Nhị thập bát tú

  1. Khoa học

Bài viết có tham khảo bài viết cùng chủ đề trên website Thiên văn Việt Nam VACA.

Chúng ta có lẽ đã quen thuộc với cái tên Nhị thập bát tú, đó là một trong những điểm hay và độc đáo nhất của thiên văn học phương Đông.

Vậy cái tên Nhị thập bát tú có từ khi nào? Có tài liệu nói rằng đã có ghi chép về Nhị thập bát tú từ thời Chiến quốc, 400 TCN ở Hồ Bắc, và khẳng định nó có sớm nhất là vào thế kỷ 5 TCN.

Nhị thập bát tú đúng như tên gọi, nó có tổng cộng 28 tú (chòm sao) được chia là 4 cung tương ứng bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc, mỗi cung 7 chòm, đó là:

Thanh Long (Rồng xanh )phương Đông gồm các tú:
Giác – Cang – Đê – Phòng – Tâm – Vĩ – Cơ.

Bạch Hổ (Hổ trắng) phương Tây gồm các tú:
Khuê – Lâu – Vị – Mão – Tất – Chủy – Sâm.

Chu Tước ( Chim sẻ đỏ) phương Nam gồm các tú:
Tỉnh – Quỷ – Liễu – Tinh – Trương – Dực – Chẩn.

Huyền Vũ (Rùa đen, rắn đen) phương Bắc gồm các tú:
Đẩu – Ngưu – Nữ – Hư – Ngụy – Thất – Bích.

Việc đặt tên các Tinh tú cũng đặc biệt:

Mỗi tên các Tú gồm 3 chữ, các tên Tú ở trên chỉ là tên gọi tắt theo tên sao chủ. Sao chủ là sao gần với đường đi biểu kiến của Mặt Trăng nhất, ta hay gọi đường đó là đường Bạch Đạo. Do vậy sao chủ không cần là sao sáng nhất.

Việc đặt tên chữ đầu tiên (sao chủ) không theo quy luật nào cả: có thể là bộ phận cơ thể (sừng, cổ, tim,…), có thể là đồ vật (đấu, giỏ, lưới, xe), có thể là con người (nữ), con vật (trâu), cũng có thể là kiến trúc (phòng, tường, giếng,…,), có thể có cả các khái niệm (gốc, hư,…). Việc này phản ánh tư duy phóng khoáng không gò bó của người Trung Hoa cổ đại.

Chữ thứ 2 là một trong Thất chính lần lượt theo thứ tự: Mộc – Kim – Thổ – Nhật – Nguyệt – Hỏa – Thủy. Đó là Ngũ Hành cộng thêm Mặt Trăng và Mặt Trời.

Chữ cuối cùng là tên 1 con vật, gồm cả vật nuôi (trâu, gà), vật hoang (sói, hồ ly) , và thần thoại (rồng)

Con số 7 (Thất chính, chữ thứ hai) cũng là một cơ số quan trọng đối với người Trung Hoa. Có học giả cho rằng thời cổ đại người Trung Hoa chưa dùng cơ số 10, mà mới dùng cơ số 7, nên để lại một số dấu vết như tục cúng bảy bảy bốn chín ngày.

Các chòm này có số sao không giống nhau, ít nhất là 2 (Chòm Giác Mộc Giao) và nhiều nhất là 22 (Chòm Khuê Mộc Lang).


Nhị thập bát tú đã ăn sâu vào văn hóa của Trung Quốc và các nước lân cận trong đó có Việt Nam. Chẳng hạn chòm sao Khuê Mộc Lang tượng trưng cho Văn học, và ở Văn miếu Hà Nội có Khuê Văn Các (gác sao Khuê) tượng trưng cho vẻ đẹp, cao quý của văn học. Đây là biểu tượng không chỉ của thủ đô nà còn của cả đất nước. Vua Lê Thánh Tông đã lập ra Hội thơ Tao Đàn với 28 người tượng trưng cho Nhị thập bát tú với ông là chủ soái nhưng tiếc rằng hội thơ tồn tại không lâu.

Có một điều cũng khá thú vị đó là: Nhị thập bát tú ứng với 28 mạch trong cơ thể con người.

Tác giả: Robert Nguyen (Công Đoàn)

220px-Chòm_Sao_Khuê_Tú.svg_
Từ khóa: 

thiên văn học

,

tinh tú

,

khoa học