"Nhị Nguyên" vs. "Bất Nhị" - đâu mới là chân lý?
Sự sống của con người, có sinh có diệt, có vui có buồn, có thiện có ác, có thăng có trầm, có tan có hợp, có nam có nữ, có ngày có đêm...đây đã là những sự thật gần như hiển nhiên vậy. Trong triết học, có một khái niệm được dùng để diễn tả quy luật này của vũ trụ, của sự sống, gọi là Thuyết Nhị Nguyên (Duality). Còn việc tại sao lại nói "gần như", mình sẽ giải thích dần xuyên suốt bài viết.
Thuyết Nhị Nguyên (Duality) - khái niệm cơ bản
Về cơ bản, thuyết này cho rằng vạn vật trong vũ trụ luôn tồn tại theo cặp. Ví dụ: có thánh thiện thì phải có tàn ác, có thần tiên thì nhất định có quỷ dữ, có lên ắt có xuống, vui - buồn, sinh - tử không thể tách rời nhau, v.v...Đây cũng là nghĩa gốc của từ "duality" trong tiếng Anh.
Về khởi điểm, Thuyết Nhị Nguyên đã được các triết gia từ thời cổ đại đề cập đến, cụ thể là Lão Tử tại Trung Quốc & Heraclitus tại Hy Lạp. Thuyết này được thể hiện rõ ràng qua biểu tượng Âm Dương trong Đạo Giáo của Lão Tử: có âm (đen) tất phải có dương (trắng), và trong âm có dương, trong dương có âm - 2 thái cực này không thể bị tách rời.
Nguồn: rhythmkeepers.ca
Sự hiện diện (manifestation) của Thuyết Nhị Nguyên trong đời sống, trong vũ trụ
Ngoài những ví dụ rất dễ thấy đã liệt kê, hiện thân của Thuyết Nhị Nguyên gần như có thể được tìm thấy trong hầu hết các lĩnh vực - từ triết học, tâm linh, tôn giáo, vật lý Newton, vật lý lượng tử, khoa học vi tính...tất cả đều ít nhiều mang trong mình yếu tố nhị nguyên. Chúng ta hãy cùng điểm qua vài ví dụ nhé:
- Trong vật lý cổ điển, định luật III Newton: khi chúng ta tác động một lực bất kỳ lên một vật, thì sẽ nhận lại một phản lực với cùng cường độ, cùng phương nhưng ngược chiều, đến từ vật đó.
- Trong vật lý lượng tử: chúng ta có hạt & phản hạt, vật chất & phản vật chất. Ngoài ra còn có hiện tượng "vướng mắc lượng tử" (quantum entanglement) - cho một cặp electron bất kỳ cách xa nhau vô tận, khi ta tác động vào chỉ 1 trong 2 electron này, electron còn lại cũng sẽ chịu ảnh hưởng: 2 electron này dường như tồn tại gắn liền với nhau. Đây cũng là sự thể hiện của Thuyết Nhị Nguyên.
Nguồn: Twitter.
- Trong nhiệt động lực học (thermodynamics): chúng ta có khái niệm entropy ("độ hỗn độn") & phản entropy, hay negentropy.
- Trong sinh học & thế giới tự nhiên: ta biết rằng cả Mẹ Trái Đất lẫn cơ thể con người đều có khả năng tự cân bằng. Ví dụ: chúng ta sẽ đổ mồ hôi một cách vô thức, khi năng lượng trong cơ thể được đốt cháy. Ở tầm vĩ mô hơn, hiện tượng biến đổi khí hậu, những cơn mưa to & trái mùa cũng là một cách để Mẹ Trái Đất "toát mồ hôi", nhằm điều tiết lại sự tàn phá của con người.
- Trong lĩnh vực điện tử & khoa học vi tính: ta biết rằng hầu hết máy vi tính đương thời đều được vận hành dựa trên nguyên tắc tính toán & biểu đạt giá trị của hệ nhị phân (binary), với các con số 0 & 1. Cho đến ngày nay, hệ nhị phân vẫn được cho là hệ đếm phù hợp nhất dành cho máy vi tính.
Nguồn: Pinterest.
- Trong Phật Giáo & Ấn Độ Giáo: ta có khái niệm Karma (tức "nghiệp" hoặc "hành động"). Theo đó, khi chúng ta làm một điều tốt cho một người bất kỳ, ta cũng sẽ nhận lại một điều tốt tương ứng từ một người khác, và ngược lại. Trong vũ trụ dường như có một trí tuệ siêu nhiên nào đó, luôn tự cân bằng mọi hành động của chúng ta. Đây cũng là sự thể hiện của Thuyết Nhị Nguyên vậy.
- Cuối cùng, trong cuộc sống thường ngày: có thể không phải ai cũng nhận thấy, nhưng dường như mỗi khi chúng ta làm việc chăm chỉ, hết mình, thì vũ trụ này sẽ tự động cân bằng, trả lễ cho chúng ta bằng một sự may mắn không ngờ nào đó. Ngược lại, khi liên tục ăn chơi, chè chén, hưởng thụ, thì vũ trụ tự khắc sẽ tạo thêm gian nan, thử thách, nhằm đưa ta về lại với trạng thái cân bằng.
Dẫn chứng cuối cùng vừa rồi cũng chính là vấn đề mà mình muốn đặt ra: vậy rốt cục, đây có phải là mục đích/vai trò tối hậu của Thuyết Nhị Nguyên trong vũ trụ? Nhằm giúp con người cũng như vạn vật luôn đạt trạng thái cân bằng? Và nếu quả thực là vậy, thì chúng ta có thể rút ra một bài học, hoặc một ứng dụng nào từ việc này không?
Trích dẫn của nhà sáng lập McDonald's về Thuyết Nhị Nguyên. Nguồn: brainyquote.com
Một khi đã nắm được quy luật nhị nguyên này của vũ trụ, chúng ta liệu có nên lao đầu vào làm việc ngày đêm, bỏ qua tất cả những thú vui tiêu khiển trước mắt!? Sau cùng thì, chẳng phải khi chúng ta càng bỏ ra nhiều công sức, lao động càng chăm chỉ, thì càng nhận lại nhiều may mắn đó sao!?
Chà...có lẽ cũng không hẳn như vậy. Bạn hãy tưởng tượng con người chúng ta sống một cuộc sống mà lúc nào cũng phải cân đo đong đếm những "may mắn" cũng như "xui xẻo" mà chúng ta có thể nhận được, tùy vào những việc mà mình đang & sẽ thực hiện.
Ví dụ, bạn có thể sẽ nghĩ:
"Tôi có nên đi chơi với bạn bè vào tối nay không? Vì sau khi thư giãn thỏa thích, đằng nào vũ trụ cũng sẽ tự cân bằng & tạo thêm cho tôi những sự khó chịu, bực mình mới. Thay vào đó, có lẽ tôi nên tăng ca tối nay, vì việc này sẽ giúp tôi trở nên may mắn hơn!"
Một cuộc sống như vậy chắc chắn sẽ rất mệt mỏi, vì bạn sẽ phải không ngừng suy nghĩ, tính toán những được & mất của mình, trong mọi hoạt động lớn nhỏ mỗi ngày. Thế nên, vốn là một hệ tư tưởng với góc nhìn sâu sắc, Phật Giáo đã mang đến cho con người một thuyết khác: Thuyết Bất Nhị (Non-duality), nhằm giải quyết vấn đề này.
Nguồn: Stillness Speaks.
Thuyết Bất Nhị (Non-duality) & cách tiếp cận vấn đề mới
Điểm khác biệt cốt lõi của Thuyết Bất Nhị là ở chỗ: nó không nhìn nhận, không phân chia vũ trụ này thành 2 thái cực đối lập. Đối với Thuyết Bất Nhị, chẳng có thứ gì là "thiện", cũng chẳng có điều gì là "ác". Không có tích cực hay tiêu cực, không có thấp hèn hay giàu sang, không có hạnh phúc hay đau khổ...những khái niệm này chỉ tồn tại trong suy nghĩ & tư tưởng của con người.
Và theo quan điểm Phật Giáo, một khi con người có thể gỡ bỏ những khái niệm này khỏi tâm trí, cùng những cảm xúc đi liền với nó, chúng ta coi như có thể đạt đến Niết Bàn (Nirvana). Đây cũng là lý do tại sao vào đầu bài viết, mình đã đề cập rằng sự tồn tại của những thái cực đối lập trong cuộc sống chỉ "gần như" là hiển nhiên.
Tuy nhiên, Thuyết Bất Nhị cũng có những vấn đề của riêng nó. Đặc biệt là khi áp dụng nó vào đời sống xã hội hiện đại. Bạn hãy tưởng tượng một xã hội, nếu không có ranh giới giữa cái ác & cái thiện, thì có thể trở nên hỗn loạn thế nào.
Liệu Thuyết Bất Nhị có là chân lý của vũ trụ!? Nguồn: Awareness Now.
Con người chúng ta, cho dù "nhân chi sơ tính bổn thiện", thì vẫn luôn bị các nhu cầu về mặt bản năng sai khiến. Những bản năng này đôi khi khiến chúng ta xâm phạm đến lợi ích của người khác. Và nếu trong suy nghĩ của chúng ta không có sự phân biệt rạch ròi giữa điều nên làm & không nên làm, thì xã hội sẽ khó có thể tồn tại bền vững.
Vậy, đâu là giải pháp?
Giải pháp hợp lý nhất, có lẽ là tạo dựng được cho bản thân mình một sự cân bằng giữa cách tiếp cận nhị nguyên & bất nhị, và duy trì sự cân bằng đó. Chúng ta cần phải ý thức được khả năng tự cân bằng của vũ trụ, và tìm cách hướng nguồn năng lượng này theo chiều hướng tích cực. Cùng lúc đó, có lẽ ta cũng nên tự nhủ bản thân rằng mình không cần phải sở hữu mọi may mắn đến từ vũ trụ, rằng đôi khi thư giãn & chiều chuộng bản thân một chút cũng là điều nên làm.
Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Quốc tế Lao động 1/5 sắp đến rồi, bạn đã sẵn sàng làm việc thật chăm chỉ & gặt hái may mắn từ vũ trụ chưa? Hãy cùng chia sẻ tại phần bình luận nhé!
Nguồn:
Begley, K. (2012): The concept of duality and its representation in language as antonymy (academia.edu).
Lê Sỹ Minh Tùng (2011): Bát Nhã Tâm Kinh giảng giải vô lượng Niết Bàn (thuvienhoasen.org).
Phan Bích Hợp (2015): Bi kịch nhị nguyên và số phận con người (Tạp chí Tia Sáng).
Truyền Bình (2012): Ý nghĩa của bất nhị trong Phật Giáo (Duy Lực Thiền).
thuyết nhị nguyên
,thuyết bất nhị
,duality
,non-duality
,quốc tế lao động
,tâm linh
Bạn trích Thái Cực Đồ và cho rằng Đạo giáo của Lão Tử là học thuyết nhị nguyên thì có lẽ hơi nhầm. Bất nhị nguyên có lẽ chính là nhất nguyên của Đạo giáo, trước là Lão Tử, sau là Trang Tử.
Thuyết âm-dương có câu Vô cực (hư vô) sinh Thái cực, Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái. Lưỡng nghi chính là âm-dương. Âm - Dương hợp nhất trọng Đạo sẽ trở thành nhất nguyên (Thái cực). Đạo giáo xem đây là trở về với cái "Chân".
Ngay cả trong câu Âm trung hữu Dương căn, Dương trung hữu Âm căn (trong Âm có Dương, trong Dương có Âm) cũng chính là cái nói lên cái Nhất nguyên của Đạo giáo. Bởi vậy, Đạo giáo muốn con người trở về với cái Chân của mình, trở về với Nhất nguyên.
Còn việc tách bạch thị phi. Khó lắm thay. Bạn có thể nghĩ mình đã làm việc tốt, nhưng ở góc nhìn người khác, việc đó lại chẳng tốt tý nào.
Ví dụ như câu: Sát nhất miêu cứu vạn thử. Rõ giết 1 con mèo thì ác với con mèo, nhưng đối với con chuột đó là điều tốt, nhưng nếu đối với ng dân thì bị chuột cắn phá đồ lại thành ko tốt, nhưng (lại nhưng) đối với con cú mèo đó lại là điều tốt, vì có con chuột cho nó mang về cho con nó. Hay như tích "Tái ông thất mã tri an, họa". Đọc qua bạn có thể thấy rõ cái họa ng này là cái phúc kẻ khác, trong đúng có sai, trong sai có đúng, trong Âm có Dương, trong Dương có Âm. Đúng sai ở trên đâu thể tách bạch ra đc. Nhất nguyên nằm ở chỗ đó. Phân tích ra thì triết gia ngày xưa cả Đông Tây đều theo Nhất Nguyên luận nhiều lắm. Chỉ là cách nói khác nhau thôi.
Còn Nhất hay Nhị chẳng phải là chân lý vũ trụ gì cho cam. Nó chỉ là sự nhận thức của con người về sự vật, nó mang nghĩa triết học chứ chẳng gì cao siêu. Cách bạn nhìn nhận một sự việc, cách bạn hiểu 1 vấn đề. Bó hẹp tư tưởng thì tách bạch Nhị nguyên, mở rộng tư tưởng thì mọi thứ đều là một.
Định luật III Newton thì cũng chỉ là 1 hệ. Rối lượng tử thì cũng chỉ là 1 cặp. Đến số 0 số 1 chỉ là 1 hệ đếm. Có nhân thì có quả cũng chỉ là 1 nghiệp. Tất cả, bạn thấy đấy đều từ 1 cái gì đó mà phân ra thành 2. (Mặc dù các ví dụ trên về nhị nguyên thì không thỏa đáng lắm).
Còn trong đời sống, như đã nói, đừng để nhị nguyên che mờ phán đoán. Ko có cái gì là tuyệt đối ngoài vận tốc tối đa của ánh sáng. Nên nhìn từ nhiều khía cạnh để thấy đc cái tổng thể chứ đừng quá tách bạch đúng sai, phải trái, ko khỏi khiến ta trở nên phiến diện.
Nguyễn Quang Vinh
Bạn trích Thái Cực Đồ và cho rằng Đạo giáo của Lão Tử là học thuyết nhị nguyên thì có lẽ hơi nhầm. Bất nhị nguyên có lẽ chính là nhất nguyên của Đạo giáo, trước là Lão Tử, sau là Trang Tử.
Thuyết âm-dương có câu Vô cực (hư vô) sinh Thái cực, Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái. Lưỡng nghi chính là âm-dương. Âm - Dương hợp nhất trọng Đạo sẽ trở thành nhất nguyên (Thái cực). Đạo giáo xem đây là trở về với cái "Chân".
Ngay cả trong câu Âm trung hữu Dương căn, Dương trung hữu Âm căn (trong Âm có Dương, trong Dương có Âm) cũng chính là cái nói lên cái Nhất nguyên của Đạo giáo. Bởi vậy, Đạo giáo muốn con người trở về với cái Chân của mình, trở về với Nhất nguyên.
Còn việc tách bạch thị phi. Khó lắm thay. Bạn có thể nghĩ mình đã làm việc tốt, nhưng ở góc nhìn người khác, việc đó lại chẳng tốt tý nào.
Ví dụ như câu: Sát nhất miêu cứu vạn thử. Rõ giết 1 con mèo thì ác với con mèo, nhưng đối với con chuột đó là điều tốt, nhưng nếu đối với ng dân thì bị chuột cắn phá đồ lại thành ko tốt, nhưng (lại nhưng) đối với con cú mèo đó lại là điều tốt, vì có con chuột cho nó mang về cho con nó. Hay như tích "Tái ông thất mã tri an, họa". Đọc qua bạn có thể thấy rõ cái họa ng này là cái phúc kẻ khác, trong đúng có sai, trong sai có đúng, trong Âm có Dương, trong Dương có Âm. Đúng sai ở trên đâu thể tách bạch ra đc. Nhất nguyên nằm ở chỗ đó. Phân tích ra thì triết gia ngày xưa cả Đông Tây đều theo Nhất Nguyên luận nhiều lắm. Chỉ là cách nói khác nhau thôi.
Còn Nhất hay Nhị chẳng phải là chân lý vũ trụ gì cho cam. Nó chỉ là sự nhận thức của con người về sự vật, nó mang nghĩa triết học chứ chẳng gì cao siêu. Cách bạn nhìn nhận một sự việc, cách bạn hiểu 1 vấn đề. Bó hẹp tư tưởng thì tách bạch Nhị nguyên, mở rộng tư tưởng thì mọi thứ đều là một.
Định luật III Newton thì cũng chỉ là 1 hệ. Rối lượng tử thì cũng chỉ là 1 cặp. Đến số 0 số 1 chỉ là 1 hệ đếm. Có nhân thì có quả cũng chỉ là 1 nghiệp. Tất cả, bạn thấy đấy đều từ 1 cái gì đó mà phân ra thành 2. (Mặc dù các ví dụ trên về nhị nguyên thì không thỏa đáng lắm).
Còn trong đời sống, như đã nói, đừng để nhị nguyên che mờ phán đoán. Ko có cái gì là tuyệt đối ngoài vận tốc tối đa của ánh sáng. Nên nhìn từ nhiều khía cạnh để thấy đc cái tổng thể chứ đừng quá tách bạch đúng sai, phải trái, ko khỏi khiến ta trở nên phiến diện.
NGUYEN NGUYEN
Hai Vu
Nguyễn Hoàng Đặng
Lai Tú Trân.
cám ơn bạn đã chia sẽ để mình hiểu thêm vấn đề này ..nó thật mới lạ với mình .
Bùi Hồng Đức An
nhị nguyên
Tâm Tâm
Chàng Bịa Đặt
Chân Lý là ở Giữa "Nhị nguyên" và "Bất nhị", là chữ VS (Vui Sống)!☺️