CHIẾN TRANH NAM-BẮC TRIỀU Chap I: Vua Uy Mục - Nạn Nhân Của Cuộc Chiến Vương Quyền

  1. Lịch sử

Lời bàn: Triều đại nhà Hậu Lê là triều đại phong kiến kéo dài nhất trong lịch sử Việt Nam. Khởi đầu bằng sự nghiệp lẫy lừng của vua Thái tổ Lê Lợi, hơn 10 năm ròng nếm mật nằm gai, chiến đấu gian khổ chống quân xâm lược, giành lại độc lập cho dân tộc. Trở nên cực thịnh dưới thời vua Lê Thánh Tông, văn trị võ công rang rợ đến tột bực, hùng khí dân tộc Việt mạnh như sóng cồn. Bình Chiêm đánh Ai Lao, phương Bắc nhà Minh phải e sợ, lãnh thổ Đại Việt rộng lớn hơn bao giờ hết. Nói không ngoa rằng, đến thời Hồng Đức, chế độ phong kiến Việt Nam đã đi tới bước hoàn thiện và trở nên văn minh cường thịnh hơn so với nhiều nước lớn trên thế giới, kể cả Âu Châu.

Đáng tiếc rằng, sau đời vua Thánh Tông thì cái đà tiến tới của dân tộc bị chững lại. Lý do mà các nhà sử gia xưa đều cho rằng vì các vị vua kế vị sau đời Hiến Tông đều nhỏ tuổi, kém tài kém đức nên không những không tiếp nối được mà còn khiến dân tộc đi vào con đường suy vong. Nhưng các vị dường như quên một điều, những rối loạn của nhà Lê có khởi nguồn từ chính những mâu thuẫn, rạn nứt nội tại của nó, để đến khi "hoàng quyền" trở nên suy yếu bởi những vị vua kém cỏi, thì những ung nhọt đó phát tác là không thể ngăn cản.

Lật về thời điểm nhà Lê dựng nghiệp, Thái tổ Lê lợi đã phải nhờ tới sự ủng hộ, giúp đỡ của các lãnh tụ phong kiến địa phương để tạo tiền đề cho thắng lợi trước nhà Minh xâm lược. "Lòng dân" mà chúng ta thường nhắc đến ở đây chính là các vị lãnh tụ địa phương, những người cai quản và được sự ủng hộ của dân chúng địa phương. Nên triều đình nhà Lê hình thành trên cơ sở các vị quan liêu trong triều vừa là lãnh chúa, địa chủ địa phương. Dần dần số lượng và quyền lợi của họ ngày càng lớn mạnh, một phần do sự ân sủng công lao của triều đình, một phần do sự bóc lột nông dân trong lãnh địa. Vua Thái Tổ, Thái Tông muốn trừ đi nhưng không được, vì nếu vua Lê là nóc thì họ chính là rường cột của nhà Lê, thật mâu thuẫn đúng không ???

Đại Việt thế kỷ XV trở thành một quốc gia rộng lớn, nhưng phương thức sản xuất lạc hậu có từ ngàn năm đã kìm hãm kinh tế phát triển tương xứng, nên vua Lê lại phải nhờ vào tầng lớp quan liêu, lãnh chúa phong kiến này để khai thác và quản lý lãnh thổ, khiến lãnh thổ bị chia sẻ quá nhiều vào tay họ. Khi uy quyền của nhà Vua còn lớn thì họ vẫn phải e dè trong khuôn khổ luật pháp, chưa dám tác oai tác quái. Nhưng khi uy quyền nhà vua sa sút thì tầng lớp quan liêu, lãnh chúa phong kiến đi vào chỗ lạm quyền, lạm thế, bóc lột, áp chế nhân dân ngày càng nặng nề. Và đến khi, uy quyền của nhà vua hoàn toàn bị lấn át bởi uy quyền của các vị đại thần- lãnh chúa địa phuơng này, thì chính quyền trung ương không thể quản lý nổi địa phương được nữa, mạnh ai nấy phất, xã hội chính thức trở nên rối loạn, tan rã. Hoàng quyền lúc này chỉ còn là cái bóng để các vị đại thần- lãnh chúa địa phương dựa vào để kình chống lẫn nhau. Dân chúng chịu nhiều đau khổ, "thiên cao, hoàng đế viễn", cuộc sống bế tắc, chính người dân cũng muốn bạo động để tìm lối thoát, góp phần vào sự loạn lạc của đất nước. Đây chính là bức tranh u ám, ngột ngạt và đầy máu lửa dân tộc Việt trong gần 100 năm từ đời vua Uy Mục tới Trịnh - Nguyễn phân tranh. Nhưng thời kỳ này cũng là lúc các vị anh hùng nổi lên như nấm sau mưa, lần lượt bước lên võ đài chính trị, tạo nên một thời kỳ mà mình thường ví như "Tam Quốc của Việt Nam" vậy.

----

Chap 1: Vua Uy Mục- Nạn Nhân Cuộc Chiến Vương Triều.

----

Câu chuyện xin được bắt đầu từ ngày 30 tháng 1 âm lịch năm 1497, ngày mà vua Lê Thánh Tông băng hà, khép lại thời Hồng Đức thịnh trị. Trước khi mất, ông đã kịp truyền ngôi cho con trưởng là Hoàng thái tử Lê Tranh nên 13 vị hoàng tử khác đều yên vị, không dám làm loạn, cuộc chuyển giao quyền lực diễn ra trong yên bình. Vốn là người con hiêú thảo, thái tử Lê Tranh cho cử hành quốc tang vô cùng long trọng. Ngoài việc con cháu trong hoàng tộc phải để tang trong 3 năm, thì thần dân từ phủ Phụng Thiên đến các đạo đều phải mặc áo trắng bằng vải thô trong 3 tháng. Trong thời gian nầy không được dựng vợ gả chồng. Riêng thái tử đã chờ đến một tuần sau khi vua cha Thánh Tông mất mới làm lễ đăng quang. Đó là ngày 6 tháng 2 năm 1497, bắt đầu triều đại vua Hiến Tông. Việc đầu tiên là nhà vua rước mẹ Quý phi Nguyễn Hằng về cung Trường Lạc, và tôn lên Hoàng thái hậu. Từ đây người ta thường gọi bà là Trường Lạc hoàng thái hậu.. Tiếc rằng danh tiếng của bà Hoàng thái hậu vốn không tốt, dân gian lâu nay vẫn xì xào chuyện "bà bị vua Thánh Tông xa lánh, giam ở một cung khác nên sinh oán hận, lại muốn con là hoàng thái tử Lê Tranh nhanh lên ngôi vua. Nên nhân khi vua ốm nặng được đến hầu bệnh, bèn ngầm dấu thuốc độc trong tay mà sờ vào chỗ lở, bệnh vua do vậy mới thêm nặng mà băng". Vua Hiến Tông phải ra lệnh cấm, đồng thời cho người bắt kẻ trộm cắp chém đầu thị chúng, từ đấy trong dân gian mới chịu thôi. Thời vua Hiến Tông vẫn duy trì nề nếp có từ thời Hồng Đức, thiên hạ thái bình, tiếc là không có gì đổi mới, đà tiến tới của dân tộc có dấu hiệu chững lại. Đến năm 1497, khi vua Hiến Tông đã 36 tuổi, nên ông nghĩ đến lập thái tử. Vua có ba người con trai. Con trưởng Lê Tuân đã 15 tuổi, nhưng lại thích mặc áo quần con gái (thời giờ gọi là gay), tính tình lại nóng nảy bất thường. Nên chỉ còn hai người còn lại là ứng cử viên cho ngôi Thái tử. Con thứ Lê Tuấn lên 9 tuổi thông minh nhưng cũng không được thuần hậu, hiếu sát. Tuấn được mẹ nuôi là Kính phi Nguyễn thị Cận và phe cánh tích cực ủng hộ. Con út Lê Thuần, có mẹ là Nguyễn Quý phi được vua Hiến Tông rất yêu quý nên phe cánh rất mạnh. Thuần kém Tuấn 3 tháng tuổi, ham học và thích làm những điều thiện nhưng thể chất yếu ớt. Lúc này, trò chơi vương quyền bắt đầu khởi động, các vị đại thần đều lo chọn cho mình một vị hoàng tử, lôi kéo lẫn nhau. Trong triều chia bè kết cánh, chuyện hai phe công kích nhau trong buổi chầu là điều không phải hiếm, vua Hiến Tông thì mãi dùng dằng không quyết, khiến không khí trở nên ngột ngạt, căng thẳng. Phe ủng hộ Lê Thuần vốn mạnh hơn, lại cho người ngầm nịnh nọt, đút lót Trường Lạc hoàng thái hậu. Vốn không bằng lòng với xuất thân thấp hèn của mẹ ruột Lê Tuấn nên bà nhanh chóng gợi ý cho vua Hiến Tông chọn Lê Thuần. Bà Thái hậu không được lòng dân nhưng lại rất có uy tín với vị vua hiếu thảo. Mặt khác, ý kiến của Thái hậu rất phù hợp với lòng thiên vị sẵn có của vua Hiển Tông dành cho ái thiếp Quý Phi Nguyễn Thị Hoàn, mẹ của cậu út Lê Thuần. Nên năm 1499, đánh bại ông anh Lê Tuấn, Lê Thuần được phong Hoàng Thái tử. Thất bại trong cuộc chiến hoàng vị là niềm đau thuở thơ ấu của hoàng tử Lê Tuấn. Và, niềm đau này được nuôi dưỡng bằng quyền hạn của một ông hoàng con, nên nó dễ đưa cậu bé đến hai cực: Hoặc thiện hoặc ác. Rất không may cho nhà Lê, Lê Tuấn đã thiên về cực ác. Cậu căm thù Hoàng thái hậu người đã coi thường nguồn gốc của mình, căm thù vua cha thiên vị, căm thù những bậc đại thần không ủng hộ mình. Sự lệch lạc trong tư tưởng dần dần biến cậu bé 11 tuổi này thành một vị hoàng tử nóng tính, hung bạo ở tuổi mười lăm, mười sáu. Đó cũng là lý do thái hoàng thái hậu Trường Lạc không bằng lòng đưa Lê Tuấn lên làm vua sau này. Năm 1504, vua trẻ Hiến Tông bỗng nhiên băng hà, trong ĐVSKTT có ghi: “ Mùa Hạ, tháng 4 vua ngự về Lam Sơn. Khi xa giá trở về cung, bị ốm. Tháng 5, ngày 23 vì ham mê nữ sắc bị bệnh nặng. Khi sắp băng, di mệnh cho hoàng thái tử lên nối ngôi. Ngày 24 vua băng ở điện Đồ Trị.” Thái tử Lê Thuần chính thức lên ngôi vua vào ngày 6 tháng 6 năm 1504, lấy hiệu Thái trinh, sử gọi là Lê Túc Tông, bấy giờ vua mới gần tròn 16 tuổi. Khi lên ngôi, vị vua trẻ cho làm nhiều điều thiện, ham học hỏi, lại chu đáo trong việc nước, hết lòng vì muôn dân, những tưởng Đại Việt lại tiếp được thời thịnh thế từ thời Thánh Tông nào ngờ nhà vua yểu mệnh, trị vì được ngót 6 tháng rồi băng hà. Cả thiên hệ đều tiếc nuối. Theo di mệnh lâm sàng của vua Túc Tông, ngôi vua được truyền cho người anh thứ Lê Tuấn. Có lẽ, trong suy nghĩ thiện lương của vị vua trẻ vẫn cảm thấy áy náy với ông anh thứ, vì đã lấy đi hoàng vị của Lê Tuấn, hay là ngài mong muốn "ngai vàng" sẽ làm nguôi đi hận thù, biến Tuấn trở thành vị vua tốt. Điều này có lẽ không ai trong chúng ta biết. Nhưng có một điều chắc chắn là việc truyền thừa lần này đã diễn ra không hề suôn sẻ. Không ai ngờ cái chết lại đến với nhà vua chỉ mới 17 tuổi, và làm vua được 6 tháng. Không ai nghĩ đến việc lập di chiếu truyền ngôi. Đến khi hấp hối, nhà vua mới di ngôn lại hai cận thần Lê Quảng Độ, Lê Năng Nhượng và những kẻ hầu cận hiện có mặt. Truyền ngôi mà không có di chiếu, và hai vị cận thần nầy cũng không giữ ấn tín nên công việc chưa thể đi đến đâu. Hay tin ấy, thượng thư Đàm Văn Lễ và Đô ngự sử Nguyễn Quang Bật tìm đến Thái hậu Trường Lạc. Hai vị đại quan nầy ủng hộ Thái hoàng thái hậu không lập Lê Tuấn lên làm vua. Bà chọn Lữ Khôi vương, là một đứa cháu nội khác, lên thay Túc Tông. Lập trường này được nhiều người vương thất ủng hộ vì không muốn một kẻ nguồn gốc hèn kém làm vua. Trước tình thế bất lợi, mẹ nuôi của Lê Tuấn là Kính Phi đem vàng bạc đút lót nhiều người. Kết quả không ai dám nhận, phe cánh ủng hộ Lê Tuấn vốn đã tan rã từ lâu, không ai còn muốn đầu tư vào vị hoàng tử thất thế nữa. Nhưng lúc này, may mắn bỗng mỉm cười, trong đám người ủng hộ việc lập Lê Tuấn làm vua có nội quan Nguyễn Như Vi. Ông này đã tìm đủ những cận thần và những người hầu cận có mặt lúc vua Túc Tông nói những lời di ngôn cuối cùng để đối chất trước triều. Trước sự thật không thể chối cãi, triều thần đành tôn hoàng tử Lê Tuấn lên làm vua, hôm đó nhằm ngày 18/12/1504. Trong lúc này, thái hoàng thái hậu Trường Lạc ra thăm Lữ Khôi vương ở ngoại thành, chuẩn bị đón vị này vào cung lên ngôi. Khi bà trở về cung Trường Lạc thì mọi việc thành việc đã rồi, biết không thể làm gì khác nên bà chỉ đành tiếc nuối chứ không có phản ứng gì.

Cuộc truyền thừa tuy không đổ máu nhưng nó tiếp tục găm sâu thêm mối hận vào lòng cho ông vua trẻ tuổi vốn đã có nhiều hung tính, khiến Uy Mục càng căm ghét bà Thái Hậu và xa lánh thân tộc nhà Lê, những người đã không ủng hộ ông lên ngôi. Và điều gì đến cũng phải đến, cuộc trả thù của vị vua trẻ bắt đầu.

Ngày 22/3/1505, Thái hoàng thái hậu Trường Lạc thình lình băng ở tẩm điện. Lúc đầu ai cũng nghĩ bà qua đời vì bạo bệnh, nhưng sau khi Đàm Văn Lễ, Nguyễn Quang Bật đã bị dìm chết ở giữa dòng sông Lam khi đang trên đường vào Quảng Nam vì bị vua Uy Mục biếm tuất (5/6/1505), thì quần thần và dân gian nổi lên nghi ngờ bà Hoàng thái hậu bị vua vị vua trẻ đầu độc. Một cái kết quá cay nghiệt, bà Hoàng thái hậu bị nghi ngờ đầu độc chồng nay lại bị đầu độc chết. Chỉ mới vừa qua chưa đầy nửa năm mà đã qua 3 cái chết của 3 người đứng đầu không muốn Uy Mục làm vua, triều đình run sợ, đặc biệt là những người trước đây không ủng hộ ông. Nhưng suốt nửa năm sau, vua Uy Mục bận xây dựng vây cánh nên không thanh trừng nữa.

Ông bỏ bê chính sự, không mấy khi ngó ngàn đến triều chính, mà lại vùi đầu vào việc lập phi tần, vui chơi với rượu và cung nữ. Vua tính thích bạo dâm, hành hạ nhục thể nữ nhân, duy chỉ có hai hai chị em ruột Trần Thị Tùng và Trần Thị Túc ở Nhân Mục, Tuyên Quang là được vua cưng chiều. Tháng Giêng năm 1506, Trần Thị Tùng được lập làm hoàng hậu. Hai vị nữ lưu họ Trần dựa vào hơi nhà vua bắt đầu mở thế lực mới,đưa người vào triều đình thay những hoàng thân bị nghi ngờ.

Bên cạnh đó, nhà vua cũng nâng đỡ cho gia tộc của người mẹ ruột ở Phù Chẩn, và họ hàng của người mẹ nuôi Kính Phi ở Hoa Lăng đều có người làm quan ở triều đình. Họ là những người được vua tin cậy như Khương Chủng, Nguyễn Bá Thắng, Nguyễn Đình Khoa… Triều chính dần rơi vào tay họ ngoại và bọn ngoại thích thân với nhà vua. Nhà vua và những người họ ngoại như một thế lực tách rời các vương thân nhà Lê. Họ được bảo vệ bởi đội quân túc vệ do Mạc Đăng Dung chỉ huy. Đăng Dung nguyên là một ngư phủ, nhưng cũng là một lực sĩ ở làng Cổ Trai, Nghi Dương. Ông là một ngoại lệ, được chọn vào cung do thi cử, giành được sự tin tưởng của Uy Mục nhờ tài năng chứ không phải là ngoại thích. Năm 1508, vua Uy Mục phong Dung làm Chỉ huy sứ Thiên Vũ vệ trực thuộc ty Đô. Đó cũng là lúc nhà vua tiếp tục xuống tay với những vị thân vương, triều thần từng ủng hộ Trường Lạc thái hoàng thái hậu. Nhẹ thì đuổi về quê, nặng thì bị giam hoặc bị giết. Một luồng không khí khủng bố đang đẩy tới, làm nhiều người bỏ chạy, trong đó có đại thần Nguyễn Văn Lang - em trai của bà Trường Lạc hoàng thái hậu, Nguyễn Hoằng Dụ, Trịnh Duy Sản và Trịnh Duy Đại. Lang và Dụ là hai cha con, có họ hàng gần với thái hoàng thái hậu. Sản và Đại là hai anh em, là hậu duệ của khai quốc công thần Trịnh Khắc Phục. Cả 4 người trước sau chạy về quê hương Thanh Hoa, và gặp được một đồng chí là Lương Đắc Bằng ở đó. Ông nầy là Tả bộ thị lang bộ Lễ, nhân có tang mẹ nên về Thanh Hoa trước. Từ đó một căn cứ địa ở cửa biển Thần Phù được thành hình.

----

Hết chap 1.

-----

Tranh vẽ buổi chầu thời Lê sơ.


Từ khóa: 

chiến tranh nam bắc triều

,

lịch sử

Từ đầu tới cuối chủ yếu là phe cánh hậu cung+ ngoại thích mà người tệ nhất là bà Trường Lạc Thái Hoàng Thái Hậu. Bậc cao nhất trong hậu cung mà thua cả Kính phi lẫn âm mưu cộng với bản lĩnh.

Trả lời

Từ đầu tới cuối chủ yếu là phe cánh hậu cung+ ngoại thích mà người tệ nhất là bà Trường Lạc Thái Hoàng Thái Hậu. Bậc cao nhất trong hậu cung mà thua cả Kính phi lẫn âm mưu cộng với bản lĩnh.

Cho em hỏi chuyện phe cánh rồi nịnh nọt, đút lót thì dẫn từ nguồn nào vậy ạ

Về mặt ý tưởng: Nội dung hay, mạch lạc mang tính tiến trình

Về mặt đặt tiêu đề: Tiêu đề có vấn đề, mình đọc nhưng không cảm nhận được tội nghiệp của Lê Tuấn - Uy Mục mà mình thấy chủ đề của chap là con đường lên ngôi của Uy Mục.

Về mặt trình bày: Ở đây mình hơi thắc mắc bạn trình bày có 1 nửa theo phong cách tiểu thuyết dã sử (dựa trên chi tiết sử sáng tạo thêm cho phong phú).  1 nửa phong cách bình sử. Nếu là dạng tiểu thuyết bạn không cần dẫn chứng bằng Đại Việt Sử ký toàn thư đâu, nghe như viết luận văn mà đưa dẫn chứng vô đó. Hơn nữa, truyện sử bạn đừng sử dụng ngày tháng năm cụ thể mà nên sử dụng niên hiệu  ví dụ: Thuận Thiên năm thứ 2 chẳng hạn. Bạn viết theo tuyến trình lịch sử thì không cần có nhân vật chủ chốt vì tùy giai đoạn nhân vật chủ chốt sẽ thay thế. Tuy nhiên, do bạn viết nhưng vậy nên sẽ thấy bình bình không tạo nổi kịch tính,nếu được cái phần chap trên của bạn triển khai đúng mạch truyện có thể hình thành được 2 -3 nếu đi sâu, mình có cảm giác lướt vấn đề
 

Bài hay nhưng mình thấy tiêu đề chưa hợp lý lắm.