Quan điểm cá nhân về nguyên nhân diệt vong của vương tộc họ Trịnh, về Uy Nam vương Trịnh Giang.

  1. Lịch sử

Cơ nghiệp họ Trịnh kéo dài 241 năm (1545 - 1786), mở đầu bằng Thế Tổ Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm (ông này KHÔNG LÀ CHÚA TRỊNH, nhưng ĐƯỢC COI LÀ vị chúa Trịnh đầu tiên) và kết thúc bởi Án Đô vương Trịnh Bồng.


Vương tộc họ Trịnh bị lật đổ vào năm 1786, bởi cuộc Bắc tiến lần thứ nhất của quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy. Nhưng mầm mống của sự suy vong đã bắt đầu từ rất lâu, là bởi sự càn rỡ của kiêu binh (quân Tam phủ hay lính ưu binh), những người lính đến từ Thanh Hóa và Nghệ An, cậy mình có công lao nên không coi ai ra gì. Sử thần triều Nguyễn trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã có lời bàn rằng "Cuối đời Lê Trịnh, cái tệ kiêu binh lại hơn đời Ngũ Đại, sở dĩ đến như thế đều là do danh nghĩa chức phận không rõ ràng. Thế mới biết xây dựng một nước mà không dùng lễ nghĩa, thì làm thế nào mà không loạn vong".


Chính họ đã tiến hành chính biến năm 1782, lật đổ bè đảng Đặng thị, giết Huy quận công Hoàng Đình Bảo và Tuyên phi Đặng Thị Huệ, phế truất Điện Đô vương Trịnh Cán và đưa Đoan Nam vương Trịnh Tông trở lại ngôi chúa; cuộc biến loạn này cũng bởi sai lầm "phế trưởng lập thứ" của Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm và bởi hệ lụy của đại án năm Canh Tý (1780) [hệ lụy của vụ án đó là Trịnh Tông bị truất phế làm con thứ vĩnh viễn; Nguyễn Khắc Tuân và Chu Xuân Hán tự vẫn trong ngục, Nguyễn Phương Đĩnh bị cách hết chức tước và đuổi về quê; Đàm Xuân Thụ bị giết, Nguyễn Lệ bị giam vào ngục]. Vụ đại án năm Canh Tý (1780) có liên hệ mật thiết với Ngô Thì Nhậm (con trai Ngô Thì Sĩ, thành viên của gia tộc Ngô Thì ở Tả Thanh Oai, đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi [1775]), sau này ông trở thành trọng thần của nhà Tây Sơn; đương thời người ta chửi ông là "Sát tứ phụ nhi Thị lang", vì ông có công tố giác nên sau khi án khép lại đã được thăng lên Hữu thị lang bộ Công, nhưng ông đã gián tiếp hại chết Ngô Thì Sĩ [thân phụ], Trịnh Tông [quân phụ], Nguyễn Khắc Tuân và Chu Xuân Hán [phụ chấp].


Cũng có những quan điểm cho rằng, mầm mống diệt vong của các chúa Trịnh bắt đầu từ đời chúa Trịnh Giang. Quả thực là vậy, kể từ vị chúa Trịnh đầu tiên (Bình An vương Trịnh Tùng) đến An Đô vương Trịnh Cương đều là những vị chúa hiền minh, có tài an định thiên hạ, nước Đại Việt dưới sự cai trị của họ đạt được nhiều thành tựu trên mọi phương diện.


Bàn về Trịnh Cương và Trịnh Giang, nói rằng "bố làm con phá" có vẻ đúng. Hình như bao nhiêu gen trội của An Đô vương đã bị Trịnh Doanh (con thứ của ông, sau là Minh Đô vương) lấy hết rồi; còn cái xấu xa thì dồn cho Trịnh Giang (con trưởng của ông, sau là Uy Nam vương) hết luôn. Trịnh Tùng từng bức hại 2 vị vua nhà Lê trung hưng (Lê Anh Tông và Lê Kính Tông), nhưng Bình An vương là một anh tài, hành động của ông khi đó cũng có thể nói là "Nếu ta không giết hắn, thì hắn cũng giết ta". Còn Uy Nam vương là một "thánh ăn hại", lại bịa chuyện [vu cho vua tư thông với phi tần của Trịnh Cương] để hại Vĩnh Khánh đế. Trịnh Giang "ăn hại" đến mức, sau đó Trịnh Doanh [em trai] và Trịnh Sâm [cháu gọi Giang bằng bác] cũng mất gần 30 năm để dẹp hết những cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài, bản thân Giang "ăn hại" đến mức Doanh cố công khôi phục cũng không bằng dạo trước được; may mà cơ nghiệp họ Trịnh chưa sập trong tay Giang.


Truất phế Vĩnh Khánh đế thành Hôn Đức công rồi giết chết đã đành, Giang còn hãm hại cả những công thần trung lương của đời trước. Nổi bật trong số này là 3 cái tên: Bùi Sĩ Tiêm, Lê Anh Tuấn và Nguyễn Công Hãng. Bên cạnh đó, Trịnh Giang còn giết chết Trương Nhưng, suýt nữa Nguyễn Minh Châu cũng chết; vì lo sợ quan lại trấn nhậm 1 chỗ quá lâu, gây cảm tình với dân chúng mà điều chuyển quan lại tùm lum, như việc cho Nguyễn Minh Châu đi Nghệ An, Đặng Đình Lân đi Sơn Nam.


Nói về Bùi Sĩ Tiêm (người làng Kinh Lũ - huyện Đông Quan - tỉnh Thái Bình), ông bị bãi chức đuổi về quê [vào năm 1731] khi đang đương chức Thái thường tự khanh. Lý do ông bị bãi chức là việc trình bày 10 điều xúc phạm vào những điều kiêng kỵ, về nhà một thời gian không lâu thì mất. Bình sinh ông là người khảng khái, trọng nghĩa khí, hay nói thẳng; đầu năm Cảnh Hưng, triều đình nghĩ Sĩ Tiêm trung trực, nên truy tặng hàm Tham chính, tước Trung tiết hầu, cấp cho ruộng cúng tế để biểu dương.


Nói về Nguyễn Công Hãng (người làng Phù Chẩn - huyện Đông Ngàn - tỉnh Bắc Ninh), ông bị giáng làm Thừa chính sứ Tuyên Quang và bị giết [vào năm 1732]. Ông vốn được Trịnh Cương tin yêu ủy nhiệm, nhưng do quả quyết tự thi thố tài năng của mình nên bị nhiều người ghét. Lý do ông chết là bởi Giang giận ông chuyện không muốn lập mình; đám cận thần bên cạnh Giang lại thêu dệt những sở đoản của Công Hãng. Một việc phải nói đến là Công Hãng mưu việc chôn cất hài cốt tiên tổ ở một kiểu đất to [núi Mộc Hoàn, thuộc huyện Quế Dương - Bắc Ninh], có ý hi vọng toan làm việc quá phận định. Đám cận thần này còn nói với Giang rằng "Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn, Trương Nhưng, Đỗ Bá Phẩm cùng kết thành bè đảng". Đầu đời Cảnh Hưng lại cho trả chức tước cũ, cho [con cháu] đem hài cốt về chôn cất.


Nói về Lê Anh Tuấn (người làng Thanh Mai - huyện Tiên Phong - Sơn Tây), ông được gia làm đốc trấn Lạng Sơn và Thái Nguyên [năm 1732], giáng làm Thừa chính sứ Lạng Sơn [năm 1734] va bị bắt phải chết [1736]. Lý do ông bị chết cũng giống như Nguyễn Công Hãng, bị chúa ngờ vực và bị gièm pha mà chết. Đến năm 1741, Trịnh Doanh lên ngôi chúa và cho trả lại quan tước cũ của ông, tặng hàm Thái bảo, thụy là Đạt Nghị.


Tựu chung lại, trong các chúa Trịnh (tính cả Trịnh Kiểm) thì mình thích nhất là Bình An vương Trịnh Tùng và Định Nam vương Trịnh Căn, sau đó đến Minh Đô vương Trịnh Doanh; ghét nhất là Uy Nam vương Trịnh Giang.


Nguồn:

1. Quốc sử quán triều Nguyễn - Viện Sử học (dịch), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (tập 2), NXB Giáo dục Việt Nam, 2007.

2. Phan Huy Chú - Viện Sử học (dịch), Lịch triều hiến chương loại chí (tập 1), NXB Giáo dục Việt Nam, 2007

Từ khóa: 

chúa trịnh

,

trịnh giang

,

trịnh sâm

,

vụ án trong lịch sử

,

lịch sử

Lẽ đời có thịnh có suy, khởi đầu sự suy vi ở Trịnh Giang nhưng đâu phải chỉ ở Trịnh Giang mới khiến nghiệp Trịnh suy vi anh? Còn xã hội Đại Việt, xã hội Đàng Ngoài, các mối quan hệ, vấn đề trong ngoài khác nữa. Đâu thể nào có chuyện 5 đời Trịnh Vương gây dựng cơ nghiệp phát triển cực thịnh đến đời Thuận Vương bỗng chốc suy vi, xuống dốc; việc mầm mống suy vong xuất hiện từ đời trước đã có nhưng ta chưa tra cứu sử liệu kỹ càng, ghi chép còn thiếu xót. Ngay kể như nhà Trần sau 3 lần chiến thắng Mông-Nguyên bản thân vương thất quý tộc cũng đã có xu hướng ăn chơi, thoả mãn hay có thể nói là “ngủ quên trên chiến thắng”. Nghiệp Trịnh nếu đã bước vào đường suy thì dẫu có thêm hai ba Trịnh Doanh, Trịnh Sâm nữa cũng không thể làm gì được; dẹp yên các cuộc nổi dậy nhưng còn mối loạn trong triều chính-phủ liêu, mối loạn ở nhân gian dẹp sao cho nổi. Nói thì vẫn nói nhưng cách đánh giá, nhận xét, dùng từ ngữ nên có sự chừng mực, tránh việc quy kết mà theo em là bớt “chửi bới” Trịnh Giang.


Trả lời
Lẽ đời có thịnh có suy, khởi đầu sự suy vi ở Trịnh Giang nhưng đâu phải chỉ ở Trịnh Giang mới khiến nghiệp Trịnh suy vi anh? Còn xã hội Đại Việt, xã hội Đàng Ngoài, các mối quan hệ, vấn đề trong ngoài khác nữa. Đâu thể nào có chuyện 5 đời Trịnh Vương gây dựng cơ nghiệp phát triển cực thịnh đến đời Thuận Vương bỗng chốc suy vi, xuống dốc; việc mầm mống suy vong xuất hiện từ đời trước đã có nhưng ta chưa tra cứu sử liệu kỹ càng, ghi chép còn thiếu xót. Ngay kể như nhà Trần sau 3 lần chiến thắng Mông-Nguyên bản thân vương thất quý tộc cũng đã có xu hướng ăn chơi, thoả mãn hay có thể nói là “ngủ quên trên chiến thắng”. Nghiệp Trịnh nếu đã bước vào đường suy thì dẫu có thêm hai ba Trịnh Doanh, Trịnh Sâm nữa cũng không thể làm gì được; dẹp yên các cuộc nổi dậy nhưng còn mối loạn trong triều chính-phủ liêu, mối loạn ở nhân gian dẹp sao cho nổi. Nói thì vẫn nói nhưng cách đánh giá, nhận xét, dùng từ ngữ nên có sự chừng mực, tránh việc quy kết mà theo em là bớt “chửi bới” Trịnh Giang.