[Review Sách] “Real Focus”: Đã Đến Lúc Tập Trung

  1. Sách

Để thành công, cần tập trung. Nhưng để tập trung cần rất nhiều yếu tố. Hãy bắt đầu cùng nhau tìm hiểu mọi thông tin hữu ích kèm theo chỉ dẫn rõ ràng, cụ thể để hướng dẫn chúng ta vận dụng khả năng tập trung sẽ được trình bày trong sách Real Focus (Hồng Nhung dịch) của Psychologies Magazine -Tạp chí hàng đầu về công việc, phát triển cá nhân và các vấn đề lối sống, giúp độc giả khám phá, tìm hiểu bản thân và thế giới xung quanh.


Khả năng tập trung của bạn như thế nào ?

Thời gian là tiền bạc. Chúng ta đều có chung một quỹ thời gian – 8.760 giờ một năm, 730 giờ một tháng, 168 giờ một   tuần – vậy chúng ta sử dụng quỹ thời gian đó như thế nào ?

Vấn đề thời gian luôn khiến chúng ta bận tâm, thậm chí lo lắng. Nhịp sống năng động khiến con người ta càng không muốn bỏ lỡ nhiều thứ thì lại càng bỏ lỡ nhiều thứ hơn bởi không ai có đủ thời gian để làm tất cả. Quản lý thời gian hợp lý sẽ tránh được tình trạng phải căng mình gồng gánh danh sách hàng tá công việc bằng tâm lý chán chường, cơ thể mệt mỏi. Khi phải giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề, khả năng phán đoán và sức sáng tạo của con người sẽ giảm đi trông thấy. Năng lực tập trung có giới hạn rõ ràng và người ta không thể lạm dụng nó để đạt mọi mục đích. Những cá nhân có vẻ ngoài thường xuyên bận rộn đôi khi lại là những người không thực sự tập trung. Bởi cách thức tổ chức các công việc lộn xộn cộng thêm tính chất phức tạp của các công việc đó khiến cho nhóm này luôn trong tình trạng cố gắng để xong việc. Kể cả như vậy, nỗ lực cố gắng không được cụ thể bằng hành động kiên quyết khiến danh sách việc cần làm không ngắn đi mà danh sách việc đang làm lại ngày càng dài thêm.

Về bản chất sự tập trung không phải chỉ đơn giản là hoàn thành công việc (người ta có thể hoàn thành công việc mà không cần đến tập trung, ví dụ như hiện diện ở hội thảo, trong lớp học, xem ca nhạc hay ở rạp chiếu phim), tập trung là trạng thái ý chí thực sự muốn hoàn thành điều gì đó ở trên mức mà bản thân kì vọng.

Do đó, nếu lập sẵn danh sách hàng loạt công việc và không bao giờ bắt tay vào thực hiện song vẫn cảm thấy thiếu thốn thời gian thì bạn cần phải đánh giá lại về sự tập trung của chính mình.

Nghiên cứu của Microsoft đã chỉ ra rằng khả năng tập trung chú ý của chúng ta còn ngắn hơn của một con cá vàng. (Nếu bạn quan tâm thì chúng ta có 8 giây trong khi cá vàng có 9 giây). Từ năm 2007, khả năng đó giảm xuống chỉ còn 4 giây, đây là một điều đáng báo động.

Càng thiếu tập trung, con người ta lại càng có nhiều việc cần phải làm, bởi mọi thứ không xảy ra theo điều họ muốn, khi họ không kiên trì làm đến cùng. Kết cục do thiếu thời gian, họ thường xuyên phải làm những công việc quan trọng nhất vào thời điểm khó khăn nhất khiến cho mọi thứ càng trở nên phức tạp hơn. Tất nhiên, khi vấn đề quá phức tạp thì không ai còn có thể tập trung được nữa. Cánh cửa dẫn đến sự buông thả trong những quyết định lớn bắt đầu mở ra. Điều này giống với việc bạn có thể dành hàng giờ để chỉnh một tấm ảnh làm hình đại diện trên facebook trong khi chỉ mất có vài phút để quyết định mình sẽ nộp hồ sơ vào học ở ngôi trường theo số đông bè bạn.

image

Thời gian đó đã đi về đâu ? Nếu quan tâm đến câu trả lời cho vấn đề này thì chúc mừng bạn. Bởi bạn sắp có cơ hội được thấy nguyên nhân khiến chúng ta mất tập trung trong trong cuộc sống.

Nguyên nhân của sự mất tập trung

Để bắt đầu làm công việc nào đó, bản thân cần nỗ lực vượt qua thói quen trì trệ. Thói xấu này ngốn của chúng ta không ít thời gian mà chính bản thân chúng ta là thủ phạm, còn tòng phạm thì nhiều vô số, không thể không kể đến vài cái tên ấn tượng như điện thoại, máy tính, tivi. Chúng phá vỡ các kế hoạch ban đầu, làm lu mờ danh sách những việc cần làm, hơn nữa, đẩy con người vào vòng lặp tâm lý căng thẳng khi đem so sánh bản thân với ai đó trên mạng.

Ví dụ, nếu bạn đang buồn chán vì núi bài tập khổng lồ hay kết quả phỏng vấn cho công việc mới không thuận lợi, bạn sẽ bắt đầu lướt Facebook thư giãn- thực ra đang bước vào giai đoạn thực sự căng thẳng. Bạn thấy loạt hình ảnh về sự thành công và cuộc sống tốt đẹp của những người xung quanh tràn ngập (điều này không khó thấy trên mạng xã hội). Bạn bắt đầu vẩn vơ suy nghĩ kèm theo tâm trạng chẳng mấy vui vẻ, rồi bạn lại bắt đầu băn khoăn về chính bản thân của mình, về sự trống trải cũng như có cảm giác bị cả xã hội bỏ lại phía sau. Nguồn suy nghĩ dồi dào phát ra khiến cơ thể hao tốn năng lượng rồi trở nên đờ đẫn.

Trong khi đó, thực ra chỉ cần tập trung vào việc làm bài tập hoặc gửi thêm hồ sơ ở nơi khác là được.

Nếu bẩm sinh có tính trì trệ thì người đó càng sẵn lý do hơn. Không cần nguyên nhân để bỏ dở cũng không cần lý do để bắt đầu, họ làm mọi thứ theo cảm hứng. Thậm chí đôi khi chính họ cũng quên mất việc bản thân tồn tại luôn gắn với mục đích và ý nghĩa nhất định. Chính các nhân tố này cũng gây ra ảnh hưởng đến cộng đồng xung quanh cũng như gián tiếp gây nên thói quen trì hoãn ở người khác. Những yếu tố cụ thể gây nên sự mất tập trung có thể bắt nguồn từ:

Thứ nhất, tâm lý nạn nhân.

Việc không ngớt kêu ca than vãn về cuộc sống hay về các vấn đề xảy ra thường ngày khiến tâm lý trở nên tiêu cực, chán nản. Hệ quả là chúng ta không có động lực hay lí do để phấn đấu làm tốt công việc trọng phạm vi trách nhiệm của mình. Vài dấu hiệu lẻ tẻ được bao phủ bằng tâm lý tiêu cực đủ khiến cho tâm hồn yếu đuối, hay chán nản dễ dàng cảm thấy “đời là bể khổ” để sau đó, nhân danh sự đáng thương, hoặc ỷ lại hoặc chèo kéo sự giúp đỡ vô điều kiện từ người khác mà từ chối bắt tay vào tự mình giải quyết khó khăn.

Thứ hai, hứa hẹn quá nhiều.

Chấp nhận làm điều gì đó không thực sự quan trọng là cách tốt nhất để giết chết sự tập trung. Nếu lo lắng người khác nghĩ gì và không biết cách từ chối khi cần thiết, bạn dễ trở thành phao cứu hộ cho đám đông. Thử tưởng tượng cảnh thay vì có một hoặc hai người, tận đến năm người cùng bám vào chiếc phao. Chắc chắn chiếc phao đó không thể nổi trên mặt nước nữa. Khi bạn là con người bình thường thì bạn cần thời gian cho riêng mình, việc từ chối vài lời đề nghị giúp đỡ không chính đáng sẽ giúp bạn thư thái và chăm lo cho bản thân tốt hơn. Ngoài ra, nếu luôn bù đầu giải quyết các công việc từ xung quanh, bạn rất dễ trở nên căng thẳng và hoài nghi tất cả.

Thứ ba, lừa dối bản thân.

Khi gặp phải biến cố trong cuộc sống, trong thâm tâm của bạn sẽ xuất hiện giọng nói về điều bạn nên làm. Nếu đó là lời lẽ tích cực, lạc quan thì bạn được khích lệ vươn lên, ngược lại nếu toàn là câu từ bi quan, nặng nề thì bạn sẽ có xu hướng tin vào sự thực ấy. Giọng nói đó là của bạn và điều bạn tự nói với bản thân có ý nghĩa quyết định giá trị con người bạn. Hãy tin tưởng và khích lệ chính mình tiếp tục cố gắng.

Thứ tư, chủ nghĩa hoàn hảo.

Quá khát vọng làm mọi việc ở mức hoàn hảo là nguyên nhân khác ảnh hưởng đến sự tập trung. Nếu tin rằng việc hào phóng chi ra thời gian để đảm bảo vạn vật trong tầm mắt trông thật ấn tượng thì bạn đang hiểu sai về cuộc sống. Tự thân mỗi vật có nét đẹp riêng mà không cần đến quá nhiều hành động can thiệp mang tính chủ quan. Sự tập trung không phải là tài khoản vô hạn định, nếu tập trung ở mọi nơi, mọi lúc trong mọi lĩnh vực thì bạn cần có hệ thần kinh tuyệt vời và chịu đựng được sự cô độc.

Thứ năm, cố gắng giải quyết công việc một mình

Những người giỏi tập trung làm việc họ giỏi và đồng ý chia sẻ các vấn đề khác với mọi người xung quanh.

Liệu bạn có bao giờ tưởng tượng Steve Jobs lo lắng về logistics, hay nơi đỗ xe hoặc đồ dùng văn phòng phẩm ? Không. Ông ấy chỉ phát huy thế mạnh của mình và để những người khác làm những công việc mà họ giỏi.

Bạn không thể và cũng không cần thiết phải cáng đáng mọi thứ, hay chia sẽ cả công việc và niềm vui, sự vất vả và thành quả.

Thứ sáu, không nghỉ ngơi.

Chiếc máy tốt nhất cũng cần đến nghỉ ngơi hay bảo dưỡng định kì. Thật ngạc nhiên khi chúng ta nhân từ với máy móc hơn với chính bản thân mình: Ngay khi mới mua chiếc điện thoại đắt tiền, ta dành thời gian dán kính, mua ốp, chọn đồ chính hãng, trong lúc đó, vì công việc, nhiều người chấp nhận làm thêm giờ và nghỉ ngơi trong chính những bữa tiệc vẫn liên quan đến công việc. Thành quả đạt được bởi đầu óc thiếu minh mẫn thường không ổn định. Bởi họ không thể mua bình an, sức khỏe hay những con người chân thành quan tâm đến họ.

Đừng cho rằng làm việc nhiều hơn sẽ mang lại kết quả tốt hơn, vì thực tế không như vậy.

Thứ bảy, không lên lịch cho các công việc quan trọng.

Chúng ta có xu hướng chọn làm việc dễ trước, khó sau. Việc quan trọng không phải lúc nào cũng khó, song đa số việc quan trọng bị trì hoãn thường trở nên khó khăn hơn ban đầu gấp nhiều lần. Điểm này tôi đã bàn trong phần trước của bài viết nên sẽ không nhắc lại.

image

Thứ tám, bối rối giữa bận rộn và năng suất.

Khi loay hoay giữa mớ công việc thì dường như ta tự biến mình thành người nội trợ tập sự, tất tả ngắm nghĩa, chọn lựa để rồi quyết định gọi thức ăn đến nhà cho đỡ mất thời gian. Công việc cần làm trong một ngày không nhiều đến mức chúng ta không thể có nổi khoảng không gian riêng cho bản thân nhưng bằng cách nhồi nhét cho đầy những khe hở nhỏ đó, ta tự làm khó cho mình.

Thứ chín, làm hài lòng mọi người.

Chấp nhận bỏ dở công việc của riêng mình để cố gắng gặp gỡ tất cả theo hướng ép bản thân tin mình đang cư xử lịch sự, là điều sai lầm. Bạn không nên lãng phí thời gian và sức lực, không những đối với các công việc vặt mà còn đối với những ai không thực sự thân thiết.

Thứ mười, hãy thực tế.

Chiến thắng bản thân là phần thưởng giá trị nhưng hiểu rõ và đồng hành cùng bản thân là phần thưởng vô giá. Hiểu rõ bản thân để đưa ra những mục tiêu vừa sức sẽ giúp bạn có đủ nghị lực để tập trung hoàn thành mơ ước của mình. Thay vì gắng sức ngày đêm để trở thành “ai đó” lấp lánh, chỉ cần làm tốt những việc bạn cần làm thì dù có không được dư luận biết đến cũng coi như sinh ra đã không uổng phí (cá nhân tôi tương đối thích quan điểm này).

Làm sao để tập trung tốt hơn ?

Sự tập trung sẽ giúp chúng ta học được cách quản lý thời gian.

Tập trung giống như nhân sâm mọc trên mặt đất, ngọc quý nằm ven đường hay sách quý được bày bán ở sạp báo gần nhà. Bởi nó rất gần song lại rất xa chúng ta, gần ở chỗ ta hay kêu ca thiếu nó nhưng lại xa ở chỗ ta không tin mình đang sở hữu nó. Chúng ta thường gặp phải những tình huống như: Có hàng tá công việc cả chính lẫn phụ cần làm trong một ngày; mang bộ mặt tươi cười khi dự tiệc tối trong lúc đầu óc đang hình dung bản báo cáo dang dở phải thức đêm để làm xong trước sáng mai; cố xử lý hết các công việc trong khi chuông điện thoại, hòm thư email đầy ắp, thông báo facebook nhấp nháy liên tục v.v… dần dần việc nọ đan xen việc kia khiến cho cơ thể đuối sức. Để chấm dứt tình trạng đó chúng ta cần biết cách tự lập bản danh sách công việc cần làm và hoàn thành nó đúng thời hạn bằng mọi giá. Nếu chưa biết sắp xếp để hoàn thành mọi thứ thì cần bắt đầu để hoàn thành trọn vẹn một thứ duy nhất. Quan trọng là phải bắt đầu ngay lập tức để tránh thói quen trì hoãn.

Chúng ta đã rất quen thuộc với câu nói “Thời gian trôi đi rất nhanh khi bạn cảm thấy vui vẻ”

Ngoài ra, bạn không nên quên trạng thái tập trung chỉ xuất hiện khi bạn thấy thứ khiến mình có mong muốn tập trung: Đam mê. Đam mê công việc giúp bạn thăng hoa khi làm việc và khiến cho tâm trí bạn tự giác được lấp đầy bằng chính đam mê ấy. Dù vậy, bạn cần phải học cách cân bằng đam mê công việc với gia đình, bạn bè và người thân. Bởi ai biết trước được khi điều bất hạnh xảy đến, đam mê sẽ nâng đỡ bạn hay những con người bạn yêu quý sẽ làm việc ấy ? Đó là câu hỏi không có đáp án trả lời duy nhất, vậy nên hãy trân trọng cả hai.

image

Thay cho lời kết

Đôi lúc ta cần tập trung đến mức quên đi tất cả để hoàn thành công việc ở trên mức tốt, đôi lúc lại cần biết đến ý nghĩa của sự dang dở. Tuy vậy, chỉ có làm việc hết sức bằng trái tim mới khiến cho con người ta khỏi cảm thấy hối tiếc. Tôi chia sẻ lại những điều tôi đã đọc theo quan điểm của tôi, song hãy nghĩ nó theo cách của các bạn. Miễn sao điều ấy có giá trị thiện ích. Thêm tài năng là thêm của cải còn thêm đạo đức là thêm con người.

Bên cạnh nội dung bổ ích gồm các bài phỏng vấn đặc biệt đến từ các chuyên gia tâm lý, diễn giả, cố vấn quản lý thời gian, Sách Real Focus còn cung cấp các bài tập trắc nghiệm có tính ứng dụng cao để giúp các bạn tự tìm ra hướng đi cho chính mình, làm chủ sự tập trung cũng như làm chủ vận mệnh trong tương lai.

Review chi tiết bởi Nguyễn Phú Hoàng Nam

Từ khóa: 

review sách

,

real focus

,

nguyễn phú hoàng nam

,

sách