[Review Sách] Momo

  1. Sách

 

“Momo” là tên của cô bé nhân vật chính trong tác phẩm. Sau khi đọc xong, tôi nghĩ rằng “Momo” dành cho tất cả mọi người, ở mọi lứa tuổi- chỉ cần trái tim họ vẫn còn có nhịp đập.

https://cdn.noron.vn/2022/09/26/27236126281869724-1664179958.jpg

Cuốn sách còn kèm thêm một nhan đề khác, là: “Câu chuyện kì lạ về những kẻ ăn cắp thời gian và một cô bé giành lại được cho con người thời gian đã mất”. Tôi khâm phục tầm nhìn trước thời đại của tác giả Michael Ende, khi ông nhận ra thời gian là tài sản giá trị của nhân loại và tài sản ấy có nguy cơ bị đánh cắp. Những thứ quý giá với con người thường là những thứ gần gũi nhất, nhưng đôi khi vì chúng quá gần gũi nên chúng ta quên đi trách nhiệm cần phải giữ gìn.

Sự xuất hiện của cô bé Momo trong khu nhà hát cổ giống với mở đầu của một câu chuyện cổ tích thuần túy. Không ai biết chính xác cô bé là con của ai, bao nhiêu tuổi và vì sao cô bé có năng lực lắng nghe khác biệt đến vậy. Từ khi có Momo, mọi người trong thành phố giải quyết mâu thuẫn của họ bằng câu nói “đến gặp Momo đi”. Cô bé Momo chỉ đơn giản lắng nghe họ và thế là vấn đề của họ tan biến. Momo thực lòng quan tâm đến tất cả mọi người, vì vậy mọi người yêu quý cô. Đặc biệt là những người bạn nhỏ và hai người bạn lớn thân thiết: ông Beppo-phu quét đường và anh chàng Gigi- hướng dẫn viên du lịch.

Tôi khá thích chi tiết này, bởi thông điệp giáo dục ẩn chứa trong cách mà Momo lắng nghe mọi người cũng như cách mọi người chăm sóc Momo. Có thể nói đó là một đời sống hạnh phúc, khi mọi người trân trọng cảm nhận và sự hiện diện của nhau. Đáng lẽ ra, con người hoàn toàn xứng đáng, thế nhưng họ đã đánh rơi hạnh phúc của chính mình khi tiết kiệm thời gian cho những “gã màu xám” (một hình ảnh ấn dụ thú vị, khiến tôi liên tưởng đến làn khói xám từ những ống khói màu xám trong sự quay cuồng của quá trình công nghiệp hóa, cho tới những dữ liệu máy móc xám xịt điên cuồng biến đổi trong trào lưu chuyển đổi mọi thứ sang các thuật toán).

Những gã xám này được miêu tả là dùng mọi thứ đồ màu xám. Chúng mặc áo xám, đội mũ quả dưa, xách cặp xám. Đặc biệt là miệng luôn ngậm những điếu xì gà phun khói xám mờ mịt. Loại xì gà đó được lấy từ những cánh hoa giờ đã ép khô, mà thiếu chúng các gã xám sẽ biến mất. Những cánh hoa giờ đó được lấy ở đâu ra? Chính là từ thứ mà chúng gọi là “Quỹ tiết kiệm thời gian”. Lòng tham cùng sự khôn ranh đã khiến chúng biến “Quỹ tiết kiệm thời gian” này thành nơi ngang nhiên chiếm đoạt thời gian của con người. Sau khi chúng thuyết phục họ bằng những phép tính cụ thể, kèm theo lý lẽ của việc càng tiết kiệm nhiều thời gian (làm mọi thứ càng nhanh hơn, hiệu quả hơn, nhiều hơn) thì con người càng có lợi. Lý thuyết nực cười đó không ngờ rằng lại phát huy tác dụng mãnh liệt với những người trưởng thành. Họ ngờ nghệch tin rằng càng tiết kiệm thời gian thì họ càng giàu. Nhưng thực ra, đời sống họ trở nên nghèo nàn, khốn khổ và bất hạnh bởi chính sự nhầm lẫn ấy.

Một sinh vật chỉ thực sự được sống khi chúng có thời gian. Còn nếu không có thời gian, sinh vật đó đã chết. Liệu nói vậy có hơi khó hiểu? Vậy thay vì nghĩ đến tiếng tích tắc của đồng hồ, bạn hãy nghĩ tới nhịp đập của trái tim. Trái tim chính là thời gian của bạn, chứ không phải bất kể chiếc đồng hồ hay cuốn lịch nào khác. Do đó, ngày tim ngừng đập là ngày bạn hết thời gian. Còn đồng hồ vẫn sẽ chạy, những cuốn lịch mới vẫn sẽ tiếp tục sang trang.

Người dân thành phố khốn khổ đã không còn thời gian “đến chỗ Momo” nữa. Họ bận rộn rồi dần dần khô kiệt trước khi gục ngã. Họ chán ghét chính cuộc đời không thừa giây phút nào của họ, bị trói buộc bởi hai chữ “hiệu quả” đến mức mù quáng. Những chiếc xe hơi xám, những gã xám vẫn lượn xuôi ngược trên phố để dụ dỗ thêm các nạn nhân mới. Chúng bực bội nhận ra trẻ em tuy ngây thơ nhưng không ngờ nghệch như người lớn, nên rất khó để đưa ra lý thuyết về tính “hiệu quả”. Thế là chúng tác động đến người lớn, để trong lúc bận rộn, họ không được phép để con cái mình rảnh rỗi. Trẻ em cần phải được chuẩn bị cho tương lai, nên không có những trò “vô bổ” kiểu như chơi với Momo nữa. Thế là các “Kho chứa trẻ em” được thành lập. Nơi trẻ em được dạy cách chơi sao cho bổ ích thì ít, mà đáp ứng kì vọng của người lớn thì nhiều. Kho là nơi dành cho đồ vật, không phải con người.

https://cdn.noron.vn/2022/09/26/27236126281869726-1664179983.jpg

Một bước tiến nhân danh sự tiến hóa song không ai nhận ra bước đi này đang theo chiều ngược lại: đó là thoái hóa. Giờ thì những gã xám kiểm soát thành phố.

Còn Momo đáng thương bị truy đuổi khi khám phá ra sự thật về chúng. Đây là lúc chú rùa Kassiopeia xuất hiện. Sau khi cứu thoát Momo, chú đưa cô tới bên rìa thời gian, nơi ở của thầy Hora. Tôi nghĩ rằng thầy Hora là một vị thần thượng cổ. Ông chế tạo rồi ban phát thời gian cho con người. Con người toàn quyền sử dụng thời gian đó, nhưng giá như thầy Hora có thêm một cộng sự là chế tạo thêm chút trí tuệ cho con người thì tốt biết bao: con người sẽ trân trọng thời gian họ nhận được hơn.

Thầy Hora dẫn Momo đến nơi khám phá bí mật của thời gian. Một nơi rất xa xôi mà cũng rất gần gũi đối với con người. Về phần mình, Momo- có lẽ cũng chỉ còn Momo, trả lời được câu đố của thầy về quá khứ, hiện tại, tương lai. Đến lúc cô trở lại để giúp đỡ những người bạn của mình, nhưng liệu mọi thứ có phải đã quá muộn, khi đội quân xám đã xâm chiếm trọn vẹn thành phố và sự thay đổi của hai người bạn Beppo-phu quét đường, Gigi-hướng dẫn viên du lịch cùng toàn bộ đám trẻ có khiến Momo thất vọng?.

Những gã xám rất nóng lòng đợi Momo trở lại để đám phán với cô. Thời gian trở thành thứ để đổi chác, lừa lọc, để chiếm đoạt của nhau. Vậy mà cư dân nào trong thành phố cũng nghĩ rằng họ đang tiết kiệm thời gian, rằng bông hoa giờ của họ đang được nâng niu cho tới khi kết trái, trong khi không hề nhận ra rằng cánh hoa đó bị ép khô rồi nghiền nát từ lâu để biến thành điếu xì gà đỏ rực trong nụ cười nhếch mép của những gã xám vừa lướt ngang qua họ.

Còn tôi cũng xin phép bạn đọc dừng bài review tại đây để bạn tự tìm đọc tác phẩm. Tôi làm như vậy không phải để quảng cáo hay chào mời các bạn mua sách (theo tôi biết thì hiện giờ không dễ kiếm được bản in giấy của cuốn sách này) mà để khích lệ các bạn tự tìm đọc, tự rút ra thông điệp của riêng mình.

Thay cho lời kết 

Mặc dù được coi là tác phẩm dành cho thiếu nhi, nhưng trong lúc đọc sách, tôi cảm thấy rất gây cấn, hồi hộp (như là khi xem bộ phim hoạt hình Coraline) vậy. Có lẽ chuyển thể sang phiên bản điện ảnh, “Momo” khá kịch tính và hấp dẫn như các bộ phim phiêu lưu, hành động đình đám. Tuy nhiên, tôi thích sự suy ngẫm trong từng cuộc hội thoại trên trang sách hơn, nên tôi quyết định sẽ ở lại với tác phẩm mà không xem thêm phim nữa.

Được sở hữu “Momo” là một may mắn rất tình cờ với tôi. Ban đầu tôi cũng không rõ vì sao mình lại quyết định mua cuốn sách này. Chỉ biết rằng nhìn thấy sách rồi là cần mua thôi. Bẵng đi một vài năm, giờ tôi mới lật lại để rồi cảm ơn cuộc đời đã rất tử tế với mình trên con đường sách vở. Vì sao tôi phấn khởi như vậy, bởi tri thức về thời gian là tri thức về sự sống. Hơn nữa gần đây, tôi khá quan tâm tìm hiểu về chủ đề thời gian, không gian. Tôi có xem lại các phần phim “Ma Trận (The Matrix)”, “Watchmen” để tìm hiểu các ý tưởng ở chủ đề này, thế nhưng vẫn thấy chưa thực sự hài lòng. Còn với “Momo”, câu trả lời đến thật rõ ràng, dễ hiểu.

Một điểm trùng hợp là các gã màu xám trong “Momo” có một vài nét tương đồng với đặc vụ Smith trong Ma Trận.

 

 

 

 

 

 

Từ khóa: 

review sách

,

momo

,

michael ende

,

noron

,

nguyễn phú hoàng nam

,

sách

Tên nhân vật dễ thương và nội dung thu hút quá, còn về mảng giáo dục nữa. Cảm ơn Nam đã chia sẻ

Trả lời

Tên nhân vật dễ thương và nội dung thu hút quá, còn về mảng giáo dục nữa. Cảm ơn Nam đã chia sẻ