Người Việt có thực sự yêu Tổ Quốc???

  1. Lịch sử

  2. Văn hóa

Một hôm đi thăm bảo tàng thuộc địa (nay là bảo tàng người nhập cư) ở ngoại ô Paris, tôi có đọc được một đoạn sử rất thú vị.

Người Pháp từ khi bắt đầu chinh phục Đông Dương vào năm 1858 cho đến khi hoàn tất vào năm 1893 (với việc sáp nhập bờ đông sông Mekong tức Lào của Thái Lan, dù Pháp vẫn chiếm thêm đất của Thái tới tận 1907) đã trải qua 35 năm đầy biến động ở chính quốc. Các cuộc chiến tranh liên miên của Napoleon III ở châu Âu đã khiến quá trình này thực sự kéo dài hơn họ tưởng. Nhưng rồi cuối cùng thì một nước Pháp thân tàn ma dại cũng chiếm được 737,000km2 lãnh thổ phía Đông này với người Việt là dân tộc đa số.

Thật ra người Pháp đã không tốn quá nhiều sức lực để đánh chiếm Đại Nam (như trận 7 lính Pháp hạ thành Bắc Ninh). Nói cách khác, người Việt Nam đã chống trả không đáng kể, đặc biệt là ở Bắc Kì. Nam Kì thì có mạnh mẽ thời đầu, nhưng sau đó họ hoà nhập rất nhanh vào đời sống mới và trở nên giàu có một cách ấn tượng.

Có điều gì trùng hợp trong trường hợp với hai cuộc “xâm lược” khác của ngoại bang đã xảy ra vào năm 1407 và 1788? Đó là quân Minh và quân Thanh đã vào Lạng Sơn như chỗ không người và tiến thẳng tới Thăng Long. Năm 1407, quan quân nhà Hồ buông giáo theo Trương Phụ cùng Mộc Thạnh đuổi đánh tàn quân cha con Quý Ly đến tận Thanh Hoá và kiên quyết chỉ điểm cho người Trung Hoa bắt được họ Hồ giải về Yên Kinh. Năm 1788, Tôn Sĩ Nghị giao tranh với quân Tây Sơn một vài trận nhỏ với sự giúp sức về lương thực và khí giới từ người dân Đàng Ngoài, và họ rất hào hứng khi xem “giặc Tây và quân Thanh đánh nhau”. Kể thêm một chút, đến năm 1802 khi vua quan nhà Tây Sơn chui rúc lên vùng Bắc Ninh cũng bị người dân lùng bắt đem cho quân đội “đối địch” nhà Nguyễn.

Vậy người Việt có thật sự yêu nước không và cái yêu nước đó là gì ?

Rất khó có thể nói rằng người Việt thời Trần lại khác người Việt thời Hồ, hoặc người Việt thời Lê Lợi lại khác người Việt thời Tự Đức về mặt dân tộc hay văn hoá. Cái khác ở đây đó là tâm thế. Họ cần một sự giải thoát.

Các chế độ quân chủ (theo cách hiểu ngày nay là độc tài toàn trị) sau một thời gian cầm quyền tạo ra rất nhiều kẻ thù trong nội bộ quốc gia. Thông qua quá trình thu gom mọi lực lượng sản xuất và cơ hội phát triển của dân tộc vào một nhóm nhỏ người trung thành với triều đình, họ khiến cho trí thức và thương nhân bị chèn ép đến ngạt thở và luôn ngóng trông một cơ hội vụt thoát ra khỏi hoàn cảnh vô lý đó. Là những người có tài về đầu óc, họ rất khó chịu khi thấy những nỗ lực của bản thân không được coi trọng và phải quay về làm nông hoặc dậy học nếu không muốn bị coi là phản nghịch. Còn khi đỗ đạt ra làm quan thì phải nịnh nọt và kéo bè kết cánh trong triều đình. Một cách hiển nhiên, những vị vua kế nghiệp sẽ càng ngày càng sa đà vào ăn chơi và phá hoại vì cơ nghiệp đó không phải do họ tạo ra. Sự chán ghét chính trị của dân tộc này vốn xuất phát từ tâm lý luôn coi mình là kẻ bị trị dưới đáy xã hội, và bất kì một triều đại nào tồn tại đủ lâu cũng tích luỹ đủ mâu thuẫn có thể giết nó từ bên trong.

Nhưng trong đa phần trường hợp, hy vọng giải thoát đó lại đến từ bên ngoài khi dải đất này bị ngoại bang xâm lăng. Các triều đại càng độc ác và ra những án phạt kinh khủng (tru di tam tộc) thì càng dễ dàng sụp đổ khi một thế lực bên ngoài có thể chiêu dụ được phần lớn người dân bất mãn. Lúc này, kĩ thuật và vũ khí ngoại bang là điều kiện đủ để một chính quyền vốn đã không có chính nghĩa và lòng người lại càng nhanh sụp đổ.

Người Việt vẫn là người Việt, nhưng khi có ngoại xâm xảy ra, hãy xem bao nhiêu sức và của từ người dân đóng góp cho công cuộc bảo vệ quyền lực của hoàng gia. Nó tuỳ thuộc vào sự tích luỹ những mâu thuẫn của giới cai trị và tầng lớp trí thức và thương gia.

https://cdn.noron.vn/2021/12/28/25885491665821349985258941083162832038552398n-1640665767.jpg
Từ khóa: 

nước pháp

,

thuộc địa

,

lịch sử

,

văn hóa

Vậy theo bạn người Việt có thực sự yêu Tổ Quốc không, đọc hết bài vẫn không tìm ra câu trả lời của bạn cho câu hỏi này

Trả lời

Vậy theo bạn người Việt có thực sự yêu Tổ Quốc không, đọc hết bài vẫn không tìm ra câu trả lời của bạn cho câu hỏi này