Nói về đòn roi

  1. Giáo dục

https://cdn.noron.vn/2021/12/30/388092970615626318-1640833749.jpg

Tuổi thơ của tôi cũng lớn lên từ những "đòn roi", mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa lý giải được câu nói mà mẹ tôi thường phát lên khi đánh đòn tôi: "Mẹ đánh con thì con đau 1 lòng mẹ đau 10."

Đối với tôi câu nói này rất khó hiểu, và thú thật cũng rất phẫn uất. Vì một đó đâu chỉ là nỗi đau xác thịt của đứa trẻ, mà còn là những nỗi sợ dồn nén lại rồi vỡ oà ra, và những hy vọng "mẹ ơi con biết lỗi rồi đừng đánh nữa" loé lên trong giây lát rồi bị vụt tắt ngay khi đòn roi đánh lên người. Và tôi chưa bao giờ coi đòn roi là một hình phạt răng đe, mà là một trò may rủi "chết người" mà một đứa trẻ có thể đặt cược vào trong những lần phạm phải lỗi lầm.

Có lẽ niềm đau khi đánh con và niềm đau khi bị bố mẹ đánh đều gây tổn thương lên cả bố mẹ lẫn con cái; tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở những hệ luỵ tâm lý sau đó.

- Bố mẹ đánh con, dù lòng có đau như cắt, lại khéo léo giấu đi một hy vọng hả hê rằng "mình đã giáo đục được con mình", rằng "con mình sẽ nên người nhờ những đòn roi này", rằng "chúng sẽ biết ơn và hiểu cho mình khi lớn lên".

- Một đứa trẻ bị đánh đòn lại không mang thứ niềm vui hy vọng kia, mà là nỗi ám ảnh, cơn đau nhức nhối, và một trạng thái phẫn uất kìm nén dưới hình thái của sự bất lực trước đòn roi của bố mẹ.

Tôi chẳng biết cái nỗi đau 1 về tinh thần lẫn thể xác mà con chịu đựng, và cái nỗi đau 10 mà bố mẹ vụt tay xuống cơ thể con mình có cùng dựa trên một thang đo hay không (nếu thực sự có loại tiêu chuẩn đó), nhưng tôi biết rằng sự tổn thương mà đòn roi gây ra lên con cái chính là một dạng thuốc độc hơn là một cảm xúc đau đớn thoáng qua.

Xin nhớ rằng sự đau đớn thật sự về mặt thể xác chưa bao giờ tách rời khỏi nỗi đau về tinh thần dù là ở độ tuổi nào với tâm sinh lý ra sao. Đối với loài người, nỗi đau thể xác đã luôn luôn gắn liền mật thiết với cái chết, sự dày xé và hành hạ, và một đời sống thiếu thốn và đầy hiểm nguy. Chính vì thế, hãy đừng để con của bạn trải nghiệm những ám ảnh về sự tận diệt, khổ sở, và uất ức bằng chính đôi bàn tay mình.

Từ khóa: 

giáo dục con cái

,

gia đình

,

xã hội

,

giáo dục

Đọc lại nhớ đến vụ việc cô bé Vân An mấy ngày gần đây, thực sự quá phẫn nộ với cặp đôi kia luôn, bố thì cùng máu tanh lòng, dì ghẻ thì thôi khỏi cần phải nói. Bé ơi an nghỉ con nhé. Cầu nguyện cho con kiếp sau sẽ an bình hạnh phúc trọn đời. Mình hy vọng pháp luật sẽ có hình phạt thích đáng cho cặp đôi kia, nếu chỉ vì ô dù to mà họ thoát án thì thực sự pháp luật Việt Nam không còn gì để nói

Trả lời

Đọc lại nhớ đến vụ việc cô bé Vân An mấy ngày gần đây, thực sự quá phẫn nộ với cặp đôi kia luôn, bố thì cùng máu tanh lòng, dì ghẻ thì thôi khỏi cần phải nói. Bé ơi an nghỉ con nhé. Cầu nguyện cho con kiếp sau sẽ an bình hạnh phúc trọn đời. Mình hy vọng pháp luật sẽ có hình phạt thích đáng cho cặp đôi kia, nếu chỉ vì ô dù to mà họ thoát án thì thực sự pháp luật Việt Nam không còn gì để nói

Hy vọng các bậc phụ huynh không đánh đồng dạy dỗ bằng sự bạo lực về thể xác, nhục mạ về tinh thần.

Tôi xin cập nhật một comment trao đổi giữa mình và một cô giáo cũ mà tôi rất mến tại bài đăng này trên facebook:

Cô giáo:

Cho cô hỏi N vậy mỗi khi mẹ đánh con ( dù con ko có lỗi- theo như suy nghĩ non nớt của con lúc bị đánh) có bao giờ con thù hận căm ghét mẹ con không??? Có bao giờ con có í định đánh lại mẹ ko???

Đó chính là mấu chốt của vấn đề giáo dục “roi” của bố mẹ khác vs roi vọt của cuộc đời, roi vọt của sự thù ghét…của sự tranh giành..

Đó là sự khác biệt lớn mà tạo hoá dành riêng cho con người. Trẻ con từ khi mới chào đời cũng đã cảm nhận sự yêu thương và bảo vệ của cha mẹ rồi. Cũng bị mẹ phết mông mỗi khi làm nũng, ko vâng lời

Theo thời gian và thể chất thì hình phạt cũng tăng lên

Tôi:

Con nghĩ việc giáo dục bằng đòn roi nằm ở nhiều trường hợp khác nhau, và cũng có nhiều cách để thực hành đòn roi này.

Mấu chốt con nghĩ nó nằm ở tư thế của người bố mẹ khi vụt đòn roi lên người con, và đây cũng là một thực hành tâm lý mà đa phần chúng ta đều có khi ở trong trạng thái tức giận hoặc các cung bậc cảm xúc tiêu cực tương tự.

Nếu đặt tâm lý đánh đòn con một cách có ý thức, tức là trong lúc bố mẹ bình tĩnh nhất khi gặp vấn đề với con cái, và kể cả khi họ đã gạt qua cơn tức giận hay sự thất vọng để minh mẫn mà giáo dục con, nếu họ vẫn quyết định sử dụng đòn roi - dù mạnh hay nhẹ, dù gay gắt hay có cả phần trìu mến với mong muốn giáo dục con nên người thì đấy là một lựa chọn cá nhân có ý thức từ bố mẹ.

Tuy nhiên, liệu đa phần bố mẹ khi quyết định dùng đòn roi để đánh con, thì động cơ của việc đánh đòn có thật sự xuất phát từ một tinh thần răng đe, giáo dục một cách minh mẫn và ý thức hay không? Hay chỉ là một bộc phát của cảm xúc giận giữ, một sự bất lực khi con làm trái ý mình, v.v. mà sử dụng lý do "giáo dục răng đe" để bao biện cho thực hành bạo lực không ý thức đó?

Con nghĩ tâm lý của mọi bố mẹ khi nghĩ đến việc và thực sự đi vào việc đánh đòn là khác nhau, nó có thể xuất phát từ chính lòng yêu thương lẫn cả sự bất lực và bạo lực của họ. Tuy nhiên, đứng từ góc độ của người con, ở mọi hình thức và cấp độ của đòn roi đều mang lại những tổn thương tâm lý khác nhau - có thể dễ dàng thoáng qua và quên đi, và có thể hằn sâu và ám ảnh.

Có rất nhiều cách để răng đe cũng như thể hiện sự yêu thương và quan tâm của mình dành cho con cái, đòn roi là một cách, cấm túc cũng là một cách, và yêu chiều nhắc nhở cũng là một cách. Tựu chung mỗi cách đều có những thử thách riêng cho chính nó, thực tế không nằm ở việc nó có hiệu quả trong việc giáo dục con cái hay không, mà nằm ở việc sau khi răng đe xong thì chúng ta cần làm gì để chữa lành và giúp con vẫn cảm nhận được một động cơ đầy sự yêu thương đằng sau đó (nếu thật sự có). Do đó, không ít bố mẹ thành công nuôi nấng con nên người, nhưng họ lại thất bại trong việc hình thành một mối quan hệ tình thương một cách chân thành với con cái họ. Mà thực tế sự thất bại này đều gây ra tổn thương cho bố mẹ lẫn con cái - bố mẹ không cảm thấy được thấu hiểu - con cái cũng cảm thấy bị tách biệt và xa cách về tâm hồn.

Đối với con, trải nghiệm yêu thương ai đó với mong muốn giúp họ trở nên tốt hơn vô cùng khó, vì mặc dù chúng ta dư thừa tình yêu và niềm nhiệt huyết, hành động của chúng ta đang trực tiếp gây ảnh hưởng lên một con người biết suy nghĩ, biết cảm nhận, và biết nhìn nhận thế giới có thể theo một cách rất khác so với chúng ta. Chẳng thể chối cãi là bố mẹ nào cũng sẽ hiểu con mình hơn người khác, từ thói quen sinh hoạt, sở thích ăn uống, đến các thay đổi về mặt cảm xúc và tâm lý. Tuy nhiên, thế giới bên trong của mỗi con người khó đoán hơn chúng ta nghĩ, kể cả với chính bản thân mình, nên việc đánh đòn roi, nếu có khi là một cách giáo dục con cái có hiệu quả đi chăng nữa, điều mà bố mẹ đó cần để tâm không phải là động cơ giáo dục đầy tình thương của mình, mà là cảm nhận của con có thể có những ảnh hưởng mà chúng ta khó đoán, dù là ở bậc bố mẹ.

Bạo hành trẻ em luôn ở khắp nơi, đừng bao giờ im lặng. Đừng bao giờ coi đó là chuyện nhà người khác. Đừng nghĩ rằng cha mẹ sinh con ra là có quyền được đánh đập con cái dã man mà không ai can thiệp được. Đấy không phải là phương pháp dạy trẻ. Bạo lực chưa bao giờ là cách dạy 1 đứa trẻ trưởng thành cả.

có phải đòn roi để giải tỏa sự bật lực trong việc giáo dục của phụ huynh?