[Review Phim] Một tâm hồn đẹp (A Beautiful Mind)

  1. Phim ảnh

"Một tâm hồn đẹp" (A Beautiful Mind) là bộ phim kể về một phần cuộc đời của nhà kinh tế học John Nash. Ông là người nhận giải Nobel vào năm 1994 và mắc chứng tâm thần phân liệt.

https://cdn.noron.vn/2023/03/14/13883769115817568-1678765837.jpg

Đỉnh cao và vực sâu

Sự xuất hiện của John Nash khá ấn tượng: một tài năng có phong cách dị biệt- đó là tín hiệu cho thấy đây sẽ là một thiên tài. Ông nhận được học bổng Carnegie khi đến với Đại học Princeton. Đây là nơi ươm mầm cho tài năng của ông phát triển, và cũng rất có thể là cả mầm mống của căn bệnh tâm thần phân liệt.

Chìm trong thế giới chính xác của vẻ đẹp toán học, John Nash đã đưa ra những ý tưởng đột phá về “cân bằng Nash”. Tài năng siêu việt của ông được Lầu Năm Góc chú ý. Sau đó họ đã mời ông đến giải mã đường liên lạc bí ẩn được mã hóa phức tạp của kẻ địch. Công việc khó khăn này lại càng khuyến khích John Nash chìm sâu hơn vào thế giới của những con số. Đó là lúc ông chính thức rơi vào cạm bẫy của chứng tâm thần phân liệt sâu hơn: ngoài người bạn cùng phòng Charles, ông tưởng tượng ra thêm một nhân vật lạnh lùng làm việc cho Bộ Quốc Phòng tên Parcher.

John Nash đã bị chính tài năng của mình khuất phục. Khao khát của những tài năng bao giờ cũng lớn hơn người thường- càng tài năng, tham vọng của họ càng trở nên lớn lao, càng vươn tới những điều bất khả. Họ có thể vươn tới đỉnh cao của nhân loại, trở thành tinh anh nhưng nếu tinh thần không ổn định, họ cũng có thể từ trên đỉnh cao đó rơi xuống đáy vực. Sự suy sụp của một thiên tài cũng khác so với người thường. Tôi nghĩ có lẽ tài năng là một món quà song đây là một món quà đem lại áp lực rất lớn cho người sở hữu.

Bộ phim không nói rõ nguyên nhân tình trạng tâm thần phân liệt John Nash mắc phải. Nhưng tôi nghĩ sự tối ưu hóa suy tư và đam mê công việc thái quá của ông đã phần nào khiến cho não bộ kiểm soát và định hướng ông thông qua các nhân vật tưởng tượng mà nó tạo dựng. Nếu nhìn chi tiết ấy ở góc độ u ám hơn, thì điều này giống như việc công cụ quay ra chế ngự lại chủ nhân, máy móc leo lên cai trị con người.

Những người bạn tưởng tượng thao túng John Nash rất điêu luyện- họ hiểu khi nào nên đe dọa, lúc nào nên khuyến khích. Dù giải được rất nhiều bài toán khó, thiên tài của chúng ta không thể giải được bài toán tâm trí của chính mình. May mắn làm sao, ông gặp được Alicia.

https://cdn.noron.vn/2023/03/14/115352431410265143-1678765856.jpg

Vẻ đẹp đời thường

Bác sĩ Roson đã thử cả liệu pháp từ nhẹ đến nặng với John Nash (liệu pháp hóa dược và liệu pháp sốc điện). Là một bác sĩ, ông tận tâm với bệnh nhân của mình. Ông thương xót họ nhưng điều ấy khác với sự tin yêu mà họ cần. Nhưng Alicia thì có thể. Cô đến với John Nash bằng tình yêu và với tình yêu, cô đã cứu vớt được người chồng của mình.

Hành trình này không phải một câu chuyện cổ tích với những phân cảnh cảm động, kết lại với một hàng chữ “nhiều năm sau” kèm viễn cảnh gia đình hạnh phúc. Đạo diễn của bộ phim đã diễn tả rất chân thực đời sống của một tài năng mắc tâm thần phân liệt là như thế nào: sự đổ vỡ của đồ đạc trong nhà, tiết thét tuyệt vọng vì bất lực, những viên thuốc được giấu kín trong hộp, sự bất lực của người đàn ông và tiếng thở dài của người phụ nữ trong đêm, cử chỉ rụt rè của những người bạn đến thăm v.v.

Alicia đã lựa chọn tin ông và đó là phép màu giúp ông có thêm can đảm chấp nhận chứng tâm thần phân liệt của mình. Đây là một lời giải không mấy lý tưởng, vì có lẽ đa số chúng ta sẽ mong muốn giải pháp cho mọi vấn đề. Chúng ta thường nghĩ người không giải quyết được vấn đề là người kém cỏi, người không vượt qua được vấn đề là người yếu đuối.

Nhưng hãy nhìn thiên tài chấp nhận vấn đề khi biết rằng ông không thể thay đổi nó- đoạn này khiến tôi nhận ra khoảng cách giữa thiên tài với người thường hóa ra không khác nhau đến vậy. Một góc nhìn khác, hóa ra người thường lại hay thích nghĩ bản thân là thiên tài, trong khi thiên tài thực thụ thì không bao giờ quên bản thân là người bình thường.

Alicia- cô học trò giải chưa đúng bài toán trong tiết học của John Nash năm nào, giờ đây đã giải được bài toán phức tạp nhất trong tâm trí của một thiên tài toán học ưu tú. Đơn giản với tình yêu thương và lòng tin.

Viết đến đây, tôi cảm thấy tên của bộ phim thật ý nghĩa “Một tâm hồn đẹp”- đẹp bởi tình yêu thương và niềm tin. Sự chiến thắng nghịch cảnh của số phận chứng minh John Nash đã vượt qua giới hạn của thiên tài để trở thành một vĩ nhân- một nhà khoa học hiểu được giá trị của tình yêu.

https://cdn.noron.vn/2023/03/14/13883769115817569-1678765871.jpg

Thay cho lời kết

Ngày nay, chúng ta thường cho rằng những bộ phim ít kỹ xảo là buồn tẻ. Nhưng cá nhân tôi nghĩ, các tác phẩm điện ảnh với kịch bản nhân văn và diễn xuất nhập tâm như vậy mới thực sự đem đến những giờ phút thư giãn - ý nghĩa.

Tôi trân trọng giá trị của nghệ thuật vị nhân sinh. Vì các tác phẩm ấy hướng thiện và nhắc lại những chân lý cơ bản mà đôi khi chúng ta quên mất (chẳng phải chỉ thiên tài mới đãng trí đâu, bạn nhé).

Với “Một tâm hồn đẹp” tôi cũng rút ra thêm những bài học về giáo dục. Đó là hãy yêu thương và cho con người thời gian. Đừng nhồi nhét và cũng đừng nên vắt kiệt họ. Họ là một con người và trước tiên họ có quyền sống hạnh phúc thay vì buộc phải cống hiến hay phụng sự cho nhân loại- họ đâu phải là công cụ cho chúng ta?

Suy nghĩ này cũng có liên quan tới cách trẻ em được giáo dục trong bối cảnh hiện tại. Vì sao có không ít người lớn muốn thúc đẩy tài năng của các em, buộc vào các em bộ ách của kỳ vọng trước khi vung ngọn roi nhân danh “vì muốn tốt” để thúc ép các em biến cuộc đời thành cuộc đua? vì các em hay vì tham vọng của họ? để rồi khi tâm trí của các em không còn minh mẫn, họ sẽ đẩy các em đi càng xa càng tốt, vì xấu hổ.

Ai cũng có tiềm năng nhưng không phải ai cũng muốn/cũng có thể trở thành nhân tài khi sống trong hoàn cảnh thừa kỳ vọng song thiếu tình yêu thương và niềm tin.

Từ khóa: 

review phim

,

một tâm hồn đẹp

,

a beautiful mind

,

john nash

,

noron

,

phim ảnh