[Sách] Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ: Những tiếng nói từng bị lãng quên

  1. Sách

"Không có tình yêu nào lớn hơn Tổ quốc...."
"Chúng tôi và Tổ quốc là một..."
https://cdn.noron.vn/2022/02/27/chientanhkhong-sachkhaitam-1645957758_1024.jpg

Chiến tranh là gì?

Tôi dám chắc rằng chẳng có ai trong chúng ta – tôi và các bạn – những con người lớn lên ở thời hòa bình này có thể cắt nghĩa được hết về hai cái từ đơn giản mà đau thương ấy, không ai có thể mường tượng hết được những đau khổ, những ẩn ức mãi không quên, những cơn ác mộng dài cả cuộc đời nằm trong hai cái từ tưởng đơn giản mà chẳng đơn giản ấy.

Sau chiến tranh còn lại gì? Chiến thắng. Người ta nhắc đến chiến tranh với nhiều tâm trạng khác nhau, nhưng không khi nào người ta nhắc đến chiến tranh mà quên nhắc đến chiến thắng. Bên thắng hay bên thua, kẻ dũng cảm hay hèn nhát, kẻ ủng hộ hay phản chiến, đều phải nhắc đến chiến thắng. Dường như đó là cặp đôi chẳng thể tách rời nhau, bởi chiến tranh để mà làm gì nếu như không có chiến thắng, bao giờ người ta cũng cần thắng nhau một cái gì đó, mưu cầu một cái trên cơ nào đó thì họ mới chiến đấu để giành giật nhau. Nhưng dù ai là người nhắc đến chiến tranh và chiến thắng đi nữa, thì đó dường như cũng luôn là câu chuyện của những người đàn ông. Chỉ có đàn ông ra chiến trường, chỉ có đàn ông mới chiến đấu, mới bắn giết nhau để giành giật, chỉ có đàn ông mới chịu đựng được cái khốc liệt của chiến tranh. Thật ư?

Nếu vậy thì ai sinh ra những người đàn ông để rồi gửi họ ra chiến trận? Nếu vậy thì ai gom góp lương thực và của cải để ủng hộ chiến trường dù họ đói khát đến tận cùng? Nếu vậy thì ai xông pha nơi chiến hào để cứu chữa cho những thương binh? Nếu vậy thì ai lo từng bữa ăn giấc ngủ cho chiến sĩ? Nếu vậy thì những cô gái mười sáu, mười bảy, mười tám, đôi mươi đã phải gác lại những ngây ngô hồn nhiên của mình, giấc mộng thời thiếu nữ của mình để trở thành những nữ du kích, những nữ cơ trưởng/phi công lái máy bay chiến đấu, những nữ xạ thủ bắn tỉa, những nữ công binh…? Là ai?

Người ta luôn nhớ đến chiến tranh như cuộc chiến chỉ của những người đàn ông. Tôi không biết tại sao. Có lẽ bởi định kiến nằm trong các nền văn hóa và truyền thống cho rằng chỉ có đàn ông mới là kẻ mạnh, kẻ hiếu chiến, kẻ đi săn bắn hái lượm và chiến đấu với nhau giành giật lãnh thổ? Hay có lẽ bởi họ cho rằng đàn ông họ tham vọng và hung hăng hơn đàn bà, sẵn sàng đánh giết nhau không khoan nhượng? Nhưng có một điều tôi hiểu, rằng chiến thắng được viết lại bởi những người đàn ông luôn đẹp đẽ, luôn cao cả, dù họ phải hi sinh biết bao nhiêu, dù họ từng giết chóc bao nhiêu, dù từng đau thương và khốc liệt bao nhiêu, nhưng sau hết, vẫn là vẻ đẹp cao cả của chiến thắng, không có chỗ cho sự ủy mị và những cảm xúc đàn bà, họ bảo thế. Nhưng, chính những thứ mà họ coi là “ủy mị và đàn bà” ấy mới chính là những cảm xúc chân thật nhất, những hình ảnh sống động và thật nhất trong chiến tranh, mới khiến ta thấy chiến tranh gần hơn chứ không phải là một câu chuyện bi kịch xa lạ nào đó.

“Bởi vì phụ nữ ban sự sống cho nên họ mới có nhiều xúc cảm đến thế về chiến tranh”

Trong hơn 400 trang sách, Svetlana Alexievich – nhà văn đoạt giải Nobel Văn chương 2015 – đã đưa cho chúng ta những tư liệu sống động và chân thực nhất về cuộc chiến tranh giữa Hồng quân Liên Xô và Phát xít Đức trong Thế chiến II. Hai mươi lăm năm đi dọc đất nước, lắng nghe những câu chuyện, truy tìm đến tận cùng sự thật, cùng khóc, cùng cười, Svetlana đã phơi bày trước mắt chúng ta một cuộc chiến tàn nhẫn, khốc liệt, một sự “tàn nhẫn” không do dự chút nào đánh thẳng vào con tim và khối óc của chúng ta, khiến nó chấn động và thất kinh. Đằng sau chiến thắng vĩ đại và cao cả là gì? Đằng sau những con người đã sống và đã chết cho lý tưởng của mình là gì? Là những cô gái còn đương cái tuổi vô tư trong sáng đã phải tự tay giết một con người. Là những cô gái ấy mới chớm đôi mươi mà tóc đã bạc. Là những cô gái ấy đã không còn khóc được trước những xác người chất chồng. Là những gái ấy sau tất cả những đau thương phải chứng kiến, vẫn lặng lẽ khóc về đêm, lặng lẽ đau đớn, lặng lẽ ám ảnh. Và là những cô gái ấy đã phải mang những di chứng của chiến tranh cả cuộc đời mình.

Đột nhiên tôi cảm thấy một nỗi niềm xấu hổ sâu sắc khi nghĩ đến mình đã từng ủng hộ chiến tranh để dẹp bỏ những kẻ lăm le muốn xâm chiếm đất nước mình. Không. Không một ai muốn chiến tranh nổ ra. Không một ai muốn quần áo mình nhuốm màu máu tanh, những con sông con suối hiền hòa của đất nước mình đỏ màu máu, đất đai của mình là máu xương của những người con của nó. Không ai muốn thế cả. Chiến tranh quá tàn ác, quá khốc liệt để có thể xảy ra lần nữa. Tôi không nghĩ mình có thể sống qua nổi một hay những cuộc chiến như thế. Tôi không hiểu được lý tưởng đó mạnh mẽ đến mức nào để người ta không sợ cái chết, không sợ chia ly, mà dấn thân. Tôi không hiểu được tình yêu Tổ quốc mãnh liệt và lòng căm thù rực cháy đến mức ấy. Và trên hết, tôi không hiểu được vì sao những con người tốt đẹp và hòa bình dường ấy lại trở thành những con thú hoang tàn độc và hung ác nhất như vậy. Cứ như thể, người ta chẳng còn là người trong chiến tranh, chiến tranh xẻ nát không chỉ thân thể con người mà còn là trái tim, là tâm hồn. Trong mắt những người lính Xô Viết, những tên phát xít Đức không còn là con người nữa, mà đó giống như một thứ súc vật, một thứ giống loài hạ đẳng đã đám đến đánh chiếm đất đai của họ, giết chết gia đình, cha mẹ, anh chị xem, đốt phá xóm làng, quê hương họ, cho nên họ chiến đấu, dù đến hơi thở cuối cùng. Nhưng đâu đó trong chính những người lính Xô Viết ấy, dường như cái bản năng khác phần người của họ cũng đã từ từ trỗi dậy khi họ ra tay giết chóc những con người khác – cho dù đó là kẻ thù của mình. Tôi lại đột nhiên cảm thấy thật mâu thuẫn về con người, dường như vì lẽ đó mà người ta gọi chúng ta là con – người, là con và người, là hai phần bản năng và lý trí dung hòa với nhau, chứ không phải chỉ có người không, dường như đâu đó trong chúng ta, cái phần bản năng đó chẳng thể nào mất đi mà nó chỉ nằm đâu đó và chờ được trỗi dậy. Trong chiến tranh, ranh giữa giữa thiện – ác bị xóa nhòa. Nhưng ta nào có thể phán xét những cuộc chiến ấy, những con người ấy, thật khó để tốt đẹp với kẻ đã chà đạp đất đai quê hương mình, chà đạp gia đình và đồng bào mình, thật khó biết bao nhiêu.

Hãy thử một lần nhìn chiến tranh qua con mắt đầy xúc cảm của những người phụ nữ. Bởi không một nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau một người mẹ phải đón di cốt của con mình. Nhưng họ vẫn chấp nhận gửi con cái mình ra chiến trường, những chàng trai và những cô gái – máu thịt của những người mẹ, họ hi sinh tất cả cho Tổ quốc thân yêu của họ, tiền bạc, tài sản, sức lực và những đứa con. Họ yêu những người lính như chính những đứa con của mình, một bà mẹ khi ôm xác đứa con đã khóc không chỉ cho đứa con ấy, mà bà đã khóc cho cả những người đồng đội đã hi sinh cùng con mình – khóc thay cho những bà mẹ khác đã không được ôm con mình lần cuối mà khóc, làm sao còn có được một thứ tình yêu vĩ đại hơn thế, thiêng liêng hơn thế. Và ở chiến trường, họ sát cánh chiến đấu bên những người đàn ông, là những người lính thực thụ, thậm chí còn xuất sắc hơn cả những người đàn ông, những người lính xuất sắc, những người chỉ huy xuất sắc. Họ, chính họ, cũng đã đổ xương máu để gìn giữ quê hương. Nhưng cũng chính họ, đã phải im lặng suốt bao nhiêu năm, với những nỗi ám ảnh vẫn dằn vặt, họ không được nói, như những người đàn ông, vì không ai muốn nghe một cuộc chiến tranh theo kiểu “đàn bà” mà họ chỉ muốn nghe về chiến thắng.

Hãy thử một lần nhìn chiến tranh qua con mắt của những người phụ nữ. Bởi chính những điều nữ tính, đàn bà của họ mà cuộc chiến ấy vừa nhuốm sắc màu tột cùng của đau thương nhưng lại cũng tràn trề những hi vọng, những niềm tin vào chiến thắng.

Họ đã sống như thế. Họ đã tin tưởng như thế. Họ đã chiến đấu như thế. Để rồi nhận lại là sự lãng quên của người đời, sự ghẻ lạnh của xã hội. Những người đàn ông không muốn lấy những cô gái từ chiến trường trở về, những bà mẹ không muốn con trai mình lấy những cô gái ấy, dù họ là những người anh hùng, những con người đã dâng cả tuổi trẻ, khát vọng, ước mơ và xương máu của mình cho Tổ quốc, cho đất mẹ, cho xóm làng, quê hương của chính những con người đang hắt hủi họ. Chiến tranh không bỏ qua họ, nhưng lịch sử đã bỏ quên mất một nửa câu chuyện của nó.

Đọc về chiến tranh qua con mắt của những người phụ nữ cho ta những cái nhìn nhân bản nhất về chiến tranh, từng câu từng chữ đều chân thật, đều sống động trước mắt ta như thể chính ta mới là người đang tham gia vào cuộc chiến ấy. Hóa ra, chiến tranh chẳng phải thứ gì đó vĩ đại hay vĩ cuồng như ta từng tưởng, nó đơn giản là một sự hi sinh vô điều kiện cho Tổ quốc của mình, nhưng đằng sau đó là những cái chết – mỗi ngày đều phải chứng kiến người ta chết trước mắt mình, đó là những nỗi đau – mỗi khi nhận tin báo rằng quân địch đã bắt giam người thân của mình, rằng mẹ cha mình đã không còn, chồng con mình cũng không còn, đó là những nỗi đau thể xác – những cô gái ba năm trời không có kinh nguyệt. Chiến tranh hóa ra chẳng phải vì lý tưởng gì, chẳng có gì chính nghĩa nằm trong các cuộc chiến, mà nó đơn giản đều là sự vị kỉ của con người và những toan tính quyền lực đã đẩy những con người vô tội, bình thường trở thành kẻ giết chóc, khiến nhân dân lầm than.

Ở phần đầu cuốn sách, Svetlana Alexievich có viết:

“Phải viết một cuốn sách về chiến tranh sao cho người đọc đến buồn nôn sâu sắc vì nó, cho họ thấy chỉ ý tưởng về chiến tranh thôi đã là bỉ ổi. Tâm thần.”

Và bà đã làm điều đó rất tốt, còn hơn cả tốt. Cả tác phẩm là một cuốn từ điển về chiến tranh, một cuốn từ điểm xúc cảm, trần trụi, bóc trần đến tận cùng cái ghê tởm của chiến tranh. Ghê tởm từ chính những tư tưởng nảy sinh ra nó.

“Ở đấy, ta không thấy anh hùng cũng chẳng thấy chiến công không tưởng tượng nổi, mà chỉ đơn giản có những cá nhân bị cuốn vào một công việc phi nhân của nhân loại. Và trong ấy, không chỉ có họ (con người!) phải chịu đau đớn vì chiến tranh: cùng với con người là đất đai, chim chóc, cây cỏ. Toàn bộ thiên nhiên. Chúng chịu đau đớn mà chẳng nói được một lời, thế càng kinh khủng hơn… Thậm chí một sai lầm lớn. Còn có một cuộc chiến tranh khác mà chúng ta không biết.”

Đôi nét về tác giả:

Svetlana Alexievich (31/5/1948) là một nhà báo điều tra và nhà văn thể loại văn xuôi hiện thực. Bà là người Belarus nhưng viết báo viết văn bằng tiếng Nga. Năm 2015, bà được trao giải Nobel Văn học vì văn của bà tạo nên “tượng đài tưởng niệm sự thống khổ và lòng dũng cảm trong thời đại của chúng ta”.

Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ xuất bản lần đầu tại Nga năm 1983. Những năm cuối của thập niên 1980, nhà văn Nguyên Ngọc đã dịch và cuốn sách được xuất bản ở Việt Nam. Tới năm 2013, Svetlana Alexievich đã viết lại hoàn toàn cuốn sách.

Ngay khi tác giả Svetlana Alexievich lọt vào short list Nobel 2015, công ty sách Tao Đàn đã tiến hành mua bản quyền. Sách sau đó được Nguyên Ngọc dịch mới hoàn toàn so với bản trước đó.

Từ khóa: 

chiến tranh

,

phản chiến

,

nobel văn chương

,

svetlana alexievich

,

sách

Rất ám ảnh mọi người ơi! Đây là một câu chuyện kể về chiến tranh tàn khốc và đầy ác liệt qua lời kể của những người phụ nữ Liên Xô, Những người cũng đã từng tham gia chiến tranh mặc cho họ có là đàn bà phụ nữ. Nỗi ám ảnh tàn dư sau cuộc chiến tranh ghê gớm ấy khiến người đọc phải rùng mình, sợ hãi đến ám ảnh. Chắc những bạn nào mà nhát hay nhạy cảm quá đọc cuốn sách này sẽ thấy rất sợ và mình cũng vậy. Tuy vậy nhưng đó mới là hiện thực của cuộc sống quang ta, có những cuốn sách như vạy chúng ta mới có thể hình dung hoàn cảnh thế giới vào hàng ngàn thế kỉ trước để trân quí hơn hiện tại mà mình đang sở hữu. Chiến tranh dù đứng ở góc độ nào cũng là 1 điều phi nghĩa

Trả lời

Rất ám ảnh mọi người ơi! Đây là một câu chuyện kể về chiến tranh tàn khốc và đầy ác liệt qua lời kể của những người phụ nữ Liên Xô, Những người cũng đã từng tham gia chiến tranh mặc cho họ có là đàn bà phụ nữ. Nỗi ám ảnh tàn dư sau cuộc chiến tranh ghê gớm ấy khiến người đọc phải rùng mình, sợ hãi đến ám ảnh. Chắc những bạn nào mà nhát hay nhạy cảm quá đọc cuốn sách này sẽ thấy rất sợ và mình cũng vậy. Tuy vậy nhưng đó mới là hiện thực của cuộc sống quang ta, có những cuốn sách như vạy chúng ta mới có thể hình dung hoàn cảnh thế giới vào hàng ngàn thế kỉ trước để trân quí hơn hiện tại mà mình đang sở hữu. Chiến tranh dù đứng ở góc độ nào cũng là 1 điều phi nghĩa

Mong được đọc nhiều hơn nữa những tác phẩm của Svetlana Alexievich được dịch ở Việt Nam.

Cuốn sách quá hay bởi sự chân thực, dung dị và cảm xúc kìm nén. Sách tư liệu phải như thế này mới hay. Cảm ơn nhà văn Nguyên Ngọc đã dịch và nhà xuất bản đã cho ra cuốn sách tuyệt vời. Đọc nhiều trang muốn khóc. Tác giả xứng đáng được giải Nô ben.