Ông Trump sẽ bàn gì trong cuộc gặp Kim Jong Un?

  1. Tin Tức

Giải trừ hạt nhân

Buộc Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình tên lửa đã là mục đích chính của mọi cuộc đàm phán quốc tế với Triều Tiên kể từ đầu những năm 1990. Song, năm ngoái, phương Tây tin Bình Nhưỡng đã tiến hành thử nghiệm một quả bom hydro và các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Giám đốc CIA Mike Pompeo, người vừa được đề cử làm Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ trong tháng này đã bày tỏ sự lạc quan rằng, cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Kim Jong Un sẽ tạo tiền đề cho một giải pháp ngoại giao với Triều Tiên. Tuy nhiên, Washington không ảo tưởng sẽ đạt được thỏa thuận toàn diện với Bình Nhưỡng tại cuộc gặp sắp tới.

Phát biểu không lâu sau khi trở thành quan chức Mỹ đầu tiên gặp ông Kim, ông Pompeo nói, Mỹ sẽ đặt các quyền lợi của nước này lên trên hết và mục đích hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là nhằm đạt được "một thỏa thuận buộc lãnh đạo Bình Nhưỡng phải từ bỏ các nỗ lực đe dọa Mỹ bằng vũ khí hạt nhân".

Tuyên bố càng làm gia tăng các quan ngại của Nhật và Hàn Quốc, rằng ông Trump có thể tìm kiếm môt thỏa thuận ICBM chóng vánh, trong khi dẹp sang một bên nỗi lo về các tên lửa tầm ngắn hơn, đe dọa các đồng minh.

Theo các chuyên gia, Triều Tiên cần nhiều cuộc thử nghiệm nữa để chứng minh các khả năng của tên lửa ICBM do họ chế tạo, khiến việc đóng băng thử nghiệm như tuyên bố của ông Kim Jong Un rất đáng chú ý. Việc dừng thử nghiệm trong thực tế kể từ vụ thử hạt nhân lớn nhất, gần đây nhất vào tháng 9/2017 và vụ thử tên lửa cuối tháng 11/2017 của Bình Nhưỡng đã giúp tạo tiền đề cho các cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới.

Chứng thực và đền bù

Triều Tiên đang tìm cách làm giảm các lệnh trừng phạt quốc tế gây tổn hại cho nền kinh tế nước này.

Trong các thỏa thuận bị đổ vỡ trước đây, Bình Nhưỡng đã nhất trí từ bỏ chương trình vũ khí gây tranh cãi để đổi lấy viện trợ, kể cả dầu thô và các lò hạt nhân thay thế, cũng như sự bảo đảm an ninh (bao gồm cả việc Mỹ cam kết không tấn công hay xâm chiếm Triều Tiên). Đồng thời, Bình Nhưỡng cũng nhất trí quay trở lại thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và mời Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đến chứng thực.

Các hoạt động tại lò phản ứng hạt nhân chính của Bình Nhưỡng, Yongbyon, sẽ là một yếu tố quan trọng trong các cuộc đàm phán tương lai. Washington cũng sẽ muốn thấy bằng chứng về việc Bình Nhưỡng đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở miền bắc nước này.

Ông Pompeo cảnh báo, Triều Tiên không nên trông chờ "các phần thưởng" trước khi họ thực hiện các động thái "không thể đảo ngược". Khi được hỏi liệu ông có tin Triều Tiên sẽ nhất trí từ bỏ chương trình hạt nhân hay không, quan chức này nói, các phân tích lịch sử cho kết quả "không lạc quan". Tuy nhiên, ông Pompeo lưu ý, trong các vòng đàm phán trước đây, các biện pháp trừng phạt đã được nới lỏng quá nhanh.

Những người Mỹ bị bắt giữ ở Triều Tiên

Nhà Trắng tuyên bố, ba người Mỹ gốc Triều Tiên bị Bình Nhưỡng bắt giữ sẽ là một yếu tố cân nhắc trước cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Trump và ông Kim Jong Un.

Tuần trước, chính ông Trump tiết lộ, Washington đang đàm phán để trả tự do cho những người này, vì đang có "cơ hội tốt". Tuy nhiên, ông Trump không nói rõ đây có phải là điều kiện để xúc tiến hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hay không.

Hiệp ước hòa bình

Từ lâu, Bình Nhưỡng đã muốn thay thế thỏa thuận ngừng bắn, kết thúc chiến tranh giữa hai miền nam - bắc Triều Tiên năm 1953 bằng một hiệp định hòa bình. Hai miền Triều Tiên đã khôi phục đàm phán về vấn đề này, nhưng phía Hàn Quốc hiện vẫn tránh dùng thuật ngữ "hiệp định hòa bình" và thay thế nó bằng các cụm "chế độ hòa bình" hoặc một "thỏa thuận chấm dứt các hành vi thù địch".

Tổng thống Mỹ Trump cho biết, ông ủng hộ nỗ lực của Bình Nhưỡng, nếu chính phủ Triều Tiên nhất trí từ bỏ kho vũ khí hạt nhân.

Tuấn Anh

Theo

Vietnamnet.vn

http://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/ong-trump-se-ban-gi-trong-cuoc-gap-voi-kim-jong-un-445225.html

Từ khóa: 

,

tin tức