng. Kể từ năm 1977, việc tiễn đưa diễn ra theo hình thức tổng thống mãn nhiệm rời đi bằng trực thăng, cũng có thể bằng tàu, ô tô hoặc máy bay.

7. Ăn mừng và tiệc tùng: Tiệc trưa nhậm chức dự kiến được tổ chức tại sảnh Statuary bên trong điện Capitol và bao gồm các bài phát biểu cũng như các món ăn từ bang quê nhà của Tân Tổng thống. Sau khi các sự kiện chính thức kế thúc sẽ là thời gian cho dành buổi chiều ăn mừng và tiệc tùng. 

8. Diễu hành nhậm chức: Tân Tổng thống sẽ ngồi tại khán đài quan sát dành cho tổng thống để theo dõi lễ diễu hành với sự tham gia của hơn 8.000 binh sĩ, các thuyền diễu hành và các ban nhạc diễu hành, di chuyển từ Đại lộ Pennsylvania tới Nhà Trắng. 

9. Tiệc khiêu vũ: Các Tân Tổng thống Hoa Kỳ thường tham dự các bữa tiệc khiêu vũ sau khi nhậm chức. Kỷ lục là cựu Tổng thống Bill Clinton đã tham gia 14 tiệc khiêu vũ vào năm 1997, trong khi ông Obama tham gia 10 tiệc khiêu vũ vào năm 2009. 

Ví dụ cụ thể: Quy trình nghi lễ nhậm chức của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump:

Vào 8h45 sáng 20/1, Tân Tổng thống và vợ tham dự các lễ cầu nguyện tại nhà thờ St. John’s.

   9h30 sáng 20/1 (tức 21h30 cùng ngày giờ VN): Chương trình lễ nhậm chức bắt đầu khi Tổng thống đắc cử Donald Trump và phu nhân tới Nhà Trắng. Sau lễ đón tiếp, họ dùng trà cùng vợ chồng Tổng thống sắp mãn nhiệm Obama.

 Lúc 10h30 (tức 22h30 giờ VN) ông Obama và ông Trump đã cùng nhau từ Nhà Trắng tới Đồi Capitol (Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ) để chuẩn bị cho lễ tuyên thệ nhậm chức.

Picture1

Đoàn xe chở gia đình ông Obama và ông Trump trên đường từ Nhà Trắng tới Đồi Capitol.

11h30 (23h30 giờ VN): Dàn nhạc Hải quân Hoa Kỳ với 130 nhạc công sẽ trình diễn mở màn. Sẽ có các bài phát biểu của các nhà lãnh đạo, cũng như Thượng nghị sĩ Roy Blunt của bang Missouri, Chủ tịch Ủy ban liên hợp về Lễ nhậm chức thuộc Quốc hội Hoa Kỳ (JCCIC).

 Chương trình sẽ tiếp tục với phần biểu diễn của dàn hợp xướng Đại học Quốc gia Missouri, trước khi Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence tuyên thệ. Sau khi ông Pence tuyên thệ để trở thành phó tổng thống thứ 48 của Hoa Kỳ, dàn hợp xướng Mormon Tabernacle sẽ biểu diễn.

Picture2

Hai cặp vợ chồng quyền lực của nước Hoa Kỳ chụp ảnh chung tại Nhà Trắng. Sau buổi trà đàm tại đây, cả bốn người sẽ tới Đồi Capitol dự lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

12h trưa 20/1 giờ Hoa Kỳ (0h00 ngày 21/1 giờ VN)

 Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ thực hiện nghi thức tuyên thệ. Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts sẽ là người dẫn đọc lời tuyên thệ 35 từ trong Hiến pháp Hoa Kỳ.

 "Tôi xin chính thức thề rằng tôi sẽ đảm đương chức vụ tổng thống Hoa Kỳ một cách trung thành và sẽ làm hết khả năng để gìn giữ, duy trì và bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ. Vì vậy xin Chúa hãy giúp tôi".

 Dàn nhạc Hải quân Hoa Kỳ sau đó sẽ chơi bài "Hail to the Chief" (Lời chào gửi đến người lãnh đạo) và ông Trump sẽ chính thức trở thành tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 cùng 21 phát đại bác.

 Tiếp theo, Tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ có bài phát biểu nhậm chức. Sau khi ông Trump phát biểu xong, mục sư Marvin Hier, linh mục Franklin Graham và giám mục Wayne T. Jackson sẽ tiến hành nghi lễ chúc phúc với các đoạn trích từ Kinh Thánh.

 Tài năng âm nhạc 16 tuổi Jackie Evancho, á quân cuộc thi "America's Got Talent", sẽ hát quốc ca Hoa Kỳ, kết thúc lễ nhậm chức.

 14h00 ngày 20/1 (2h sáng 21/1 giờ VN): Tân Tổng thống và tân Phó Tổng thống Hoa Kỳ cùng phu nhân tham dự lễ diễu hành dọc đại lộ Pennsylvania từ Đồi Capitol đến Nhà Trắng.

 Đoàn diễu hành gồm khoảng 8.000 người, bao gồm các cựu binh và thành viên đang hoạt động của các đoàn nhạc đại học, quân đội, các đơn vị cảnh sát, cơ động Hoa Kỳ,…

 Chiều 20/1 (rạng sáng 21/1 giờ VN): Tân Tổng thống Hoa Kỳ sẽ tham dự 3 buổi tiệc khiêu vũ. Trong đó gồm 2 tiệc khiêu vũ chính thức tổ chức tại Trung tâm hội nghị Walter E. Washington, và một tiệc khiêu vũ ở Phòng khiêu vũ quân đội.

 15h00 ngày 21/1 (22h00 ngày 21/1 giờ VN): Lễ cầu nguyện truyền thống cho Tân Tổng thống và Phó Tổng thống tại Nhà thờ quốc gia Washington. Lễ cầu nguyện đánh dấu chấm dứt chương trình chính của lễ nhậm chức.

II/ Nghi lễ nhậm chức của Chủ tịch nước Việt Nam

  Trong dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa ra hai phương án thực hiện nghi thức tuyên thệ của lãnh đạo cấp cao là Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và Chánh án TAND Tối cao.

 Đây là nghi lễ bắt buộc thực hiện theo quy định tại Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội.

 Lễ tuyên thệ sẽ diễn ra tại phòng họp Diên Hồng dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội hoặc Tổng thư ký Quốc hội. Người tham dự là đại biểu và khách mời quốc tế dự kỳ họp.

 Nhạc lễ được chọn là "Tiến bước dưới quân kỳ" lúc người tuyên thệ đi lên làm lễ và "Vì nhân dân quên mình" khi đi xuống. Trước và sau khi đọc lời tuyên thệ, lãnh đạo phải hướng về phía quốc kỳ và cúi đầu chào. Nghi thức yêu cầu lãnh đạo nam mặc comple màu sẫm, áo sơ mi có cà vạt, lãnh đạo nữ mặc áo dài sẫm, không họa tiết.

 Nghi thức quy định lãnh đạo phải đặt tay trái lên quyển Hiến pháp 2013, đọc lời không quá một phút với nội dung: "Tôi tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Khi lễ tuyên thệ diễn ra, các đại biểu đều phải đứng lên, không quay phim, chụp ảnh.

 Trước đó, nhiều ý kiến cử tri và đại biểu Quốc hội cho rằng tại lần tuyên thệ vừa qua, khi các lãnh đạo đứng làm nghi thức thì đại biểu ngồi, nhiều người còn quay phim, chụp ảnh là chưa thể hiện được tính trang nghiêm của buổi lễ.

 Trong phương án 1, lễ tuyên thệ sẽ diễn ra tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, phòng họp được giữ nguyên phông khánh tiết của kỳ họp. Phương án 2, đề xuất tiến hành nghi lễ tuyên thệ nhậm chức riêng, sau khi kết thúc phiên họp.

 Theo phương án 2, phông khánh tiết của phòng họp ghi nội dung Lễ tuyên thệ nhậm chức và ghi chức danh người nhậm chức. Bắt đầu vào buổi lễ sẽ chào cờ và hát quốc ca.

 Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng việc xây dựng lễ tuyên thệ của lãnh đạo cấp cao thành nghi thức chuẩn mực là cần thiết. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đảm nhiệm chức năng này như Bộ Lễ thời xưa là hoàn toàn phù hợp.

Picture3

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng việc xây dựng lễ tuyên thệ của lãnh đạo cấp cao thành nghi thức chuẩn mực là điều cần thiết. Ảnh: H.H.

 Vị đại biểu Quốc hội này tán thành với phương án 1 của dự thảo. "Quốc hội bầu ra các chức danh ấy thì tiến hành lễ tuyên thệ ngay trong phiên họp", ông nói.

 Theo ông Quốc, lời tuyên thệ ngắn gọn như trong dự thảo là hợp lý, chứa ba mệnh đề chính là trung thành với Tổ quốc - trung thành với nhân dân và trung thành với Hiến pháp. Nếu lãnh đạo muốn hứa hẹn hoặc phát biểu thì nên để sau đó.

 "Lời tuyên thệ là lời hứa thiêng liêng, bao quát nhất và thể hiện tinh thần trách nhiệm của một người", ông nói và cho rằng dự thảo nên bổ sung trước lời tuyên thệ câu "Dưới/ Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng..." tùy thuộc vào vị trí đứng của người tuyên thệ so với quốc kỳ.

 Ông Quốc cho rằng tuyên thệ là của cá nhân nhưng thực hiện trước Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội thay mặt nhân dân chứng kiến, xác nhận và giám sát vị lãnh đạo đó có thực thiện, hoàn thành lời tuyên thệ nên cần phải nghiêm túc, đứng dậy cùng tham gia chứ không chỉ làm người quan sát.

 "Lần trước các đại biểu ngồi, thậm chí đoàn chủ tịch cũng ngồi cao hơn so với người tuyên thệ là chưa phù hợp", ông Quốc nói.

 Trước đó ngày 7/7, Thứ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đã chủ trì cuộc họp lấy ý kiến về nghi lễ tuyên thệ nhậm chức của các chức danh lãnh đạo cấp cao do Quốc hội bầu, theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Các ý kiến sẽ được tổng hợp, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chuẩn bị cho kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 14.

Ví dụ cụ thể: Quy trình thực hiện nghi lễ nhậm chức của Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Sáng 2/4/2016, Đại tướng Trần Đại Quang đã chính thức được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với tỷ lệ 91,50% Đại biểu có mặt đồng ý.

Picture4

Tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ trước Quốc hội và nhân dân.

Ảnh: Dân Việt.

  Ngay sau khi các ĐBQH biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước là phần Nghi lễ tuyên thệ của tân Chủ tịch nước.

  Mở đầu phần nghi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mời đội nghi lễ vào vị trí. Tiếp đến, Chủ tịch Quốc hội mời Chủ tịch nước Trần Đại Quang lên tuyên thệ.

 Đứng trước Quốc hội và cờ Tổ quốc, ông Trần Đại Quang bày tỏ sự cám ơn chân thành Quốc hội đã tín nhiệm bầu ông giữ chức vụ Chủ tịch nước. Ông tuyên thệ: “Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào và cử tri cả nước, tôi Trần Đại Quang- Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc. Với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước và Nhân dân giao phó".

 Thay mặt Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tặng hoa chúc mừng tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

 Ngay sau đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và tặng người tiền nhiệm bó hoa tươi thắm.

 Sau nghi lễ nhậm chức, trả lời phỏng vấn TTXVN, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước, ông sẽ nỗ lực, đem hết sức mình hoàn thành tốt nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, các nhiệm vụ do Đảng phân công, tập trung một số công việc trọng tâm sau:

  - Phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trên lĩnh vực lập pháp, hành pháp; tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Hiến pháp năm 2013; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, đáp ứng đòi hỏi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

  - Chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Nghiên cứu, đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cụ thể hóa nhiệm vụ Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân và cơ chế tổ chức, hoạt động của Hội đồng Quốc phòng và An ninh như nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phát biểu tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII.

  - Phối hợp chỉ đạo thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phục vụ mục tiêu bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

  - Chú trọng cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

  - Tích cực phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc chăm lo cho các tầng lớp nhân dân và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Luận bàn chút chuyên quốc gia

Lễ nghi Bắc Mỹ với vùng Á Đông

Linh CK.

(Dẫn từ nhiều tư liệu)

Từ khóa: 

lịch sử việt nam

,

lịch sử